Vanuatu: Hỏi đại triệu phú Đinh Văn Thân về Liên Thành và Nguyễn Hữu Chánh (kỳ 4)

20 Tháng Ba, 2008 | Vanuatu
Chợ trái cây: mặt hàng để dưới đất

Nguyễn Hồng-Anh

Đến một xứ sở nào đó, mình nên biết về lịch sử, địa lý và phong tục của nơi đó. Để thưởng thức những nét đẹp của nơi mình tham quan, để hiểu biết nơi mình đi lại và để tôn trọng văn hóa và tập tục của họ. Tôi thường không đến một nước nào mà hoàn toàn không biết chút gì về nước đó, hoặc đã học khi còn ngồi ghế trung học hoặc đọc qua trên báo chí, sách vở hay lướt mạng vài ngày trước khi đặt chân đến.

 

Từ 1 triệu dân chỉ còn 200 ngàn người

Vanuatu trước khi được độc lập vào năm 1980 có tên là New Hebrides. Đây là tên do nhà thám hiểm người Anh là Thuyền trưởng James Cook đặt khi ông thực hiện việc vẽ bản đồ quần đảo này vào năm 1774.  Người Âu Châu cũng đã từng ghé thăm quần đảo này từ năm 1606.

Người ta tin rằng quần đảo New Hebrides đã có người đến cư ngụ từ 3000 năm trước. Tổ tiên của họ đến từ Papua New Guinea. Vì thế phần lớn người bản xứ gốc Melanesian, da đen sậm và tóc quăn giống người ở Papua New Guinea và cũng hơi giống phần nào người Thổ dân Úc.

Người ta nói rằng vào khoảng năm 1800 dân số trên quần đảo này trên một triệu người. Nhưng do các nhà truyền giáo và các thương nhân buôn bán đàn hương và các giống dân khác tới đây sinh sống làm ăn mang theo bệnh tật khiến cho dân số khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ chỉ còn 45,000 người.

Ngày nay, dân số lên khoảng 200,000 người (có tài liệu ghi là 175,000 người và cũng có tài liệu khác viết 220,000 người). Chủng tộc Melanesian chiếm khoảng 98.5% dân số và được gọi là người Ni-Vanuatu, có nghĩa là Của (Ni = của) Vanuatu (Vanuatu trong tiếng Bislama của người bản xứ có nghĩa là Land of Eternal, là vùng đất bất diệt). Phần còn lại thuộc các sắc dân Âu Châu khác như Anh, Pháp hoặc Á Châu như Tàu, Ấn và Việt Nam (khoảng 150 người Việt).

Tác giả và ông Đinh Văn Thân (trái) trong buổi phỏng vấn tại Port Vila

Theo tài liệu của Bộ Thương mại và Du lịch, năm 1848, mục sư John Geddie thiết lập cơ sở truyền giáo Presbyterian đầu tiên ở Aneityum nhưng chính người Âu Châu đã mang theo các căn bệnh của họ tới làm dân chúng địa phương bị lây và chết như rạ.

Trong khi truyền đạo, các giáo sĩ Tin lành đã tìm cách chấm dứt  tập tục ăn thịt người ở đây và có lúc cấm người bản xứ uống rượu truyền thống kava (một loại rượu người bản xứ làm từ rể cây) nhưng ngày nay người dân bản xứ vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa cổ truyền của họ, kể cả uống rượu kava và thờ đủ thứ thần thánh kỳ cục, như thờ Hoàng tế Philip chồng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị tại đảo Tanna nơi có núi lửa đang hoạt động. Ngày nay, Thiên Chúa giáo chiếm đa số ở quần đảo này (đông nhất là Presbyterian và sau đó Công giáo và Anh giáo và các giáo phái Thiên Chúa giáo khác).

Năm 1887 nhóm các hòn đảo này đặt dưới quyền chỉ huy của ban liên hợp hải quân Anh và Pháp, nhưng đến năm 1906 hai chính phủ cùng cai trị New Hebrides dưới danh nghĩa là Anglo-French Condominium (Công quản Liên hợp Anh Pháp), có nghĩa là cả hai quốc gia có quyền hạn như nhau. Nước Pháp sau đó đưa người Việt Nam từ  Miền Bắc sang New Hebrides làm đồn điền cao su và vì thế người Việt Nam thời đó mới gọi New HebridesTân Thế Giới. Lịch sử người “chân đăng” đi làm phu mỏ kền ở Tân Đảo (New Caledonia) và phu đồn điền ở Tân Thế Giới khởi sự từ đây.

Năm 1942 Mỹ đưa quân sang đóng ở New Hebrides để ngăn chận sự tiến công của quân đội Thiên Hoàng. Các căn cứ quân sự được thiết lập trên hai hòn đảo Santo và Efate. Chỉ riêng tại Santo (còn gọi là Espiritu Santo), hòn đảo lớn nhất của New Hebrides,  lực lượng quân đội Mỹ khi đó lên tới 500,000 người khiến cho hòn đảo này là nơi có căn cứ quân sự Hoa Kỳ lớn nhất ở Thái bình dương sau Hạ Uy Di (Hawaii). Nhưng cũng tại Santo, tàu chiến USS President Coolidge bị đụng mìn (của chính hải quân Mỹ thả) chìm ngày 26.10.1942 nay trở thành địa điểm du lịch, vì đây là chiếc tàu lớn nhất (22,000 tấn) trên thế giới còn nguyên vẹn nằm dưới đáy biển mà du khách có thể lặn xuống tham quan.

Từ thập niên 1960, cùng với sự phát triển kinh tế, người Melanesian bản xứ bắt đầu đòi lại đất đai từ người ngoại quốc và cũng là lúc họ dấn thân vào lãnh vực chính trị để mong giành độc lập cho đất nước của họ. Năm 1979, một đảng Melanesian giành được 26 ghế trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba và ông Walter Lini trở thành vị tân Thủ tướng. Qua năm 1980, vị  Tổng thống đầu tiên của chế độ Cộng hòa được bầu lên và từ đây New Hebrides được đặt cho cái tên mới: Đất nước Trường cửu—Cộng hòa Vanuatu được ra đời.

Cộng hòa Vanuatu bao gồm 83 hòn đảo lớn nhỏ  tạo thành hình chữ Y trải dài từ bắc xuống đông nam trong một diện tích rộng 450,000 cây số vuông của vùng biển Nam Thái bình dương. Trong số này có 14 hòn đảo nhô lên khỏi mặt đất và khoảng cách xa nhất giữa các hòn đảo khoảng 100 cây số. Chiều dài biển từ hòn đảo phía bắc xuống hòn đảo ở phía nam trên hai ngàn cây số và diện tích đất của tất cả các hòn đảo là 14,760 cây số vuông.

Trong số các hòn đảo của nước Vanuatu, Santo là hòn đảo lớn nhất, rộng 3,677km2. Thủ phủ của Santo là Luganville, thành phố lớn và đông dân hàng thứ hai của nước Vanuatu. Có thể gọi Luganville là thủ đô phía bắc của nước Vanuatu.  Bởi thế khi từ Brisbane qua thủ đô Port Vila (thuộc đảo Efate), máy bay đáp xuống đảo Santo thả khách và rước thêm khách, mặc dù trên vé máy bay hãng Qantas không ghi sẽ ghé Santo. Nói vậy để biết đảo Santo là hòn đảo nổi tiếng của nước Vanuatu.

Hòn đảo lớn thứ ba của Vanuatu là đảo Efate  rộng khoảng 900km2.  Thủ đô của nước này được đặt tại đảo này, ở khu vực có tên là Port Vila, thành phố cảng nằm trong  vịnh Mele Bay,  gần vịnh nhỏ Fatumaru Bay mà chúng tôi cư ngụ trong thời gian nghỉ mát vừa qua. Dân số ở thủ đô Port Vila khoảng 40,000 người.

Chiều dài của đảo Efate khoảng 30 và 40 cây số mỗi bề. Tôi hỏi một anh taxi chở chúng tôi chạy quanh bờ biển của hòn đảo  để ngắm cảnh phải tốn bao nhiêu giờ và tốn bao nhiêu tiền thì anh cho biết khoảng 5, 6 tiếng đồng hồ và tốn 13,000 Vatu (khoảng 150 Úc kim). Tôi nghĩ  tốn nhiều thì giờ và hơi đắt nên không đi.  Giữa hòn đảo Efate có vùng cao nguyên khá rộng và ngọn núi cao nhất ở cao nguyên này là Mt  MacDonald, cao 647m.

Hòn đảo mà tôi nghĩ nổi tiếng thứ  ba của Vanuatu là  Tanna nằm ở phía nam thủ đô Port Vila, bởi nơi đây có ngọn núi lửa tên Yasur đang hoạt động.

Những láng giềng gần Vanuatu nhất là Tân Đảo ở phía nam, Fiji ở phía đông và Solomon Islands ở phía bắc. Vùng biển của  Vanuatu có biển trong xanh tinh tuyền và nét nguyên thủy với những vùng biển san hô.  Có nhiều bãi biển đẹp, sạch và các hải cảng nước sâu tự nhiên. Tại một số hòn đảo vẫn còn vài ngọn núi lửa hoạt động trở lại.

Ngọn núi lửa Yasur là địa điểm mà  du khách thường đi tham quan một khi đã tới thủ đô Port Vila. Đường chim bay dài khoảng 250km và đi phi cơ chong chóng mất khoảng 1 giờ bay. Du khách đến xem về đêm (hay lúc chiều tà) đứng gần miệng núi lửa sẽ thấy núi lửa phun nham thạch lên bầu trời như những đóm pháo bông, với tiếng nổ bùm bùm.  Nghe nói cứ 15 hay 20 phút miệng núi lửa phun một lần. Thấy quảng cáo trên tạp chí và trên màn ảnh khi đi máy bay, chúng tôi mê tơi và cả gia đình dự trù phải bay tới Tanna để xem, bởi có lẽ đây là nơi đáng xem nhất ở Vanuatu,  như đi Pháp thì lên tháp Eiffel, đi Trung Quốc thì leo Vạn Lý Trường Thành, đi Nhật thì trèo núi Phú Sĩ v.v… Chưa đi xem núi lửa Yasur là chưa đi Vanuatu chăng?

 

Mở ngoặc… để nói về một chuyện bên lề Vanuatu

Tàu hàng DINH 1 của ông Thân đậu tại cảng Port Vila

Sau khi từ Hán Thành trở về California, trong bài phỏng vấn tại tư gia mà ông Nguyễn Hữu Chánh thuộc tổ chức Chính Phủ Việt Nam Tự  Do dành cho báo Việt Weekly  ở Hoa Kỳ được phát hành ngày 12.6.07 có vài chi tiết địa lý nói về Vanuatu, đảo SantoPort Vila khác với chi tiết tôi vừa trình bày ở trên,  nên xin trích lại một đoạn hầu rộng đường dư luận:

Việt Weekly: Về khía cạnh tài chánh, ngoài việc làm construction, ông còn nguồn tiền nào nữa không?

Nguyễn Hữu Chánh: Tôi cũng có đầu tư, cho nên có sự sinh lời, mua apartment, đại khái vậy, cho đến khi tôi đi hoạt động. Đầu tiên là hoạt động nhân đạo.

VW: Tại sao ông đang họat động trong lãnh vực chính trị quân sự lại chuyển qua hoạt động nhân đạo, hay đây chỉ là bình phong?

NHC: Đó là một cách để đi vào hoạt động. Lúc đó tôi gặp Liên Thành có tổ chức là gọi là “Cường Để Foundation”. Ông ta là cháu nội  Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Ông mời tôi tham dự và ổng có quen biết với chính phủ Vanuatu. Chúng tôi qua đó để tìm một chỗ cho những người Việt còn bị kẹt lại ở trại tị nạn. Chúng tôi đến Hồng Kông và nhiều nơi khác. Vì  đã từng sống ở trại tị nạn, cho nên tôi hiểu nỗi đau của những người bị trục xuất về Việt Nam. Tôi cũng mơ ước có một đảo riêng cho mình, bởi vì lưu vong, giống như Đài Loan vậy. Đó là quan niệm lớn của tôi. Nếu như mình làm được điều đó, rất nên. Đi với ông Liên Thành, ra gặp thủ tướng của Vanuatu là Walter Lini. Sau khi làm việc với quốc hội của Vanuatu, họ chấp nhận cho đảo Santo, chứ không phải đảo Port Vila. Đảo Santo nhỏ lắm. Ông  dân biểu Dana Rohrabacher ở đây cũng đã từng đi với chúng tôi ra đảo đó, rất là nhỏ, nhưng mà cũng rất là tốt.

VW: Lớn cỡ nào, bằng đảo Côn Sơn không?

NHC: Cỡ đó. Lớn hơn Côn Sơn một tí. Khi họ đồng ý hết rồi, chúng tôi phải thông qua một cơ quan ở Liên Hiệp Quốc. Tại vì người tị nạn thuộc quyền quản lý của Liên Hiệp Quốc. Họ phải thanh tra mọi thứ, từ thời tiết, khí hậu, mùa màng, rồi họ mới chấp nhận cho resetlement. Trong lúc Liên Hiệp Quốc đang tiến hành rất là đẹp. Chúng tôi đưa ông thủ tướng Walter Lini đến Hồng Kông để báo tin cho đồng bào biết, nói rằng quý vị  đừng nên tự tử, bởi vì chúng tôi đã nhận quý vị tái định cư, đã có hợp đồng đây. Hợp đồng hòn đảo tôi cũng còn đang giữ làm kỷ niệm đây. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng đâu vào đó hết rồi có đưa về hội trường Westminster để nói chuyện với đồng bào. Nhưng một ngày đẹp trời, ông Walter Lini bị đảo chánh. Ở trong đảng đối lập Vanuatu đảo chánh nửa đêm, lật đổ ông ta.

VW:  Năm nào?

NCH: Đó là vào năm 1989. Ông ta bị lật đổ, chúng tôi thất bại. Chia tay. Trở về lại đây, chúng tôi làm những công việc như là Tổng Liên Đoàn Xây Dựng Kiến Thiết Việt Nam Tự Do…

Đọc bài phỏng vấn nói trên, độc giả thấy ông Nguyễn Hữu Chánh đã không biết rằng Santo là hòn đảo lớn nhất của nước Vanuatu, lớn khoảng gấp 4 lần hòn đảo đất liền (mainland) Efate nơi có thủ đô. Ông cũng không biết rằng Port Vila là thủ đô của nước Vanuatu chứ không phải là một hòn đảo. Thủ đô Port Vila nằm trong hòn đảo Efate.

Trong buổi nói chuyện với ông Đinh Văn Thân, nhân vật giàu có và có ảnh hưởng chính trị bậc nhất ở Vanuatu, tôi có đề cập chuyện ông Nguyễn Hữu Chánh và ông Liên Thành qua Vanuatu nói chuyện thuê đất cho người tị nạn định cư.

Tôi hỏi ông Đinh Văn Thân có biết ông Liên Thành là ai không, một người nổi tiếng ở Huế trước đây và là cháu của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và ông có gặp ông Liên Thành khi ông này đến Vanuatu vào khoảng năm 1989 không?  Ông Thân lắc đầu nói không biết.

Sở dĩ gọi ông Liên Thành là người nổi tiếng ở Huế bởi tôi sống tại đó cho đến năm 1969. Tôi nghe danh ông Liên Thành bởi cuối thập niên 1960 ông được coi là một người “khạc ra lửa mửa ra khói”  ở cố đô với chức vụ đại úy Cảnh sát Dã chiến  và sau đó hình như lên thiếu tá và làm trưởng ty Cảnh sát Huế Thừa Thiên.

Tôi hỏi tiếp ông Đinh Văn Thân là ông có quen ông Nguyễn Hữu Chánh không và ông có biết việc ông Chánh sang Vanuatu tiếp xúc với Thủ tướng Lini để thuê đất cho người Việt tị nạn định cư nhưng vì có vụ đảo chánh nên sự việc không thành không.

Ông Thân trả lời rất ngắn gọn, bằng cái lắc đầu hay bằng cụm từ “nói điêu đấy”.  Ông Thân có vẻ không quan tâm về chuyện thuê đảo. Ông Thân lắc đầu nói không biết ông Nguyễn Hữu Chánh, rằng chuyện đi thuê đảo Santo là “nói điêu đấy”. Và khi tôi gợi ý rằng nếu ông Liên Thành hay ông Nguyễn Hữu Chánh mà có qua Vanuatu thì thế nào cũng phải tìm cách gặp ông Đinh Văn Thân để nhờ hay vận động dùm vì ông Thân không những là thổ địa, sinh ra tại Vanuatu mà còn quen biết với hầu hết mọi người trong chính phủ Vanuatu, thì ông Thân lại lắc đầu cười mà rằng “nói điêu đấy”.

 

Đường không số, phố không tên

Phố Tàu ở Port Vila: đường không có đèn xanh đèn đỏ

Như đã nói trước đây, xứ đảo Vanuatua là nơi có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới.  Nhưng một đất nước mà đường sá ở ngay thủ đô không có đèn xanh đèn đỏ, “nhà không có số phố không có tên” –như lối nói của một công nhân bên Việt Nam khi tôi hỏi địa chỉ nhà của anh ta– và lương trung bình của một công nhân là $200 Mỹ kim một tháng thì làm sao có thể gọi là đất nước hạnh phúc nhất thế giới được?

Theo tài liệu nghiên cứu của cơ quan NEF có trụ ở tại Anh được công bố vào khoảng năm 2006, Vanuatu là nước đứng thứ nhất trong danh sách 178 nước xét về chỉ số hạnh phúc (Happy Planet Index). Chỉ số hạnh phúc này bao gồm ba yếu tố là tuổi thọ, sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần và mức độ tàn phá của môi trường. Nước nào biết sử dụng tài nguyên để cho người dân được mạnh khỏe sống lâu và hạnh phúc thì nước đó được coi là nước hạnh phúc nhất.

Vanuatu là đất nước hạnh phúc, xứ đảo thần tiên nếu xét về phương diện này. Có thể họ chưa thọ bằng người Nhật hay người Úc nhưng trông người dân rất khỏe mạnh về thể xác. Cuộc sống thoải mái và trông rất vô tư của họ cùng những nụ cười thân thiện của họ trong cuộc sống hàng ngày cho thấy họ cũng mạnh khỏe về mặt tinh thần.

Tôi còn nhớ một hôm ra chợ mua trái cây, đi vòng vòng trong Fruit Market ngay giữa phố và sát biển, thấy những trái chuối to –ngắn và tròn—thì muốn mua thử một trái để ăn xem sao, có ngon như những trái chuối nhỏ chúng tôi mua mấy ngày trước không. Nhưng nải chuối nhỏ nhất cũng có tới bốn trái mà chúng tôi nghĩ cả hai vợ chồng chúng tôi chỉ đủ sức ăn hết một trái thôi.

Chúng tôi hỏi bà bán chuối có bán 1 trái không thì bà đi ra phía sau các giỏ đựng chuối,  lượm một trái chuối nằm rời và đưa cho chúng tôi. Tôi hỏi bao nhiêu, bà ta khoát tay bảo không tính tiền. Tôi trố mắt nhìn bà rồi cười cám ơn bởi trông bà “nghèo nàn” như thế, mất công gồng gánh chuối tới chợ bán mà lại không lấy tiền. Chúng tôi kiếm góc đường ăn thử, thấy ngon bèn trở lại mua cái nải 4 trái mà chúng tôi hỏi hồi nãy. Tính ra, một trái khoảng 30 xu Úc. Một ngày lương của một công nhân khoảng 12 Úc kim mà tỉnh bơ không thèm lấy tiền trái chuối giá 30 xu. Thế mới thấy cuộc sống của người Vanuatu bên ngoài trông nghèo nhưng họ không có gì phải lo lắng, như người dân quê Việt Nam ở miền đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1975. Hạnh phúc là ở chỗ đó.

Người dân ở đây phần lớn sống về nghề nông, dựa vào thiên nhiên, đất đai màu mỡ do địa tầng đá vôi và mặt đất được hình thành từ nham thạch và tro núi lửa. Cây củ trồng ở đây rất lớn.  Từ củ khoai, củ sắn dưới đất cho đến các loại trái trên cây, thứ gì cũng to bự. Cứ sáng sớm, tôi thấy người ta gánh củ và trái ra chợ ngồi bệt dưới đất hay trên sàn xi măng bán. Cuộc sống của họ tà tà, dường như không phải lo toan cơm nước, chuyện ngày mai.

Từ rừng xuống biển, tạo hóa ưu đãi người dân bản xứ. Tôi thấy cảnh những thanh niên và trẻ con đứng ở trong bờ quăng móc câu xuống biển mà cũng bắt được cá, quá dễ dàng. Ngay tại thành phố  hay ở những bờ biển đẹp cũng có những căn nhà lá, hay tân tiến hơn  thì mái lợp tôn, của những người dân lao động đi chân đất.  Họ sống gần gũi với thiên nhiên, trông hoang dã theo lối “ăn củ ngủ đất”. Nghe nói tại những ngôi làng sâu trong rừng vẫn còn những người dân che thân bằng khố lá như thời hồng hoang.

Cuộc sống thoải mái không cần biết đến ngày mai khiến cho người dân ở đây không mấy thiết tha với công việc làm ăn. Bởi vậy, người Việt và Hoa chiếm hầu hết các cơ sở thương mại, buôn bán lẻ trong thành phố. Cũng như ở Nouméa bên Tân Đảo, một vài người Việt buôn bán lẻ ở đây có nhận xét người địa phương là lười. Có lẽ nhờ vậy mà người Việt và Hoa ở đây làm ăn buôn bán khá.

Và cũng như ở Tân Đảo, một người Việt tôi gặp nói rằng tìm kiếm mòn con mắt mới có được một người làm công chịu thương chịu khó. Họ không cần biết ngày mai nên kiếm được số tiền nào đó rồi thì nghỉ việc hoặc đem ra quán rượu tây hoặc quán rượu kava cổ truyền xài cho sạch số tiền lương. Thích thì làm, không thích thì nghỉ, chẳng cần báo trước.

Có lẽ vì vậy mà hiện nay có phong trào tuyển lao động phổ thông từ Việt Nam sang làm việc ở Vanuatu. Nhưng với mức lương trung bình 200 Mỹ kim thì quả thật quá ít ỏi. Người có tay nghề giỏi như thợ làm tóc, làm neo nghe nói nếu được người Úc thuê thì may ra được trả tới $1000 đô la một tháng là quá xộp. Vậy mà tôi nghe ở Việt Nam có những công ty dịch vụ lấy tiền huê hồng tới $9,000 Mỹ kim để đưa một công nhân sang lao động ở Vanuatu. Làm sao mà người lao động này lấy lại vốn với mức lương thấp như thế? Thật sự tôi không thể nào hiểu được chuyện làm ăn và áp-phe ở Việt Nam.

Gặp một vài người Việt Nam sang lao động ở Vanuatu, nghe tôi kể chuyện đời sống ở Úc thì họ mê tơi, chỉ muốn làm sao được qua Úc làm việc hay được di dân sang đây. Những người này nói ở Vanuatu buồn lắm, không có một trò giải trí gì để hưởng vào ngày cuối tuần. Thủ đô của một nước gì mà cả không có cái rạp xi-nê. Ngày thường còn có người đi qua lại, cuối tuần vắng như chùa bà đanh vì du khách hay người dân ra các bãi biển, ở vùng xa.  Chiều Thứ Bảy và ngày Chủ Nhật quả là buồn thiu.

Đó là cảm giác của những người ở Việt Nam sang lao động. Còn với chúng tôi, những khách du lịch, Vanuatu quả là một nơi lý tưởng để nghỉ mát, nhất là tắm biển. Và với những người có máu kinh doanh hay thích đầu tư, tôi nghĩ Vanuatu là đất nước của cơ hội. Tôi thấy có rất nhiều người Úc và Tân Tây Lan sang đây làm ăn, từ kinh doanh trò chơi giải trí cho đến nhà hàng, khách sạn. Lại có người đầu tư đất đai, xây nhà nghỉ mát. Chúng tôi cũng bị cuốn hút vào chuyện kinh doanh đầu tư  ở cái xứ nổi tiếng “tax haven” và có đi tìm hiểu, sẽ hầu bạn đọc trong những kỳ tới.