Kể chuyện đường xa: Lang bang thế giới âm nhạc (4)

23 Tháng Mười Hai, 2014 | Mỹ châu

Nguyễn Hồng Anh

 

 

Ngọc Hà, giọng ca của sân khấu nhạc giao hưởng, trong ca khúc Everybody Wanna Go Away (Tình Có Lúc Xa) với tiếng đàn tây ban cầm Cao Vinh Quang

 

Tuần qua, sau khi đọc bài nhận xét của trưởng ban tổ chức kiêm MC Phiến Đan về các ca sĩ, tôi lại lên mạng tìm địa chỉ freevn.net để nghe lại chương trình Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh – Tình Ca Hát Cho Việt Nam đã được ông Bùi Bỉnh Bân, cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt tại Nam California, thực hiện và đưa lên internet. Âm thanh và hình ảnh rõ ràng như phần lớn các thân hữu của tôi ở Melbourne nhận xét. Thu gián tiếp trong một hội trường dùng để họp hành mà được như vậy là không thể đòi hỏi gì hơn.

 

Tôi phải cám ơn trên 10 giọng ca đã giúp tôi trình diễn khoảng 20 ca khúc của mình trên sân khấu. Họ là những ca sĩ chuyên nghiệp như  Ngọc Hà thường xuất hiện  với các dàn giao hưởng quốc tế trên các sân khấu  lớn  ở nước Ukraine hay trong những chương trình của nhạc trưởng Lê Văn Khoa.  Ngọc Hà ban đầu chọn hát  hai ca khúc của tôi là Come To Me Baby For The Last Time (Hãy Đến Với Anh lần Cuối) và Every Body Wanna Go Away (Tình Có Lúc Xa) nhưng sau đó vì chương trình đã quá dài và vì nhận lời hơi trễ  nên chị chỉ chọn bài hát sau.

 

Trong lúc có ca sĩ nhận lời một hai tháng trước, ca sĩ Nguyễn Hoan  (nghe nói là thí sinh V-Star?) được mời hát một ngày trước mà thôi để thay thế người bị cúm và ho nặng vào ngày chót là ca sĩ Nguyên Phong. Chính tôi vì gặp khí hậu nam California  thay đổi do cơn gió ở sa mạc thổi xuống nên khi lên các talk show đã có lúc không kềm cơn ho rũ rượi và tình trạng đó kéo dài đến ngày trình diễn khiến ban tổ chức lo lắng, mang đủ loại nước cho tôi uống, nhưng may tôi không ho khi đang hát. Hú hồn!

 

Trần Ngọc (trái) và Nguyễn Hoan là hai giọng ca trẻ đầy triển vọng của nam California

 

Trưởng ban tổ chức  Phiến Đan khi mời ca sĩ hát, dù hát thiện nguyện, cũng yêu cầu phải thuộc bài, không cầm giấy để chứng tỏ chương trình tuy vào cửa tự do nhưng là một chương trình có giá trị, chuyên nghiệp và có tính nghệ thuật cao. Vì thế đã có ca sĩ tính rút lui bởi cho rằng không thể thuộc bài nên trưởng ban đã chấp nhận du di để ca sĩ được liếc mắt vào giấy khi cần.

 

Cá nhân tôi là người viết  ca khúc và  dù đã bỏ ra gần ba tháng để học thuộc lòng chừng mười bài của chính mình để trình diễn nhưng khi lên phòng thu âm của các đài hay sân khấu lại không nhớ hết, nên chỉ còn đủ sức hát dăm bài mà thôi. Tôi nghĩ Phiến Đan đã làm đúng vì  nếu đã gọi là trình diễn, trình diễn trước công chúng, thì ca sĩ cần phải thuộc bài.

 

Hương Thơ, từng xuất hiện trên sân khấu Melbourne

 

Vậy mà đã không có ai lấy làm phiền để rút lui vào phút chót.  Hương Thơ, một ca sĩ chuyên nghiệp của sân khấu Quận Cam và cũng từng qua Úc trình diễn đã phải cố gắng lắm để học thuộc bài Boat People Dance bằng hai thứ tiếng. Cô  là một trong vài ca sĩ đã liếc mắt vào tờ giấy để trên giá nhạc nhưng có thể khán giả không chú ý  nhờ ca khúc này quá rộn ràng và sôi động với điệu nhạc cha cha cha và tiếng hát có lúc như tiếng gào thét của sấm sét trên con sóng dữ. Điệu Vũ Thuyền Nhân là một ca khúc được một số người nghe cho là có ca từ lạ với lối tả chân ít thấy trong âm nhạc Việt Nam nên đã từng được Hội Văn Khố Thuyền Nhân xin tôi để được trình diễn trong một buổi gây quỹ tại thành phố Melbourne cách đây vài tháng.

 

Có những người yêu mến nhạc của tôi đến độ hát hai ba bài như Kim Yến hay vợ chồng Ngọc Diệp – Mạnh Hùng.  Kim Yến là giọng ca quen thuộc của sân khấu nghệ thuật Viện Việt Học.  Vài giờ sau buổi trình diễn ở hội trường Việt Báo, đang lúc chiêu đãi cơm tối các ca nhạc sĩ ở nhà hàng thì Viện Việt Học cũng đang tổ chức chương trình nhạc có tên “Bạn Mới Giọng Hát Mới” mà dàn ca sĩ phần lớn trong ban hợp xướng Ngàn Khơi. Ban tổ chức mời tôi đến nghe hai ca sĩ của nhóm chúng tôi góp tiếng hát qua hai ca khúc Dư Hương (bởi Nguyễn Hoan) và Ai Ra Xứ Người  (bởi Bùi Khanh).

 

Tôi đã được trưởng trung tâm là cô Kim Ngân mời lên sân khấu có đôi lời với khán thính giả và sau đó cô ân cần giới thiệu những ý tứ  của ca từ và xem ra cô tâm đắc khi trích dẫn một đoạn của ca khúc Ai Ra Xứ Người…“Đường đến Sydney, Paris, Cali vẫn còn gần, đường về quê tôi sao còn xa quá xa, đường vòng địa cầu chục ngàn dặm chẳng là bao, đường trở lại còn đó giấc chiêm bao”. Thế là trong một ngày, nhạc của tôi được trình diễn  trên hai sân khấu nghệ thuật của Quận Cam.

 

Mẹ hát con rể Huy Cường đánh đàn: Kim Yến với Đêm Đại Dương, ca khúc điệu rumba đứng top trên YouTube của Nguyễn Hồng Anh

 

Trước khi bay sang Mỹ, Kim Yến liên lạc với tôi và cho biết bài nào của tôi Kim Yến cũng thích hát, nhưng cuối cùng chọn hai bài Đêm Đại Dương và Đường Về Quê. Kim Yến đã có cháu ngoại rồi nhưng vẫn trẻ trung và rất văn nghệ, lại được chồng là anh Trần Kiệt hỗ trợ hết mình, đưa đón và chụp hình. Đây là gia đình văn nghệ, con gái Kim Yến đi hát vào cuối tuần và con rể Huy Cường là tay chơi keyboard chuyên nghiệp.  Chỉ được thay thế vài ngày trước  buổi trình diễn của chúng tôi nhưng Huy Cường tập rất nhanh và cung cấp dàn âm thanh rất tốt cho buổi trình diễn.  Kim Yến còn đề nghị giúp tôi tổ chức thêm một buổi văn nghệ tại Viện Việt Học vì cô có số khán thính giả quen thuộc.

 

Trước khi qua Mỹ, tôi nói với em gái Bích Hà của tôi và hai người bạn Phiến Đan và Trịnh Kim Dung hãy tổ chức cho tôi nhiều buổi trình diễn càng tốt, hàng ngày cũng được và nếu chỉ có một hai chục người nghe tôi cũng sẵn sàng bởi ngày trước tôi từng ôm đàn chơi ở ngoài đường phố Melbourne! Nhưng sau buổi diễn ở hội trường Việt Báo, tôi cảm thấy tạm đủ. Vả lại tôi muốn dành tuần còn lại để thăm thân nhân và bạn bè.

 

Cũng xin mở ngoặc, sau buổi trình diễn được hầu hết những người quen biết cho là rất thành công, trưởng ban tổ chức Phiến Đan đề nghị tôi “thừa thắng xông lên” thuê một chiếc xe bus kéo nhau lên thành phố San Jose ở bắc California làm một show vào tuần sau bởi đã có sẵn dàn ca sĩ, nhạc sĩ, chỉ cần quảng cáo mà thôi. Phiến Đan tin rằng qua sự quen biết của cô với cộng đồng San Jose, thì dù chỉ vài ngày cũng có thể thực hiện một chương trình văn nghệ có vài trăm người đi xem. Một số anh chị em nghệ sĩ nghe vậy lấy làm thích thú muốn đi, nhưng có người nói đi bất ngờ như thế không có thì giờ chuẩn bị hay không thể bỏ công việc được. Thế là “bầu sô” Phiến Đan hẹn với các ca sĩ thân hữu vào một dịp khác. Dịp đó ở đâu và lúc nào thì cũng chưa biết đối với nhóm “Thân hữu dòng nhạc NHA” như  các ca sĩ gọi.

 

Ngọc Diệp và Mạnh Hùng là đôi uyên ương được yêu chuộng của các sân khấu Quận Cam. Hai ca sĩ này là người hát nhiều ca khúc của tôi nhất trong chương trình. Họ chọn hát song ca những ca khúc khó hát nhưng lại được thính giả của tôi thích, đó là Giấc Mơ Bên Sông và Xuân Ly. Nhìn cặp vợ chồng này hát làm tôi nhớ cặp Lê Uyên Phương. Ngọc Diệp còn trình bày hai ca khúc Sao Ta Còn Ngồi Đây (song ngữ) và Mưa Đầu Mùa. 

 

 

Đôi uyên ương Ngọc Diệp – Mạnh Hùng song ca bài Xuân Ly

 

Mưa Đầu Mùa là một trong những ca khúc tôi viết đầu tiên vào năm 1976 và lúc đó trong một bữa cơm với nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, tôi hát cho anh nghe. Nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu nói anh ngạc nhiên vì tôi tốt nghiệp ngành kinh doanh, dạy võ và thể dục thể thao mà lại viết nhạc. Anh khuyên tôi nếu có hứng thì cứ viết dù tôi không được học nhạc chính thức hay được ai chỉ vẽ.

 

Bài Mưa Đầu Mùa được anh em gia đình tôi cũng như các bạn thân ở Việt Nam thường hát chung, hay song ca khi tụ họp (chúng tôi hát điệu slow nhưng trong CD nhạc sĩ hòa âm với điệu surf cho hợp thời đại). Em gái một người bạn đồng môn có giọng hát rất hay khi qua Úc du lịch, được tôi đưa đi chơi, ngồi trên xe nhắc lại kỷ niệm cũ và cất lời “Trời đang vào hạ từng cơn mưa buồn mây mù giăng kín trời rụng rơi lá cuối sân…” và hỏi tôi còn nhớ không vì tôi đã từng song ca với cô. Nhưng cô bạn có thể đã “thất vọng” khi  thấy tôi có vẻ “thờ ơ” với ca khúc của mình  khiến nhà tôi phải nhíu mày.  Tôi nghĩ đó là “tai nạn” trong giao tế nhưng thật ra cách đây 7, 8  năm hầu như tôi không mấy hứng thú với chuyện văn nghệ, ca hát. 

 

Tôi còn nhớ năm 2008 khi ghé thành phố Boston ở Mỹ để thăm bà con, chồng của chị họ tôi là họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, một người có sáng tác mấy chục ca khúc và đã đưa lên YouTube, mời bạn bè của anh đến ăn cơm và giới thiệu tôi với các văn hữu là những nhà thơ, nhà văn có tác phẩm và cũng là những người ca hát hay. Nhưng tôi là người duy nhất không góp tiếng hát trong bàn rượu.

Bây giờ thì khác rồi. Tôi đã yêu âm nhạc trở lại. Tiếp tục sáng tác. Bỏ nhiều thì giờ để tập hát, học bài và bay qua tận Mỹ trong 3 tuần lễ để tổ chức một buổi văn nghệ nay được bạn bè thương mến gọi là “mang chuông đi đánh xứ người”.

 

Trong những ca sĩ hát cho tôi với tinh thần thân hữu, có Bùi Khanh là một giọng ca trung niên rất ấm.  Hai ca khúc anh trình bày, một là điệu nhạc twist vui nhộn (Của Hồi Môn) và bài kia giai điệu buồn vời vợi rồi chuyển sang thôi thúc (Ai ra Xứ Người). Có lẽ Bùi Khanh là một trong những ca sĩ tỏ ra yêu thích nhạc tôi bằng cách viết ra nhiều nhận xét về các ca khúc của tôi trong thời gian thư từ qua lại giữa các ca sĩ, ban tổ chức và tôi. Về hình thức thì Bùi Khanh cho rằng tôi là người quá may mắn, được giới truyền thông Quận Cam ưu ái bởi chẳng có mấy ai được quảng cáo hàng ngày, nhiều lần và được mời lên đài nói chuyện với số lần nhiều như thế trước buổi trình diễn. Anh cũng là người thích những ca khúc có giai điệu blues của tôi  và đã viết cho bạn bè văn nghệ của anh với nhận xét như  “Đắm chìm với âm nhạc của NS Nguyễn Hồng Anh trong vài tuần lễ nay, tôi nhận ra góc nhìn của anh thật đặc biệt qua những bài như  Như Người Việt Nam, God Has To Know, Điệu Vũ Thuyền Nhân, It Est Temps De Partir… Đó là những bài làm nên signature cho NHA, là cõi rất riêng của NHA mà không ai khác có thể chen vào được”.

 

Cùng ngày, trưởng trung tâm Viện Việt Học Kim Ngân mời Nguyễn Hồng Anh có đôi lời với khán thính giả đêm nhạc Bạn Mới Giọng Hát Mới

 

Trần Ngọc là giọng ca trẻ, xuất hiện nhiều trên các sân khấu địa phương và các sàn diễn của nhà thờ đã mở đầu chương  trình với ca khúc Như Người Việt Nam với giọng ca  chắc đã từng qua các lớp thanh nhạc nên hát rất vững vàng làm cho hội trường trầm xuống khi chấm dứt với những nốt cao vút “Sống là người Việt Nam! Chết là người Việt Nam!”

 

Tôi không thể không nhắc  đến một người đóng góp rất nhiều cho chương trình văn nghệ đó là nhạc sĩ Cao Vinh Quang, một người mới qua Mỹ 6 tháng theo diện đoàn tụ, được nhạc sĩ  Võ Tá Hân  giới thiệu với Phiến Đan rằng anh là một tay guitar giỏi trong làng nhạc ở Việt Nam.   Quang  là người chơi tây ban cầm mà chỉ dạo một hai bản cho các ca sĩ tập dợt lần đầu, đã làm  tôi thích ngay.  Nói mê thì đúng hơn.  Bởi vậy, ca sĩ Kim Thoa khi trình diễn bài Thiền Sư Xuống Núi đã yêu cầu chỉ cần cây guitar của anh mà thôi. Anh chơi không những điêu luyện mà chơi rất tận tình khiến tất cả mọi người đều yêu mến anh, nên mỗi khi có dịp gặp nhau, các ca sĩ đều muốn có Cao Vinh Quang.  Cũng như người nhạc sĩ đã hòa âm phần lớn các ca khúc trong 3 CD nhận xét về nhạc của tôi , Cao Vinh Quang không những chơi hay mà anh còn nói là anh thích nhạc của tôi vì nhạc của tôi “rất hay”.

 

Thế là từ ca sĩ đến nhạc sĩ đều yêu mến nhạc tôi nên họ đã để hết lòng mình vào các ca khúc khi biểu diễn.  Tôi đã mường tượng được sự thành công dù trong hai buổi tập dợt có ca sĩ  chỉ được hát một lần.

 

Trở về Melbourne được gần 2 tuần lễ, tôi đã nhận được email của một số khán thính giả chiều nhạc Tình Ca hát Cho Việt Nam do ban tổ chức chuyển lại. Không kể các ca sĩ, có gần 10 người xin tôi gởi cho họ một số bản nhạc ghi lời và nốt (music sheet) để họ có thể tập và hát trong vòng thân hữu.

 

Bùi Khanh trong ca khúc Ai Ra Xứ Người

 

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ thời tôi được sống không khí văn nghệ trong vai trò của người tổ chức hay của một người trình diễn. Đầu thập niên 1970 tôi thường tham gia trong sinh hoạt văn nghệ của sinh viên Viện Đại học Đà Lạt trong vai trò của một “ông bầu”, dù đó là một buổi văn nghệ trên sân khấu, ngoài trời, “quán nhạc một đêm” hay một buổi khiêu vũ. Ở trại tị nạn Galang, tôi vừa đóng vai trò “ông bầu” tổ chức ca hát vừa  làm MC kiêm ca sĩ. Đến Úc tôi vẫn tiếp tục làm văn nghệ từ thành phố Adelaide cho đến Melbourne, cũng trong vai  trò trưởng ban tổ chức văn nghệ và hát.

 

Một vài phóng viên của báo chí Việt ngữ ở Sydney và Melbourne vào đầu thập niên 1980 khi tường trình về các buổi văn nghệ cộng đồng thường gọi tôi là “ca sĩ Hồng Anh”.  Ban biên tập của báo Việt Nam Ngày Mai (tiền thân của báo Nhân Quyền) trong ngày tôi lấy vợ đã đăng lời chúc mừng trên báo gọi tôi là “Nhạc sĩ Hồng Anh”.

 

Tuần qua, đi ăn trưa ngoài phố Richmond,  tiếp viên và chủ một quán ăn nói tưởng tôi chỉ là nhà báo nhưng không ngờ lại còn là một nhạc sĩ viết nhiều ca khúc. Họ tỏ ra ngạc nhiên và thú vị về sự kiện này.  Một người nói mai mốt khi tổ chức văn nghệ nhớ tặng cho họ vé đi xem. Tôi cũng đang nghĩ đến điều đó –một chương trình ca nhạc có thể như Tình Ca Hát Cho Việt Nam ở nam California, nhưng chưa biết sẽ diễn ra lúc nào tại Úc.  Một cộng tác viên của TiVi Tuần-san ở tận Canberra sau khi  xem một số video trên mạng, đã viết email chung vui với tôi và “hy vọng anh sẽ cho đấm thêm chuông ở xứ… mình”.

 

Trong mục kể chuyện đường xa chuyến Mỹ du này, tôi đóng vai một nghệ sĩ lưu diễn và một nhà báo  nên sẽ có nhiều chuyện hầu bạn đọc.

 

Melbourne 29.11.2014

(Trích báo in TVTS số 1497 phát hành ngày 3.12.2014

 

* * *

 

Bài của một khán thính giả gởi cho người viết ca khúc:

 

 

CHIỀU NHẠC NGUYỄN-HỒNG-ANH  ( HNC Nguyễn-Ngọc-Tuấn ghi vội)

 

Trưa thứ bảy, 8 tháng 11 năm 2014, tôi và một số bạn thân đã đến Hội Trường Việt Báo trên đường Moran, Westminster để tham dự buổi “Chiều Nhạc Nguyễn-Hồng-Anh”. Nhạc Sỹ Nguyễn Hồng Anh từ Úc Châu sang Hoa Kỳ để trình diễn những dòng nhạc của anh.

 

Anh vượt thóat khỏi Việt Nam bằng ghe sau năm 1975 và đã đến được trại Tỵ Nạn Galang, Indonesia. Tại trại Tỵ Nạn, có lẽ nhìn thấy những nét mệt mỏi, đau buồn hằn trên khuôn mặt người Việt Nam phải lìa bỏ quê hương, bằng mọi cách, dù có chết trên biển Đông, dù có bị đói khát, xa người thân yêu, cũng ra đi để tìm tự do, thoát khỏi ngục tù của Cộng Sản Việt Nam, NS Nguyễn-Hồng-Anh đã sáng tác rất nhiều và rất đa dạng, nhạc yêu quê hương, yêu đất nước.

 

Những nhạc phẩm trữ tình của anh thật dạt dào mang đầy tính chất ngọt ngào cho quê hương như  “Tình Ca cho Việt Nam”, lãng mạn của tình yêu đôi lứa như “Tình Mê” trong những giai điệu là lạ của êm ái và sôi nổi pha trộn.

 

 

Trịnh Kim Dung (áo dài tím). Hình: Nguyễn Ngọc Tuấn

 

Chương trình do một cựu nữ sinh Trưng Vương ngày xưa là cô Trịnh Kim Dung, cùng với chị Bích Hà và chị Phiến Đan tổ chức. Cũng nhờ cô Kim Dung mà nhóm cựu Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia của chúng tôi mới biết đến chương trình nhạc này. Chị Phiến Đan làm MC cho chương trình.

 

Trước 1 giờ trưa mà trong phòng Hội Trường đã không còn ghế ngồi. Nhóm cựu Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia đến đúng giờ khai mạc nhưng đành phải ngồi phía cuối phòng. MC Phiến Đan điều hợp chương trình rất ngắn gọn. Cô Kim Dung lo việc tiếp đón khách tham dự và điều khiển tổng qúat chương trình.

 

Nhạc Sỹ Nguyễn Hông Anh hình như không nói nhiều. Anh chỉ gật đầu chào tôi khi tôi bắt tay anh. Qua lần gặp gỡ đầu tiên và ngắn ngủi, tôi có cảm tưởng NS Nguyễn Hồng Anh là một người chất phác và cởi mở. Tóc anh để bạc, không nhuộm, không mầu mè, không điệu bộ.

 

Chương trình trình diễn nhạc được chính NS Nguyễn Hồng Anh cùng những nam nữ Ca Sỹ: Trần Ngọc, Mạnh Hùng, Ngọc Diệp, Ngọc Hà, Hương Thơ, Vân Phương, Kim Thoa, Kim Yến, Mỹ Dung, Nguyễn Huân và Nguyên Phong trình bày. Trong những bài nhạc, phải công nhận là bài nào cũng hay. Hay vì nhạc có tình yêu quê hương nhưng lại khéo léo lồng trong tình yêu nam nữ, nhớ nhớ thương thương. Những nhạc phẩm làm tôi nhớ nhất, mà có lẽ có thể nói là hay nhất đối với tôi là “Thiền Sư xuống núi’ –  “Thiền Sư Lên núi” và bài hợp ca sau cùng “Dòng máu Việt Nam”.

 

Bên ngoài Hội Trường, CD nhạc của NS Nguyễn Hồng Anh được bày biện đẹp mắt trên bàn, để làm quà tặng cho tất cả quan khách đã đến tham dự buổi “Chiều Nhạc Nguyễn Hồng Anh”, November 8, 2014, một chương trình nhạc thật nhiều ý nghĩa.

 

K3 Nguyễn NgọcTuấn (HNC 59-66)

 

 

 

Thư hồi âm:

 

Kính anh Nguyễn Ngọc Tuấn,

 

Cám ơn anh đã đến dự, nhận CD và  viết bài nhận xét.  Rất tiếc hôm đó tôi đã không có thì giờ và dịp để nói chuyện với anh.

 

Chúng tôi thu được $756 Mỹ kim  donation và đã gởi về cho những người đấu tranh cho dân chủ,  và chúng tôi đã nhận được biên lai.

 

Tôi sẽ đăng bài viết của anh trên báo giấy TVTS tuần tới

 

Chúc anh và gia đình một Noel vui tươi, Năm Mới mạnh khỏe hạnh phúc.

 

Kính,

 

Nguyễn Hồng Anh