Kể chuyện đường xa: Cali có gì lạ? (6)

21 Tháng Mười, 2008 | Mỹ châu

 

 

 Nhân viên báo Người Việt trong một buổi lễ thượng kỳ vào năm 2008. Hình Người Việt

 

 

Từ báo chí…

 

Cách đây chừng mươi năm, mỗi lần có ai đi Mỹ về, tôi thường hỏi họ tình hình báo chí và công chuyện làm ăn của ngành báo bên đó ra sao. Nhưng những câu trả lời của khách du lịch vẫn chẳng cho tôi hiểu được bao nhiêu về sinh hoạt báo chí bên đó. Tôi nghĩ phải có đi, mới thấy được.

 

Nhật báo Người Việt có thể được coi là tờ báo lớn nhất ở Mỹ về tên tuổi cũng như cơ sở làm ăn vững vàng của họ. Báo này ra đời đã được 19 năm, phát hành hàng ngày, tổ chức theo lối hùn hạp, quản trị của một công ty. Nghe nói một vài người trong công ty Người Việt xuất thân từ  trường Chính Trị Kinh Doanh ở Đà Lạt như Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang v.v… Nhiều người khác xuất thân ở các cơ sở truyền thông ở Miền Nam ngày trước.

 

Nghe nói ngoài tờ nhật báo, sau này nhóm Người Việt còn làm thêm tạp chí Thế Kỷ, đài truyền hình, rồi gần đây là đài phát thanh. Một người quen từng một thời làm việc cho báo Người Việt, nói đây là một tờ báo làm ăn có quy củ, quy mô nhất trong làng báo Việt ở Mỹ, có tòa soạn đàng hoàng và nhân viên làm việc lên đến mấy chục người.

 

Cũng nghe nói sau này tạp chí Thế Kỷ tách ra hoạt động biệt lập với công ty Người Việt dưới sự điều khiển của ông Lê Đình Điểu, một thời cũng là chủ bút của báo Người Việt.

 

Trước năm 1975, Lê Đình Điểu làm vụ trưởng Vụ Thông tin Quốc nội của Bộ Thông tin VNCH. Ông Lê Đình Điểu là sáng lập viên và là tổng giám đốc của Đài Phát thanh Viet Nam California Radio, thường viết tắt là VNCR, ra đời đã được ba năm. Đài VNCR cũng điều hành theo lối công ty, có hội đồng quản trị, ban điều hành, ban xướng ngôn viên tổng cộng trên 10 người.

 

Trong số báo ngày Thứ Bảy ngày 26.9.98 mà tôi bỏ 25 xu vào thùng để mua, tôi thấy Người Việt đề giá 23 xu + tax, ngoài Cali bán 75 xu. Thế nhưng cũng có người nói báo vừa bán vừa cho. Do nghe nói lại, chứ không phải thăm dò, nghiên cứu nên tôi không biết mức độ chính xác như thế nào.

 

Theo nhận xét của tôi, nếu phát không hay biếu một phần nào mà với số lượng trang quảng cáo như thế thì nhật báo Người Việt dư sức điều hành tờ báo, trả lương cho một ê-kíp mấy chục người. Nhưng cuộc đời thấy dzậy mà không phải… dzậy vì không phải có bao nhiêu… trang quảng cáo là có bấy nhiêu… tiền.

 

Cũng không thiếu những tờ báo đăng quảng cáo chùa cho thiên hạ để từ đó, tạo cái bàn đạp đi chào quảng cáo. Cũng có những tờ báo chủ trương đăng một tặng hai, tặng ba, tặng bốn v.v… vì “có nhiều” quảng cáo vừa đỡ tốn bài vở vừa “có uy” với độc giả và các nhà quảng cáo.

 

Bởi vậy mới có chuyện là có hàng trăm tờ báo Việt ngữ tại Mỹ và ai cũng có thể làm báo được. Như chuyện kể có một ca sĩ nọ, thay vì bỏ tiền đăng quang cảo băng nhạc, dịch vụ lên báo đang có trên thị trường, lại tự làm một vài số báo, kiếm bài vở đâu đó đánh máy lại hoặc cắt nguyên con bài đâu dó dán vô cho tiện, rồi đăng quảng cáo của mình, lại còn đi mời quảng cáo của người khác, đủ tiền trả nhà in và đem báo… biếu. Trường hợp làm báo như vậy có xảy ra nhưng không nhiều.

 

Nhật báo Người Việt ở Mỹ có khổ lớn “broad sheet” như báo The Age, Sydney Morning Herald, The Australian ở Úc.

 

Tôi không biết các ngày khác thì sao, chứ số phát hàng ngày Thứ Bảy hôm nọ có 4 phần (xấp) riêng biệt là A, B, C, D tổng cộng 46 trang mà trong đó có 34 trang là quảng cáo!

 

Quảng cáo chiếm đến 3/4 tờ báo mà trong đó có 7 trang rao vặt, mỗi cái rao vặt tối đa 25 chữ với lệ phí ghi là $5 Mỹ kim.

 

Nếu chỉ nhìn vào trang báo và số lượng quảng cáo mà cho một cái giá tượng trưng, rồi làm bài toán cộng, rồi làm thêm bài toán nhân là “thấy giàu to” rồi!

 

Ngoài bài thời sự, bài phiếm “Thư gởi bạn ta”, tôi không thấy có những bài nằm nào được gọi là quan trọng. Đa số chỉ là những mẩu tin tức đó đây, cỡ tin trung bình và tin ngắn.

 

So với báo bán nguyệt san cùng khổ là Ngày Nay phát hành ở Houston thuộc tiểu bang Texas, báo bán (thứ thiệt) của nhóm ông Nguyễn Ngọc Linh và Trọng Kim có nhiều bài vở giá trị hơn, nhưng báo Ngày Nay chỉ có một vài cái quảng cáo nhỏ không đáng kể, chỉ sống chủ yếu nhờ bán báo, bởi vậy tuy tuổi thọ cũng gần bằng nhật báo Người Việt mà Ngày Nay chỉ dám hay chỉ đủ sức ra hai tuần một số.

 

Sau đây là địa chỉ của nhật báo Người Việt, để ai muốn liên lạc khi cần, có thể sử dụng: 14891 Moran Street, Westminster, CA 92683; điện thoại (714) 892 9414 – Fax: (714) 894 1381.

 

Một nhật báo khác cùng khổ với Người Việt là Việt Báo Kinh Tế, cũng có đề giá bán là 25 xu. Báo này cũng nằm trên đường Moran, khu Westminster, gần tòa soạn báo Người Việt.

 

Việt Báo Kinh Tế ra đời đã được 6 năm, có thể là một tờ báo đối thủ của Người Việt. Nghe nói ở Cali còn tờ báo có tên Nhật Báo Viễn Đông, phát hành mỗi tuần 5 ngày. Ngoài ra, còn một số nhật báo khác ở một số tiểu bang khác, nhưng tôi nghe nói chủ yếu là báo biếu.

 

Một tờ tuần báo mà tôi mua có khổ lớn broad sheet như tờ Người Việt là Saigon Times, đã phát hành tới số 581 có nghĩa là đã trên 11 năm rồi. Saigon Times dày hơn Người Việt với 70 trang được chia làm 4 phần (xấp) A, B, C, D nhưng cũng chỉ đề giá 25 xu. Tòa soạn đặt tại số 9234E. Valley Boulevard, Rosemead, CA 91770; điện thoại (626) 288 2033. Trong 70 trang mà có đến 52 trang quảng cáo thì một nhà kinh doanh thích làm báo sẽ nghĩ ra làm sao?

 

Khác với báo Người Việt ra hàng ngày chỉ chuyên về tin, báo Saigon Times vì ra hàng tuần nên có các bài bình luận thời cuộc, các bài vở nằm tốn công nghiên cứu hơn. Đó cũng là chuyện thường tình.

 

Sau các báo khổ lớn broad sheet thì đến các báo khổ nhỏ tabloid (mà giới làm báo Việt ở Úc gọi là khổ lớn), với cỡ như tờ Herald Sun hay Financial Review v.v… nghĩa là khổ giống như các nhật báo, tuần báo Việt ngữ ở Úc.

 

Nhưng khác một điều là với khổ đó mà họ lại đóng bìa cứng màu offset như báo xuân (giai phẩm) của làng báo Việt ngữ ở Úc. Tuần báo Mới phát hành được 490 số, có nghĩa là cũng đã “thọ” trên 9 tuổi. Trên trang bìa của tờ báo, tên của tờ báo nhỏ tí xíu, chỉ chiếm 1/32 của trang bìa, phần còn lại dành cho các mục quảng cáo, như đại nhạc hội, hình các nhân viên bảo hiểm, tài chánh, máy móc, v.v…

 

Báo dày đến… 252 trang và hầu hết chỉ toàn quảng cáo mà thôi, giống như các báo tuần của người Úc ở địa phương đem phát tại hộp thư mỗi gia đình. Tôi đếm bài vở chỉ tới gần 30 trang và đa số viết về văn nghề và điện ảnh.

 

Một tờ báo “khổ nhỏ” tabloid (nhỏ mà không nhỏ) như tờ Mới là tuần báo Sức Sống. Cũng bìa cứng offset như báo “lớn” giai phẩm xuân ở Úc, với cái tên của tờ báo ngoài mặt bìa còn nhỏ hơn cái tên của báo Mới, chiếm diện tích khiêm nhượng khoảng 1/40 vì toàn bộ trang bìa chỉ dùng để quảng cáo các đại nhạc hội, văn phòng luật sư, điện thoại cầm tay v.v…

 

Báo này dày 164 trang và đa số là quảng cáo. Bài vở chỉ là văn nghệ, thời trang, y học, chuyện phòng the, tử vi và một số tin tức.

 

So với tờ Mới, Sức Sống có vẻ có nhiều bài vở hơn. Tôi mua số báo 480, có nghĩa là Sức Sống đã sống trên 9 năm. Cả hai tờ báo nói trên phải bỏ 25 xu và 50 xu thì thùng bán báo mới chịu mở ra, nhưng người ta nói các tiệm buôn có quảng cáo đều được phân phối báo để tặng cho khách hàng. Cả hai tờ này đều có trụ sở ở khu Little Saigon.

 

Và tờ cuối cùng mà tôi mua hôm đó là Thời Báo, một tờ báo phát hành hàng tuần, có hộp thư đặt ở khu little Saigon. Thời báo phát hành được 378 số. Khổ Thời báo là “khổ nhỏ” thứ thiệt, tức khổ magazine như báo Tivi Tuần San, nhưng bìa cũng là bìa cứng màu offset.

 

Tên của tờ báo chiếm 1/8, phần còn lại của tran bìa cũng dành ưu tiên cho các mục quảng cáo. Thời báo dày 156 trang và quảng cáo cũng chiếm phần lớn số lượng trang báo. Bài vở thiên về văn nghệ, điện ảnh, giải trí.

 

Nhìn báo nào cũng thấy quảng cáo và quảng cáo mà “phát ham”. Tôi hỏi một người sống lâu năm bên nớ rằng quảng cáo nhiều như vậy thì phải “khá” lắm thì họ lắc đầu, nói rằng ở bên ni giá quảng cáo rẻ lắm, rất rẻ. Những báo lâu năm, có tiếng thì còn được, chứ báo mới ra thì phải vừa hạ giá tối đa vừa rất nhiều khi đăng miễn phí.

 

Thấy báo chí Việt ngữ ở Cali ra hơi nhiều mà đa số lại biếu không, nghĩa là chỉ sống hoàn toàn nhờ quảng cáo, tôi nghĩ chiến tranh quảng cáo sẽ làm cho giá cả quảng cáo xuống thấp hơn nữa. Mạnh sống, yếu chết. Kinh tế thị trường là cá lớn nuốt cá bé, nhưng đôi khi cả hai con cá cũng đều ngáp ngáp với nhau. Bởi vậy có một ông nhà văn ở Sydney ngày xưa tự ra một tờ báo và tuyên bố (trong lá thư tòa soạn) rằng cách đốt tiền nhanh nhất là… làm báo.

 

Viết chuyện báo chí Việt Nam ở Mỹ chỉ là cách mua vui cho bạn đọc, và bật mí một chút “bí mật” nghề nghiệp mà tôi đã có chút kinh nghiệm. Mua vui thôi, chứ chẳng chỉ vẽ hay hù những ai tính chuyện làm báo.

 

Cạnh tranh thị trường (trong vòng luật pháp) là cách để xã hội thăng tiến, nâng cao phẩm chất, phục vụ khách hàng tốt hơn, dù đôi khi những người nhảy vào vòng kinh doanh phải học những kinh nghiệm hơi đau, và có khi kinh hoàng. Nhưng biết làm sao? Ở Úc không thiếu những câu chuyện truyền miệng và giai thoại về làm báo của gần 20 năm nền báo chí Việt ngữ.

 

Nhưng làm truyền thông ở hải ngoại không lẽ chỉ loanh quanh làm báo? Còn có truyền hình và phát thanh nữa chứ.

 

Một số người quen thường hay nói với tôi “Ở Úc mình còn thiếu… đài phát thanh của tư nhân, đài phát thanh thương mại. Còn có một chỗ trống, sao ông không làm đi. Tôi thấy ở Mỹ họ làm ăn thành công dữ lắm. Trên đài toàn là quảng cáo không à?”. Tôi nghe nói mà cũng… phát ham.

 

… Tới đài phát thanh

 

Và vì thế khi qua Mỹ, mỗi tối sau khi đem con cái đi chơi về, tôi thường mở các đài phát thanh tiếng Việt để nghe. Rồi những lần mấy người em chở tôi đi ra phố ăn uống hay những tiếng đồng hồ ngồi trên xe đi thăm các nhà xuất bản sách, dù không yêu cầu, tôi đều được người em mở đài cho nghe. Nghe tin tức, nghe bình luận và nhất là nghe quảng cáo mệt nghỉ.

 

Người em tôi nói bây giờ ở Cali người ta thích nghe đài phát thanh lắm. Ngồi đâu, làm gì cũng có thể nghe được, nhất là khi phải lái xe trên đường dài mà có cái đài để  nghe là rất tiện lợi.

 

Tại Cali, hiện có rất nhiều đài, có thể nói là cả chục đài nếu căn cứ theo tên gọi của mỗi đài như đài Little Saigon, VNCR (Viet Nam California Radio), Khoa Học Kỹ Thuật, Saigon Cali Radio, Saigon Radio Hải Ngoại, Sống Trên Đất Mỹ, Radio Bolsa & Radio San Jose, Radio Việt Nam, Văn Nghệ Truyền Thanh, V.O.V. Ngoài ra có một số chương trình phát thanh tôn giáo.

 

Nhưng nếu căn cứ vào làn sóng phát thanh thì chỉ có 2 làn sóng chính mà thôi. Hai làn sóng này là làn sóng 106.3 FM1480 AM. Cả hai làn sóng này đều hoạt động 24/24 giờ. Bởi vậy thiên hạ đi Mỹ về mới nói rằng ở bên Cali, đài phát thanh tiếng Việt phát suốt ngày là thế.

 

Có hai làn sóng mà có nhiều  “đài” là do việc người Việt thuê bao các tầng số 106.3FM và 1480AM.

 

Họ thuê hai cái đài (làn sóng) đó và chia nhau mà làm, bởi vì không một nhóm nào có đủ khả năng thuê luôn cả một làn sóng mà phát thánh 24/24 được. Vì giờ thuê đài rất đắt, nên tùy khả năng, tùy nhu cầu, mỗi nhóm thuê một số giờ trong ngày, với một tên gọi riêng và hoạt động theo một tôn chỉ, cung cách riêng.

 

Trong chừng 10 “đài” phát thanh trên hai làm sóng AM và FM nói trên, các “đài” VNCR, Little Saigon Radio và Radio Bolsa là các “đài” có số giờ phát thanh nhiều nhất, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, hoặc thêm ngày Thứ Bảy, và từ 3 đến 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Các giờ và ngày khác do các “đài” Việt ngữ khác và các tôn giáo chia nhau thực hiện.

 

Bạn đọc cứ tưởng tượng ở Úc có đài SBS với chương trình phát thanh Việt ngữ mỗi ngày chỉ có hai tiếng đồng hồ, và có bao nhiêu nhân viên làm việc trong hai buổi phát thanh đó? Theo giới trong nghề, muốn phát thanh một tiếng đồng hồ, phải “soạn bài” mất 8 tiếng.

 

Nhưng SBS là đài nhà nước tài trợ, trả lương, chỉ cần các nhân viên làm chương trình cho hay. Còn các đài phát thanh bên Mỹ là do tư nhân thực hiện, phải kếm đâu ra tiền cho chủ đài, mà mỗi giờ thuê trung bình khoảng 300 đô la.

 

Vậy mà trên hai tần số AM và FM nói trên ở Cali đầy các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt. Ai muốn nghe thì nghe, đoạn nào không thích thì tắt, và nếu không muốn mở đài nghe cũng chả sao. Nhưng cách đây ba năm, từ mỗi ngày phát thanh vài tiếng, hai băng tần 106.3FM và 1480AM đã đầy kín các chương trình phát thanh Việt ngữ. Cali là thế đó!

 

(TVTS 659 – 11.11.1998)