Tôi đi “du thuyền” Spirit of Tasmania

21 Tháng Hai, 2008 | Úc châu

Trước đó tôi đã nghe nói rằng đi chơi Tasmania bằng tàu có thể đắt hơn đi bằng máy bay, nhưng được cái thú là có thể mang theo xe hơi để mình có thể tự lái đi đó đây hơn là lệ thuộc vào phương tiện chuyên chở công cộng hay taxi. Bạn đọc như tôi đã từng nghe nói về những cuộc thi thuyền buồm hằng năm vào dịp Giáng Sinh từ Sydney đến Hobart?

 

Và cũng sẽ chẳng bao giờ quên vụ thảm sát tại khu du lịch nổi tiếng Port Arthur vào năm 1996 bởi kẻ sát nhân Bryan Martin làm 35 người vô tội chết oan uổng? Riêng cá nhân Thụy Văn tôi, chỉ biết sơ sơ Tasmania qua loạt bài viết du ngoạn và mua nhà nghỉ mát ở bờ biển cách đây khoảng 5, 6 năm do mình viết. 

 

Sự hiểu biết đó hoàn toàn dựa trên sách vở báo chí, bởi vì Thụy Văn tôi đã có bao giờ đi Tasmania đâu. Và khi một người bạn Úc hỏi Thụy Văn đã đi Tasmania chưa và trả lời chưa, đã được khuyên nên đi cho biết, bởi vì cảnh vật Tasmania, nhất là núi rừng rất đẹp, bảo đảm đi sẽ mê…

 

Và vào tháng 9 vừa qua, nhân dịp con cái nghỉ học kỳ, đọc báo hàng ngày thấy quảng cáo giá một chuyến đi bằng chiếc Tasmania chỉ có khoảng $86 (nếu tôi còn nhớ đúng), Thụy Văn tôi liền quyết định làm một chuyến cho biết.

 

Cái lối quảng cáo của xã hội tiêu thụ lúc nào nghe cũng hấp dẫn. Nhưng phải coi chừng cái dấu*  kèm và sau đó là hàng chữ giải thích li ti ở dưới mà phải dùng kính hiển vi mới đọc được. Khi bạn vừa đọc phớt qua và thích ngay rồi sau đó nếu thấy có khác biệt chút đỉnh nhưng hợp lý, thì bạn đã vào tròng nghệ thuật quảng cáo rồi.

 

Giá $86 một vé đi trên chiếc Spirit of Tasmania thật ra là giá thấp nhất, chỉ dành cho người đi bằng ghế ngồi đúng nghĩa, như ta ngồi trên ghế máy bay vậy dù cái ghế có rộng hơn. Muốn nâng cấp ngồi vào ghế có thể bật nằm dài ra (recliner) để ngủ, bạn có thể phải trả trên một trăm đô.

 

Rồi nếu muốn nằm trong phòng (cabin) với giường nằm hẳn hoi, có phòng tắm cầu tiêu riêng thì có giá khác. Nằm chung 4 người giá rẻ (berth cabin với hai giường hai tầng); nằm chung 2 người loại twin cabin giá đắt hơn. Phòng cabin có cửa sổ dòm ra ngoài (porthole, lớn hơn cửa sổ trên máy bay) để ngắm biển từ phòng ngủ giá cao hơn.

 

Phòng sang trọng (deluxe cabin) lại giá khác, có thể gần $400 cho một chuyến đi (one way ticket) mà chưa tính lệ phí mang theo xe hơi (từ $60 đến $80). Giá cả thay đổi tùy theo mùa và tùy vào tình hình quảng cáo khuyến mại.

 

Thụy Văn tôi nghĩ với quảng cáo hấp dẫn $86 như thế, một gia đình 4 người chỉ mất tiền vé khứ hồi trên dưới $700. Nhưng khi đã mê và nhất quyết đi cho bằng được thì sự việc lại khác. Không muốn ngồi lâu mỏi lưng. Ngủ nằm dài trên ghế vẫn chưa đã. Thế là Thụy Văn tôi chọn mua vé cabin 4 người cho cả gia đình bao gồm 1 chiếc xe hơi, chỉ chọn chuyến đi về với phòng có cửa sổ để ngắm, tổng cộng $1144.

 

Nếu gia đình bạn gồm 5 người, và có một người chịu đi vé ghế ngồi business class seat, bạn  phải trả thêm $238 cho cháu để ngủ ghế nằm dài, không phải là $172 ($86×2)  như  xem trên quảng cáo đâu nhé!

 

Khi đang viết bài này, Thụy Văn tôi vào internet để xem các hot deals và thấy có quảng cáo như sau:

 

Sydney- Tassie: vé (one way) from $180

Melbourne- Tassie: one way from $74

Take your own car from $59 (xe dài tới 5m; từ 5.1m đến 6m giá $99)

Holiday packages: 5 đêm với chỗ trọ chỉ từ $218.

 

Sau khi đã mua vé tàu, Thụy Văn tôi lại vào internet để tìm chỗ trọ và chọn chỗ trọ là Mersey Bluff Lodge, tự quảng cáo đây là một loại aparment trệt 4 sao (thật ra là motel) cách bến cảng Devonport chừng 10 phút lái xe. Tôi nhớ giá khoảng $130/đêm cho gia đình 4 người.

 

Trước khi bước lên chiếc “du thuyền” Spirit of Tasmania, thiết tưởng bạn cùng tôi nên nên tìm hiểu sơ  qua chiếc tàu này.

 

Chiếc Spirit of Tasmania I đậu ở cảng Devenport, tối sẽ lên đường về Melbourne

 

Hiện có 3 chiếc Spirit of Tasmania. Chiếc I và II đi lại giữa Melbourne và Devonport, một chuyến đi mất khoảng 10 tiếng đồng hồ, khởi hành khoảng 9 giờ tối và đến địa điểm khoảng 7 giờ sáng. Mùa hè như lúc này, khởi hành khoảng 8 giờ tối. Ngoài ra trong mùa hè có thêm một số chuyến chạy trong ban ngày.

 

Chiếc III đi giữa Sydney và Devonport mất khoảng 20 tiếng, khởi hành khoảng giữa trưa và chiều. Như trong chuyến du hí Sydney tuần trước, trong khi Thụy Văn đang đứng trên cầu Sydney Harbour Bridge để ngắm cảnh thì thấy chiếc Spirit of Tasmania III  đang chạy qua dưới cầu tiến ra biển, lúc đó khoảng ba giờ chiều.

 

Chiếc Spirit of Tasmania I và II được đóng tại Phần Lan, là loại tàu khách và tàu chở hàng há mồm dài 194.3m, rộng 25m có 11 tầng (deck) cả thảy. Chỗ trọ của khách nằm ở các tầng 7 và 8, có sức chứa 750 giường (berth), 222 phòng (cabin), 126 ghế ngồi (cruise seat) và 146 ghế nằm (business class seat).

 

Tầng 4, 5 và 6 dành để chứa 300 chiếc xe (car) và 40 chiếc xe kéo nhỏ (semi trailer). Lái xe vào bằng đầu tàu thì sẽ ra bằng đuôi tàu và ngược lại.

 

Các phòng chơi game (máy kéo), phòng ăn, nhà hàng, quầy rượu chính nằm hầu hết trên tầng 7. Một số quầy rượu (bar) khác nằm trên các tầng 9 và 10.  Cầu tiêu thì ở tầng nào cũng có, rất nhiều và sạch sẽ. Không bao giờ bị kẹt dù thiên hạ ăn và nhất là uống trong khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ trước khi chịu đi ngủ.

 

Chiếc Spirit of Tasmania III được đóng tại Đức, kiểu cũng gần giống hai chiếc trước nhưng chỉ dài 173.7m và rộng 24m do đó sức chứa người và xe ít hơn (ít hơn khoảng 120 giường và 50 xe hơi). “Du thuyền” này không có các loại ghế ngồi và ghế nằm, vì theo nguyên tắc, ngồi đến 20 tiếng đồ hồ là quá lâu.

 

 Trên thực tế, chẳng ai dại ngồi lâu như thế, bởi vì họ sẽ tới các dãy ghế của quày rượu, các lounge room, các phòng xem tivi, các chỗ dành cho trẻ con chơi mà nằm ngủ cho êm lưng, thẳng cẳng.  Tuyến đường Sydney – Devonport có chiếu xi-nê miễn phí phục vụ khách hàng (tuyến Melbourne – Devonport trong chuyến ban ngày cũng được chiếu phim miễn phí vì có lẽ ít ai ngủ giữa ban ngày).

 

Bạn nên tới bến tàu Station Pier khoảng một tiếng đồng hồ trước giờ khởi hành. Cứ thế mà lái xe vào cổng (nếu là người mang theo xe như Thụy Văn tôi), sẽ có người chỉ đường cho bạn, phát cho bạn chìa khóa phòng.

 

Sau khi đậu xe ở garage trên tàu, bạn tìm đường về phòng hay ghế ngồi của mình, ở đâu đó trên các tầng 7 và 9. Có thể dùng cầu thang bộ mà cũng có thể dùng thang máy! Nên nhớ chưa quen đường, tìm phòng của mình trong các hành lang chằng chịt dài gần 200 mét cũng có thể mất cả chục phút đấy.

 

Cất đồ vào phòng xong, Thụy Văn tôi sẽ tìm hưởng ngay hai cái thú mà mình thích: uống rượu và ngắm cảnh.

 

Hãy vào bất cứ cái bar hay nhà hàng nào đó mua một ly bia, chỉ mất $3 đô thôi, xong kiếm chỗ thoát ra phía sau thân tàu, từ tầng 7 đến tầng 10 (đứng hai bên hông tàu chỉ thấy một phía). Với các tầng trên cao, bạn có thể ra hẳn bên ngoài phòng vách bằng kính, tiếp xúc với khí trời.  Để làm gì? Thưởng thức quang cảnh thành phố Melbourne khi tàu rời bến.

 

Tháng 9 khi tàu rời cảng Melbourne thì trời cũng đã tối. Thụy Văn tôi đã từng đi bộ trên cầu Bolte của Citylink khi Thủ hiến Jeff  Kennett khai trương cây cầu vĩ đại bắc qua sông Yarra ở khu Docklands. Đứng nhìn trung tâm thành phố Melbourne nằm gọn dưới tầm mắt mới thấy rằng thành phố này đẹp như thế nào. Ngày đó Thụy Văn tôi bịn rịn không muốn rời cầu bởi biết đến bao giờ mình được đi bộ lại trên cây cầu này để ngắm cảnh thành phố dưới chân?  Thụy Văn tôi còn giữ lại ấn tượng đầu tiên này nhờ những tấm hình chụp khi đứng trên cầu Bolte.

 

Giờ đây, dù là ban đêm, cảnh thành phố Melbourne với những tháp cao ốc quá quen thuộc đang lùi dần nhưng rất rõ ràng trước mắt khi chiếc tàu đồ sộ từ từ rời bến. Thụy Văn tôi không muốn tả lại cảnh này, để bạn lên tàu mà thưởng thức.

 

Chạy từ Port Melbourne tới vùng biển Portsea và Queenscliff để ra ngoài đại dương cũng phải mất vài tiếng đồng hồ. Lúc này đâu khoảng 12 giờ khuya, chẳng còn thấy đèn đóm hai bên như  khi còn trong vịnh Port Phillip. Tôi đi tìm mấy đưa con đang còn ngồi chơi ở các phòng nghe nhạc.

 

Các con chỉ cho tôi thấy có những người “ngủ lậu” la liệt trên các ghế bành, ghế sofa trong các lounge room, trước các quán rượu, bởi những người này có thể đã mua vé ghế ngồi thẳng lưng giá $86 đô kia. Ai mất công đi kiểm soát ba cái chuyện lẻ tẻ đó?  Một đứa bình luận cần gì phải mua vé ghế trải dài như trong khu business class seat làm gì cho tốn tiền mà chỉ cần tới những chỗ đó để nằm, vừa nghe nhạc vừa ngủ êm. Tôi không có kinh nghiệm và nhiệm vụ để có thể bình luận.

 

Người ta nói đi trên chiếc tàu lớn cỡ 200 mét sẽ không bị say sóng bởi vì như ngồi trên đất liền. Đúng phần nào. Nhưng khi bạn vào phòng ngủ, do sự yên lặng và trong tư thế nằm, bạn sẽ cảm thấy chiếc tàu có rung động một chút bởi di chuyển trên nước và do tiếng máy tàu chạy. Không biết nằm ở giường đôi trong deluxe cabin có cảm giác này chăng? Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngồi trong các phòng ăn, nhà hàng, phòng khách và nhất là đang nhâm nhi, lại không cảm thấy tàu đang chạy.

 

Sau giấc ngủ có lúc hơi chập chùng bởi lạ chỗ, đúng 7 giờ sáng là đã nghe tiếng loa kêu gọi những ai mang theo xe hơi nên chuẩn bị tới garage đậu xe để chuẩn bị lái ra, bởi vì xe đậu theo hàng dọc, phải ra theo thứ tự. Xe vào trước, ra trước.

 

Trong chuyến trở về, bạn cũng sẽ ra bến tàu Devonport như ở Port Melbourne vậy, cũng làm chừng đó thủ tục. Thụy Văn tôi lại ra đuôi tàu để ngắm cảnh tàu rời bến. Nhưng Devonport là một thành phố nhỏ nên đã chẳng tạo cho tôi cảm giác như trong chuyến rời bến cảng Melbourne.

 

 Trên tàu sáng sớm hôm sau: Port Melbourne và thành phố dưới bầu trời mây mù ngày trở lại

 

 

Tôi thức dậy từ  5 giờ rưỡi sáng là lúc có chút ánh sáng của bình minh trên biển. Chiếc Spirit of Tasmania đã vào cửa vịnh Port Phillip từ lâu. Chỉ khi tàu đến gần vùng biển Williamstown thì tôi mới thấy được cảnh quen thuộc.

 

Thành phố Melbourne với các tòa nhà cao ngất trời hiện ra trước mắt. Tháp Eureka cao chễm chệ vượt xa tháp Rialto, một cao ốc một thời được xem là cao nhất Úc và nam bán cầu! Kìa bãi biển St Kilda với cát vàng và nước biển màu xanh lục khi nhìn từ trên bong cao.

 

Và đây rồi bãi biển Port Melbourne với  5 cái tháp mới xây, với những apartment mà Thụy Văn tôi đã từng viết khi bàn về việc mua nhà ở bãi biển cách đây chừng năm, sáu năm.

 

Tôi đã trở về với thành phố dễ sống nhất  thế giới, nơi tôi đã sống được 25 năm.

(Tháng 9/2005)