10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 5: Ghé cảng Yokohama nhớ Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu và 100 năm Đông kinh Nghĩa thục

16 Tháng Một, 2008 | Nhật
Tác giả trên cảng Yokohama và phía sau là cầu dây cáp Bay Bridge

Đi du lịch chuyến này tuy là ngẫu hứng, nhưng khi chọn Nhật Bản, tôi cũng có một số chủ ý: bởi ngoài muốn làm một trong số hàng triệu người leo núi Phú Sĩ, được xem Đền Kiyomizu, tôi còn muốn đi Nhật vì năm nay kỷ niệm một biến cố của lịch sử Việt Nam cách đây đúng một thế kỷ:  Việc nhà cách mạng Phan Bội Châu và các đồng chí thành lập Việt Nam Cống Hiến Hội  (ở Nhật) và Đông Kinh Nghĩa Thục (ở Hà Nội)—năm 1907.

Hội Cống Hiến có mục đích vận động và quyên tiền để giúp học sinh nghèo trong số 200 học sinh đang du học tại Nhật tại Nhật hồi đó.

Còn Đông Kinh Nghĩa Thục là một trường có mục đích làm việc nghĩa mang tên Đông Kinh. Trường thành hình khi các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã có dịp qua Nhật, quan sát cơ chế giáo dục và chính trị tại đấy nên khi trở về Hà Nội đã cùng các ông như  Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ chủ xướng hình thành một cơ sở giáo dục để đào tạo cách nhà trí thức chống Pháp sau này. Đông Kinh Nghĩa thục ra đời song hành với phong trào Đông Du.

Từ tiếng khóc của Tăng Bạt Hổ đến phong trào Đông Du

Tôi đi chơi, nhưng cũng nhớ đến chuyện ngày xưa cụ Phan Bội Châu đã cực khổ và vất vả như thế nào để qua Nhật học hỏi những cái hay của xứ người hầu có phương tiện chống Pháp, giành độc lập cho đất nước.

Chuyện kể rằng…

Cụ Phan sinh năm 1867, chỉ một năm sau khi vua Minh Trị (Meiji) lên ngôi, nước Nhật không còn bế quan tỏa cảng như xưa mà đã mở cửa cho tây phương vào buôn bán theo yêu cầu của Thiếu tướng Hải quân Mỹ Matthew Perry để dẫn đưa nước Nhật tới một thời đại mới là Minh Trị Duy Tân. Năm 1905, việc Nhật đánh bại hạm đội Nga đã khiến cụ Phan nức lòng bởi một nước Á Châu nhỏ đã có đủ sức đánh một nước Âu Châu lớn như quân đội của Nga Hoàng thì tại sao Việt Nam, nếu được học hỏi và canh tân như Nhật, lại không thể đánh bại thực dân Pháp.

Ông Tăng Bạt Hổ là một nhà cách mạng bôn ba xứ người và cuối cùng đi lính thủy cho Nhật Hoàng, tham gia trận chiến tranh Nga-Nhật 1904-05. Trong một buổi tiệc khao quân, Tăng Bạt Hổ được Minh Trị Thiên Hoàng thưởng cho chén rượu, nhưng Tăng Bạt Hổ khóc và kể chuyện đất nước mình cũng là một nước Á Châu như Nhật nhưng hiện bị Pháp đô họ. Nhà vua thông cảm nhưng chẳng có ý giúp đỡ gì. Tăng Bạt Hổ trở về quê tìm gặp các nhà cách mạng và được giới thiệu với Phan Bội Châu.

Thế là Tăng Bạt Hổ tìm cách đưa Phan Bội Châu ra Hải Phòng, đón tàu qua Hương Cảng và từ đấy đi tàu thủy qua Nhật. Hai người đến Thần Hộ (tức Kobe, gần cố đô Kyoto) và sau đó mới lên Hoành Tân (tức Yokohama) và ở trọ tại đây. Cụ Phan được giới thiệu với các chính trị gia Nhật như Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị và Bá tước Đại Ôi Trọng Tín, nhưng các ông chỉ ủng hộ tinh thần và khuyên cụ nên đưa các học sinh ra ngại quốc học hỏi để đấu tranh theo một phương pháp khác hữu hiệu hơn là chỉ dùng súng đạn.

Trong số những học sinh du học thân cận với cụ Phan  ở Nhật có hai người con trai của cụ Lương Văn Can. Một người nổi tiếng là nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến, thủ lãnh cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Cuộc vận động đưa du học sinh sang Nhật đang tiến hành tốt đẹp thì vào đầu năm 1908 Nhật nghe lời Pháp, ra lệnh trục xuất các du học sinh. Riêng cụ Phan cũng đã phải rời Nhật năm 1909. Phong trào Đông Du chấm dứt với việc trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội bị Pháp ra lệnh đóng cửa sau đó.

Chuyện còn kể rằng…. lúc ở Nhật, cụ Phan đã được một Bác sĩ Nhật giúp đỡ về mặt tiền bạc khá rộng rãi để nuôi các học sinh nghèo, gặp bệnh hoạn. Đó là Bác sĩ Sakitaro Asaba, người cùng trạc tuổi với cụ Phan nhưng mất năm 1910, lúc mới 43 tuổi. Năm 1919 cụ trở lại Nhật Bản, nghe tin người bạn và ân nhân đã mất,  cụ Phan đã dựng một tấm bia ghi những giòng chữ “Lũ chúng chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang, ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến trả ơn ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có…”

Trong một cuốn tự truyện của mình, cụ Phan có nói về tình bạn giữa ông và bác sĩ người Nhật.  Một nhà nghiên cứu người Nhật gần đây cho biết  bia này hiện nằm trong khuôn viên đền Jorin tại Umeyama thuộc thành phố Fukuro. Nhưng với tôi, Umeyama hay Fukuro là các địa danh quá xa lạ, thôi thì cứ tới Yokohama tức Hoành Tân, nơi cụ Phan trú ngụ trong mấy năm để tham quan thắng cảnh của một trong những thành phố nổi tiếng nhất xứ Phù Tang và cũng để gọi là có một chút lòng nhớ tới người xưa. Nhưng đường xưa lối cũ đã không còn vì cuộc bể dâu của trăm năm, thành phố cảng Hoành Tân của cụ Phan ngày xưa chắc đã khác xa một Yokohama ngày nay.

Bên trong Landmark Tower: các cột trụ đỡ hành lang của năm tầng dưới

Từ khi mở cửa năm 1869 đến nay

Yokohama là tên một làng chài nằm trong Vịnh Tokyo, cách kinh đô Tokyo khoảng 30 cây số nằm về hướng nam. Nhưng kể từ khi Nhật ký kết hiệp ước giao thương với Hoa Kỳ, Yokohama trở thành cảng đầu tiên mà tàu buôn nước ngoài cập vào đất liền Nhật, trước khi đi sâu vào trong Vịnh Tokyo để tới các cảng khác. Bởi vị  trí “mặt tiền” này mà Yokohama đã phát triển mạnh trong suốt 150 năm qua, khiến ngoài là thành phố cảng quan trọng hàng đầu của Nhật Bản, còn là thành phố đông dân thứ hai sau Tokyo, với dân số khoảng 3.5 triệu người.

Thành phố hiện đang quảng cáo để mừng 150 năm ngày mở cảng vào năm 2009 sắp tới. Chắc sẽ có nhiều lễ hội rềnh rang và bắn pháo bông mệt nghỉ. Bạn nhớ thời Thủ hiến John Cain khi Victoria kỷ niệm 150 năm thành lập tiểu bang, một thành phố chị em bên Nhật đã cung cấp pháo bông bắn trên hồ Albert Park kéo dài gần hai tiếng đồng hồ?

Từ Tokyo đi Yokohama, bạn có thể đi bằng tàu lửa siêu tốc Shinkansen (tốc lực 300 cây số giờ) hay tàu JR nằm trong hệ thống Japan Railways, tức là tàu thường, tàu chợ, ngừng lại ở các trạm cố định. Tôi nghĩ đơn giản nhất là ra ga xe lửa (trung ương hay ngoại ô) mua vé khứ hồi đi Yokohama chỉ tốn 900 Yen (khoảng 9 đến 11 Úc kim tùy mức hối suất).

Trước hết, bạn phải biết mình sẽ đi tuyến nào, sau đó tìm đích đến (hay trạm chót của tuyến đi) thì sẽ biết mình sẽ tới thềm ga (plateform) nào mà đợi. Đi thành phố Yokohama và nếu bạn đang đứng ở ga trung ương Tokyo Station, tôi đề nghị bạn chọn tuyến Tokaido Line, và dùng đích đến là các trạm Yokohama nằm khoảng giữa đường hay trạm Odawara là trạm chót của tuyến này.

Từ Tokyo đến Yokohama, xe lửa JR dừng khoảng mười trạm, mất từ 30 đến 40 phút là tối đa. Đến trạm xe lửa trung ương của thành phố Yokohama, bạn nên xuống xe, ra khỏi ga mà kiếm đường ra bờ biển. Người ta nói từ ga ra biển khoảng vài cây số và có những tuyến xe lửa hay xe bus chạy ra biển, nhưng ngay cả với những người “chịu khó” tìm tòi đường sá như tôi, xem bản đồ giữa trời nóng và với thời gian tham quan giới hạn, tôi nghĩ cách tốt nhất là kêu taxi, bởi đã được cố vấn miễn phí trên internet rằng đi đường ngắn tiền taxi không tốn kém bao nhiêu.

Đến Yokohama Station đã gần 1 giờ trưa, tôi nhìn bản đồ thấy đoạn đường ra biển ngắn nhất chừng hai cây số và ở đấy có năm sáu cao ốc với một khu giải trí có vòng đu quay thật lớn. Tôi chỉ cho ông taxi tòa nhà có ghi các chữ Landmark Plaza Shopping Center bởi ông ta không nói được tiếng Anh. Đi xe taxi chỉ mất 740 Yen mà thôi, và đó cũng là giá tối thiểu cho một cuốc xe một khi hành khách đã bước lên xe.  Đáng ghi nhận là khách thường ngồi băng sau bởi cửa được mở và đóng tự động bằng cánh cửa sau đối diện ghế tài xế. Ở Nhật, xe cộ chạy bên trái như ở Úc.

Chúng tôi bước vào cầu thang của tòa nhà xem ra cao nhất trong nhóm: Landmark Plaza Shopping Center, còn gọi là Landmark Tower. Chúng tôi lên lầu năm là nơi có các nhà hàng để ăn trưa và ngắm cảnh qua các bức tường bằng kính. Dưới chân là bến tàu, nơi dành cho thuyền buồm huấn luyện hải hành đậu. Cảnh hải cảng tuy đẹp, nhưng tầm nhìn vẫn bị che chắn bởi các cao ốc nằm trên hòn đảo nhỏ án ngữ lối ra cửa vịnh của sông Ooka của thành phố. Hòn đảo nhỏ này có tên Minato Mirai 21 Shinko District, có nghĩa Quận Shinko của thành phố tương lai của thế kỷ 21.  Đề án phát triển Yokohama cho xứng đáng với vị thế đệ nhất hải cảng của 150 năm trước đã được phát động vào năm 1981 với việc xây cất khu phức hợp có Landmark Tower là tòa nhà cao nhất ở Nhật Bản.

Ăn xong, chúng tôi thả bộ đi xem trung tâm mua sắm Landmark mày. Chúng tôi đã từng đi xem khu buôn bán sang trọng Matsuya Ginza ở Tokyo nơi chúng tôi cư ngụ. Chúng tôi cũng đã đi xem khu thương mại tân lập Aqua City ở Odaiba trên cảng Tokyo, nhưng các trung tâm này được cái lớn về mặt chiều dài,  còn trung tâm Landmark Tower nổi bật về chiều cao dù khu mua sắm chỉ chiếm 5 tầng trong cao ốc 70 tầng, cao 296 mét.

Trang trí nội thất hơi giống Melbourne Central nơi ngày trước có thương xá Damairu (của Nhật), nhưng Landmark Plaza là một khu hình chữ nhật, với các ban công, hành lang chịu đựng bởi những cột trụ hình ống tròn. Giữa là khoảng trống với tầng trệt là nơi dành cho các sinh hoạt nghệ thuật như biểu diễn ca nhạc, khách mua sắm có thể đứng quanh ban công, hành lang hay các cầu thang thưởng thức. Cầu thang cuốn trong năm tầng lầu không nằm thẳng mà quay hình xoắn ốc, trông vui mắt.

Cảng Yokohama chụp từ lầu vọng cảnh Landmark Tower

Nhưng đã tới đây, bạn không thể không lên Lầu Vọng Cảnh (Sky Garden) ở tầng 69 để có cái nhìn toàn bộ cảnh thành phố cảng Yokohama, ngắm thành phố Tokyo cách khoảng 30 cây số ở phía đông bắc và núi Phú Sĩ cách đấy sáu bảy chục cây số bởi người ta quảng cáo rằng, một khi lên cái lầu vọng cảnh cao nhất nước Nhật, bạn có thể nhìn xa cả 80 cây số nếu trời trong. Hấp dẫn chưa? Bởi vé lên lầu xem chỉ 1,000 Yen cho một người (còn rẻ hơn vé lên lầu vọng cảnh của Rialto hay Eureka ở Melbourne).

Nhưng đứng ở độ cao 275 mét (cao hơn lầu vọng cảnh Tháp Tokyo, 250m), chúng tôi đã chẳng thấy được thành phố Tokyo hay núi Phú Sĩ sừng sững với chóp núi phủ tuyết trắng xóa trồi lên khỏi các dãy núi bên cạnh cao ốc Landmark  như trong các tờ truyền đơn. Nhưng nhờ lên ở độ cao nhất này mà chúng tôi có thể quan sát được toàn thể thành phố cảng và Vịnh Tokyo.

Bạn cứ hình dung Vịnh Tokyo giống vịnh Phillip Bay ở Melbourne, nhưng nhỏ hơn và có nhiều bến tàu, cảng rất lớn, trải dài quanh vịnh. Tôi thấy đứng ở Landmark Tower ở Yokohama nhìn biển và hải cảng đẹp hơn đứng ở Tokyo Tower, mặc dù kiến trúc Lầu Vọng Cảnh ở Landmark Tower bị khuyết điểm là tường bao quanh lầu vọng cảnh không hoàn toàn bằng kính như các tháp khác mà có đoạn bị ngáng bởi các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Tôi không hiểu tại sao họ không xây các kiosk đó giữa lòng tháp để du khách có thể đi vòng vòng 360 độ quanh tháp mà không bị che tầm nhìn. Nhưng đó là chuyện của thiên hạ, bạn và tôi chẳng cần quan tâm làm gì.

Từ trên cao, nhìn về phía tây, tức bờ biển, chúng tôi thấy được hầu hết cảnh vật dưới đất: không biết cơ man nào là các cầu tàu trải dài từ bắc xuống nam, nhiều cây cầu lớn nối đất liền với hòn đảo nhỏ có đường kính khoảng nửa cây số nằm trước miệng cửa sông Oaka đổ ra biển.  Về phía nam là cầu tàu Osanbashi Pier nơi các tàu khách quốc tế đến đậu và xa hơn nữa là cầu tàu Yamashita Pier, nơi có hai chiếc tàu chở khách du lịch vãn cảnh có tên Marine Shuttle và Marine Rouge.

Nhưng công trình nổi bật của Hải cảng Yokohama đập vào mắt tôi là cây cầu Yokohama Bay Bridge,  một cây cầu treo bằng dây cáp dài 860 mét nối cầu tàu Honmoku Pier ở gần khu Chinatown với cầu tàu Daikoku Pier được khánh thành vào năm 1989 và hiện là một trong những cầu treo có bề ngang lớn nhất thế giới. Cầu được đỡ bằng hai trụ đôi (trong khi cầu Bolte của CityLink ở Melbourne chỉ được đỡ bằng một trụ đôi).

Hai chiếc tàu chở du khách vãn cảnh Port of Yokohama

Đi tham quan bằng cách thấy cái gì hay và lạ thì tới xem, chúng tôi rời cao ốc Landmark Tower đón taxi tới cầu tàu Yamashita Pier với ý định sẽ đi ngắm cảnh bằng tàu trên biển như chúng tôi thường đi ở cầu tàu Circular Quay mỗi khi lên Sydney. Đoạn đường dài hơn hai cây số và tiền taxi là 900 Yen. Chỉ đường cho bác tài bằng cách dùng bản đồ ra dấu, nhưng khi đến gần bác tài nói được mấy chữ tiếng Anh là Chinatown, khi ông lấy tay múa một vòng, nhưng ngồi trên xe tôi chưa thấy dấu hiệu gì của một khu phố của người Hoa.

Xuống xe, chúng tôi đi ngay tới phòng bán vé để mua vì sợ trễ chuyến thì không còn được ngắm biển lúc còn mặt trời. May cho chúng tôi là sắp có chuyến của tàu Marine Rouge với tuyến đi dài 90 phút, giá vé 2500 Yen cho một người.  Tàu này có những chuyến đi 40, 60 và 120 phút với giá cả khác nhau nhưng chúng tôi nghĩ một tiếng rưỡi là vừa phải. Tàu Marine Rouge này cũng giống các chiếc tàu du lịch trên cảng Sydney như chiếc Captain Cook hay Sydney 2000, có hai tầng và tầng nào cũng có khu ăn uống với bàn ghế trông khá đẹp mắt. Trên chóp là boong tàu, dùng để tổ chức văn nghệ ngoài trời hay cho khách nào muốn hóng gió và xem cảnh vật ở tầm 360 độ.

Yokohama là thành phố kỹ nghệ chế tạo và vận chuyển đường biển, là hải cảng lớn hàng thứ ba của Nhật xét về mặt mậu dịch hoặc được xem là “lớn nhất” đối với người dân Yokohama tự hào về thành phố của họ. Nhưng lớn nhất là hải cảng Chiba cũng nằm trong Vịnh Tokyo có bờ biển dài tới 133 cây số, chạy xuyên qua sáu thành phố từ Ichikawa ở phía bắc tới Sodegaura ở phía nam. Lớn thứ nhì hình như là cảng Kobe, tức Thần Hộ, gần cố đô Kyoto và thành phố Osaka.

Tàu khách Marine Rouge sẽ đưa bạn đi quanh bờ biển (thực chất toàn là các cầu tàu), qua các gầm cầu nối liền những hòn đảo nhỏ nay đã được xây cất thành những khu bến cảng lớn của thành phố. Từ xa, bạn thấy thành phố Yokohama trên bờ với những cao ốc chạy dài ở chân trời, cũng giống như khi bạn ngắm thành phố Melbourne trên tàu Spirit of Tamania đáp hay rời cảng Station Pier ở Port Melbourne.

Theo tôi, cảng Yokomaha và Tokyo của xứ  Phù Tang tuy lớn –phải nói là quá lớn– nhưng không đẹp, thơ mộng như cảng Sydney. Sydney Harbour với cây cầu sắt màu đen bắt qua eo biển tạo thành một thắng cảnh độc đáo mà thiên nhiên ban cho dân xứ Miệt Dưới.

Phố Tàu Yokohama đẹp nhất xứ Phù Tang

Sau chuyến vãn cảnh bằng tàu, chúng tôi lên bờ, đi sâu vào khoảng vài trăm mét thì thấy Chinatown ngay trước mặt, bởi cái cổng màu mè trông rất nổi bật. Đây là Phố Tàu lớn nhất ở nước Nhật. Người ta nói rằng mỗi năm có đến 20 triệu lượt du khách đến thăm khu phố này, đa số không phải là du khách gốc Hoa.

Tác giả trước cổng Phố Tàu ở Yokohama

Phố Tàu nằm trong một khu đất khá vuông vức, rộng khoảng nửa cây số mỗi bề, có nhiều đường mang tên Nhật và Hoa, với con đường chính giữa mang tên Kanteibyo, đầu đường có cái cổng tên Tencho-Mon và cuối đường cổng có tên Chikyu-Mon. Du khách Nhật lẫn ngoại quốc hầu như  đều đứng lại chụp hình cái cổng trước khi thả bộ vào khu phố tàu. Nhìn bản đồ thấy có mấy con đường khác cũng có những cổng chào loại “cổng tam quan”, tổng cộng khoảng chục cái,  mà bạn có thể thấy như ở khu Chinatown trên Sydney hay dưới Melbourne.  Nhưng Phố Tàu ở Yokohama, theo tôi đẹp hơn và sạch hơn. Đi bộ trên con đường này cũng khá thú vị vì sinh hoạt hai nhộp nhịp bên đường, với các quán bán thức ăn trông rất hấp dẫn. Người ta nói ở Chinatown có 500 cửa tiệm nhưng trong đó có đến  200 nhà hàng Tàu.

Sau khi Nhật phải ký hiệp ước thân hữu và giao thương với Mỹ, người Hoa đã cùng người Anh tới lập nghiệp ở cảng Yokohama. Từ những tiệm chạp phô bình dân, họ đã khuyếch trương vùng này trở thành một khu buôn bán trù phú, nhưng cũng như Tokyo và nhiều thành phố khác trong bình nguyên Kanto, trận động đất kinh hoàng năm 1923 với khoảng 130,000 người chết hầu như đã làm cho thành phố Yokohama trở thành bình địa. Trận động đất này có tên là Great Kanto Earthquake.

Nhưng rồi cũng như Tokyo, Yokohama đã hồi sinh và Chinatown đã phục hồi và trở nên sầm uất như ngày nay. Đến Yokohama mà không vào thăm Chinatown quả là một điều thiếu sót.

Khách bộ hành bộ trên một con đường của Chinatown tại thành phố Yokohama

Trời bắt đầu tối, chúng tôi không kêu taxi ra ga Yokohama Station mà đi lần mò về phía một ga nhỏ trong khu Phố Tàu có tên Ishikawa để đón xe lửa, chỉ mất 130 Yen. Tôi thấy tìm đường đi  thì khó nhưng tìm đường về lại dễ. Đó là kinh nghiệm của tôi trong việc đi lại ở các thành phố của Nhật.

Sau cùng, Yokohama là cái chi chi?

Đọc và học sử, tôi biết đến tên Yokohama vì đấy là nơi cụ Phan Bội Châu qua Nhật để thành lập phong trào Đông Du. Tôi cũng biết đấy là cảng đầu tiên mà Minh Trị Thiên Hoàng mở cửa cho người Tây Phương vào buôn bán. Tôi cũng biết tới tên Yokohama bởi đấy là hiệu của một loại lốp xe Nhật nổi tiếng như vỏ xe Michelin của Pháp. Ngoài ra, chữ Yoko trong Yokohama còn là  tên của nghệ sĩ Nhật nổi tiếng Yoko Ono,  vợ của ca nhạc sĩ John Lennon trong ban Beatles. Yoko còn là tiếng quen thuộc tôi phải dùng thời nhỏ khi học võ Karate (Không Thủ Đạo). Như  Yokogeri, có nghĩa là đá ngang (hoành cước), một đòn đá tôi thích nhất. Bây giờ tôi mới hiểu chữ Hoành trong Hoành Tân của Yokohama.

Yokohama: chỉ đi nửa ngày mà đã có nhiều chuyện kể. Còn gì nữa trong chuyến đi 10 ngày đêm phù du đó ở Xứ Mặt Trời Mọc? Mời bạn đọc theo dõi tiếp.