Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (3)

29 Tháng Mười Hai, 2008 | Mỹ châu

 

 

Tác giả tại Times Square đêm đầu tiên ở New York

 

Bạn có thể hỏi chúng tôi: New York có gì đáng nói?

 

Thì đây là câu trả lời của nhà tôi với một đại lý du lịch khi cô ấy hỏi nhà tôi đi New York như vậy đã chưa: “Có dịp sẽ đi New York lại”.  Dịp đó có vẻ xa vời bởi còn nhiều nơi khác để tham quan. Nhưng điều này chứng tỏ rằng New York là nơi du khách phải đến ít ra một lần cho biết. Bởi, nói không ngoa, chưa đi New York thì có thể xem như… chưa đi Mỹ!

 

New York là cái chi chi?

 

New York là tên của thành phố hồi nhỏ tôi được nghe bằng tiếng Việt là Nữu Ước, người Hà Nội trước 1975 gọi là Niu Y-oóc (nhưng nay tôi viết là New York, vì đánh máy computer chữ (Nữu) Ước cứ bị trục trặc với chữ ư hoa, sửa đi sửa lại mất thì giờ). Tôi được nghe New York là thành phố có nhiều cao ốc nhất thế giới và là nơi có những tòa nhà chọc trời đầu tiên.

 

Rồi tôi cũng từng nghe New York qua bản nhạc “New York New York” mà ca sĩ Frank Sinatra đã hát cách đây vài chục năm với những lời mở đầu như:

 

Start spreading the news, I’m leaving today

I want to be part of it – New York New York

These vagabond shoes, are longing to stray

Right through the very heart of it – New York New York.

I wanna wake up in a city, that doesn’t  sleep

And find I’m the king of the hill –top of the heap…

 

New York  New York  là bản nhạc đã làm nên một ca sĩ Frank Sinatra như bản My Way (vì nói đến Frank Sinatra là người ta nghĩ tới bản New York New York, My Way).

 

Đó là ước mơ về một New York của một người khi rời xa thành phố tỉnh lẻ của mình để đến một thành phố hàng đầu của của thế giới… bởi khi ông/bà  đã lên đỉnh cao của New York  (thật ra phải là khu Manhattan thì mới đúng) thì ông/bà sẽ lên đỉnh cao của thế giới. Vì thế New York không chỉ lôi cuốn chàng ca sĩ gốc Ý  Frank Sinatra mà nhiều người khác… qua điệu nhạc jazz, kèn saxo hết sức lãng mạng và lông bông này. Tôi là một trong những người đó.

 

Nghe bản nhạc New York New York chẳng khác nào nghe bản Sài Gòn Đẹp Lắm của nhạc sĩ Y Vân.

 

Còn sau này, khi bắt đầu lớn lên tôi được biết thêm New York là nơi có trụ sở của Liên Hiệp Quốc, tòa nhà chung và cũng là…  “nhà chùa” của gần một trăm quốc gia mà nay đã lên tới 192 nước.

 

Rồi khi vượt biên đi tị nạn bằng thuyền, bơ vơ giữa biển đông nhiều ngày đêm, tôi bị ám ảnh bởi bức tượng của Nữ Thần Tự Do giăng tay đón những người tầm trú ở cửa biển New York.

New York là kinh đô tài chánh của thế giới, nơi có thị trường chứng khoán nằm trên con đường gọi là Wall Street. Tôi được biết New York là nơi mà những nhà tài phiệt hoạt động và sinh sống, như  tỉ phú Rupert Murdoch đã rời Úc để qua sinh sống và làm việc tại New York, mua nhà trong khu Manhattan, trên Đại Lộ 5.

 

New York là nơi có trụ sở của những đài truyền hình, nhật báo nổi tiếng của Mỹ.

 

New York có Harlem huyền thoại và là khu sống tập trung của người da đen.

 

New York là nơi sản xuất Broadway– thế giới của các sân khấu ca nhạc kịch  gọi là Broadway show; New York của opera.

 

New York quy tụ mọi cái hay, cái đẹp (và cả cái xấu) của các nền văn minh trên thế giới, là điểm hội tụ của giải trí, vui chơi, sắm sửa thâu đêm, của một thành phố không bao giờ ngủ như lời hát của Frank Sinatra… “I wanna wake up in a city, that never sleeps”.

 

New York có cây cầu treo Brooklyn Bridge nổi tiếng như Sydney Harbour Bridge ở Úc…

 

Và cuối cùng, nhưng chưa hết, New York là nơi có tháp đôi có thời được coi là cao nhất thế giới, nhưng nay đã biến mất qua biến cố 11.9.2001 để miếng đất nơi World Trade Centre từng cao ngạo một mình trên đường chân trời New York nay được gọi là Ground Zero, đã trở thành bình địa.

 

Thành phố New York –New York City (NYC)— còn được người Mỹ gọi bằng những biệt danh khác như The Big Apple, The City That Never Sleeps,  The Capital of The World, The Empire City…

 

New York là thành phố lớn nhất của Tiểu bang New York. Nhưng thủ phủ (capital city) của Tiểu bang New York là Albany, một địa danh người ở ngoài Hoa Kỳ ít biết đến.

 

Đó là New York mà tôi đã nghe. Là New York tôi đã đến, đã sống và đã thấy trong 10 ngày đêm… để kể chuyện hầu bạn đọc.

 

Cảnh vẽ dạo trên đường 42rd Street cạnh bảo tàng viện Madame Tusseau

 

“New York by night”: đêm đầu tiên

 

Chúng tôi đến New York vào buổi chiều nắng đẹp. Một chuyến taxi đến khu Manhattan có giá cố định là $45 Mỹ kim, bất kể nhiều hay ít người.  Trên đường từ phi trường JF Kennedy tới khu Manhattan nơi có khách sạn Carter Hotel mà chúng tôi sẽ cư ngụ, người tài xế da đen đa vui vẻ nói cho chúng tôi biết sơ về thành phố này.

 

Như đường sá New York rất bận rộn, nạn kẹt xe là chuyện thông thường. Như đi xe hơi từ phi trường vào trung tâm thành phố có khi chỉ mất 20 phút mà có lúc mất một tiếng, thậm chí tới một tiếng rưỡi cũng là chuyện bình thường.

 

Ông cho chúng tôi biết nơi chúng tôi ở là trung tâm của thành phố, được gọi là Midtown (Manhattan). Đi xa ra ngoài biển gần Ground Zero, gần New York Stock Exchange và hướng tượng Nữ Thần Tự Do, khu này gọi là Downtown.

 

Tôi đưa cho ông địa chỉ của khách sạn– số 250 West 43rd Street  và trên đường xe chạy, ông tài xế giải thích rằng, như thế thì khách sạn nằm về phía tây, mà xe thì đang chạy ở vùng phía đông (East).

 

Con Đường 43 (43rd Street) có đoạn gọi là đông, đoạn gọi là tây. Ở trung tâm thành phố New York (Manhattan) người ta đặt tên đường (street) bằng con số. Có trên trăm con đường như vậy cắt ngang qua hòn đảo Manhattan.  250  West 43rd Street có nghĩa tòa nhà nằm trên Đường 43, về hướng tây, và ở số 250.

 

Những con đường chéo với street là những đại lộ (avenue). Có 12 đại lộ chạy ngang qua hòn đảo.  Chúng tôi đã đi qua vài đại lộ. Ông tài xế tiếp tục giải thích về đường sá. Tôi cám ơn ông nhưng nói tôi không thể nhớ được, vì phải ở vài ngày, có bản đồ trên tay mới định vị, biết cách đi đứng.

 

Đến bây giờ tôi mới biết tại sao ở New York không có những con đường mang tên người hay bất cứ một thứ tên nào khác như ở  Úc, Pháp hay Việt Nam mà chỉ có những con đường với Đường số mấy, Đại Lộ số mấy.

 

Đây là lối đặt tiên đường sá rất khoa học và dễ sử dụng, như ở thành phố Tokyo vậy. Đường 43 thì phải gần Đường 44, Đường 45, Đường 46 v.v… Đại Lộ 2 thì phải gần Đại Lộ 3, Đại Lộ 4  v.v…

 

Chứ không như ở Melbourne, từ khu South Bank đi vào trung tâm thành phố (CBD), tôi phải học thuộc “câu thần chú” sau đây mà đứa cháu chỉ để nhớ mấy con đường như câu “King William, Queen Elizabeth”;  có nghĩa là thứ tự của các con đường sẽ là King Street, William Street, Queen Street, Elizabeth Street.

 

Chỉ qua sáng hôm sau, cứ cầm bảng đồ xin trong khách sạn là chúng tôi có thể đi mọi nơi ở trong đảo Manhattan, trái tim của thành phố New York. Dễ ơi là dễ.

 

Đó là nói về đi bộ. Đi xe điện ngầm, ở New York gọi là Subway, cũng chẳng mấy khó khăn.

 

Chúng tôi ra đường khi đèn điện đã lên. Chỉ vài chục bước từ khách sạn ra ngã tư là gặp Đại Lộ 7 (7th Ave). Đây chính là Times Square mà tôi thường được nghe khi nói đến New York.

 

Ngay ở ngã tư này (thật ra phải gọi là ngả 6 mới đúng vì vị trí đặc biệt hơi ngồ ngộ của đoạn đường này) có cái đồng hồ nằm trên một cao ốc, là nơi mà hàng năm vào đêm giao thừa người New York ra ngồi đếm giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới và xem pháo bông.

 

Chúng tôi choáng ngợp bởi những tòa nhà cao ngất, san sát nhau với không biết bao nhiêu ánh đèn màu, những biểu ngữ quảng cáo bằng đèn điện, những màn ảnh truyền hình lớn. Cả khu phố Times Square dài cả hai ba trăm mét như rút ngắn lại. Hình ảnh quảng cáo thương mại bằng đèn đủ màu nằm sát trước mặt, đập vào mắt.

 

Tác giả và hai bạn dân NYPD

 

Tôi đã từng ở khu phố được xem là Thành phố Đèn Neon hay Thành phố Điện tử của Nhật ở  Tokyo, hoặc thành phố được mệnh danh Kinh đô Ánh sáng như thành phố Paris, nhưng tôi không thấy sự rực rỡ sáng chói, sáng trưng, sáng ngập trời, sáng hơn cả ban ngày như ở Times Square.

 

Chúng tôi đua nhau chụp hình một thành phố về đêm với ánh đèn mà chúng tôi chưa bao giờ thấy như vậy. Chúng tôi tràn xuống lề đường để chụp hình, cả không thèm để ý xe cộ qua lại, giòng người ngược xuôi.

 

Nhưng không phải chỉ mình chúng tôi mải mê chụp hình đến thế. Nhìn chung quanh, chúng tôi thấy có nhiều người cũng làm như chúng tôi, bởi vì phần lớn họ cũng là du khách, say mê trước vẻ quyến rũ của New York về đêm.

 

Chúng tôi đi bộ trên Đại Lộ 7, qua các con Đường 44, Đường 45 tới Đường 48 là đoạn cuối của khu Times Square, trái tim của Manhattan, của New York để vừa ngắm cảnh vừa tìm một nhà hàng khả dĩ có thể đánh dấu dịp kỷ niệm 25 năm hôn nhân (ngân khánh) của chúng tôi.

 

Đây là một ngày khá đặc biệt vì từ sáng ở Melbourne chúng tôi đã được con cái chúc mừng, nhưng khi đến New York hơn một ngày sau, chúng tôi lại cũng được con cái chúc mừng thêm một lần nữa, bởi vì thời gian đi ngược lại, chỉ khác ở Melbourne thì là buổi sáng, ở New York buổi tối. Các con chúc mừng hai lần trong “hai ngày” nhưng chỉ được chúng tôi đãi ăn một lần.

 

Sau bữa ăn mừng, chúng tôi trở ngược lại Đường 43, băng qua một block nữa tới Đường 42, con đường lớn hơn Đường 43 của khách sạn Carter với nhiều phố xá vui nhộn hơn. Mỗi block phố cách nhau chừng 50 mét.

 

Ở trên Đường 42 ngay sau lưng khách sạn Carter có bảo tàng viện người sáp Madame Tusseau, bảo tàng viện triển lãm những chuyện lạ, sự kiện khó tin gọi là Ripley’s- Believe It or Not.

 

Lúc này đã 11 giờ đêm, nhưng người vẫn đông, sinh hoạt chẳng có vẻ gì là sắp chấm dứt. Cảnh sát New York (NYPD) đi từng cặp trên đường để giữ trật tự. Ở đâu cũng thấy cảnh sát nên New York lúc này được ca ngợi là thành phố rất an ninh, bỏ xa thành phố Melbourne của chúng tôi như những người bạn Úc từng du lịch New York đã nhận xét.

 

Thấy trên lề đường có những người vẽ dạo như ở khu Quartier Latin hay chợ trời Montmatre của thành phố Paris, các con đề nghị ba mẹ hãy “làm người mẫu” để cho các họa sĩ lề đường vẽ một bức hình chung làm kỷ niệm. Tiền công vẽ hai người cộng luôn cả khung giấy là $45 Mỹ kim.

 

À thì cũng được, cũng vui khi “làm người mẫu” mà có những du khách qua đường đứng lại xem hay có những người khác đứng đợi để được vẽ. Có một cảm giác thân thiện giữa những du khách với nhau.

 

Không khí mới lạ của đêm đầu tiên tại New York nhờ những ly rượu vang đỏ của bữa ăn tối làm cho tôi hân hoan thơ thới, lâng lâng sảng khoái, nhìn ánh đèn muôn màu của New York chập chùng lung linh rực rỡ dưới ngọn gió nhẹ về đêm của mùa thu New York. Chúng tôi mê New York ngay từ buổi đầu.

 

Đã hơn 12 giờ đêm, phố xá vẫn còn vui. Tôi khẽ hát một đoạn của bài New York New York:I wanna wake up in a city that never sleeps. Tôi muốn được làm một phần của New York –I want to be part of it— với tư cách là một du khách. (Còn tiếp)

 

(TVTS – 1177)