Cái thú lênh đênh trên nước

19 Tháng Hai, 2008 | Úc châu

Qua Úc, sống ở một  lục địa mênh mông bao bọc bởi biển cả trong đó có những cái hồ lớn, rộng ngút ngàn như biển hồ, ước mơ bồng bềnh trên sông nước lại trở về khi Thụy Văn tôi đã qua cái tuổi tri thiên mệnh.

 

Thật ra, tậu một chiếc tàu cũng không là ước mơ ngoài tầm tay của những người từng vượt biên bằng tàu, đi một mạch từ  Bến Chương Dương Sài Gòn đến đảo Kuku ở Nam Dương như  Thụy Văn tôi. Bởi, chỉ cần vài ngàn đô la là có thể mua một chiếc ca-nô cũ. Nhưng một ông bầu ban nhạc đi câu cá rồi mất tích cách đây gần hai chục năm đã làm Thụy Văn tôi lạnh cẳng từ đó.

 

Nói vậy, nhưng rồi thấy tàu bè lớn nhỏ là vẫn mê. Bởi vậy cách đây vài năm Thụy Văn tôi có đi tham quan một  boat expo  ở Melbourne Exhibition Centre để thỏa mãn sự tò mò và viết bài hầu bạn đọc. Cuối cùng, thực tế cho thấy ước mơ mua một chiếc tàu nho nhỏ neo ở Docklands, để hàng ngày bước từ  một căn apartment trong khu New Quay hay Victoria Harbour,  nổ máy  chạy từ sông Yarra ra biển Port  Melbourne là chuyện không thể thực hiện được. Tại sao?

 

Trước hết  là chính phủ Victoria bắt buộc bất cứ ai lái một chiếc tàu có động cơ, dù chỉ là chiếc bo-bo, cũng phải có bằng lái. Thứ đến, lái thì dễ, nhưng lái đi mà còn trở về bờ  lại là chuyện khác, dù đó chỉ là biển nằm trong vịnh Port Phillip Bay.

 

Bạn có thể tưởng tượng vịnh Port Phillip, tùy đoạn,  có đường kính hàng chục hay cả trăm cây số không?  Đứng ở bãi biển Port Melbourne hay St Kilda bạn không thể nhìn thấy bờ biển phía bên kia, mặc dầu  đấy là vùng Point Cook, Werribee South,  chứ đừng nói gì những vùng xa hơn như Geelong hay Queenscliff và Portsea là hai vùng nằm hai đầu mỏm của vịnh Port Phillip.

 

Từ Port Melbourne lái xe tới Portsea mất hơn tiếng đồng hồ, đi tàu thì phải mấy tiếng đồng hồ mới đi khỏi vịnh và ra biển cả.  Mà ra biển cả thì biết đâu mò phương hướng? Chỉ nội lạc đường đủ chết, chưa nói tới bão táp hay tàu bị lật vì lái tồi.

 

Nhưng quan trọng nhất là phải có tiền!  Mua chiếc tàu dài tám đến mười thước có thể chở cả gia đình và có phòng ngủ chất kiểu cá hộp tệ lắm cũng phải trên $100,000. Chiếc tàu chừng $400,000 là đi được, với phòng lái nằm trên bong cao, mới trông có vẻ là tàu của dân có tiền đi chơi. Rồi bao nhiêu tiền bạc khác để bảo trì, thuê bến đậu hay thuê người lái.

 

Cách đây vài tuần, nhân vật truyền hình và cựu cầu thủ football Sam Newman đã mừng sinh nhật thứ 60 trên chiếc tàu dài 20 mét mà ông mới mua với giá $1.5 triệu rưỡi, chạy trong vịnh Port Phillip (có lẽ Newman chưa dám lái ra ngoài đại dương). Nhân vật lòe loẹt này tự thưởng cho mình cái thú lênh đênh một mình trên chiếc du thuyền trên triệu bạc bởi vì ông ta đi xe Lamborghini Murcielago Roaster  và căn nhà của ông ta ở vùng Brighton chắc cũng phải hơn hoặc tệ lắm cũng bằng giá chiếc tàu.

 

Hỏi chiếc tàu $1.5 triệu mang lại cho ông những gì,  anh chàng playboy già nhiều đời vợ nói: “Sự tĩnh mịch, yên lặng và biệt lập. Tôi không biết bạn  có cảm giác như thế nào khi được ngồi một mình giữa lòng đại dương không có ai bên cạnh để quấy rầy bạn”.

 

Chiếc tàu có tên Sea Sea Rider  $1.5  triệu của Sam Newman có thể gọi là luxury rồi, nhưng muốn cho dân giàu có rảnh rỗi ở các bến tàu chịu ngoái đầu mà nhìn tàu bạn lướt qua, bạn phải có chiếc tàu trị giá trên $5 triệu cơ!

 

Tuy nhiên, khi bạn đã có chiếc tàu chừng đó tiền trở lên, bạn phải là đại triệu phú (multi-millionaire). Người ta nói rằng, để bảo trì và trả lương cho thủy thủ đoàn, hàng năm bạn phải trả số tiền khoảng 10% so với số tiền bạn mua chiếc tàu.  Chẳng hạn ông vua chơi golf  nổi tiếng Greg Norman năm ngoái mua chiếc du thuyền tối tân được xem lớn hàng đầu thế giới với giá khoảng $75 triệu, có nghĩa mỗi năm ông phải chi ra $7.5 triệu để trả lương cho thủy thủ đoàn và bảo trì chiếc tàu mà ông không dùng thường xuyên. Cũng nên biết Greg Norman có một chiếc Boeing 747 riêng (sức chở khoảng 400 người)  dùng để đi lại cho tiện giữa Úc và các nước khác.

 

Trên thế giới, có những tay chơi du thuyền nổi tiếng mà những mệnh phụ hay công chúa phải làm quen để được bước lên hay sống trong các du thuyền đó, như quả phụ  Jacqueline Kennedy với du thuyền của tỷ phú tàu buôn Hy Lạp Onassis hay công chúa Diana với du thuyền của Dodi  Fayed.

 

Người ta nói rằng dân chơi du thuyền loại chiến ở Úc thường neo ở đảo Hamilton Island, câu lạc bộ du thuyền Lorne (Melbourne) hay ở bến tàu Woolloomooloo Finger Wharf (Sydney). Nhiều tay chơi Úc còn làm cho những tay chơi du thuyền  quốc tế ở Monte Carlo hay Bermuda phải nể mặt. Chẳng hạn, tay buôn cổ phần Rene Rivkin trước khi tự tử chết đã sắm một chiếc du thuyền có chỗ cho trực thăng đậu, lượn lui lượn tới ở hải cảng Sydney và thường mời tỷ-phú-con  James Packer xuống chơi.

 

Vừa qua, báo chí có điểm mặt 10 đại gia Úc sở hữu  những chiếc du thuyền hàng chục triệu bạc. Thụy Văn tôi chỉ xin  kể ra vài tên quen thuộc.

 

Chiếc Artic P của gia đình Parker

Chiếc tàu to nhất thuộc về gia đình người giàu nhất nước Úc. Chiếc Artic P  dài 88m được đóng vào năm 1969. Nguyên là tàu chạy ở vùng băng tuyết, sau dùng làm tàu kéo cho các dàn khoan dầu.

 

Năm 1995, ông Kerry Packer mua lại và bỏ thêm $20 triệu để tân trang thành một du thuyền tráng lệ. Mặc dù dáng dấp tàu Artic không đẹp bằng những chiếc du thuyền mới đóng sau này, nhưng đã được tạp chí Power & Motor Yatch của Mỹ liệt vào hàng thứ 15 những chiếc tàu dùng cho cá nhân lớn nhất thế giới, đủ sức lái đi bất cứ đâu và chẳng phải sợ bất cứ loại bão tố nào.  Cậu ấm James và cô chiêu Gretel  thường sử dụng chiếc du thuyền này.

 

Người giàu hàng thứ hai ở Úc là tỷ phú Frank Lowy có chiếc tàu Ilona, đặt theo tên mẹ của ông ta. Chiếc du thuyền cực kỳ sang trọng dài 73.7m  được đóng tại Hòa Lan vào năm 2003 với giá nghe đâu trên $35 triệu.

 

Đây là chiếc du thuyền lớn hàng thứ 32 trên thế giới. Năm ngoái, chiếc Ilona được bình bầu là chiếc tàu đầy sáng tạo và tối tân nhất trên thế giới, đẹp từ ngoài vào trong, trang trí nội thất rất lộng lẫy với những bức tranh của các họa sĩ danh tiếng ở Úc. 

 

Trước đây tỷ phú Lowy có chiếc tàu dài 45m và đã dùng chiếc tàu này lái vòng quanh thế giới 4 lần, nhưng ông ta thấy bất tiện vì để máy bay trực thăng trên bong tàu thì bị nước biển đánh vào hay bị chim hải âu ị làm máy bay hư rỉ, khiến ông phải thuê không vận máy bay trực thăng đi theo để dùng khi cần. Nhưng với chiếc tàu Ilona cao 5 tầng, ông có thể xếp cánh máy bay và cất kín vào đuôi tàu.

 

Phó tỷ phú (người có tài sản trên $500 triệu và dưới $1 tỷ) John Gandel ở Melbourne mua chiếc Gallaxy do Ý làm. Chiếc tàu dài 56m giá

Chiếc tàu Galaxy của ông Gandel

 
$35 triệu được hạ thủy năm ngoái. Ban đầu,  phó tỷ phú Gandel dự tính sắm tàu cho gia đình dùng, nhưng nay có tin cho hay là ông sẵn sàng cho thuê với giá thuê từ $280,000 một tuần. 

 

Tàu cao 5 tầng, có 2 phòng ăn và 6 phòng ngủ đôi, phòng tập thể dục, phòng cất rượu với đội ngũ thủy thủ đoàn từ 13 đến 16 người. Đồ dùng trong tàu được lót bằng gỗ quý và cẩm thạch. Trên tàu còn gắn thêm các xe trượt nước cao tốc (jet ski), tàu nhỏ để chèo (skiff) và nếu bạn muốn  đáp trực thăng trên tàu thì chỉ việc xếp lại các bàn ghế phơi  nắng trên bong tàu mà thôi. Ông phó tỷ phú nhà ở Toorak hiện cho du thuyền của ông đậu bên Castletown, tận Tây Úc.

 

 

Một thương nhân nổi tiếng ở Melbourne là Solomon Lew, người có cổ phần lớn trong công ty Coles Myer  là chủ nhân chiếc tàu có tên Texas, dài 45m. Không biết giá chiếc Texas bao nhiêu, nhưng đây là chiếc tàu rất lộng lẫy khiến ông phó tỷ phú thường tổ chức những bữa tiệc lớn trên tàu và thuê những đầu bếp hàng đầu của Melbourne để phục vụ khách khứa.

 

Mùa đông Melbourne, ông Lew cho du thuyền và đoàn thủy thủ 16 người neo bến tận bên bờ biển Địa Trung Hải.

 

Chiếc Boadicea của ông Grundy: cho thuê trên nửa triệu đô la một tuần

Reg Grundy, vua sản xuất những show truyền hình ăn khách sau phần tin tức buổi chiều ở Úc  là chủ nhân chiếc du thuyền Boadicea. Chiếc này được đóng tại Hòa Lan vào năm 1998 với giá $30 triệu mà ông ta chỉ dùng có vài tuần lễ khi nghỉ mát tận Bermuda. Vì thế,  đại triệu phú Grundy dành hầu hết thời gian trong năm cho thuê để kiếm tiền trả tiền bảo trì và nuôi thủy thủ đoàn.

 

Giá cho thuê chiếc Boadicea mỗi tuần là $575,000 đô la, đó là chưa kể tiền xăng dầu, thức uống, tiền boa (tip) cho thủy thủy đoàn 23 người. Theo tiêu chuẩn quốc tế, tiền boa chiếm khoảng 20% tiền thuê, có nghĩa bạn phải chi thêm khoảng $115,000 mỗi tuần. 

 

Khi chi mỗi tuần $690,000  bạn và 11 người khách đặc biệt của bạn sẽ được ở trong một du thuyền tương đương với khách sạn 5 sao, có phòng xem xinê cho 14 người, có những thức ăn ngon lành nhất, được phục vụ chu đáo nhất.

 

Nhưng với số tiền thuê một tuần như thế, bạn có thể dùng để mua đứt một căn nhà hai tầng ba phòng ngủ khá đẹp ở một khu ngoại ô xa thành phố Melbourne.

Có nhà đẹp rồi, bạn vẫn còn muốn lênh đênh trên sóng biển? Muốn ngồi trên du thuyền?

 

Thụy Văn tôi xin mách nước: đi  “du thuyền công cộng”, bạn chỉ bỏ ra từ  $150 đô-la là có thể mua một vé khứ hồi đi Tasmania trên một chiếc tàu được xem là lớn nhất ở Úc (vé ghế ngồi), tối tân hàng đầu trên thế giới, dài 194.3m, có đến 9 tầng với nhiều nhà hàng và các phương tiện khác để phục vụ bạn trong suốt chuyến hành trình dài 10 tiếng đồng hồ. 

 

Đó là các chiếc Spirit of Tasmania mà bạn thường thấy đậu hàng ngày ở Station Pier ngoài Port Melbourne.

 

Nếu bạn không trúng lotto vài chục lần để có đủ tiền mua một chiếc du thuyền cực sang trọng, và nếu bạn không quen với các đại gia có du thuyền, bạn cũng có thể hưởng thụ một chuyến đi biển được người Úc quảng cáo “One of Australia’s Great Journeys”  bằng một chuyến đi Tasmania, như gia  đình Thụy Văn tôi vừa trải qua cách đây vài tháng. Vui, rẻ và có một kinh nghiệm du lịch đáng nhớ trong đời. 

 

Bạn có thể mang theo xe hơi và chỉ trả thêm khoảng hơn $100 cho tiền chuyên chở.  Trong thời gian này, có những giá cả rất hời như đi  5 đêm bao chỗ trọ mà chỉ từ $218 cho một người và mang theo xe hơi chỉ từ  $59.  Bạn có thể theo dõi quảng cáo trên báo chí hay trên trang mạng www.spiritoftasmania.com.au  để biết được những giá cả hợp túi tiền của mình hay mua những “hot deals”.

 

Nếu bạn dùng chuyến đi Tasmania bằng chiếc tàu gần 200m  như  là dịp hưởng tuần trăng mật hay hấp hôn, sẽ có vé phòng  giường đôi sang trọng cho bạn, với view nhìn ra biển ngay trong phòng ngủ của bạn, dĩ nhiên với giá khác.

 

Ngoài ra, nếu bạn có tiền và có thì giờ, bạn có thể đi du lịch trên các du thuyền sang trọng, đi các nước gần hay vòng quanh thế giới, từ  vài ngàn cho đến cả trăm ngàn đô la một chuyến, tùy theo thời gian và thứ hạng phòng ngủ.

Ai bảo chỉ có người giàu mới có phương tiện thưởng thức cái thú bềnh bồng trên biển cả?

 

Từ ngày ngồi trên chiếc Spirit of Tasmania, Thụy Văn tôi chỉ còn dự tính sẽ có ngày bỏ ra chừng  $700 (một người ngồi) hay  $1200 (hai người ngồi)  để mua chiếc xuồng nhựa (kayak) chèo trên sông Yarra.  Bạn chẳng cần phải học lái tàu, chẳng cần xin phép. Ước mơ trong tầm tay này rất dễ thực hiện.