Kể chuyện đường xa: Cali có gì lạ? (7)

27 Tháng Mười, 2008 | Mỹ châu

 

 

 

Việt Dzũng và Minh Phượng

 

Muốn kiếm tiền, chớ làm phát thanh

 

Tôi có nghe các đài Little Saigon Radio trên làn sóng 1480AM và  Radio Bolsa, Saigon Radio Hải Ngoại, Radio Bolsa và VNCR trên làn sóng  106.3FM.

 

Các đài này có đủ thứ chương trình, từ tin tức, bình luận, văn nghệ, phỏng vấn các chuyên gia mọi ngành nghề theo hình thức quảng cáo (hỏi đáp về) dịch vụ và sản phẩm v.v… Phải công nhận, trong các chương trình đó, có rất nhiều nam và nữ xướng ngôn viên ăn nói hoạt bát và cười đùa một cách tự nhiên như những phát thanh viên người Úc hay người Mỹ.

 

Có nhiều xướng ngôn viên già dặn và già tuổi đời từng làm nghề phát thanh ở Việt Nam, và cũng không thiếu những xướng ngôn viên trẻ lớn lên tại hải ngoại. Nghe một vài giọng nam nữ trẻ tuổi ngoài 20 nói trên các làn sóng này thì tôi biết rằng họ học và chịu ảnh hưởng của nghề phát thanh từ người Mỹ.

 

Việt Dzũng và Minh Phượng là cặp bài trùng và là một trong những xướng ngôn viên đầu tiên tại Quận Cam. Trong thời gian ở Mỹ, vì không nghe đài suốt ngày nên tôi đã không nghe được giọng của hai người này. Nghe nói cả hai đã di chuyển tới Houston, tiểu bang Texas để làm đài phát thanh tại thành phố này, nơi có rất đông người Việt, chỉ sau Cali mà thôi.

 

Vì có cả chục “đài” phát thanh chia nhau thuê hai làn sóng AM và FM nói trên, nên chương trình cũng có lúc dẫm chân lên nhau, và làm người nghe không biết mình đang nghe “đài” nào.

 

Có những thính giả khó tính thắc mắc tại sao mấy ông bà chủ “đài” không ngồi lại với nhau, hùn hạp với nhau để thống nhất chương trình cho khỏi có sự trùng lặp. Chẳng hạn một “đài” trước đó mấy giờ có tin tức, phỏng vấn về một chuyện gì đó, thì chỉ vài giờ sau, cái “đài” khác lại cũng phát thanh một chuyện như vậy, nghe nhàm tài. Nhưng biết làm sao?

 

Đừng nói chi xa, chương trình Việt ngữ trên đài  SBS với mỗi ngày chỉ có hai tiếng thôi mà cũng có sự trùng tin tức, hay phỏng vấn cùng một người, một việc, thì hỏi làm sao chục cái “đài” kia, với không biết bao nhiêu ông bà chủ, thì làm sao ai kiểm soát ai, ai nói cho ai nghe được?

 

Và khi mỗi một “đài” có một chủ trương, lý tưởng, lề lối làm việc, quản trị và giá biểu lấy quảng cáo khác nhau, thì  “chiến tranh” giữa các “đồng nghiệp” là chuyện không tránh được. Điều buồn cười là nó xảy ngay trên một đài. Nhưng biết làm sao?

 

Giới trong nghề phát thanh cho rằng, chuyện hợp tác với nhau là chuyện không thể xảy ra được, chỉ mong làm sao cho các “đài” giữ hình ảnh đẹp, đoàn kết bề mặt, đừng xỉ vả nhau trên đài làm cho thính giả khỏi bực mình khi mở đài là may mắn lắm rồi.

 

Tiền thuê đài rất đắt. Thuê được vài giờ một ngày là gồng mình lắm, chứ đừng nói chi đến chuyện mua đài. Cộng đồng Việt Nam ở Mỹ to lớn thế, nhiều người Việt ở Mỹ chịu hợp tác làm ăn với nhau lối công ty mà cũng chỉ đủ sức thuê vài giờ trong ngày để lập một đài. Ở Úc này, muốn mua lại một giấy phép (licence) của một đài phát thanh thương mại ở một thành phố, phải trả giá từ $1 triệu đô la trở lên. Mà đó chỉ là licence mà thôi đấy nhé. Ở Mỹ chắc cũng tương tự. Vậy thì liệu những cái quảng cáo vài chục đô la có đủ trang trải tiền đài, tiền nhân viên, tiền thuê cơ sở v.v… không?

 

Ở Mỹ, chính phủ không chi tiền để làm đài phát thanh cho di dân ở trong nước Mỹ nghe, nhưng lại có những đài phát thanh phát ra các nước khác như đài VOA, đài Á Châu Tự Do.

 

Bạn đọc thử nghe lời phát biểu của nhà báo Lê Đình Điểu, cựu chủ bút nhật báo Người Việt và hiện là giám đốc điều hành đài phát thanh VNCR (1), nói về kinh nghiệm làm đài phát thanh trong một cuộc phỏng vấn như sau:

 

“Chương trình VNCR phát mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 6 tiếng. Chương trình ra đời vào tháng 6 năm 1995 với sự góp vốn của nhiều người, và mọi chi phí được trang trải bằng tiền đọc quảng cáo thương mại. Nếu làm báo in, các bạn phải trả tiền cho nhà in, thì làm phát thanh ở đây, các bạn phải trả tiền cho chủ đài. Mỗi làn sóng, chẳng hạn 106.3FM, phát thanh 24/24 giờ. Mình không đủ tiền thuê 24 giờ thì thuê vài giờ thôi – như thuê một căn phòng trong một binh-đinh nhiều tầng vậy. Tiền đài so với tiền in của báo in đắt gấp ba lần. Thí dụ, một tờ báo in, một tháng trả tiền in 25 ngày mỹ kim, chiếm 25% số thâu, thì một chương trình phát thanh như VNCR trả tiền đài trên 40 ngàn, chiếm 72% số thâu. Thành ra, nếu muốn kinh doanh kiếm lời, thì không nên làm phát thanh”.

 

Té ra làm đài phát thanh thương mại khó thật. Cho nên bạn nào thích làm phát thanh thì nên nộp đơn xin vào làm ở đài SBS có lãnh lương, hoặc rủ nhau, lập nhóm, hội, xin một vài giờ trên một đài phát thanh cộng đồng (community radio) để làm chùa, làm vì cộng đồng, hay được dịp nói cho vui miệng. Làm đài phát thanh loại sau chỉ là văn nghệ thôi, cho thỏa chí, chứ không thể nào có tiền được vì các đài phát thanh cộng đồng do chính phủ tài trợ sẽ không trả lương cho các phát thanh viên. Nếu có được tiền xăng là quý hóa lắm rồi.

 

Thế cho nên tôi nghĩ rằng làm một đài phát thanh thương mại (tức là do tư nhân làm chủ, điều hành) tại Úc như ở Mỹ là chuyện còn rất ngoài tầm tay của cộng đồng Việt Nam, ít ra là trong một hai năm tới đây.

 

Tác giả trên xa lộ gần biên giới Mễ Tây Cơ, năm 1998

 

Chỉ với $42: được một chuyến Mễ du

 

Tôi nói loanh quanh khá nhiều về tình hình truyền thông ở Mỹ, nhưng đó cũng là những sinh hoạt của người Việt, một tập thể hơn nửa triệu người sống ở tiểu bang lớn, phồn thịnh nhất và đông dân nhất của nước Mỹ.

 

Cali là tiểu bang có nhiều di dân từ Châu Mỹ La Tinh. Điều dễ hiểu là vì Hoa Kỳ nằm sát Trung Mỹ, mà California, Arizona, New Mexico và Texas là những tiểu bang có cùng một biên giới. Chính cái biên giới dài ba, bốn ngày cây số kia đã không thể nào kiểm soát được nạn di dân lậu của người Mễ Tây Cơ vào đất Mỹ.

 

Đã đi Mỹ, và nhất là đang ở Cali, tiểu bang sát Mễ, tại sao lại không làm thêm một chuyến “xuất ngoại”, qua một nước láng giềng có cuộc sống và văn hóa hoàn toàn khác Mỹ?

 

Bạn chỉ cần tốn có $42 Mỹ kim cho người lớn và $32 Mỹ kim cho trẻ em từ 3-11 tuổi là có thể du lịch thêm một nước. Nói rõ hơn, đi thăm thành phố Tijuana (đọc theo tiếng Tây Ban Nha là Ti-hu-a-na), một thành phố du lịch cách biên giới Mỹ-Mễ  chừng 20 cây số.

 

Nhưng từ Quận Cam đi tới Tijuana phải mất 2 tiếng rưỡi đồng hồ bằng xe bus. Vì thế chuyến đi tour này sẽ kéo dài tối thiểu 12 tiếng. Thường thì 8 giờ rưỡi sáng là xe bus bắt đầu chạy. Mua vé đi chơi tour, bạn có thể trả bằng Mỹ kim, traveller cheque hay thẻ tín dụng (nhưng xài thẻ tín dụng thì bạn phải chịu hối xuất trong ngày đó: tiền Úc cao thì nhờ, tiền xuống giá đành chịu).

 

Tùy chuyến xe, bác tài sẽ lái xe đi bằng xa lộ San Ana Freeway hay San Diego Freeway, xa lộ sát bờ biển hơn, để cho du khách được dịp ngắm lướt qua thành phố biển thơ mộng San Diego (nơi có khoảng 50,000 người Việt sinh sống). Dù đi bằng xa lộ nào thì cuối cùng vẫn sẽ nhập vào quốc lộ Pacific Coast Highway, một con đường nằm ven bờ biển.

 

Trước khi qua biên giới, thế nào tài xế cũng lái cho bạn đi một vòng xem Mission San Juan Capistrano, một khu di tích lịch sử mà ngày xưa các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã đến để lập nhà thờ, tu viện và làm cơ sở truyền giáo trong vùng.

 

Đến biên giới, tài xế sẽ xuống xe để lính biên phòng Mễ Tây Cơ lên xe kiểm soát. Họ dòm thoáng qua thôi. Tài xế lái xe đi tour của chúng tôi là người Mỹ nhưng có nét mặt người gốc Châu Mỹ La Tinh (hay rất có thể là người Mễ) nên nói tiếng Tay Ban Nha với lính biên phòng và quan thuế Mễ. Khác với du khách đi từ Mễ qua Mỹ, du khách từ Mỹ qua Mễ cứ việc ngồi trên xe, chẳng cần trình giấy tờ gì (bởi chẳng ai dại bỏ xứ Mỹ di dân lậu qua Mễ).

 

Bạn có thể tưởng tượng là ở cổng biên giới này có đến 24 tuyến đường (lane) để xe qua lại? Thế mà vẫn có nạn kẹt xe, nhúc nhích rất chậm chạp. Ông tài xế nói chính phủ Mỹ cho người Mễ được qua Mỹ làm việc theo lối sáng đi chiều về nên mỗi ngày có mấy trăm ngàn (chi tiết này tôi nhớ không rõ) chiếc xe đi qua lại cửa biên giới.

 

Xe cộ trước trạm kiểm soát biên giới Mỹ-Mễ

 

Qua khỏi biên giới thì tất cả tên đường, bảng hướng dẫn đều bằng tiếng Tây Ban Nha. Thành phố Tijuana nằm vắt qua con sông Rio Tijuana, và bao bọc bởi đồi núi và biển. Bác tài xế chỉ nhà cửa nằm lưng chừng trên đồi và giải thích rằng, khác với nhà cửa ở Mỹ, nhà ở thành phố này càng nằm trên đồi cao kia càng rẻ tiền. Lý do: hiếm nước. Càng lên cao nước ở đây càng yếu. Mễ là một nước nghèo, dân số khoảng 86 triệu người, lợi tức đầu người gần $2,000 Mỹ kim (nhưng khá hơn Việt Nam).

 

Theo luật di trú của Mễ, vào viếng thành phố Tijuana trong vòng 72 giờ đồng hồ và không đi xa quá biên giới trên 50 cây số thì không cần phải trình, xin giấy tờ gì cả. Nếu muốn đi sâu vào nội địa và ở lâu hơn thì du khách phải xin cái giấy gọi là tourist card.

 

Vào thành phố, bác tài sẽ đưa du khách đến một nhà hàng nào đó để ăn trưa. Vì đây là thành phố du lịch, nên nghe nói có cả 500 nhà hàng khác nhau, từ Nhật, Tàu đến Pháp, Mỹ, Á Căn Đình… và dĩ nhiên là nhà hàng Mễ. Tôi nghĩ rằng các bác tài thường có “ăn-rơ” với một số nhà hàng, nên họ sẽ đem du khách đến một nhà hàng nhất định nào đó. Bạn là du khách thì đành chịu chỉ đâu ăn đó.

 

Xe của chúng tôi được dừng lại trước Hard Rock Cafe, một nhà hàng được liệt vào hạng international, trong đó nhân viên chạy bàn nói được tiếng Mỹ. Có ban nhạc chơi nhạc mạnh trong lúc khách ăn, nhưng tôi cảm thấy may mắn vì khi mình vào ăn thì buổi trình diễn đã chấm dứt nên được ăn uống mà không inh tai bể đầu với mấy món nhạc mạnh đó.

 

Cũng như ở Mỹ, du khách thường được khuyến cáo là dân Mễ rất hiếu khách nhưng có tập tục là phải cho tiền “boa” trong mọi dịch vụ và nhất là tại các nhà hàng. Tôi có ăn vài món đồ ăn nấu theo kiểu Mễ, thấy cũng tạm tạm. Uống bia Mễ, cũng thấy tạm được. Có lẽ do đi đường xa mệt, mà ăn trưa theo kiểu ăn chính thức thì hơi năng bụng.

 

Tôi cũng thấy một vài du khách Âu Mỹ kêu những món ăn đồ biển, và hình như có người chỉ kêu một tô bún mì gì đó. Trả tiền Mỹ, traveller cheque hay xài thẻ tín dụng đều được. Giá cả cũng chẳng rẻ gì. Nhà hàng cho du khách mà. Một bữa ăn trưa cho cả gia đình với vài món, từ $5 đến $15, cũng mất khoảng $45 Mỹ kim.

 

Một căn nhà trên đồi ở thành phố du lịch Tijuana

 

Nhưng cái làm cho tôi cảm thấy khó chịu là cái chuyện đi tiểu tiện ở nhà hàng “quốc tế” này. Đây là một kinh nghiệm, kể ra để bạn đọc có thể tránh.

 

Bạn đi vào nhà vệ sinh, sẽ có mấy người Mễ cả trai và gái đang đứng chùi mấy cái cầu tiêu. Họ có thể đang chùi hoặc làm bộ chùi. Cầu tiêu khá sạch. Mà nhà hàng “quốc tế” (nói vậy chứ chẳng sang trọng gì) thì chỗ vệ sinh phải sạch chứ? Họ để trên cái ghế đẩu đánh vẹc-ni bóng láng ngay trước cửa phòng vệ sinh một cái giỏ mây, trong đó có một số đồng đô la Mỹ. Tôi thấy có tiền $1 và cả $5 đô la.

 

Tôi rủa thầm “xạo, bịp”, nhưng nghĩ mình đi tiểu tiện và chúng đứng như thế ngay trước cửa mà không cho tiền thì cũng áy náy, khó xử, nên cũng bấm bụng bỏ vào cái giỏ đó $1 (bạn nhớ thủ tiền $1 cho thật nhiều để có thể cho tiền boa khi đi du lịch những nước như thế này).

 

Tôi trở về bàn ăn, nói với vợ con là coi chừng đi vệ sinh phải trả tiền đấy, vì mấy ông bà Mễ cứ đứng canh ngoài cái cửa cầu tiêu, hết sức là kỳ cục. Đi chẳng thoải mái gì. Du khách ba-lô chứ đâu phải vua chúa mà đi cầu cần phải có người canh chừng? Tôi thấy cái lối làm tiền này cho mình một hình ảnh không đẹp khi đặt chân lên đất Mễ. Bạn cũng cần biết là trên các xe du lịch đi tour như thế này đều có toilet, nên không sợ bị kẹt gì cả.

 

Sau màn ăn uống là màn đi shopping. Đây là cái thú nhất của du khách. Tôi thấy trên xe tôi có hai người khách tự nhận với bác tài là quê họ ở tiểu bang Hạ Uy Di. Họ nói tiếng Tây Ba Nha vù vù, cũng chịu khó đi qua thành phố Tijuana này để mua sắm đồ. Tôi thấy họ có vẻ là những tay đi buôn chuyên nghiệp. Mỗi lần xe đậu ở một khu shopping nào đó thì các anh này biến mất, rồi đến giờ lên xe thì hai anh quay về, mang theo đồ gì chẳng biết nữa, chất đầy ở gầm xe bus.

 

Trên đường đi qua Mễ, bác tài thường nói về những kinh nghiệm mua sắm cho du khách, rằng mua đồ ở Tijuana rất rẻ, vì đây là thành phố mua bán không bị đánh thuế. Bác tài lưu ý về việc mua sắm đồ bằng vàng, bạc, đồng hồ Rolex v.v… Rẻ đấy, nhưng phải trả giá. Bác tài nói rằng, đồ trang sức như vàng bạc, cẩm thạch, phải trả giá, và chỉ nên mua chừng nửa giá mà người ta đặt ra. Mua như vậy là không bị hớ.

 

Theo bác tài, ngoài đồ trang sức, đồ da ở Mễ nổi tiếng là rẻ. Bác cũng cho rằng, một cái túi da giá $20 Mỹ kim là chuyện vừa phải. Bác nói tại đây có nhiều loại áo quần da đẹp, nhưng khi mua phải coi chừng, phải trả giá một nửa thôi. Bác nói rằng, khi bạn thử áo, dù thích cũng đừng biểu lộ cho họ thấy mình thích. Chủ tiệm sẽ khen bạn nức nở, cho rằng bạn mang cái áo da này trông giống tài tử, thì bạn cứ tỉnh bơ trả lời “bộ ông hay bà không nhận ra tôi à?”. Bác tài cho rằng nói đùa chút không can gì, vì dân Mễ vui tính lắm. Nhưng tôi đã không có cảm tưởng như vậy khi đi mua sắm ở đây.

 

Tại mỗi khu mua bán, tài xế thả cho du khách đi mua sắm vài tiếng, hẹn giờ tất cả phải trở lại xe để tiếp tục đi.

 

Chúng tôi cũng đã mua một ít đồ da để làm kỷ niệm như ba-lô mang vai, túi xách da cho mấy đứa con. Tôi cứ y bài học của bác tài mà trả nửa giá, và nhất là mua xách tay thì $20 Mỹ kim là cao nhất. Vậy mà có nơi họ bán, có nơi không. Nhưng có một điều là có nhiều chủ quán cứ nằn nì mình mua đồ của họ, gần như chận đường bạn để mời bạn mua. Có chủ tiệm còn xổ tiếng Hoa chào, hỏi tôi có phải là người Mã Lai, người Tân Gia Ba không. Nhưng bạn cần tỉnh bơ. Không muốn mua là cứ bỏ đi.

 

Phố xá ở đây nhỏ, đường sá cũng chật hẹp và đông đúc, nhộn nhịp như khu chợ Bến Thành hay Tân Định ở Sài Gòn. Một kinh nghiệm về mua vài đồ nữ trang như dây chuyền hay vòng đeo tay. Có rất nhiều thứ bạn trả 1/3 giá thôi, thấy có vẻ kỳ kỳ sao ấy khi mình trả quá thấp, nhưng… họ vẫn bán đấy! Thế là tôi cho rằng bài học 1/2 giá của bác tài sai. Có sự thông đồng không? Tôi không có ý kiến, chỉ thấy bác vui tính quá, nhanh nhẹn quá.

 

Đối với du khách như Úc, nghe một món hàng giá chỉ $15, $20 hoặc $50 Mỹ kim, mình tưởng là rẻ, nhưng bạn nên nhớ đấy là tiền Mỹ, nên rất có thể khi mua rồi, nghiệm lại thì thấy chẳng rẻ chút nào. Nhưng dẫu sao, đi mua sắm đồ trong những dịp như vậy cũng là cái thú.

 

Là du khách là làm người mua sắm. Nhưng điều quan trọng là mình phải định sẵn trong đầu những thứ gì mình cần mua, mua để làm gì, và cho phép mình được chi tiêu bao nhiêu tiền. Phải biết kềm chế cái thú vui mua sắm, chứ sẵn cái thẻ tín dụng mà cứ kéo, rồi kéo… thì mai mốt trở về nhà kéo cày để trả, có thể sẽ làm chuyến du lịch mất những kỷ niệm đẹp?

 

(TVTS  660 – 18.11.1998)

 

(1): Bài này viết năm 1998, khi ông Lê Đình Điểu còn sống