Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên, gặp người gốc Việt giàu có và quyền lực nhất (kỳ 1)

28 Tháng Hai, 2008 | Vanuatu
Đại triệu phú (multi-millionaire) Đinh Văn Thân (góc phải) và vợ chồng tác giả Ký Sự Đường Xa Nguyễn Hồng Anh. Hình chụp ngày 15.1.2008 tại Port Vila, nước Vanuatu. Hình TVTS

Tôi thường nghe người ta gọi Hạ Uy Di (Hawaii) là thiên đàng hạ giới. Tôi chưa có dịp tới quần đảo Hawaii  nơi đã trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ vào năm 1959.

Tôi cũng thường nghe người ta gọi Tahiti là thiên đàng hạ giới. Tahiti là thủ đô của Papetee (French Polynesia), một lãnh thổ của Pháp ở nam Thái Bình Dương, giữa  Úc và Nam Mỹ,  cách Sydney 6,127 cây số, dài gần bằng đoạn đường tới Sài Gòn.

Cả hai “thiên đường hạ giới” đều nằm trong  danh mục giấc mơ du lịch của tôi, nhưng tôi chưa có dịp thực hiện.

Nhưng tôi đã đến một thiên đàng hạ giới khác mà phần lớn người Việt chưa biết hoặc có biết thì cũng rất mơ hồ: Cộng hòa Vanuatu.

Trước khi trở thành một nước độc lập vào năm 1980, Vanuatu  có tên là New Hebrides mà một số người Việt trước đây gọi là Tân Thế Giới (khác với Tân Thế Giới mà người Âu Châu đặt cho Châu Mỹ khi ông Christopher Columbus khám phá vào năm 1492). Đó là môt quần đảo thuộc công quản liên hợp của Anh-Pháp (Anglo-French Condominium).

Tririki, một hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng cho tư nhân thuê và điều hành, gần thủ đô Port Vila của đảo quốc Vanuatu. Hình TVTS

Đầu thế kỷ 20, người Pháp thực dân tuyển mộ người Việt Nam sang làm phu mỏ kền và phu đồn điền cao su ở Tân Đảo (New Caledonia – Nouvelle Calédonie) và Tân Thế Giới (New Hebrides).  Những phu mỏ và phu đồn điền thời đó xuất phát từ miền Bắc, được gọi là chân đăng phát xuất từ  tiếng Pháp “d’engager”. Đến  Đệ Nhị Thế Chiến, số người Việt ở hai nơi này lên tới  khoảng 12,000 người. Sau hiệp ước Genève, nghe lời của ông Hồ Chí Minh, phần lớn người Việt ở Tân Đảo và Tân Thế Giới đã hồi hương “vì đất nước đã có độc lập, hòa bình và tự do” (xin xem bút ký Tân Đảo Có Gì Lạ viết đầu tháng 4 năm 2007). Dân số người Việt ở hai nơi này hiện khoảng 3,500 người trong đó có khoảng 150 người sống ở nước Vanuatu.

Nhưng trong ký sự đường xa này tôi sẽ không gọi Vanuatu là “thiên đàng hạ giới”, mà gọi đấy là “xứ  đảo thần tiên” dù từ Paradise đã được dùng khá nhiều ở nước Vanuatu và một số khu du lịch ở đấy. Bởi vậy ký sự lần này có tên là Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên.

Tôi và cả gia đình chỉ ở Vanuatu –nói rõ hơn—ở thủ đô Port Vila và đảo Efate trong chuyến du lịch ngắn ngủi 7 ngày đêm tuần vừa qua. Gọi là “xứ đảo” bởi Cộng hòa Vanuatu có đến 83 hòn đảo nhưng trong đó chỉ có 14 hòn đảo lớn nhỏ trồi lên mặt nước và có người ở.

Gọi là “thần tiên” bởi đất nước này quá đẹp, quá dễ thương khiến tôi dự tính sẽ trở lại đó trong một ngày không xa để nghỉ mát hoặc để tìm hiểu thêm những lãnh vực mà tôi cảm thấy thích thú  và có thể có ích cho người đọc, những người muốn du lịch ở một đất nước thiên nhiên trong lành, còn vẻ tự nhiên và nguyên thủy mà tạo hóa ban cho.

Gọi thần tiên cũng không quá đáng vì cơ quan New Economics Foundation có trụ ở Anh quốc vừa hoàn tất  Chỉ số Hạnh phúc trên Hành tinh (The Happy Planet)  qua sự khảo cứu và điều tra 178 quốc gia trên thế giới,  đã liệt Vanuatu là nơi mà con người có cuộc sống hạnh phúc nhất trên quả địa cầu này.

Việt Nam đứng hàng thứ 12,  Úc thứ 139 và Hoa Kỳ thứ 150. Đứng hạng chót là nước Zimbabwe ở Phi Châu.

Tác giả chuẩn bị bung dù “bay” lên bầu trời biển Vanuatu ở độ cao 70 mét để ngắm hòn đảo thần tiên. Hình: TVTS

Cá nhân tôi biết thêm về Vanuatu nhờ chuyến đi Tân Đảo năm ngoái trong đó tôi có viết về một nhân vật được coi là giàu và có quyền lực bậc nhất ở Vanuatu: ông Đinh Văn Thân.

Ông Thân được xem là giàu bậc nhất nước Vanuatu vì đã từng đầu tư vào ngành hàng không, tàu thủy, xây cất, bất động sản, chăn nuôi v.v… Ông lại là người Việt duy nhất ở hải ngoại làm chủ tịch và thủ lãnh của một đảng chính trị lớn của một nước. Sau cuộc bầu cử vào tháng 9 tới đây, nếu đảng của ông thắng cử, chiếm đa số, ông có thể trở thành thủ tướng của Cộng hòa Vanuatu, nếu ông muốn.

Tôi ao ước một ngày nào đó đi du lịch Vanuatu và được tiếp xúc, phỏng vấn nhân vật độc đáo này và chúng tôi đã thực hiện được qua buổi nói chuyện thân mật với ông Đinh Văn Thân trong hơn một tiếng đồng hồ tại văn phòng của ông ở thủ đô Port Vila và sẽ tường trình với bạn đọc kèm với hình ảnh trong những tuần tới.

Tôi cũng biết về Vanuatu vì người Úc hay gọi đất nước này bằng cụm từ “tax haven”, nghĩa là nơi người ta (cá nhân và công ty) không phải đóng thuế hay đóng rất ít. Không đóng thuế lợi tức, không đóng thuế công ty, không cả đóng thuế lợi nhuận tư bản (capital gain tax).

Với tư cách là một người thích du lịch đó đây, ưa ghi lại những điều mắt thấy tai nghe để giúp bạn đọc có tư liệu cho những chuyến du lịch trong tương lai, tôi sẽ lần lượt viết về chuyến đi này trong các số báo tiếp theo. Mời bạn đọc theo dõi.

Nguyễn Hồng Anh

Trích báo giấy TVTS số 1139, phát hành ngày 23.1.2008