Kể chuyện đường xa: 21 ngày ở Bắc Mỹ (1)

15 Tháng Mười Hai, 2008 | Mỹ châu

 

Chúng tôi trước tiền đình Capitol Hill, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ

 

10 năm trước, vào những ngày đầu xuân của xứ Miệt Dưới, chúng tôi đã đưa các con sang Mỹ để hưởng cái thú viếng thánh địa Disneyland của tuổi thơ. Chuyến Mỹ du một tuần lễ ngắn ngủi đó chỉ cho phép chúng tôi đi một số nơi từ kinh đô điện ảnh Hollywood ở Los Angeles xuống tận một thành phố ở bên kia biên giới Mễ Tây Cơ. Dĩ nhiên là có ghé thăm thủ đô của người Việt Nam ở Quận Cam.

 

Năm nay, cũng vào mùa Xuân, chúng tôi lại đưa cả gia đình sang Mỹ, nhưng những nơi chúng tôi đến thăm là các thành phố ở phía bắc của Hoa Kỳ và thành phố Montreal của Gia Nã Đại. Bởi vậy, viết loạt bài cho mục “Kể chuyện đường xa” lần này, chúng tôi đặt tên là: “21 ngày ở Bắc Mỹ”.

 

Các con của chúng tôi bây giờ đã lớn –lên đại học hoặc đã ra trường– nên chúng tôi đưa các con đi nhiều thành phố để vừa giải trí mua sắm, vừa học hỏi thu thập thêm những kiến thức về một thế giới mang tính toàn cầu, thu hẹp lại bởi các phương tiện di chuyển nhanh chóng và truyền thông hiện đại.

 

Thật vậy, các con chúng tôi còn trong thời gian học nên khi đi chơi với cha mẹ có thể làm bài nộp cho trường học cách cả vạn dặm. Riêng chúng tôi, kết hợp đi chơi với làm việc nên cũng có thể viết bài cho TiVi Tuần-san và đưa bài lên mạng cho báo điện tử TiVi Tuần-san, còn được gọi là Vietnamese Daily News Online.

 

Du lịch bây giờ trở thành nguồn vui của chúng tôi. Ước mơ được đi nhiều nơi trên thế giới đã trở thành hiện thực, một phần cũng nhờ vào nghề nghiệp làm báo của chúng tôi bởi mỗi lần đi, cũng là lúc chúng tôi “làm việc” cho tờ báo bằng cách ghi lại kinh nghiệm của chuyến đi hầu bạn đọc.

 

Chúng tôi có vài người bạn Úc gốc Do Thái, Hy Lạp khi nghe chúng tôi muốn đi New York, đã cho rằng New York là nơi đáng đi du lịch nhất ở Hoa Kỳ. Họ bảo đảm rằng chúng tôi sẽ thích thú trong thời gian ở lại trong thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ.

 

Vì thế trong chuyến đi 21 ngày ở Bắc Mỹ vừa qua, chúng tôi đã chia thời gian trú ngụ theo thứ tự ưu tiên: 10 ngày ở New York, 4 ngày Washington, 3 ngày Boston và 4 ngày Montreal.

 

Điều này không có nghĩa là các thành phố khác không hấp dẫn bằng thành phố New York. Mỗi thành phố có một vẻ đẹp và sự thu hút riêng, nhưng vui nhộn nhất vẫn là ở New York, một nơi được tặng danh hiệu là thành phố không bao giờ ngủ: đường sá lúc nào cũng đầy người, ban đêm đèn rực rỡ sáng như ban ngày và lúc nào cũng náo nhiệt với đủ loại hình sinh hoạt đón du khách thập phương.

 

Để tránh sự nhàm chán và có thời gian ghi nhớ thành phố trung tâm tài chánh thế giới, chúng tôi chia thời gian trú ngụ ở New York làm ba đợt. Máy bay đưa chúng tôi tới New York và sau đó chúng tôi đáp tàu hỏa đến thủ đô Washington. Lại trở về New York  ở vài ngày rồi đón xe đò lên thành phố văn hóa Boston.

 

Tác giả trước trụ sở Thị trường Chứng khoán Nữu Ước

 

Sau đó đi xe đò qua thành phố đa văn Montreal trước khi trở lại New York, là lúc mà Đại hội đồng Liên hiệp quốc khai mạc khóa họp thường niên và Thị trường Chứng khoán Nữu Ước đang có cơ sụp nếu quốc hội không thông qua kế hoạch $700 tỉ cứu nguy của Tổng thống George W Bush.

 

Thế là chẳng mấy chốc 21 ngày đêm trôi qua, rất mau…

 

* * *

 

Cũng như chuyến du lịch Âu Châu cách đây 5 năm, lần đi Bắc Mỹ chúng tôi đã có dịp gặp một số người, thấy một số sự kiện, sinh hoạt của nơi mình đến và có những nhận xét dù mang tính chủ quan, cũng đáng được kể ra để chia sẻ với bạn đọc, những người đã chưa tới những nơi này và có thể dùng các bài viết này như tài liệu tham khảo du lịch trong tương lai.

 

Như chuyến du lịch ở cộng hòa Vanuatu vào đầu năm nay chúng tôi đã có dịp gặp ông Đinh Văn Thân, một người giàu có bậc nhất và có thế lực ở nước này, đến New York chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với bà Trần Đình Trường, một gia đình người Việt được xem là giàu có bậc nhất ở Hoa Kỳ và cũng là một mạnh thường quân đối với xã hội Mỹ và các tổ chức trong cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ.

 

Xuống Washington chúng tôi làm quen với nhà báo Nguyễn Đức Nam (cựu sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh) chủ nhiệm nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, cũng là một người chuyên tổ chức các buổi văn nghệ ở thủ đô và vùng Virginia; gặp lại các bạn đồng môn khóa 6  của trường CTKD; gặp anh An Võ, quản trị viên (general manager) của Marriott Courtyard, xếp lớn nhất của khách sạn chúng tôi cư ngụ.

 

Lên Boston, chúng tôi gặp họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi một trong những người có nhiều cuộc triển lãm tranh ở hải ngoại, nhà văn Trần Doãn Nho.

 

Qua Montreal, có dịp gặp ký giả Trường Kỳ, người cọng tác hàng tuần với báo TiVi Tuần-san  trong nhiều năm qua mà bấy lâu chỉ “văn kỳ thanh bất kỳ hình”.

 

Cũng ở thành phố mang dấu ấn của văn hóa Pháp này, chúng tôi có dịp gặp lại Phong thủy Tử vi gia Thiên Phúc, người có bài tử vi trên TiVi Tuần-san cả gần hai thập niên qua.

 

Nhưng hầu hết thì giờ trong chuyến du lịch Bắc Mỹ chúng tôi dành cho việc tham quan danh lam thắng cảnh và mua sắm, vì thế sẽ có nhiều chuyện để hầu bạn đọc.

 

Melbourne, 29.9.08

 

(TVTS – 1175)