Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (13)

25 Tháng Ba, 2009 | Mỹ châu

 

 

“Mới hôm qua…”: Gia đình chúng tôi sau bữa ăn tối cuối cùng ở Montreal với Trường Kỳ hôm 18.9.2008. Người thứ nhất bên trái là anh Phúc, chủ nhà và là bạn thân của anh Trường Kỳ

  

Lời người viết: Những bài viết sau đây nói về chuyến du lịch Montreal vào mùa thu năm 2008.

 

Bốn ngày đêm ở Gia Nã Đại trong đó 3 đêm ăn uống, đi chơi với Trường Kỳ đã để lại nhiều kỷ niệm nơi người viết. Đó là chưa kể sự quen biết và giao thiệp hàng tuần trong hơn một thập kỷ với tư cách một cộng tác viên viết bài đều đặn cho TVTS của anh Trường Kỳ.

 

Những bài bút ký du lịch Bắc Mỹ sau đây từ kỳ 13 đến kỳ 15 nói về những ngày ở thành phố Montreal được đưa lên TVTS ONLINE  –đúng trong thời gian này– cũng là để tưởng nhớ một người bạn và cộng tác viên rất dễ thương, đã vĩnh viễn ra đi vào ngày Chủ Nhật 22.3.2009.

 

Nguyễn Hồng Anh.

 

 

Cầu tàu trên sông Saint Laurent của thành phố Montreal

 

 

Trước khi qua Mỹ, tôi có nghĩ đến việc sẽ dùng máy bay đi lại. Nhưng đến nơi mới thấy rằng di chuyển từ các thành phố, thậm chí sang nước khác bằng đường bộ tiện lợi hơn –vì không cần phải đặt vé trước– và quan trọng nhất là rẻ hơn nhiều, rất nhiều nếu gia đình đông người.

 

Ngồi 8 tiếng trên xe đò tôi thấy không lâu bằng ngồi 8 tiếng trên máy bay, bởi chỗ ngồi rộng hơn và nhất là nhìn được cảnh vật dọc đường. Đi xe lửa nhanh hơn một chút, chỗ ngồi rộng hơn (và tỉ lệ tai nạn ít hơn) nhưng lại cũng chẳng thấy gì ngoài hàng rào, lưng nhà cửa và mặt sau của phố xá, và dĩ nhiên giá vé cao hơn.

 

Quartier Latin nơi ở trọ lý tưởng

 

Theo một số thông tin, đoạn đường Boston-Montreal dài 407 cây số. Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cho biết anh có lái xe qua Montreal vài lần, đi mất chừng 5, 6  tiếng và nếu đi mùa thu thì đẹp nhất bởi sẽ được nhìn cảnh những cánh rừng cây màu đỏ.

 

Tôi biết điều đó nhưng vẫn chọn du lịch vào đầu mùa thu của bắc bán cầu vì sợ lạnh.

 

Tử vi gia Thiên Phúc (thứ tư từ trái) hướng dẫn gia đình chúng tôi đi viếng Saint Joseph’s Oratory, nơi nổi tiếng có nhiều phép lạ xảy ra

 

Gia Nã Đại nổi tiếng với những loại cây ngủ vào mùa đông như cây du (elm) hay cây phong (maple).  Ra các tiệm bán cây cối ở Melbourne bạn sẽ thấy có những cây mùa thu lá đỏ rực gọi là Canadian maples. Cờ của nước này có biểu tượng là một ngọn lá. Nên bạn sẽ không lạ khi thấy quảng cáo thành phố Montreal rực đỏ vào mùa thu.

 

Trong thành phố Melbourne có một vài vùng ở miền đông đến mùa thu cũng có những con đường lá chuyển từ vàng sang đỏ trước khi rụng, nhưng nghe nói phải tới Lake Entrance mới thấy vẻ đẹp quyến rũ của mùa thu. Tôi đã không được ngắm những rừng phong vào cuối thu ở Tokyo và Boston, nhưng hy vọng sẽ được ngắm một mùa thu tuyệt đẹp nơi nào đó như  Hán Thành ở Đại Hàn hay Đài Bắc ở Đài Loan.

 

Từ Boston qua thành phố Montreal của Gia Nã Đại, không còn vé xe rẻ như bèo của hãng Fung Wah, chúng tôi mua vé của hãng Greyhound, giá $78. Xe dừng nhiều trạm để thả hành khách xuống và rước thêm người đã đợi sẵn. Qua biên giới, khách xuống xe vào trạm quan thuế trình giấy tờ, trả lời vài câu hỏi đại khái đi vì lý do gì, sẽ ngụ ở đâu và ở lại bao lâu. Không hỏi mang theo bao nhiêu tiền vì thấy có tấm bảng lớn ghi ai mang trên $10,000 Gia kim thì phải khai báo.

 

Chúng tôi rời Boston lúc 10 giờ sáng và đến bến xe của Greyhound ở Montreal lúc 6 giờ chiều. Vì không book khách sạn trước, nên chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ mới tìm ra được chỗ trọ. Đường xá xa xôi lại gia đình đông người nên hơi mệt một chút, bởi muốn có chỗ cất hành lý ngay. Nhưng rồi cũng kiếm được chỗ trọ tốt.

 

Nếu bạn qua đi Montreal và không coi chỗ trọ là vấn đề, bến xe bus Greyhound ở Montreal là nơi lý tưởng để thuê chỗ trọ, từ nhà trọ cho khách ba lô đến khách sạn trung bình, nhiều vô số kể.

 

Chơi cờ giữa sân: một sinh hoạt có tính cách văn hóa trong khu Quartier Latin

 

Chúng tôi đã kiếm được phòng trọ giá $60 Gia kim cho 5 người gồm 2 giường đôi và một giường xếp, bao luôn ăn sáng, vì đây là nhà trọ B&B. Rẻ không thể tưởng tượng. Nhưng khi đóng tiền thì giá là $80 Gia kim bởi ở Mỹ cũng như Gia Nã Đại, có đủ loại thứ thuế lỉnh kỉnh, đôi khi tới hai loại thuế, nhưng khi mình hỏi giá thì luôn được trả lời với giá chưa có thuế.

 

Đấy cũng là sự bất tiện và bất ngờ cho du khách, nhất là du khách từ xứ Úc bởi Thủ tướng John Howard khi đáp dụng Thuế Dịch vụ và Hàng hóa GST đã rút kinh nghiệm từ nước khác nên đã buộc giá cả mà khách hàng thấy là giá đã bao gồm thuế GST- thấy sao, trả vậy (pay as you see). Đi nhiều nước, tôi thấy Úc có nhiều cái hay và tiện, thoải mái hơn một số nước khác, mà mua sắm là một.

 

Khách sạn có tên Hotel Louisbourg, số 1649 Rue Saint-Hubert, điện thoại (514) 527 8165. Vì ban đầu chúng tôi lên khu Chinatown để thuê phòng ở các khách sạn quen thuộc 3 sao như  Travelodge nhưng không còn chỗ, phải về bến xe bus để thuê nên có ấn tượng đây là khu quá bình dân.  Tuy nhiên sau khi ngủ qua đêm, thấy phòng ốc tương đối được, lại cũng dễ di chuyển vì gần các phương tiện giao thông nên chúng tôi rất hài lòng.

 

Trong khu vực này cũng có những phòng trọ xập xệ, hôi mùi thuốc lá, cầu thang đi ọp ẹp nhưng tôi không ngại để giới thiệu với bạn đọc khách sạn mà chúng tôi đã ở: sạch sẽ, thay ra giường hàng ngày.

 

Vừa đặt chân tới Montreal, Trường Kỳ dẫn chúng tôi ra Phố Tàu ăn tối

 

Ký giả Trường Kỳ và người bạn thân của anh là Mạc Văn Đức ra đón chúng tôi, đưa đi tìm thuê khách sạn ở khu Chinatown không còn chỗ, đành chở chúng tôi về khu bến xe Greyhound, và sau này tôi được biết đó là khu Quartier Latin.

 

Nghe cái tên đã thích rồi, giống khu Quartier Latin ở Paris đầy chữ nghĩa và văn hóa chứ không phải là khu ổ chuột, xóm nhà lá như vùng bến xe miền tây ở Sài Gòn ngày xưa. Quartier Latin ở Montreal nổi tiếng với không khí nghệ thuật và văn nghệ nhờ các hí viện, trung tâm điện ảnh quốc gia, các cửa tiệm và các quán cà phê. Lấy tên Quartier Latin giống Paris vì ở đây có trường bách khoa École Polytechnique de Montréa1.

 

Lúc này đã 8 giờ tối, vì xe không chở hết 7 người nên anh Mạc Văn Đức đưa tôi và nhà tôi bằng xe ra tiệm ăn ở Chinatown trong khi anh Trường Kỳ dắt ba con của chúng tôi đi xe metro và cũng để tập làm quen đường. Anh Trường Kỳ đãi chúng tôi tại nhà hàng Tàu Tong Por. Chúng tôi lại được ăn tôm hùm, được coi là còn ngon và rẻ hơn ở Mỹ và đặc biệt cá Doree, một loại cá thổ sản của Montreal.

 

Bạn đọc TiVi Tuần-san chắc đã quá quen thuộc với Trường Kỳ qua hàng chục bài ký sự về ẩm thực, từ California sang tận Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan? Vì thế, đi với người sành ăn và thổ công của Montreal thì khỏi phải lo tìm chỗ ăn ngon. Tiếc thay chúng tôi chỉ ở Montreal có bốn đêm mà cái bụng thì có sức chứa giới hạn nên đã không thể hưởng hết những món ngon vật lạ của thành phố đa văn và đa ẩm thực này.

 

Bữa cơm tối đầu tiên với Trường Kỳ tại nhà hàng Tong Por. Người bên phải là anh Mạc Văn Đức, bạn thân của Trường Kỳ thường đưa đón chúng tôi, cũng là người đưa anh Trường Kỳ ra phi trường Montreal vào ngày Thứ Bảy 21.3.2009 đi Toronto làm phóng sự, hẹn chiều Chủ Nhật sẽ đưa chị Đinh Thị Thu Huyền cùng ra phi trường đón chồng từ Toronto trở lại, nhưng… 

 

 

Một Paris ở Châu Mỹ

 

Sáng đầu tiên ở Montreal cũng như ở các nơi khác, chúng tôi kiếm cái bản đồ đường xá thành phố và đi một vòng.  Du lịch, muốn thấy những cái hay cái đẹp của thành phố dứt khoát phải có những chuyến đi bộ lang thang hay có chủ đích. Chúng tôi để con cái ngủ nướng trong khi vợ chồng đi bộ tới Phố Tàu, xa khoảng từ 1.5 đến 2 cây số. Có đi bộ mới thấy thành phố Montreal đẹp, rất đẹp.

 

Mới ngày đầu mà chúng tôi đã thấy không khí gần gũi của thành phố này, bởi vì đây là một sự se duyên giữa nền văn minh cổ kính Âu Châu và nét tân thời tráng lệ của Mỹ Châu.  Vì thế kiến trúc của Montreal là một sự kết hợp hài hòa giữa cái cũ và cái mới, không giống Paris, New York mà cũng chẳng giống Melbourne, Sydney. Nó là một sự pha trộn tuyệt vời.

 

Trước kia, Montreal là thành phố lớn nhất của Gia Nã Đại nhưng từ thập niên 1970, đã bị thành phố Toronto nằm cách đấy 502 cây số về phía tây nam qua mặt.  Nếu bạn đi du lịch ở thành phố Toronto chắc chắn phải đi xem thác Niagara, như  du khách đã tới Melbourne thì nên đi Phillip Island xem chim cánh cụt vậy.

 

Hồi nhỏ tôi đã nghe danh cái thác được xem là lớn nhất thế giới này. Thác Niagara nằm cách thành phố Toronto  120 cây số và cách thành phố Buffalo của Tiểu bang New York chỉ  27 cây số (nhưng từ thành phố New York đi Buffalo còn xa hơn đi Boston!). Bà Trần Đình Trường chủ khách sạn Carter ở  thành phố New York cho tôi biết bà có apartment cho thuê ở gần thác Niagara.  Ước muốn thì nhiều, nhưng chúng tôi đã không có dịp đi tham quan một trong nhưng danh thắng nổi tiếng thế giới như Niagara Falls. Chẳng biết bao giờ có dịp trở lại?

 

Montreal (hình như đọc trại từ chữ Mont Royal) là thành phố lớn nhất của tỉnh bang Quebec (Quebec Province) nguyên là thuộc địa Pháp, nằm sâu trong lục địa, được nhà thám hiểm Pháp đặt chân tới vào năm 1535 và tuyên bố đây là lãnh thổ của vua Pháp và trở thành thuộc địa của Pháp cho đến năm 1760 khi bị Anh quốc chiếm.

 

Cây cầu  nối lục địa (bên phải) với đảo Montreal. Lá cờ trên đuôi tàu là cờ của tỉnh bang Quebec

 

Thủ đô của Gia Nã Đại là Ottawa nằm về hướng tây cách Montreal 167 cây số. Thủ phủ (capital city) của tỉnh bang Quecbec là thành phố Quebec (gọi là Quebec City) cách Montreal 233 cây số về phía đông bắc. Hôm chúng tôi tới Montreal là lúc Quecbec City mừng lễ kỷ niệm đúng 400 năm thành lập thành phố, có danh ca như  Sir Paul McCartney từ Anh sang hát miễn phí.

 

Như vậy cả Montreal và Quebec City có bề dày lịch  sử gấp đôi thành phố Melbourne, bởi người Anh vào  chỉ vào Vịnh Phillip và khám phá ra con sông Yarra cách đây chừng 200 năm. Melbourne được ông John Batman thành lập vào năm 1835 và chỉ được Nữ hoàng Victoria tuyên bố là một thành phố vào năm 1847.

 

Kể ra như vậy để bạn đọc có chút khái niệm về vị trí và lịch sử của những thành phố này ở Bắc Mỹ.

 

Ở Bắc Mỹ có Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) là những hồ nước ngọt lớn nhất thế giới nằm giữa Mỹ và Gia Nã Đại. Fleuve Saint Laurent (người Mỹ gọi là St Laurence River) là một con sông dài khoảng 3,000 cây số phát xuất từ Ngũ Đại Hồ chảy qua các thành phố Montreal và Quecbec City trước khi đổ ra Đại Tây Dương.

 

Trung tâm của Montreal là một hòn đảo rất lớn bao bọc bởi con sông Saint Laurent với nhiều nhánh, có những đoạn rộng khoảng từ 1 đến 2 cây số.  Có nơi rộng tới cả 8 cây số nên những đoạn này được gọi là hồ như hồ Lac Saint Louis ở phía nam và hồ Lac des Deux Montagnes ở phía tây nam.

 

Chúng tôi thường ra bờ sông phía đông nam của Fleuve Saint Laurent nơi có hòn đảo  Ile Sainte-Hélène là chỗ du khách đến vui chơi với nhiều trò chơi. Ở đấy có bến cảng với các cầu tàu và vì thế là khu vực sinh hoạt nhộn nhịp của một thành phố có 1.6 triệu người, nhưng nếu tính thêm các vùng phụ cận thì Greater Montreal có dân số 3.6 triệu người.  Montreal là thành phố có nhiều người nói tiếng Pháp nhất thế giới, chỉ sau thành phố Paris.

 

Phố Tàu ở Montreal: cái cổng tốn mấy trăm ngàn được khen nhưng cũng bị chê

 

Nhà báo Trường Kỳ và tử vi gia Thiên Phúc cho biết con cái của họ nói thông thạo cả hai thứ tiếng Pháp và Anh. Tôi thấy Trường Kỳ khi nói chuyện với người địa phương (như trong các nhà hàng) đều nói tiếng Pháp nhưng tôi chỉ dùng tiếng Anh trong khi tiếp xúc và người bản xứ ở các cửa tiệm hay khách sạn đều hiểu được.

 

Anh và Pháp là hai ngôn ngữ chính thức của Gia Nã Đại. Mọi văn kiện phải được viết bằng hai thứ tiếng.  Tuy nhiên, ra vẻ người ở Montreal nói tiếng Pháp với nhau nhiều hơn và tiếng Anh họ nói hơi nặng.

 

Ở đâu cũng vậy, một thành phố thường chia ra làm nhiều khu với đời sống kinh tế xã hội có phần khác nhau.

 

Ở phía nam Montreal là phố xá với những khu thương mại lớn cạnh bờ sông Saint Laurent. Người Hoa luôn chọn vị trí tốt để lập khu Chinatown của họ. Phố Tàu ở đây nằm giữa trung tâm phố, cách bờ sông chừng 500 mét. Khu phía tây được xem là khu của những người giàu nằm ở vùng đồi cao, có nhiều cây xanh, là nơi mà theo anh bạn Mạc Văn Đức mới làm quen nói, người Anh khi thắng người Pháp đã đến lập nghiệp và xây dựng sơ sở nhà cửa lớn.  Nói cách khác, khu người Anh giàu hơn khu người Pháp (hình như người theo đạo Anh giáo và Tin lành thường giàu hơn người đạo Công giáo).

 

Tử vi gia Thiên Phúc sống ở  khu Côte des Neiges thuộc vùng miền tây bắc. Tử vi gia ở trong loại nhà townhouse trên con đường có cây cối mát mẻ.

 

Nhà tiêu biểu trong Phố Ý (Petite Italie) gần chỗ ở ký giả Trường Kỳ

 

Nhà báo Trường Kỳ ở vùng Jean Talon thuộc phía bắc, gần khu người Ý có tên là Petite Italie. Cũng là nhà loại apartment, nhưng trông lịch sự như một khu ngoại ô trung lưu ở Melbourne. Cả hai nơi các cộng tác viên của TiVi Tuần-san sinh sống là những ngoại ô có quán xá người Việt.

 

Tôi chưa đi hết các ngoại ô ở Montreal, nhưng những nơi tôi thấy là những vùng nhà cửa xây theo lối townhouse, flat hay apartment, không phải nhà rời không dính vách (detached) như ta thấy ở vùng ngoại ô Springvale, Richmond hay Footscray. Như  vậy, Montreal đã được đô thị hóa hơn Melbourne.

 

Chúng tôi đến Monrtreal ngủ lại 4 đêm nhưng chỉ hưởng trọn 3 ngày vì thế đã phải sắp xếp làm sao càng đi nhiều và thăm nhiều thắng cảnh càng tốt.  Từ chỗ ở trọ (tức trung tâm thành phố) chúng tôi tới thăm hai người bạn này bằng xe metro, đi mất khoảng từ 20 đến 30 phút.

 

Phương tiện di chuyển công cộng ở Montreal quá tốt, nhất là bằng xe điện metro vì vậy tôi đã chẳng đi một cuốc taxi nào cả như ở New York hay Washington D.C. Hệ thống xe điện ngầm ở Montreal nghe nói mới được xây dựng khoảng ba thập niên.

 

Nhìn người ngẫm lại ta, tôi nghĩ tại sao thành phố Melbourne –nơi từng được bình bầu là thành phố dễ sống nhất thế giới—lại không có được một hệ thống chuyên chở công cộng như Montreal, chứ đừng nói gì như New York hay Paris.

 

Chừng nào thì mới hết cảnh xe lửa chạy khơi khơi trên mặt đường làm kẹt giao thông và gây tai nạn? (Còn tiếp)

 

(Trích TVTS  số 1187,  phát hành ngày 24.12.2008)