Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (5)

13 Tháng Một, 2009 | Mỹ châu

 

 

Trên cầu Brooklyn Bridge khi hoàng hôn vừa xuống

 

Nói đến New York là chúng tôi liên tưởng ngay tới tòa tháp đôi chọc trời, nhưng trong 10 ngày ở lại đấy, World Trade Centre đã không được chúng tôi tới thăm đầu tiên. Thật vậy, trong lịch trình du lịch Bắc Mỹ chúng tôi đã dự trù sẽ tới thăm khu Ground Zero đúng vào sáng 11.9.2008.

 

Lý do: ngày 11 tháng 9 còn để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó quên. Bởi tối hôm đó sau khi gia đình và bà con chúng tôi ăn mừng sinh nhật của một đứa con, lúc mọi người đã ra về, tôi vào phòng ngủ trước, bật tivi xem thì thấy cảnh một chiếc máy bay đang lao vào một tòa nhà của World Trade Centre kèm giọng nói hốt hoảng của một nam ký giả đang tường thuật.

 

Thoạt đầu, tôi không tin vào mắt của mình đang coi trực tiếp truyền hình vụ khủng bố nhắm vào biểu tượng của Hoa Kỳ bởi vừa mới qua một tiệc rượu, nên cứ ngỡ đó là cảnh trong một cuốn phim.

 

Vậy sau Tượng Nữ Thần Tự Do, bạn thử đoán chúng tôi sẽ đi xem danh thắng nào của New York?

 

Bạn sẽ không ngạc nhiên nếu chúng tôi chọn cây cầu Brooklyn Bridge, một biểu tượng, cái mốc khác (landmark) của New York. Tới Sydney bạn đã trèo (có trả tiền) lên vòm cây cầu  Sydney Harbour Bridge thì qua New York, bạn hãy nên đi bộ một lần trên Brooklyn Bridge, chẳng tốn xu nào.

 

Lang thang phố xá

 

Thành phố New York (New York City) có 5 quận (county hay borough): Manhattan, Brooklyn, Queens, The Bronx và Staten Island.

 

Đảo Staten là một hòn đảo lớn nằm trước vịnh New York Bay,  cách Manhattan khoảng 20 phút đi tàu miễn phí mà chúng tôi đã nói trong bài trước. Quanh quẩn trong hòn đảo Manhattan, trái tim của New York cũng đã làm chúng tôi hết thì giờ và có cố gắng lắm, cũng chỉ lang thang được một số khu vực, xem một số danh lam thắng cảnh.

 

Cầu Brooklyn Bridge nối khu Manhattan và khu Brooklyn cách nhau bởi con sông có tên là East River. Sông này chảy tới cuối hòn đảo Manhattan thì nhập lại với sông Hudson River ở phía tây đảo, và cùng đổ ra vịnh New York Bay. 

 

Brooklyn Bridge được phác họa và khởi xây bởi kỹ sư di dân người gốc Phổ (Đức) John Roebling từ năm 1867 nhưng ông chết vì bị bệnh uốn ván (tetanus) do tai nạn khi làm cầu nên cây cầu đã được hoàn tất dưới sự điều khiển của người con là Washington Roebling.

Ngày khai trương cầu: 24.5.1883.

 

Cầu Brooklyn là một loại cầu treo, dài 1,825 mét;  rộng 26m và cao khỏi mặt nước 41 mét.  Có 6 lanes cho xe chạy. Cạnh cầu Brooklyn Bridge có cầu Manhattan Bridge nên người ta đặt cho khu này cái tên khu Two Bridges, như tên khu Chinatown nằm cạnh đó.

 

Ngày thứ ba đặt chân tới New York, chúng tôi để cho con cái ở nhà ngủ nướng hoặc làm bài vở trong khi chúng tôi ra đường đi mua vé xe lửa để hôm sau xuống thủ đô Washington.  Đây là dịp để chúng tôi đi bộ, quan sát phố xá và đời sống của người dân New York. 

 

Đi trên Đại lộ 7 (7th Avenue) tới trạm xe lửa trung ương Penn Station (Pennsylvania Station) ở về phía nam của đảo Manhattan chúng tôi có dịp thấy từ xa tòa nhà cao nhất New York hiện nay là Empire State Building (ở  Đại lộ 5) mà chúng tôi dự trù sẽ đi tham quan. Chúng tôi cũng đi qua trụ sở của báo The New York Times trên Đại lộ 8 để chỉ đứng ngoài chiêm ngưỡng.

 

Trong những chuyến đi du lịch chỉ hai vợ chồng, chúng tôi thường rời khách sạn 9 hay mười giờ sáng, và đi tham quan hay rong chơi, ăn uống đến 12 giờ đêm mới về. Nhưng đi chung với con cái, chúng tôi biết các con không đủ sức và cũng không thích lối đi xem cho “bõ đồng tiền” kiểu du lịch của chúng tôi, nên thông thường chúng tôi chỉ đi ra khỏi khách sạn sau 12 giờ trưa và về khoảng 7 hay 8 giờ tối. Có nghĩa, đi chơi cũng như đi làm: tối đa 8 tiếng mỗi ngày theo luật lao động!

 

Ngày hôm nay, chúng tôi cho con cái nằm ở nhà xem tivi đến 3 giờ mới ra khỏi khách sạn. Chúng tôi dự trù đi xem Central Park, công viên lớn nhất ở đảo Manhattan ngăn đôi khu giàu có của người da trắng ở phía nam và khu Harlem của người da đen ở phía bắc.  Sau đó đi xe điện ngầm trở về phía nam tới khu Brooklyn để đi bộ ngược từ cầu Brooklyn Bridge về đảo Manhattan để ngắm cầu ngắm phố. Rồi từ đó lội bộ tới khu Chinatown ăn tối, và nhất là để ăn tôm hùm vì nhiều người đi Mỹ về nói tôm hùm ở Mỹ rất rẻ.

 

Cổng phía nam của Central Park, cạnh cao ốc của tỉ phú Donald Trump

 

Từ khách sạn Carter đi bộ tà tà tới cổng Central Park South của công viên mất chừng 20 phút. Với tốc độ đi như vậy, chúng tôi nghĩ rằng nếu đi hết chiều dài của công viên dọc Đại lộ 8 sẽ mất thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ.

 

Central Park là khu vực xanh của đảo Manhattan mà giá (nhà) đất cao hàng đầu thế giới, nên nghe nói có những đại công ty muốn mua khu đất này với giá bảy, tám trăm tỉ đô la để biến công viên thành khu chung cư và thương mại như ở Midtown và Downtown.

 

Bạn đã xem truyền hình, đọc báo thì chỉ cần đi bộ trên Đại lộ 7 và đường Broadway nằm chéo với Đại lộ 8, bạn sẽ gặp một số tên quen thuộc trên khu vực này. Dù là ban này, tôi cũng hoa mắt với các cao ốc và bảng hiệu hai bên đường.

 

Tôi nhớ là có thấy tòa nhà có bảng ghi Late Night Show của David Letterman.

 

Một người bạn của chúng tôi đi New York về có kể rằng anh đã tới sắp hàng ở trước studio của CBS để chờ được mời vào xem một chương trình sống vào buổi tối của David Letterman. Bạn cũng có thể thử thời vận với đám đông để may ra được lựa chọn cho vào studio của NBC để xem các show như  Today Show hay Saturday Night Live hay Light Night.

 

Tôi nghĩ mình sẽ không có dịp may như vậy và không muốn tốn thì giờ chờ đợi vô ích nên dự tính sau này sẽ mua vé đi tham quan một đài truyền hình, bởi ở New York du khách có đủ thứ để xem, vui chơi nếu có tiền.

 

Chúng tôi  quẹo qua đường Broadway và khi đụng vào góc ngã tư  Đường 59 (59th Street) và Đại lộ 8  thì cũng vừa tới cổng của công viên Central Park.

 

Tại đây có khu phức hợp Time Warner CentreTrump International Hotel and Tower, một khách sạn của tỉ phú xây cất, truyền hình Donald Trump. Quả cầu lớn nằm trước mặt khách sạn làm cho tôi nhớ ngay đấy là trụ sở của ông vua tổ chức Miss Universe.

 

Tác giả tại subway trước mặt khách sạn của tỉ phú Trump với biểu tượng của  Miss Universe

 

Đây là khu vực của các đại gia Mỹ sống và làm việc. Đại lộ 5 song song với Đại lộ 7  chạy dọc bờ tường Central Park được coi là nơi có nhiều tỉ phú sống. Tỉ phú truyền thông Mỹ gốc Úc Rupert Murdoch có mua một cái apartment hàng chục triệu đô la ở đây.

 

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các đại gia Mỹ sống ở khu vực này, xa các nơi phồn hoa đô hội ở phía Midtown và Downtown của đảo Manhattan: vì có nhiều cây xanh.

 

Chúng tôi vào công viên nghỉ ngơi, đi một đoạn và ngắm cảnh chừng nửa tiếng cho biết Central Park là cái chi bởi còn phải tới cầu Brooklyn cho kịp trước khi mặt trời lặn.

 

Chuyện một cây cầu

 

Ra tới khu vực trước mặt tòa nhà của tỉ phú Trump, chúng tôi xuống trạm Subway đón xe điện ngầm A & C (màu xanh) để qua Brooklyn nằm bên kia sông East River. Chúng tôi nhảy xuống trạm High Street. Từ đấy, chúng tôi theo bảng chỉ trên đường, đi bộ qua cái park nhỏ mất khoảng 10 phút là tới chân cầu Brooklyn Bridge.

 

Chúng tôi tính toán tương đối khá chính xác vì khi bước lên cầu thì mặt trời đã lặn, chỉ còn những tia sáng tỏa lên từ đường chân trời của vịnh New York Bay, sau các cao ốc của Manhattan hoặc những tảng ánh sáng màu vàng úa trộn lẫn trong các đám mây đen như phông của một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh một cơn giông chiều sắp kéo đến.

 

Lối lên cầu Brooklyn Bridge, phía sau là các cao ốc bên kia đảo Manhattan

 

Khác với những lần bước lên cây cầu Tràng Tiền màu trắng “sáu vài mười hai nhịp” lặng lờ  trên giòng sông êm như mặt nước hồ của quê tôi,  cột trụ sắt to lớn đen ngòm hình cổng chào của cây cầu treo trước cái phông (background) màu lam pha vàng của thành phố Manhattan là hình ảnh mạnh đập vào mắt người vừa bước lên cầu khi mặt trời không còn.

 

Những sợi dây cáp chằng chịt giăng từ cột trụ đỡ cầu treo làm du khách rối mắt. Hình ảnh tuyệt vời của toàn bộ cây cầu nằm trên đường chân trời New York ban ngày hay ban đêm (trên phim, ảnh) khác xa đoạn đường mờ mờ ảo ảo mà tôi chứng kiến lần đầu tiên khi bước lên cầu.

 

Phải đi một đoạn vượt qua khỏi cột trụ thứ nhất này (có 2 cột trụ để treo cầu) thì mới không còn bị vướng mắt với màn lưới dây dợ của cầu Brooklyn và từ đây, tuy không còn mặt trời để thấy rõ đường đi trên cầu nhưng nhìn về hướng thành phố Manhattan thì quả là lý tưởng để thưởng thức vẻ đẹp của thành phố này.

 

Chỗ dành cho người đi bộ và xe đạp là một cái cầu nhỏ treo chồng lên trên đường dành cho xe chạy.

 

Nhưng bạn cũng phải cẩn thận một chút vì những ông đi xe đạp cứ coi họ là vua trên đường, nên họ ít để ít những du khách vì mải mê phong cảnh mà tràn hay băng qua đường. Tôi đã suýt bị một ông chạy xe đạp đụng vì không để ít đến dấu hiệu dành cho xe đạp khi trời đã chạng vạng tối, bởi lo tìm chỗ đứng thích hợp để chụp hình.

 

Tôi nghĩ độ cao của cầu dành cho người đi xe đạp khoảng 50 mét trên mặt nước.  Từ đây bạn mặc sức ngắm cảnh hoàng hôn và đêm buông xuống trên Vịnh New York và thành phố.

 

Tượng Nữ Thần Tự Do ở đảo Liberty giữa sông Hudson  chụp từ cầu  Brooklyn Bridge

 

Chúng tôi đã dành một tiếng đồng hồ để đi trên cây cầu dài gần hai cây số này và chọn những vị trí tốt nhất để chụp hình kỷ niệm.

 

Những tia nắng vàng yếu ớt tan dần theo bóng đêm. Đèn điện trên cầu cũng đã bắt đầu sáng. Nhìn về hướng tây, xa xa ngọn đuốc màu vàng trên tay Tượng Nữ Thần Tự Do ở trên đảo Liberty cũng đã được thắp. Hải cảng New York bây giờ đã sáng rực để được xác nhận đây là thành phố không bao giờ ngủ.

 

New York City và Brooklyn Bridge khi đã lên đèn

 

Xứ sở của tôm hùm

 

Chúng tôi xuống khỏi cầu Brooklyn Bridge và dự trù đi theo hướng phải để tới khu Chinatown ăn tối. Nếu đi đúng đường thì hy vọng sẽ mất chừng 15 tới 20 phút. Tuy nhiên, chúng tôi đã đi lạc hướng và khi nhìn lại bản đồ thì thấy hơi xa Chinatown. Chúng tôi hỏi một phụ nữ người Hoa đang đứng đón xe bus với người đàn ông Âu Châu.

 

Cô nói chúng tôi nên đi ngược lại và quẹo trái thì sẽ tới nơi. Nhưng ngẫm nghĩ một lát, cô cùng người bạn (chúng tôi đoán là bạn trai) chạy theo đề nghị dẫn chúng tôi tới Chinatown. Làm sao chúng tôi từ chối sự tốt bụng của họ?

 

Chỉ mất thêm chừng mười phút, băng các hẽm và đường nhỏ trong các chung cư và công sở, chúng tôi đã tới Chinatown, nhưng tiệm đầu tiên mà chúng tôi gặp là một tiệm mang tên Việt Nam vừa mới khai trương: Phở Số 1.

 

Tiệm Phở Số 1 ở khu Chinatown

 

Chúng tôi đi bộ một vài đoạn đường trong khu phố Tàu để xem cho biết có khác các khu phố Tàu ở các nước khác không, đồng thời để tìm nhà hàng nào có đồ biển hầu thưởng thức tôm hùm với giá rẻ, vì ở Richmond lúc này không còn những nhà hàng chuyên về tôm hùm để có thể kêu bất cứ lúc nào. Có thể nói món tôm hùm đã biến mất trên các thực đơn của các nhà hàng Việt-Hoa ở đây, nên con cái cũng như chúng tôi cảm thấy nhớ.

 

Lúc này đã gần 9 giờ tối và mọi người đều cảm thấy đói bởi đi bộ quá nhiều. Chúng tôi gọi 5 món và không quên đặt một đĩa tôm hùm xào gừng, đề giá $28.50 Mỹ kim. 5 người ăn, uống nước ngọt và vài chai bia nhưng chỉ $125 kể cả thuế, là giá phải chăng so với ăn ở một nhà hàng Mỹ trung bình từ $200 đến $250 kể cả tiền típ (tiền boa).

 

Chúng tôi đã ăn món tôm hùm được tiếng rẻ ở Mỹ. Sau này, qua Montreal tiếp tục ăn tôm hùm do các thân hữu đãi. Tử vi gia Thiên Phúc hội ngộ với chúng tôi vào buổi trưa, nên đãi chúng tôi ăn trưa ở nhà hàng Tàu với nhiều món ăn ngon của nhà hàng này, lại kêu thêm 2 đĩa tôm hùm xào gừng và rang muối. Nhà báo Trường Kỳ hầu như tối nào cũng gọi tôm cho chúng tôi, từ tôm hùm đến tôm càng, tôm he…

 

Trở về New York lần thứ nhất, chúng tôi  phát hiện cạnh khách sạn Carter có tiệm buffet của Tàu (all you can it) có đồ biển giá chỉ $12.95 cho một người, nên đêm đêm chúng tôi thường đến ăn tôm rang muối, ghẹ luộc cho đã… đến độ khi sắp trở về Melbourne chỉ nghe đến tiếng… tôm là con cái chúng tôi phát sợ bởi quá ngán. Nhà tôi cũng ớn, nhưng tôi vẫn thích bởi ăn như vậy quá rẻ. Ngán thì đã có bia. Có bia vào thì lại hết ớn.

 

 

Bạn cứ tưởng tượng một tiệm ăn nằm sát Times Square, có hàng chục món thịt thà và đồ biển, tráng miệng đủ loại, nước ngọt miễn phí, bia chỉ $2.50 một lon, ăn 5 người mà tổng cộng cả tiền service chỉ  $75 thì còn nơi nào trên thế giới rẻ hơn nữa?

 

Tôi có thói quen không ăn nhiều vào buổi trưa và cái thú của một ngày là được tà tà ăn tối để uống rượu vang hay bia. Bởi vậy sau cái “giờ thánh” của tôi hàng đêm tại quán “ăn chết bỏ” này (lối dịch của tôi từ chữ buffet hay all you can eat)  với sơ sơ 3 đĩa tôm và 2 lon Budwiser để… “trả thù nạn thiếu tôm” ở Melbourne thì tôi có thể hát như ca sĩ Frank Sinatra… “I’m king of the hill, top of the world… New York, New York”.

 

Chúng tôi thắc mắc tại sao ngay giữa trái tim của New York mà có tiệm buffet như thế thì làm sao họ kiếm lời.  Nhưng đó là chuyện của họ, còn họ sẽ kéo dài bao lâu là chuyện đáng quan tâm đối với khách du lịch, như tôi và như bạn. Địa chỉ như sau:

 

Midtown Buffet

506    7th Avenue,

giữa West 40 and 41 Street, New York.

 

Tôi cầu mong tiệm này vẫn sẽ sống hùng sống mạnh để tiếp những ai thích ăn đồ ngon mà rẻ tại thành phố được xem mắc mỏ nhất thế giới (còn tiếp).

 

(TVTS – 1179)