Đem chuông đi đánh xứ người?

28 Tháng Mười, 2014 | Mỹ châu

 

Duy Thiên

 

 

Nhà báo Nguyễn Hồng Anh, Melbourne Noel 2012

 

Hôm nay, khi báo TVTS đến tay bạn đọc là lúc chủ bút Nguyễn Hồng Anh (NHA) đã lên đường sang Mỹ để giới thiệu các ca khúc của ông với người Việt ở Quận Cam, tiểu bang California.

 

Nhà  phê bình âm nhạc Hoài Nam trong một bài trên báo này cách đây hơn một năm viết rằng NHA đã không còn đàn ca kể từ  khi đăng bạ và chuẩn bị ra tờ TiVi Tuần-san vào cuối năm 1985 “bởi chỉ lo làm ăn”, nhưng gần 30 năm sau, bỗng dưng “chàng” ca hát trở lại và hỏi ra mới biết tuổi đã hơn “sáu bó”.

 

Lý do? Chỉ là tình cờ trong một câu chuyện âm nhạc, người bạn đồng song là nhạc sĩ Lê Phú khi được biết NHA xưa kia có sáng tác nhạc, đã đề nghị NHA thu thử một bài xem sao, NHA đã chọn bài Thiền Sư Xuống Núi. Rồi sau đó thu thêm một bài, và cứ thế…

Điều ngạc nhiên hơn nữa, song song với việc đưa lên YouTube khoảng 20 ca khúc, NHA còn thực hiện 3 CD gồm 36 ca khúc trong vòng chỉ một năm trong đó CD đầu tiên và CD thứ ba phát hành chỉ cách nhau 8 tháng.

 

Hoài Nam trong đoạn kết của bài Ca khúc Nguyễn Hồng Anh: một thời để nhớ”, đã trích dẫn lời của NHA “Nếu hứng đến, tôi có thể sẽ viết thêm một hoặc hai bản chiêm nghiệm cuộc đời, như là ‘chung khúc’ của một kiếp nhân sinh trên cõi đời này”,  nhưng NHA không chỉ viết thêm một hai bài, mà cách đây 5  tháng đã liên tiếp viết 4 ca khúc gồm hai bản nhạc tình và hai bản nhạc về quê hương khi tình hình Biển Đông  trở nên căng thẳng  (Từ Bạch Đằng đến Biển Đông và kiếp nhân sinh  Hoàng Như Lan, TVTS  số 1474  ngày 25.6.2014).

 

NHA cho biết, sau khi thực hiện 3 CD và “ra mắt” đĩa đầu tiên với bạn bè và thân nhân, ông có ý định sẽ thực hiện một chương trình nhạc để giới thiệu với người thưởng ngoạn ở Melbounre trước tháng 4 năm 2015 như là một hình thức để đánh dấu 40 năm ngày mất Sài Gòn, bởi hơn một nửa sáng tác của ông nói về tình yêu quê hương và thân phận của người Việt Nam kể từ khi cộng sản chiếm Miền Nam. Nhưng vẫn chỉ là dự tính và chưa biết sẽ thực hiện  như thế nào.

 

Rồi khoảng tháng 7 vừa qua, NHA dự tính thực hiện một chuyến du lịch ở miền tây Hoa Kỳ để tiếp tục loạt bút ký “Kể chuyện đường xa” và ngỏ ý với cô em gái Bích Hà và bạn bè ở Quận Cam là nếu được, nhờ tổ chức vài buổi họp mặt một số thân hữu để NHA hát cho họ nghe… cho vui. 

 

Nhưng từ  ý tưởng này, NHA được đề nghị là nên tổ chức một chương trình quy mô và có tính chuyên nghiệp với sự đóng góp của những giọng ca được ưa chuộng tại Quận Cam. Và hơn thế nữa, trước ngày trình diễn vào  chiều  Thứ Bảy 8.11.2014, sẽ có những talk show trên các đài truyền hình và phát thanh để thính giả được nghe trước một vài ca khúc của tác giả và cơ duyên cũng như động lực khiến ông sáng tác một số lượng tác phẩm phong phú đa dạng, về nội dung cũng như giai điệu.

 

Từ một chuyến du lịch nay đã trở thành một chuyến “lưu diễn”  mà chỉ nội một tuần trước ngày trình diễn, sẽ có khoảng sáu, bảy buổi talk show trên các phương tiện truyền thông của người Việt Nam ở Quận Cam. NHA cho biết sau khi đáp xuống phi trường Los Angeles vào sáng Thứ Tư  này, thì đến chiều sẽ xách đàn guitar tới phòng thu âm chương trình Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ của nhạc sĩ  Cao Minh Hưng để chuyện trò và hát hò và show này sẽ được chiếu trên hệ thống SBTN.

 

NHA cho biết  kể từ ngày làm báo, ông không bao giờ nghĩ tới việc chơi đàn hay sáng tác chứ nói gì đến việc đi trình diễn. Trở lại với ca nhạc là đúng một cái duyên, không cầu mà được, và được bạn bè sắp xếp để có thể giới thiệu các tác phẩm của một thời, tưởng chừng đã quên.

 

 

Nguyễn Hồng Anh tại Pennington Hostel, Adelaide 1981, ôm đàn mượn qua bài viết của nữ ký giả Linda Cook…

 

Cô Trịnh Kim Dung, một cố vấn giáo dục và là khuôn mặt khá quen thuộc trong một số chương trình talk show ở Quận Cam là một trong ba người của ban tổ chức cho chuyến “lưu diễn” của NHA lần này.  Trịnh Kim Dung là vợ của nhạc sĩ Trung úy Thủy quân Lục chiến Trịnh Đắc Phúc, tác giả  Trường Ca Lịch Sử Việt Nam Oai Linh Bất Khuất, được phát hành năm ngoái, vài tháng trước khi ông qua đời. Trịnh Đắc Phúc là người vượt biên cùng thuyền với NHA và là người đã giúp NHA tổ chức Đêm nhạc Thân Phận Ca năm 1980 ở trại tị nạn.

 

Một cái duyên khác nữa là NHA đã được người bạn của Trịnh Kim Dung, cô Phiến Đan nhận làm trưởng ban tổ chức. Phiến Đan, vợ của Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, là một khuôn mặt quen thuộc ở Sydney, Úc,  trước khi sang định cư ở Mỹ và hiện giữ  chuyên mục Văn hóa và Con người trên đài truyền hình Little Saigon TV. Hai người “đồng hương” chỉ nghe tên nhau và sẽ gặp mặt nhau lần đầu tiên qua chương trình văn nghệ này.

 

Trịnh Kim Dung trong một bài giới thiệu người bạn của chồng mình với độc giả ở Mỹ, đã viết:

“…Dân Việt ở Quận Cam chưa bao giờ nghe đến tên Nguyễn Hồng Anh nếu không theo dõi sinh hoạt của người Việt ở “miệt dưới”.  NHA là người Úc gốc Việt, đến Melbourne năm 1981, là một thuyền nhân. Hành trang đem theo chỉ là một tập nhạc 20 bài anh đã sáng tác từ  năm 1976, trong những ngày lênh đênh trên đại dương mênh mông đi tìm sự sống trong cái chết, và trong thời gian anh tạm trú ở trại tị nạn Galang, Nam Dương.  Lòng yêu quê mẹ đã thôi thúc Nguyễn Hồng Anh mạnh dạn bước vào cộng đồng của dân bản xứ, ngay khi đặt chân đến Úc, qua sự trình bày những nhạc phẩm của mình, như lời tâm sự của kẻ tha hương.  Anh đã lôi kéo được sự chú ý của người Úc. Trên trang báo địa phương, người đọc bắt gặp hình ảnh một thanh niên trẻ, ôm cây đàn Tây-ban-cầm với hàng tít lớn: Anh ready to be singing success”. (Trích The News. Aug.12, 1981).

 

Định mệnh đã không đặt anh lên sân khấu nghệ thuật thứ bảy nên sau bốn năm làm việc, năm 1985, khi dành dụm được số vốn nho nhỏ, NHA khởi sự nghề làm báo và cho ra đời tờ TiVi Tuần-san. Cho đến nay, sau ngót ba mươi năm kinh doanh, anh đã trở thành nhà báo chuyên nghiệp và là một thương gia thành công, khi đưa TiVi Tuần-san tới chỗ đứng vững vàng trong thương trường. Thành quả của tim và óc của anh đã được chính quyền Úc ghi nhận. Độc giả có thể xem thêm tin tức trên trang: www.tivituansan.com.au.

 

Nhưng thời gian và sự bận bịu của nghề báo không làm mòn mỏi con người NHA. Anh đã chán nghề làm báo chưa? Điều đó không ai rõ. Chỉ biết là những năm sau này, anh sáng tác trở lại thật nhiều và bất ngờ xuất hiện trong các chương trình văn nghệ ở Úc. Người viết bài này nghĩ rằng có lẽ anh đa tài. Tuy nhiên trong một lần trao đổi, người viết đã được nghe anh NHA tâm tình: “Tôi có nhiều đam mê đi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Hát và sáng tác nhạc là một trong những đam mê đó!”

 

Chỉ có lạ một điều là ở vào tuổi mùa thu, sức sáng tác của anh bỗng nhiên bừng lên, thật phong phú, thật dồi dào. NHA đã tặng cho đời những bông hoa quý nở muộn trong dòng nhạc mới, đầy cảm xúc của êm ái và sôi nổi. Đi đôi với tình riêng, anh dành một chỗ đặc biệt trong tim cho quê hương Việt Nam…” (trích Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh).

 

 

 

 

…đã khiến tiệm đàn Allan ngay sau đó mời đến tặng cho một cây đàn mới để “Anh sẵn sàng thành công trong nghiệp cầm ca”,  nhưng định mệnh đã đưa NHA đi một hướng khác

 

33 năm trước, khi  đặt chân tới thành phố Adelaide ở Nam Úc, NHA đã gây được sự chú ý của người Úc qua những bài viết của nữ ký giả Linda Cook của nhật báo The News.

 

Trong báo ngày 22.7.1981 với tựaAccountant Anh sings his plightLinda Cook viết:

 

“Người tị nạn Việt Nam Nguyễn Hồng Anh đến Úc đã được 5 tuần lễ, không xu dính túi nhưng giàu mục đích.

 

Trong số tài sản  ít ỏi trong người cựu kiểm toán viên Sài Gòn là 40 cuốn nhạc viết tay quay ronéo mà ông đã làm trong 13 tháng tại trại tị nạn Đảo Galang, Nam Dương.

 

Cuốn nhạc “Thân Phận Ca – Let’s Sing For Our Plight” gồm 20 ca khúc với dòng nhạc nói về sự đau buồn và tức giận của một người bị đẩy ra khỏi xứ.

 

Những ca  từ đắng cay và giọng hát  thiên phú của Anh đã lôi cuốn các thính giả trong các buổi trình diễn văn nghệ ở  trại tị nạn và, gần đây nhất, tại buổi họp thường niên của Hiệp hội người Tị nạn Đông dương.

 

Lúc này Anh muốn chia sẻ các tác phẩm của ông với mọi người Úc.

 

Ông đã tự đặt cho mình mục tiêu là hoàn hảo tiếng Anh vốn đã thông thạo của ông, kiếm việc làm trong ngành kế toán, và sau đó sẽ dùng tiền kiếm được để mua một cây đàn guitar, thành lập một nhóm và đi vòng quanh nước Úc để hát cho thân phận của ‘những người còn lại ở quê nhà’…

 

Nhưng như Trịnh Kim Dung đã viết  ở trên, định mệnh đã không đẩy NHA lên sân khấu và cũng chẳng đưa NHA đi vòng quanh nước Úc để thực hiện ước mơ mà ký giả Linda Cook vừa đề cập.

 

Tuy nhiên  lúc rời trại tị nạn Galang đến Úc, NHA chỉ mang theo hành trang gồm các tập nhạc với 20 ca khúc thì nay từ Úc qua Mỹ, NHA lại mang theo hành trang 40 ca khúc và 3 CD đã được thực hiện, qua một chương trình văn nghệ với sự góp mặt của trên 10 giọng ca của Quận Cam như  Ngọc Hà, Kim Thoa, Hương Thơ, Trần Ngọc, Ngọc Diệp, Mạnh Hùng, Bùi Khanh, Vân Phương, Nguyên Phong, Kim Yến, Mỹ Dung…

 

Vì thế, chuyến đi của NHA không phải là “mang chuông đi đánh xứ người” mà là mang lời ca và tiếng hát đến cho đồng bào người Việt ở Hoa Kỳ – với Dòng Máu Việt Nam, Như Người Việt Nam, God Has To Know, Everybody Wanna Go Away, Il Est Temps De Partir, Ai Ra Xứ Người, Đứng Dậy Dân Ta Ơi, Từ Bạch Đằng đến Biển Đông, Lời Nguyện Cho Quê Hương, Đường Về Quê… hay với bộ ba (trilogy) Thiền Sư Xuống Núi, Của Hồi Môn, Thiền Sư Lên Núi và ca khúc mới sáng tác đã thu âm nhưng chưa phổ biến là Mùa Thu Cuộc Đời  (bản nhạc đăng ở trang 53  số báo tuần này) v.v… như một cơn gió mới với một khuôn mặt mới trong lãnh vực âm nhạc nhân dịp người Việt chuẩn bị cho một mốc thời gian quan trọng đánh dấu 40 năm đất nước trải qua một biến động đau thương làm thay đổi lịch sử đất nước, hình thành một cộng đồng Việt Nam hải ngoại đủ mạnh để có thể đóng góp cho một Việt Nam hậu cộng sản. (D.T.)

 

(Trích báo giấy TVTS số 1492 phát hành ngày 29.10.2014)