Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (14)

30 Tháng Ba, 2009 | Mỹ châu

 

Gia đình chúng tôi trên đường lên Vương cung Thánh đường Saint-Joseph Oratory

 

Du lịch-  khi tới nơi bạn sẽ làm những gì? Đi xem danh lam thắng cảnh, tìm kiếm chỗ ăn uống mua sắm, và thăm thân nhân bạn bè, nếu có. Vì vậy, trước hết tôi sẽ nói về những danh thắng mà chúng tôi đã có cơ hội đến xem tại thành phố lớn thứ nhì của Gia Nã Đại.

 

Saint Joseph’s Oratory: một Lộ Đức ở Montreal

 

Trước khi qua Montreal, Tử vi gia Thiên Phúc, một người không Công giáo nhưng từng giới thiệu với tôi về ngôi thánh đường Saint-Joseph Oratory, cho rằng đây là một nơi mà những ai đến Gia Nã Đại phải tới thăm viếng vì là nơi nổi tiếng có nhiều phép lạ về việc chữa lành bệnh. Bởi vậy, khi chúng tôi đến thăm hai ông bà Thiên Phúc, bác Thiên Phúc (cách gọi của tôi với ông Thiên Phúc) đã hướng dẫn chúng tôi đến thăm ngôi thánh đường được coi là danh tiếng nhất ở Gia Nã Đại nằm trên đồi Mont Royal, gần nhà bác.

 

Nhà thờ Chính tòa Nôtre-Dame ở Montreal

 

Ở dưới phố gần bờ sông Saint-Laurent có Nhà thờ Chính tòa Nôtre-Dame, một thánh đường nguy nga và cổ kính đã được nâng lên hàng cao nhất là vương cung thánh đường (basilica) nhưng ra vẻ không “linh” bằng nhà thờ Saint-Joseph Oratory. Chúng tôi chỉ đứng bên ngoài xem nhà thờ chính tòa Nôtre-Dame chứ không vào bên trong, vì hôm đó phải mua vé vào cửa do có lễ hội gì ở bên trong.

 

Không khí trong nhà thờ Saint-Joseph Oratory với đèn đóm trông giống nhà thờ Lộ Đức ở miền nam nước Pháp mà chúng tôi đã từng có dịp thăm viếng cách đây 5 năm nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều, giới hạn bên trong nhà thờ mà thôi.

 

Người làm “phép lạ” đương nhiên là Saint Joseph (Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu) nhưng phép lạ có được là do sự cầu bầu của một vị thầy tu, Brother André, người trụ trì ở đây trước khi ngôi tiểu giáo đường được xây với quy mô lớn từ năm 1924, và được khánh thành vào năm 1955.

 

Sư huynh André tên thật là Alfred Bessette sinh năm 1845 tại vùng đông nam Montreal, là đứa con thứ 8 trong gia đình 12 người con. Cha chết lúc lên 9 tuổi và mẹ chết 3 năm sau đó, nghèo và không được học hành, Alfred đi kiếm việc trong các vùng kế cận và sau đó qua làm công nhân hãng dệt ở vùng New England bên Hoa Kỳ.

 

Năm 22 tuổi Alfred trở về Gia nã Đại và ba năm sau  gia nhập dòng Congregation of Holy Cross, rồi lấy tên khấn dòng là Brother André và làm người giữ cổng cho trường Notre Dame College ở vùng Côte-des-Neige. 

 

 

Tử vi gia Thiên Phúc cạnh các bức tượng của Thầy André trong nhà bán đồ lưu niệm

 

Thầy André là một người có lòng tin và kính Thánh Giuse một cách mạnh mẽ, một vị thánh làm nghề lao động, nghèo và sống xa quê hương. Đến năm 30 tuổi, Thầy André bắt đầu nổi tiếng về tài chữa lành bệnh nhờ cầu nguyện mặc dù thầy cho rằng chỉ có một mình Thánh Giuse là người duy nhất tạo ra những sự lạ lùng đó.

 

Năm 1904, với sự giúp đỡ của bạn bè Thầy André xây một nguyện đường nho nhỏ ở gần trường học để riêng kính Thánh Giuse, gọi là Saint-Joseph Oratory. Vài năm sau, thầy qua sống ở trong tiểu giáo đường Thánh Giuse và dân chúng bắt đầu kéo đến thăm viếng thầy. Nhưng do khách hành hương nghe danh tiếng chữa bệnh của thầy đến quá đông, vào năm 1917 một ngôi thánh đường lớn hơn được xây, gọi là The Crypt, tức thánh đường dưới hầm, ở tầng dưới.

 

Thầy Andre qua đời vào ngày 6.1.1937 thọ 91 tuổi. Có tới 1 triệu người đến viếng quan tài của thầy. Xác thầy được chôn trong ngôi mộ bằng đá cẩm thạch trong căn phòng phía sau bàn thờ kính Thánh Giuse.

 

Năm 1982, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước (á thánh) cho thầy. Hàng năm có trên 2 triệu khách hành hương đến viếng Saint-Joseph Oratory và chúng tôi là những người trong số khách thập phương đó.

 

Mộ của Thầy André

 

Đối diện với ngôi mộ là một bức tượng bán thân của Thầy André với cuốn sổ để khách hành hương ghi tên địa chỉ và ký vào thỉnh nguyện thư xin Giáo hội phong thánh (hiển thánh) cho Chân phước André.

 

Trong nguyện đường, có một bàn thờ riêng để kính Thánh Giuse với hàng ngàn ngọn đèn. Tượng Thánh Giuse giang tay ra như đón và che chở cho những người đến với ngài. Khách hành hương khi thắp một ngọn nến để cầu nguyện có thể dâng cúng tùy lòng hảo tâm. Hành động này chứng tỏ sự hiệp thông và đóng góp vào sự duy trì ngôi giáo đường. Cả khu vực của nguyện đường sáng nhờ những ngọn nến của khách hành hương.

 

Tôi thấy Tử vi gia Thiên Phúc, một người lương, đã thắp nến và quỳ cầu nguyện trước tượng Thánh Giuse như một người Công giáo thuần thành. Thấy tôi thắc mắc, bác Thiên Phúc chỉ vào cái ensigne mà bác mang trên ngực nhà thờ tặng cho bác. Tử vi gia Thiên phúc còn cho hay ông là một trong 5 người được giấy khen đã có sự đóng góp cho nhà thờ này. Bác là người Việt Nam trong khi 4 người kia là người Gia Nã Đại. Cũng là một chuyện lạ.

 

Khách hành hương ký vào thỉnh nguyện xin Giáo hội phong thánh cho Thầy  André

 

Cũng trong khu vực này, tôi thấy có 5 gian phòng treo những nạng chống được biết là do những người tàn tật, bệnh hoạn để lại sau hki họ cầu nguyện với Thầy André hay Thánh Giuse. Tôi nghĩ ước chừng có 1,000 cái nạng, nghĩa là đã có khoảng 1,000 cái “phép lạ nhãn tiền”.

 

Ở trong khuôn viên của nhà thờ Thánh Giuse còn có những phòng trưng bày những chứng tích và kỷ vật của Thầy André, kể cả trái tim của thầy được đặt trong một hộp bằng kính để khách hành hương dừng lại cầu nguyện khi đến nơi này.

 

Tác giả trước những chiếc nạng để lại trong nhà thờ

 

Tim của Thầy André được giữ lại theo yêu cầu của Tổng giám mục Georges Gauthier của địa phận Montreal.

 

Sau khi Thầy Andre qua đời, người ta đã biến ngôi tiểu giáo đường của thầy thành một đại giáo đường lớn nhất nước Gia Nã Đại. Thánh đường được đặt tên là vương cung thánh đường (basilica).

 

Vương cung Thánh đường Saint-Joseph Oratory được xây trùm lên tiểu giáo đường của Thầy André, giống nhưng Vương cung Thánh đường Lộ Đức có 3 ngôi thánh đường chồng lên nhau như ta ở nhà ba tầng vậy. Thánh đường đã ở vùng đồi cao nhất của thành phố Montreal lại được xây đồ sộ, nên trông vĩ đại.

 

Nền sân sau (terrace) của nhà thờ Saint-Joseph Oratory…

 

Dài 105 mét, rộng 65 mét và cao 124 mét là một trong những thánh đường cao nhất thế giới, cao hơn Notre-Dame ở Paris (90m) hay Saint Patrick ở New York (100m).

 

Vương cung thánh đường được xây theo kiến trúc thời Phục Hưng với mái vòm cao 97 mét và đường kính 39 mét là mái vòm lớn hàng thứ ba thế giới sau Vương cung Thánh đường Our Lady of Peace ở Yamoussoukro ở nước Côte D’Ivoire bên Phi Châu và Vương cung Thánh đường Saint Peter ở La Mã. Khả năng chứa 10,000 người đứng với 3,000 chỗ ngồi.

 

Nếu bạn có dịp đến Montreal, nên ghé tới Saint-Joseph Oratory để ngắm cảnh, xem một kiến trúc thật đẹp xây trên đồi cao có tầm nhìn xa. Và nếu bạn là người mộ đạo, tin vào thần linh, thì đấy cũng là nơi để bạn cầu nguyện, xin ơn bởi nơi đây đã nổi tiếng có nhiều sự kiện lạ xảy ra do những người có lòng thành đến cầu xin. Biết đâu?

 

… và từ đây nhìn xuống thành phố Montreal

 

Từ tây sang đông, thăm Nghĩa trang và Tượng đài Chiến sĩ VNCH

 

Chúng tôi đã được anh Phúc, một người bạn và là chủ nhà của anh Trường Kỳ dùng xe van đưa lên công viên Parc du Mont Royal vào buổi tối trong một chuyến đi chơi mà Trường Kỳ gọi là  “Montreal by Night” để ngắm cảnh thành phố về đêm. Nhưng do trời về đêm hơi lạnh, lại sau một bữa ăn tối với nhiều bia rượu nên tôi chỉ ngồi trong xe nhìn ra, thấy một biển đèn lung linh dưới chân. Đẹp thật, nhưng chẳng thấy gì khác ngoài ánh đèn.

 

Vì vậy chúng tôi muốn nhìn thành phố từ trên núi này vào ban ngày và một anh bạn khác của Trường Kỳ là Mạc Văn Đức đảm nhận “công tác” này. Bạn sẽ thắc mắc tại sao ông Trường Kỳ này không đưa chúng tôi mà cứ nhờ bạn bè? Bởi Trường Kỳ vừa đi chữa mắt nên không thể lái xe được, vả lại xe sedan của anh chẳng có thể chở hết gia đình chúng tôi.

 

Trong khi con cái đang còn ngủ nướng, Anh Mạc Văn Đức bỏ ra buổi sáng để chở hai vợ chồng chúng tôi chạy vòng vòng trong thành phố, từ đông qua tây để giới thiệu cảnh vật và con người của thành phố đa văn nhưng chịu ảnh hưởng của Pháp. Montreal vốn là cựu thuộc địa của Pháp và cũng là nơi từng muốn cho tỉnh bang Quebec của mình được độc lập với nước Gia Nã Đại, chịu ảnh hưởng của Anh và hiện đang có một vị nữ lưu gốc di dân làm toàn quyền, đi trước cả Úc.

 

Anh Đức lái xe dọc Rue Sherbrooke là con đường được xem dài nhất  chia đôi thành phố giữa nam và bắc, giải thích cho chúng tôi những nơi xe chạy qua như Bảo tàng  viện McCord, Đại học McGill…

 

Vợ chồng tác giả trên đỉnh công viên Parc du Mont Royal. Từ đây có thể thấy tháp nghiêng Montreal Tower nằm ở góc phải bức hình

 

Sau đó anh đưa chúng tôi lên công viên Parc du Mont Royal nằm giữa trung tâm phố và nhà thờ Saint-Joseph Oratory. Ngọn đồi (hill) nhưng thường được gọi là ngọn núi (mountain  hay mont) Mont Royal ngoài là vùng cây xanh lớn nhất của hòn đảo Montreal, là lá phổi của thành phố, còn là nơi để nghỉ mát, ngắm cảnh, chốn vui chơi cho dân địa phương và du khách. Đỉnh cao nhất của ngọn núi cao 233 mét so với mặt biển.

 

Từ đây nhìn về hướng tây, chúng tôi có thể thấy cái tháp Montreal Tower nghiêng đến 45 độ xây cạnh Montreal Stadium, một công trình độc đáo của Gia Nã Đại để đăng cai Thế Vận Hội Montreal năm 1976.

 

Xuống núi,  chúng tôi chạy trên đường Av. du Mont Royal, qua khu vực Plateau Mont Royal là một vùng đất bằng phẳng trông như cái khay (plateau) nơi phần lớn các nghệ sĩ sinh sống.  Từ đây chúng tôi đi về hướng tây để quan sát sơ qua vận động trường Montreal Stadium và tháp Montreal Tower, chuẩn bị để chiều sẽ đưa con cái cùng đi xem.

 

Gần sân vận động có Nghĩa trang Việt Nam, Tượng đài Chiến sĩ VNCH và Thuyền nhân nên anh Đức đề nghị chúng tôi đi thăm và dĩ nhiên chúng tôi rất muốn xem cho biết.

 

Thật độc đáo,  người Việt Nam đã vận động để có được miếng đất rộng bên cạnh nghĩa trang của người địa phương làm một nghĩa trang riêng biệt dành cho người Việt Nam, đề rõ ràng đây là Nghĩa trang Việt Nam – Cimetière Vietnamien Montreal.  Nghe nói trong hai nghĩa trang ở khu này, họ Nguyễn là tên đứng hàng thứ hai?

 

Anh Mạc Văn Đức trước cổng vào Nghĩa trang Việt Nam

 

Vào nghĩa trang có một cổng tam quan, nhưng chỉ mới xây xong các cột trụ chứ chưa có mái. Nhưng giữa nghĩa trang, có một tượng đài đã xây xong với phí tổn nghe nói khoảng $90,000 Gia kim và đã được khánh thành khoảng 3 tháng trước khi chúng tôi đến tham quan.

 

Tượng đài gồm hình ảnh một binh sĩ VNCH ở giữa và hai bên là hình ảnh những chiếc thuyền trên biển cả sóng gió và sắp chìm cùng một lá cờ vàng ba sọc đỏ. Tượng đài nằm ở bùng binh (round about) giữa nghĩa trang. Lúc chúng tôi đến thấy có nhân viên dọn dẹp người Gia Nã Đại đang nhổ cỏ quanh khu vực tượng đài.

 

Vợ chồng tác giả trước Tượng đài Chiến sĩ VNCH và Thuyền nhân

 

Các ngôi mộ mới chiếm gần một nửa nghĩa trang nếu tính tượng đài là trung tâm, nhưng tôi thấy vẫn còn nhiều đất trống ở phía sau tượng đài. Chúng tôi đi vòng vòng xem có tên người quen không thì thấy có ngôi mộ đề tên Giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ, một tác giả về địa lý và lịch sử mà khi mới thành lập Hồng Anh Thư  Xã cách đây 20 năm, chúng tôi đã bán nhiều sách của ông. Ông Nguyễn Khắc Ngữ mất năm 1992 lúc mới 58 tuổi.

 

Chúng tôi thấy những ngôi mộ có bia đề tên, bên cạnh có một miếng đất trống với nửa bia kia chưa ghi tên, có nghĩa vợ hay chồng đã chuẩn bị sẵn chỗ để khi chết là bảo đảm sẽ được chôn bên cạnh người bạn đời của họ.

 

Hình trái: Bia với tên người chồng chết lúc 69 tuổi, còn chỗ trống dành ghi tên người vợ?  – Lo xa: miếng đất trống và cái bia lớn để trống, đủ chỗ ghi tên hai người (hình phải)

 

Thấy hơi lạ nhưng cũng hay hay nên tôi nói đùa về sự chuẩn bị kỹ càng của những người chưa chết, và anh Mạc Văn Đức bèn cho chúng tôi biết anh Trường Kỳ cũng đã có một miếng đất trong nghĩa trang này do con rể anh đã mua sẵn cho anh.

 

Anh Đức bảo chúng tôi đi vòng vòng để xem “mộ” của anh Trường Kỳ nằm ở đâu trong nghĩa trang này. Đến đây thì chúng tôi không thể nhịn cười khi đi tìm để thăm căn nhà đời đời của anh Trường Kỳ mà đứa con rể quý đã biếu cho anh. Lúc này tôi mới nhớ lại hôm qua trong bữa ăn tối, vợ tôi có hỏi anh Trường Kỳ về chuyện nhà cửa và anh cho biết hai vợ chồng anh hiện đang ở nhà thuê do anh không hứng thú trong việc mua nhà vì thấy không cần thiết. Đúng là nghệ sĩ.

 

Tôi còn nhớ khi mới lấy vợ, tôi nói với nhà tôi cần gì phải mua nhà cho mệt trí bởi luôn luôn có nhà cho thuê thì việc gì phải đi vay để phải trả nợ. Nhưng đó là chuyện của 25 năm trước, chuyện thưở xưa.

 

Anh Trường Kỳ hiện đã trên sáu bó, có một đứa con gái đã lấy chồng và có cháu ngoại. Hai vợ chồng ở trong căn flat tầng ba khang trang do anh Phúc cho thuê với giá cũng dễ thở nên anh chẳng quan tâm chuyện nhà cửa như chúng tôi. Bởi vậy khi nghe Trường Kỳ nói đứa con rể có mua cho anh miếng đất trong nghĩa trang thì tôi tưởng anh nói đùa, và  không để ý.

 

Bia mộ của GS Nguyễn Khắc Ngữ

 

Nên bây giờ cả anh Đức và chúng tôi cùng đi tìm để may ra biết nơi nào sẽ là chốn an giấc nghìn thu của anh bạn thân của anh Đức và là người bạn cộng tác lâu năm của báo TiVi Tuần-san chúng tôi. Chúng tôi đã chẳng tìm ra miếng đất của anh Trường Kỳ trong Nghĩa trang Việt Nam bởi chúng tôi quá tối dạ: vợ chồng anh còn sống.

 

Nghĩa trang, bệnh viện là nơi tôi ít tới hay không muốn tới, bởi tôi còn yêu cuộc sống, không bao giờ nghĩ đến việc “về nhà cha trên trời” và chắc sẽ không bao giờ mua sẵn chỗ để làm căn nhà đời đời. Nhưng mỗi lần đến các nơi đó, tôi buộc phải nghĩ tới thân phận con người, sống tranh đua cho lắm cuối cùng cũng chỉ giữ được cho mình ba tấc đất. Nhưng nếu bạn cứ nghĩ đến cái chết thì cuộc đời này sẽ chán ngắt.

 

Bởi vậy, tôi phải nhờ anh Đức đưa tôi về nhà trọ để chuẩn bị cho một chuyến đi chơi bận rộn vào buổi chiều, với chuyến  du ngoạn trên sông Saint-Laurent, chuyến tham quan sân vận động và tháp Montreal, và nhất là buổi đi xem đèn lồng của người Hoa trong Botanic Garden, một lễ hội đèn đóm mà cả anh Đức và anh Trường Kỳ đề nghị nên đi xem. (còn tiếp)

 

(TVTS – 1188    31.12.2008)