Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (4)

05 Tháng Một, 2009 | Mỹ châu

 

 

Battery Park: tàu đã đầy nguời, chờ chuyến khác để ra Liberty Island

 

Bạn đoán thử chúng tôi sẽ đi xem danh lam thắng cảnh đầu tiên nào của thành phố New York? Tượng Nữ Thần Tự Do đấy bạn, biểu tượng của thành phố New York,  của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, được bầu vào danh sách ngắn 21 Kỳ Quan Hiện Đại của Thế Giới trong cuộc bình bầu trên internet cách đây khoảng hai năm.

 

Đi trong đảo Manhattan bằng xe điện ngầm (subway), chỉ tốn $2 Mỹ kim một chuyến, bất kể đường dài hay ngắn, đổi bao nhiêu xe, ngồi dưới hầm bao nhiêu lâu. Đi xe bus cũng như vậy, nhưng hình như chỉ được đổi xe hai lần và vé chỉ có trị giá hai tiếng sau khi đã sử dụng.

 

Vì thế, bạn nên đi lại bằng phương tiện công cộng. Nếu kẹt mà phải dùng taxi, một chuyến đi từ Times Square tới Chinatown hay Ground Zero (World Trade Centre cũ) tốn khoảng $25 đô.  Đi mất từ nửa tiếng đến một giờ tùy việc có bị kẹt xe hay không.

 

Nhưng nếu dùng subway, chắc chắn sẽ nhanh hơn, chỉ mất tối đa  nửa tiếng.

 

Mua vé đi tham quan

 

Có rất nhiều gói (package) đi tham quan, kết hợp nhiều danh lam thắng cảnh hoặc đi trong nhiều ngày, và như vậy sẽ rẻ hơn. Nhưng theo thói quen của chúng tôi, muốn đi tới đâu, chúng tôi mua vé vào nơi đó để thưởng thức bao lâu tùy ý, không lệ thuộc vào ai.

 

Muốn đi tham quan Tượng Nữ Thần Tự Do, bạn hãy đón xe điện ngầm đi tới Battery Park về phía nam, là khu vực cuối của hòn đảo Manhattan, mất khoảng 20 phút. Nơi đây có 2 chuyến tàu để tham quan.

 

Nếu bạn chỉ muốn nhìn Tượng Nữ Thần Tự Do từ xa, được ngắm cảng New York nhưng lại được đi một chuyến tàu miễn phí trên sông Hudson kéo dài chừng 20 phút, bạn có thể đón tàu đi tới đảo Staten Island.

 

Nhưng muốn đi tận nơi đến tận chốn để xem mặt mày bà thần này ra sao, chụp hình kỷ niệm thì mua vé (tại chỗ) đi The Statue of Liberty (National Monument) & Ellis Island, giá $12 cho người lớn. Tùy ngày và tùy buổi, cứ 30 phút hay 60 phút có một chuyến tàu.

 

Trước khi xuống tàu, phải qua trạm kiểm soát an ninh rất nghiêm ngặt: cởi giày, tháo nịt quần và lấy hết mọi thứ trong túi ra.

 

Từ bờ ra đảo Ellis Island nơi có tượng bà nữ thần mất khoảng 10 phút. Vé vừa nói ở trên không bao gồm việc trèo lên bục tượng nữ thần (No Monument Access).

 

Chúng tôi đã được những người bạn đi New York cho hay từ ngày xảy ra vụ khủng bố 11.9, người ta không còn cho du khách lên tận đỉnh cao nhất của bức tượng. Vì thế chúng tôi chấp nhận là sẽ không được hưởng cái thú đứng trên bàn tay cầm đuốc của Tượng Nữ Thần Tự Do. Chúng tôi cũng đã thấy ghi điều này trong vé.

 

Nhưng lòng ham muốn của con người thì vô giới hạn, nhất là đối với những người thích du lịch và còn khỏe như chúng tôi, nên khi ra đến nơi, ngước lên thấy có nhiều người đi lại trên bệ (pedestal) tượng nữ thần và những người đứng sắp hàng ở cổng chờ kiểm tra, thì sự tò mò trổi dậy.

 

Chúng tôi nghĩ rằng ở đấy có bán vé lên bệ, nên tới hỏi mua thì được các nhân viên an ninh cho hay lên bệ xem miễn phí, nhưng phải book trước, tối thiểu là một tuần lễ.

 

Nhân viên này còn cho biết mỗi tuần họ cho phép khoảng vài ngàn người lên xem, nhưng điều này chẳng có nghĩa ai book cũng được phép. Bạn đọc nào muốn có vé gọi là Entrance to Pedestal, hãy book với Monument Pass Reservation số 1-877 523 9849 hay thăm mạng www.statuecruises.com. Chuyến lên tham quan bệ tượng lúc 4.30pm là chuyến chót trong ngày.

 

Tác giả cạnh tượng của Tướng Lafayette dựng tại công viên mang tên ông trước Tòa Bạch Ốc

 

Dấu vết Pháp trên đất Mỹ

 

Trong Đệ II Thế Chiến, nếu không có người Mỹ, nước Pháp có lẽ đã không thoát khỏi sự đô hộ kéo dài của Đức Quốc Xã. Không có quân đội Mỹ, Tướng Charles de Gaulle đã không thể trở thành anh hùng giải phóng nước Pháp.

 

Nhưng người ta nói rằng Hoa Kỳ có thể không giành được độc lập từ Anh Quốc nếu không có sự giúp đỡ của người Pháp, đặc biệt là của Tướng LaFayette, một người bạn thân của Tướng George Washington, người sau này trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc Mỹ.

 

Trong chuyến tham quan thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington) chúng tôi thấy ngay trước mặt Tòa Bạch Ốc có công viên mang tên Lafayette Park và tượng của ông tướng Pháp được dựng bên góc trái của công viên, nhìn vào cánh hướng đông của tòa nhà số 1 của Hoa Kỳ. Công viên Lafayette và Tòa Bạch Ốc cách nhau bởi đại lộ Pennsylvania Avenue.

 

Tình hữu nghị Mỹ-Pháp đã có từ thời lập quốc của Hiệp Chúng Quốc.

 

Một trăm năm sau khi Cuộc Nội Chiến Mỹ chấm dứt,  một nhóm trí thức cấp tiến người Pháp trong bữa tiệc vào một đêm năm 1865 đề nghị làm một cái gì đó để chứng tỏ sự gắn bó giữa “hai chị em” Pháp-Mỹ như xây cho nước Mỹ một tượng đài, coi như đấy là một món quà chứng tỏ nước Pháp cũng hết sức trân trọng cái tư tưởng tự do mà người Mỹ đề cao (trước đó nước Pháp đã nổi tiếng qua cuộc Cách mạng Pháp với khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng và Huynh đệ).

 

Trên tàu ra đảo Liberty, phía sau là đường chân trời của thành phố New York

 

Ý tưởng về tượng đài này đã được điêu khắc gia Frederic Auguste Bartholdi thai nghén và đưa ra, sau đó ông và các bạn đã vận động gây quỹ để khởi sự dự án này vào năm 1875.

 

Ngày 4.7.1884, bức tượng cao 181 feet được chở tới Paris trao cho đại sứ Mỹ và sau đó người ta phải tháo ra làm 300 miếng đặt vào các thùng gỗ để chở sang New York.

 

Nhưng do thiếu ngân quỹ nên ông Joseph Pulitzer, một chủ báo đã phải dùng tờ báo của ông để vận động kiếm quỹ xây thêm cái bệ và ráp các mảnh của tượng lại.

 

Tượng đặt ở trên hòn đảo rộng 12 mẫu Anh nhìn ra hải cảng New York, là biểu tượng của dân chủ và tự do.

 

Hòn đảo này nguyên có tên là Bedloe’s Island trên đó có pháo đài Fort Wood để bảo vệ hải cảng New York, nay được cải tên thành đảo Liberty Island.

 

Vợ chồng chúng tôi trước toàn cảnh của Tượng Nữ Thần Tự Do trên Đảo Liberty

 

Tên chính thức của The Statue of Liberty là “Liberty Enlightening the World” (Tự Do Khai Sáng Thế Giới). Người Việt chúng ta không dịch là Bức Tượng của Tự Do hay Tượng Đài Tự Do mà gọi một cách văn hoa là Tượng Nữ Thần Tự Do.

 

Ngày 28.10.1886 là ngày khánh thành Tượng Nữ Thần Tự Do và ngày hôm đó được tuyên bố là ngày nghỉ lễ. Mọi người đều nghỉ việc chỉ trừ Thị trường Chứng khoán New York.

 

Một triệu người New York xuống đường dưới trời mưa và sương mù, quấn cờ Tam Tài ba màu của Pháp lên trên người để xem diễn hành. Tình hữu nghị, chị em Mỹ-Pháp thắm thiết làm sao. Bức tượng cao 305 feet này (từ mặt đất đến ngọn cây đuốc) lúc đó là kiến trúc cao nhất thành phố New York.

 

Năm 1924, Tổng thống Calvin Coolidge tuyên bố Tượng Nữ Thần Tự Do là một tượng đài quốc gia. Năm 1984, tượng được Liên hiệp Quốc đưa vào di sản thế giới.

 

Có tất cả 345 bậc cấp từ bệ lên tới vương miện, cao tương đương với 22 tầng lầu. Cũng có thang máy nhưng chỉ chạy lên tới đỉnh bệ mà thôi. Người nào đã đi thang máy thì không thể đi lên tới vương miện. Chúng tôi tiếc là đã không có dịp bước lên các tầng cấp này.

 

Người Việt mình thường nói “năm châu bốn bể”, nhưng người Pháp đã tạc 7  tia sáng trên vương miện của Tượng Nữ Thần Tự Do tượng trưng cho 7 đại dương (Bắc và Nam Đại Tây Dương, Bắc và Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương và Nam Băng Dương) và 7 lục địa (Bắc và Nam Mỹ, Âu Châu, Á Châu, Phi Châu, Nam Cực Châu và Úc Châu).

 

Nữ Thần Tự Do ngoài bó đuốc, còn cầm trên tay một cuốn sách (tấm ván) ghi ngày độc lập của Mỹ  “July 4, 1776” với những con số bằng số La Mã mà đứng dưới đất có thể thấy.

 

Dưới chân Tượng Nữ Thần Tự Do, ngày 4.9.2008

 

Một chi tiết nhỏ nhưng đáng lưu ý: Nếu bạn đi tham quan tượng nữ thần vào buổi chiều như chúng tôi thì sẽ bị ánh nắng mặt trời chiếu ngược (contre-soleil) khi chụp hình. Vì thế nếu muốn chụp toàn cảnh thì phải đứng phía sau lưng của tượng.

 

Muốn có những bức hình kỷ niệm chụp toàn cảnh trước mặt tượng để người và vật được thấy rõ mặt, bạn nên đi tham quan vào buổi sáng. Tuy nhiên, đứng bên hông để chụp chỉ bức tượng hay một phần bệ, vẫn có thể chụp rõ hình nếu biết tránh ánh nắng mặt trời dọi ngược.

 

Đứng ở đảo Liberty Island, nhìn vào đảo Manhattan, bạn có thể thấy nguyên khu phố của Downtown, nơi có tòa tháp đôi World Trade Centre mà nay bị mất đi để thành khoảng trống trên nền trời của thành phố nay chỉ còn những tòa nhà cao thấp hơn nhau không bao nhiêu.

 

Khi tàu chạy ra đảo Liberty và trở lại Manhattan là dịp đẹp nhất để du khách có cơ hội chụp những bức hình lý tưởng về thành phố cảng nổi danh này.

 

Suýt lạc đường

 

Do mua vé đi Tượng Nữ Thần Tự Do và Đảo Ellis nhưng không quan tâm những địa điểm tham quan ghi trên vé, nên khi trở về đảo Manhattan, thấy tàu cập vào bến và có nhiều du khách xuống, vợ chồng chúng tôi có lẽ nghe tiếng Mỹ không rõ nên đang ở tầng dưới mà cứ thế theo giòng người lên bờ cho nhanh trong khi con cái còn ở trên bong tàu.

 

Chụp trên sông Hudson: tượng Nữ Thần Tự Do và thành phố New York

 

Đến khi con chạy xuống kêu ơi ới thì mới biết rằng mình đã xuống tàu nhầm chỗ, vì bến này dành cho những người muốn xuống đảo Ellis. Lúc này trời đã tối và tôi nghĩ rằng có thể là chuyến chót. Nếu chúng tôi lạc nhau trong ngày đi tham quan đầu tiên và chưa quen đường sá thì khi tìm lại nhau, kẻ ở đảo này (Ellis) người ở đảo kia (Manhattan) thì cũng rắc rối bực mình và mất thì giờ.

 

Tôi nhủ thầm sau này sẽ cẩn thận hơn khi xem vé và nếu nghe tiếng Anh giọng Mỹ trên loa không rõ hay không chắc ăn đã hiểu, thì phải nhờ con cái thông ngôn dùm. Mà quả thật, trong chuyến đi Bắc Mỹ này chúng tôi đã để cho con cái nghe dùm, đọc dùm và mua vé dùm, hướng dẫn chúng tôi đón xe, xuống xe.

 

Con cái nay đã lớn, nên tôi tự thưởng cho mình bằng cách để con cái làm hướng dẫn viên mò đường, chỉ thỉnh thoảng góp ý nên đi hướng nào, trạm nào cho nhanh hơn bởi thời gian có hạn mà New York còn lắm chỗ phải đi xem cho biết.

 

Tối hôm đó, trở lại khách sạn Carter, sau khi ăn xong, chúng tôi đi dạo một vòng trên đại lộ 7th Avenue về hướng công viên nổi danh Central Park thì gặp một chương trình trực tiếp truyền qua màn ảnh ngoài trời buổi lễ nhận sự đề cử chính thức của Thượng nghị sĩ John McCain trước đại hội đảng Cộng hòa.

 

Một đoạn đường trên quảng trường Times Square được đóng lại và người ta đặt ghế giữa đường cho khách ngồi xem buổi lễ ra mắt qua màn ảnh lớn gắn trên cao ốc trước mặt như chúng ta xem màn ảnh lớn ở  quảng trường Federation Square tại Melbourne.

 

Có các phóng viên và dàn máy quay của truyền hình  để theo dõi phản ứng của khán giả. Thấy chúng tôi có vẻ thích thú xem, người ta đã mời chúng tôi vào những hàng ghế dành cho khách xem để vừa thấy hình và nghe rõ hơn. Trong khi chúng tôi cùng cả trăm người khác ngồi xem buổi lễ qua màn ảnh thì trước mặt đường, xe vẫn chạy, người dạo phố mua sắm vẫn đi lại dưới ánh đèn đủ màu của thành phố không bao giờ ngủ.

 

Tác giả trước màn ảnh lớn tại Times Square, chiếu buổi ra mắt của ứng viên tổng thống Cộng hoà. Bà  McCain đang nói chuyện

 

Chúng tôi đã nghe và thấy hình ảnh của Times Square trên báo chí hay truyền hình nhưng vẫn không hình dung được “quảng trường” này nó ra làm sao, rộng hẹp thế nào. Đây là kinh nghiệm đầu tiên của chúng tôi tại New York với quảng trường này.

 

Đêm áp cuối cùng ở New York, chúng tôi lại được ngồi vào hàng ghế dành cho khách qua đường để xem buổi trình diễn khai trương của mùa opera (The Metropolitan Opera) của thành phố New York do nữ nghệ sĩ Renée Flemington diễn.

 

Bây giờ tôi đã biết sinh hoạt của Times Square về đêm là cái chi chi. Và tôi đã tường thuật lại hai buổi đi xem vận động tranh cử và văn nghệ đó trên website của TiVi Tuần-san ngay sau đó, như là… một “phóng viên thường trú” tại New York.

 

Kể ra cũng khá thích thú nên quên mệt, vì một chuyện vừa xảy ra mà chỉ chừng một hai tiếng sau độc giả TVTS Online ở khắp thế giới đã có thể đọc. Sự bùng nổ của truyền thông ở thế kỷ 21 đã đi đến giai đoạn mà cách đây 23 năm khi bắt đầu làm tờ TiVi Tuần-san, tôi đã không thể mường tượng được. (còn tiếp)

 

(TVTS – 1178)