10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 4: Từ hoàng cung Tokyo đến cố đô Kyoto bằng xe lửa cao tốc

16 Tháng Một, 2008 | Nhật
Tác giả trước cổng chính Hoàng Cung Nhật

Và quan trọng nhất là tìm kiếm bản đồ thành phố Tokyo và các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố. Sau đó mới lập ra chương trình sẽ làm gì trong ngày đầu tiên, sẽ đi những nơi đâu, bởi việc du lịch Nhật là quyết định bất ngờ theo ngẫu hứng, nên chúng tôi chỉ có ý định, ngoài thủ đô Tokyo, sẽ lên núi Phú Sĩ, đi cố đô Kyoto để thăm kỳ quan nổi tiếng nhất của Nhật là đền Kiyomizu.

Tham quan: cứ ra đường gặp gì xem đó

Sau khi ăn sáng mà cũng là ăn trưa (bởi chúng tôi có thói quen một ngày chỉ ăn hai bữa –trưa đơn giản và tối thật đầy bụng) chúng tôi trở về phòng để nghiên cứu thêm về các nơi dự tính sẽ đi trong ngày và cách thức di chuyển. Sở dĩ chúng tôi phải về phòng vì không thể nào đứng xem bản đồ ở ngoài đường do trời quá nóng, khoảng 33 độ C và không khí rất ẩm, chưa quen thuộc đối với một du khách vừa tới từ  thành phố lạnh và khô ráo như Melbourne.

Chúng tôi định dành nguyên một hoặc hai ngày đầu đi bộ lang thang để làm quen với phố xá và khu vực mình đang ở trọ. Xem sơ qua các bản đồ với các địa danh xa lạ, chúng tôi vẫn chưa biết sẽ đi đến nơi đâu trước và đi như thế nào. Cuối cùng chúng tôi đi bộ lên Tourist Information Centre mà chúng tôi thấy nằm gần  ga xe lửa Yurakucho (Nếu du lịch Nhật và trọ trong vùng Ginza rất quen thuộc với du khách tây phương, bạn cứ nhớ lấy cái ga xe lửa Yurakucho làm tâm điểm thì dễ lần mò đường đi lui tới). Tại Trung tâm Du lịch có một bà người Nhật nói tiếng Anh rất thông thạo.

Ngày đầu tiên tại Tokyo: đi lang thang trên đường phố Ginza nổi tiếng về thời trang

Theo bà này, đây là trung tâm làm việc miễn phí để hướng dẫn cho du khách. Ra vẻ họ cũng chỉ cho bạn tìm đến những đại lý du lịch (bán vé) liên hệ nằm trong khu vực ga Yurachuko hay ga trung ương Tokyo Station như các thông tin trên các tập quảng cáo. Nhưng được cái thuận lợi là bạn có thể hỏi chuyện mặt đối mặt với một người Nhật và những thông tin họ cung cấp cũng có chút  ích lợi cho bạn.

Nghĩ rằng Phòng Thông tin Du lịch cũng chỉ dẫn tổng quát, chứ muốn đi đâu, đi bằng cách nào, mình phải tự quyết định nên chúng tôi lại cứ ra đường, lựa những con đường lớn mà đi,  đi về hướng tây so với khách sạn để xem phố xá như thế nào.

Đường sá ở đây không lớn,  nhưng phố xá hai bên đường phần lớn là các cao ốc nên chúng tôi có thể tránh nắng bằng cách đi nép một bên lề đường. Tôi thấy nhiều phụ nữ Nhật dùng dù che khi phải đi ngoài nắng.

Vì mới đến Nhật còn lạ cái lạ nước, xem bản đồ vẫn chưa rành nên đi chừng hơn một cây số mà chẳng thấy có gì lạ ngoài các cửa tiệm, tôi lại xem bản đồ để đi về hướng có vẽ màu xanh trông giống như là giòng sông, tuy nhỏ và không lớn bằng những đoạn màu xanh mà chúng tôi biết chắc là sông lớn dẫn ra biển, nhưng ở ngược hướng chúng tôi đang đi bộ.

Đi thêm chừng mươi phút, chúng tôi đã bắt đầu thấy nước phía trước mặt, nhưng đấy không phải là một con sông với những quán xá để mình đến ngồi uống nước như chúng tôi nghĩ trong đầu. Tới nơi, thấy đấy chỉ là cái hào nước (rộng chừng ba bốn chục mét) chạy quanh bức tường xây bằng đá. Chúng tôi hơi thất vọng. Cái hào nước này trông khá dài và muốn kiếm đường qua bên kia tường đá, không biết còn phải đi bộ thêm bao lâu giữa trời nắng không có bóng mát, vì đoạn này là trục giao thông lớn không có tiệm buôn, chỉ thấy các cao ốc nằm từ xa. Chúng tôi tiếp tục đi bộ quanh hào nước, tạm dừng bên  một tàn cây nào đó trên đường khi mệt để dưỡng sức.

Sau cùng chúng tôi thấy có một công viên khá lớn được ngăn cách bởi một quốc lộ với nhiều làn đường. Cuối công viên có những chiếc xe bus đậu trước một gian nhà nhỏ là dấu hiệu báo cho chúng tôi biết đây là nơi du khách thăm viếng. Tôi xem một tấm bảng hướng dẫn gần đó mới biết đây là công viên mặt tiền của Hoàng Cung (Imperial Palace).  Nhưng trong tầm mắt, chúng tôi chẳng thấy cung điện đâu cả, cho nên đi tới chỗ xe bus đậu để may ra còn hỏi han. 

Gặp một thiếu nữ Nhật, tôi  hỏi thăm cái gian nhà này là gì nhưng cô gái chỉ cho tôi đi về hướng cầu tiêu vì nghĩ tôi đang muốn “đi việc cần”. Tôi lại chỉ gian nhà vắng người mà chúng tôi đang đứng đối diện, hỏi đấy là cái gì và sau một hồi mới hiểu đấy là nhà hàng khi cô làm dấu bằng cách đưa tay vào miệng. Thật ra, khi nói chuyện từ từ và nói một hồi lâu, chúng tôi đã hiểu được nhau. Cô cho biết Hoàng Cung ở phía bên kia quốc lộ, phải băng qua bên đường và đi một hồi mới tới chỗ vua ở gần cây cầu, nhưng cô chỉ vào đồng hồ và cho biết giờ này có thể đã trễ vì sắp đóng cửa. Tôi xem đồng hồ và thấy đã hơn 4 giờ chiều.

Thấy cô gái vui tính, tôi hỏi cô muốn nói cám ơn bằng tiếng Nhật thì nói làm sao, cô trả lời “Aligato”. Tôi xin cô lặp lại một lần nữa để tôi học thuộc chữ này. Rồi bắt chước người Nhật, tôi nói “Aligato” và cúi đầu chào, nhưng tôi vẫn không cúi sâu bằng cô gái khi cô chào đáp lại. Cô cúi thật sâu  và thật lâu, gần như gập người đến 90 độ.  Cô gái có vẻ là nhân viên của nhà hàng này, một nhà hàng hình như chỉ mở cửa buổi tối.   Sau này, tôi mới biết rằng, nếu càng quý trọng người đối diện, người Nhật càng cúi sâu và cúi lâu, điều này tôi quan sát và thấy xảy ra hàng ngày giữa người Nhật, những thanh niên cùng phái, và nhất là giữa người khác phái với nhau.

Phải mất khá lâu chúng tôi mới tới trước sân (sân mà thôi) trước cổng Hoàng Cung. Thấy hai nhân viên an ninh bận đồng phục trong đó có một người đang kéo dây xích để rào lại đường vào sân, tôi hỏi mấy giờ thì đóng cửa, ông ta nói 5 giờ và sắp đóng trong mười lăm phút nữa. Rồi ông ta bảo tôi lẹ lên. Những người canh cổng ở Hoàng Cung ra vẻ nói được vài câu tiếng Anh. Tôi tiến vào đầu cầu nơi có rào cảng và đang có trên chục du khách chụp hình.  Té ra, mở cửa cho đứng ngoài cửa xem!

Nhìn vào cổng có mái cong theo kiến trúc đông phương, tôi biết đấy là đường chính vào Hoàng Cung vì trước cổng có 2 người lính sắc phục chỉnh tề bồng súng đứng trơ như hai bức tượng ở trong hai chòi canh bằng gỗ hai bên cổng vào  Hoàng Cung. Cái sân trước cổng vào Hoàng Cung rộng vài dài bằng mấy cái sân bóng tròn cũng lại được ngăn cách khỏi Hoàng Cung bởi hào nước và muốn vào nơi vua ở (tôi nghĩ là sau cái cầu này và đúng vậy) phải đi qua cây cầu dài khoảng  50 mét. Song song với cây cầu này, còn có một cây cầu khác ở phía xa nằm trên thế đất cao hơn mà tôi nghĩ có thể dùng để phân cách giữa một khu trong nội điện với nơi vua ở. Người ta gọi khu vực này là khu vực cây cầu đôi.

Trước cầu đôi: đây là cầu dẫn vào cổng chính nơi hoàng gia Nhật hiện sinh sống

Chúng tôi chụp một số hình kỷ niệm phía trước cổng cung điện vua Nhật và cũng đúng lúc nhân viên an ninh thổi còi báo đã hết giờ để chúng tôi ra khỏi sân mặt tiền trước Hoàng Cung. Đúng 5 giờ, hai ông phỗng đá bên kia cầu bước ra khỏi chòi gác để làm những con người bình thường. Chúng tôi lại đi dọc hào nước để chiêm ngắm khu vực Nhật hoàng Akihito đang sống.

Tôi đã từng sống ở Huế cho đến khi học xong bậc trung học do đó Đại Nội trong Thành Nội không còn lạ gì đối với tôi. Tôi cũng đã từng dành nguyên một ngày để đi xem Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, nên rất muốn xem cung điện nhà vua Nhật như thế nào, dù biết rằng cũng như ở Anh quốc, đi xem nơi đương kim thiên hoàng hay nữ hoàng đang còn trị vị và sinh sống là chuyện có thể không bao giờ được, may ra thì chỉ được coi một hai chỗ tượng trưng mà thôi.

Trước hào nước bọc thành quách: vẫn chưa biết đây là cái chi chi

Chúng tôi đi về hướng nam dọc hào nước quanh bờ thành để xem phong cảnh, nhưng chẳng thấy gì ngoài thành quách và hào nước. Bởi tôi chỉ mang theo tấm bản đồ nhỏ và lúc này cũng không buồn mở xem giữa trời oi bức nên đề nghị nhà tôi cứ đi dọc bờ hào để xem cung điện vua Nhật có lớn hơn Đại  Nội Huế không. Hình thể Hoàng Cung Nhật xem ra không vuông vức như  Đại Nội Huế, có vẻ giống hình trái xoan. Thật ra tôi cũng không còn hình dung được Đại Nội Huế lớn như thế nào bởi đã không còn nhìn thấy cả bốn mươi năm qua. May cho chúng tôi là nhà tôi bắt đầu  kêu mệt, không muốn đi bộ vòng quanh bờ hào Hoàng Cung mải như thế vì chỉ thấy thành quách và xe cộ tấp nập bên ngoài.

Trên đường trở về nhà, chúng tôi xem một số bảng chỉ dẫn cắm dọc đường, biết khu vực phía nam Hoàng Cung là khu vực có các bộ sở của Chính phủ và Quốc hội (Diet Building). Ở đấy cũng có tháp Tokyo Tower cao 333 mét mà đứng trên đường trước mặt Hoàng Cung cũng thấy được.

Chúng tôi tiến lên phía bắc để làm quen với một số đường sá khác của thành phố trước khi quẹo phải để về khu vực Ginza của chúng tôi. Và bất ngờ, chúng tôi đụng mặt tiền của ga xe lửa trung ương Tokyo Station. Đây là một tòa nhà cổ kính màu vàng giống như ga Flinders ở Melbourne nhưng rộng lớn hơn nhiều. Từ mặt tiền Tokyo Station đến cổng đầu tiên của Hoàng Cung (bởi Hoàng Cung rộng lớn và có cả chục cái cổng) dài khoảng một cây số.

Thành phố Tokyo sạch, không ô nhiễm dù dân số lên tới 13 triệu người (hình như đông dân hàng thứ ba trên thế giới?) nhưng khi về khách sạn,  việc trước tiên là phải tắm rửa vì nửa ngày đi bộ giữa trời nóng ẩm. Lúc này cũng đã hơn 9 giờ tối, chúng tôi thả bộ trong khu phố Ginza chọn một tiệm ăn Nhật.  Họ chẳng nói được tiếng Anh, đưa hình các món ăn và chúng tôi chỉ chỏ vào hình mà đặt. Nhưng đặc biệt là họ bảo chúng tôi cởi giày dép cất vào cái hộc riêng ở dưới nhà trước khi lên lầu. Không ngờ chúng tôi vào đúng nhà hàng Nhật thứ thiệt.

 Xem Hoàng Cung ở Tokyo và ở cố đô Kyoto

 Tôi không hiểu tại sao hai thành phố này có cái tên gần giống nhau mà gặp người thích nói lái như  tôi lại rất dễ nói ngược, nên khá gây hiểu lầm, cản trở khi đi mua vé hay hỏi đường.

Tôi hoàn toàn không biết một chữ Hán, nhưng theo sự giải thích của một người Nhật mà tôi còn nhớ thì To có nghĩa là Đông, Kyo là Kinh và Tokyo có nghĩa là Đông Kinh, kinh đô nằm ở phía đông (Nhưng cũng có người khác nói To còn có nghĩa là thủ đô, như trong chữ Tokyo-To).

Họ cũng cho biết, khi nhìn bản đồ, căn cứ vào chữ cuối cùng sẽ biết được vị thế của địa danh đó, chẳng hạn chư Ku trong Chuo-ku, địa danh bao trùm khu vực Ginza chúng tôi ở trọ. Ku có nghĩa là thành phố (City) tựa như Richmond City, Kew City, Collingwood City ngày  trước, có nghĩa là thành phố ngoại ô gần thủ đô. Trong khi đó với Fujiwasaki-shi thì Shi (Thị) cũng là thành phố, nhưng đấy thành phố của tỉnh Kanawaga-Ken (Ken có nghĩa là tỉnh)  nên chúng ta có thể gọi là thị trấn hay là Shires(?) theo tiếng Anh.

Nói vậy, chứ lối sắp đặt hành chánh mỗi nơi mỗi khác nhau nên tên gọi nơi này có thể khác với nơi kia, như  Quận Cam ở California không giống với Quận Tân Bình của Sài Gòn Gia Định ngày trước.

Muốn đi xem cung điện ở Tokyo hiện là nơi có vua và hoàng hậu đang cư trú, thần dân Nhật và du khách chỉ có thể đến xem được 2 lần trong năm. Đó là ngày 2 tháng Giêng tây lịch nhân dịp ngày đầu năm và ngày sinh nhật của vua Aikihito nhằm ngày 23 tháng Chạp. Vua và hoàng hậu cùng các thành viên trong hoàng gia sẽ xuất hiện nhiều lần trên ban công của Hoàng Cung để nhận lời chúc mừng của dân chúng và nói đôi lời với họ. Dĩ nhiên, dân chúng và du khách cũng chỉ được đi lại hạn chế trong khu vực mà hoàng gia đang sinh sống.  Khu vực vua ở và khu vực làm việc của Tôn Nhân Phủ (Imperial Household) nằm ở phía tây nam Hoàng Cung, mỗi nơi đều có cổng vào riêng và cách nhau cả cây số.

Cung điện hay Hoàng Cung của vua Nhật hiện nay nằm giữa thủ đô, trong khu phố có tên Chiyoda-Ku. Hoàng Cung được bao bọc bởi hào nước, một hình thức bảo vệ hoàng gia khỏi người ngoài xâm nhập. Cung vua ở hiện nay và khu Vườn Đông (East Gardens of the Imperial mở cửa cho công chúng xe miễn phí)  cũng lại được ngăn cách bởi cái hào nước. Kiến trúc có tính cách phòng thủ này cũng giống Đại Nội Huế và Tử Cấm Thành Bắc Kinh.

Hoàng Cung hiện nay trước kia là Lâu Đài Edo do Tướng Quân (Shogun) Tokugawa Ieyashu xây dựng từ khi ông tướng quân này nắm quyền vào năm 1603 và kéo dài đến năm 1868, sau khi Vua Minh Trị (Meiji) chính thức nắm quyền hành của cả nước, dời kinh đô từ  Kyoto về Edo và đổi tên Edo thành Tokyo, mở đầu triều đại Minh Trị Thiên Hoàng với cuộc cuộc cách mạng gọi là Minh Trị Duy Dân kéo dài đến năm 1912, canh tân nước Nhật để từ một đất nước với nhiều sứ quân, mạc phủ, tướng quân,  trở thành một đại cường, đánh bại Trung Hoa, thắng hạm đội Nga trước khi xảy ra Đệ I Thế Chiến.

Sau ba ngày hơi quen thuộc với những chuyến đi xe lửa quanh thành phố Tokyo, chúng tôi dùng phương tiện công cộng để tới thăm Hoàng Cung, nói đúng hơn là tham quan Vườn Đông. Chúng tôi vào cổng lúc 9.30 sáng và đã thấy có những đoàn người đi tour gồm người bản xứ và du khách ngoại quốc được hướng dẫn bởi hướng dẫn viên du lịch cầm cờ. Chúng tôi đi tự túc nên muốn đi đâu thì đi và tự tìm tòi đường để đi.

Trước cổng vào Vườn Đông có bảo tàng viện triển lãm tranh và đồ sứ, có từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Tôi thấy cũng na ná đồ sứ ở Huế (Bleu de Hué) làm từ đời các vua Minh Mạng – Tự Đức cũng thời với Minh Trị Thiên Hoàng. Thấy một nữ du khách Nhật đi với bạn trai,  vận kimono  bước  từng bước chậm vì mang đôi guốc gỗ cao kiểu hơi lạ mắt (chắc là guốc truyền thôáng), tay cầm dù, tôi xin cô ta chụp một tấm hình với nhà tôi làm kỷ niệm (hình đăng trong  số báo 1116).

Chúng tôi được biết rằng quần thể Hoàng Cung rộng mấy trăm mẫu tây, tức lớn gấp hai đến gấp ba lần Đại Nội Huế. Riêng Vườn Đông rộng đến 21 hếch-ta, cây cỏ được chăm sóc rất cẩn thận bởi những người làm vườn di chuyển bằng xe đạp! Ở đây bạn có thể bắt gặp những căn nhà cổ xưa là đồn canh gác của ngự lâm quân, những đồn gác ở sát tường thành cạnh hào nước để quan sát kẻ lạ và chống sự xâm nhập của kẻ địch.

Tháp canh Tenshudai cao 58 mét được xây bằng những tảng đá lớn chồng lên nhau, không cần dùng xi măng, ngay chỉ còn cái bệ

Bạn cũng còn thấy những di tích lịch sử  nổi bật trong Vườn Đông là Vọng Lâu Tenshudai Donjon được xây năm 1607 bởi Tướng Quân đời thứ hai của giòng họ Tokugawa là Hidetada, nhưng nhiều lần bị cháy. Xây lần chót năm 1657, tháp cao 58 mét, có 6 tầng, là tháp canh cao nhất Nhật Bản từ trước đến nay, tượng trưng uy quyền của các đời tướng quân Tokugawa. Nhưng lại cháy 19 năm sau qua một cuộc xung đột và đã không bao giờ được xây lại. Ngày nay, chỉ còn trơ lại cái bệ với một số tảng đá bị cháy đen, nên được gọi là Tenshudai Donjon Base.

Tôi chưa thấy các cổng thành bên trong Nội Điện của vua và Tôn Nhân Phủ, nhưng các cổng trong Vườn Đông được xây bằng những tảng đá cắt nguyên vẹn, thật lớn. Có những tảng đá tôi đo cao 1.7 mét, rộng 0.7 mét và dài 2 mét. Tuy kiến trúc của Nhật không vĩ đại và tráng lệ như các lâu đài ở Âu Châu, nhưng thiết kế của họ trông tinh xảo và có mỹ thuật. Tuy gọi là vườn nhưng East Gardens là một công viên với những bãi cỏ lớn bên cạnh những đồi cây, lớn có nhỏ có, đủ loại, và dĩ nhiên không thiếu các loại cây anh đào, các cây du cây phong (maples).

Quá lớn: một tảng đá được cắt nguyên dùng trong việc xây thành trong Hoàng Cung ngày trước

Hình như  Hoàng Cung tọa lạc trên một ngọn đồi bởi du khách sẽ đi qua những con đường nhỏ với lối lên xuống trong khu vườn. Trong khu vườn có những căn nhà bán thức ăn nhẹ và nước giải khát tự động. Những ngày chúng tôi ở Nhật có nhiệt độ trung bình từ 33 đến 40 độ nên phải uống nước không ngơi. Điểm đáng nghi nhận là các địa điểm bán nước giải khát tự động nằm mọi nơi, bất cứ chỗ nào có người đi qua, trong các trung tâm du lịch và ở ngoài lề đường phố. Thật là tiện lợi.

Chúng tôi lưu lại trong khu Vườn Đông của Hoàng Cung đúng hai tiếng đồng hồ trước khi trở ra phố và tiếp tục một chuyến đi tham quan khác tới thành phố đông dân hàng thứ nhì của Nhật: Yokohama (Hoành Tân).

Nhưng trước khi lan man về chuyện khác, tôi xin được nói đến một cung điện khác của các vua chúa Nhật thời xa xưa, nằm cách Tokyo khoảng sáu  trăm cây số.

Nước Nhật bao gồm 4 hòn đảo lớn  theo thứ tự từ bắc xuống nam là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu và trên 3.900 hòn đảo nhỏ khác,  trải dài trên 2,360 dặm từ bắc xuống nam với diện tích 377,000 cây số vuông (lớn hơn Việt Nam một chút xíu). Nhưng núi chiếm trên 80% và đất đai có thể trồng trọt lúa gạo chỉ khoảng 16%. Phần lớn núi là những ngọn núi lửa không còn hoạt động và mỗi năm có trên 1,000 vụ động đất xảy ra, phần lớn có cường độ nhẹ hay hơi mạnh như sáng ngày 16.8.07 tại Tokyo mà chúng tôi chứng kiến với cường độ 5.3 làm giường ngủ như muốn tung lên và rung liên hồi, cả hai phút.

Các thành phố lớn và nổi tiếng của Nhật  như  Tokyo, Yokohama, Osaka (lớn hàng thứ ba, tuần qua đăng cai cuộc thi Vô địch Điền kinh Thế giới), Kobe, Kyoto và xa hơn nữa là Hiroshima đều nằm trong hòn đảo lớn nhất là Honshu. Thành phố lãnh trái bom nguyên tử thứ hai là Nagasaki nằm ở đảo Kyushu.

Nhật là một dân tộc thuần chủng, không có nhiều sắc dân thiểu số như Việt Nam. Trong số 127 triệu dân hiện nay, chỉ có khoảng 20,000 người Ainu là những cư dân đầu tiên trên quần đảo Nhật Bản, có ngôn ngữ và phong tục riêng.

Đương kim Nhật Hoàng Aikihito là vị vua thứ 125 của Nhật, lên ngôi năm 1989. Vị vua đầu tiên của Nhật thuộc bộ tộc Yamoto và từ đó phát sinh ra các triều đại Thiên hoàng sau này. Bộ tộc Yamoto là một trong những bộ tộc lớn nhất thời đó (khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên) có huyền thoại là con cháu của thần mặt trời (Thái Dương Thần Nữ)  cũng như người Việt mình là con cháu Tiên Rồng.

Người ta kể rằng, người Nhật nói Yamoto có nghĩa là Đại Hòa nhưng vì trong thời gian đầu (như Việt Nam), người Nhật dùng chữ Hán nên người Trung Hoa với đầu óc tự tôn của Thiên Triều, đã gọi người Nhật là Oa Nhân hay Nụy Nhân, mà có người giải thích có nghĩa là người lùn. Cách gọi ngạo mạn  đó của người Tàu đối với người Nhật chẳng khác cách họ gọi người Việt là người An Nam hay Nam Man. Người Việt cũng có thể do ảnh hưởng của người Tàu mà đã nhiều khi gọi người Nhật là người lùn, như gọi các chú lùn trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam thời Đệ II Thế Chiến.

Kinh đô đầu tiên của Nhật đặt ở Nara, phía nam Kyoto (Hán Việt đọc là Kinh Đô hay Kinh Đô thị). Văn hóa thời nhà Đường ảnh hưởng hưởng khắp vùng Đông Nam Á và đạo Phật được du nhập vào Nhật trong thời kỳ này. Năm 794, muốn tránh ảnh hưởng của giới tăng lữ,  Nhật hoàng Kammu dời đô về Heian-kyo và khởi đầu cho việc lập nên Kyoto,  nơi các vua Nhật đóng đô mải cho đến năm 1868 dù có những lúc các vua Nhật chỉ giữ  hư vị bởi thực quyền nằm trong tay các tướng quân, mạc phủ hay hiệp sĩ samurai.

Cũng xin nói thêm nước Nhật còn được gọi là Xứ Hoa Anh Đào vì người Nhật thích trồng cây anh đào và đi đâu cũng thấy loại hoa này khi trời vào xuân. Người ta cũng còn gọi Nhật là Xứ Phù Tang  vì ở đấy có nhiều cây dâu, tức cây phù tang. Ngoài ra, truyền thuyết cũng cho rằng thần mặt trời ngủ qua đêm trên cây phù tang trước khi du hành từ đông qua tây trong ngày sau nên Phù Tang còn có nghĩa là nơi mặt trời mọc. Cũng có ý kiến nước Nhật nằm ở vùng cực đông (giờ Tokyo đi trước Sydney một giờ) nên là nơi mặt trời mọc sớm nhất bởi thế mới gọi là Xứ Mặt Trời Mọc.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về các mỹ danh dành cho nước Nhật, nhưng tôi lại thích chọn cách gọi sau cùng để làm cái logo cho mục kể chuyện đường xa lần này, bởi những 10 ngày tôi ở Nhật là những ngày nắng chói chang –nóng đến độ có chục người chết– và về đêm phải vặn máy lạnh ở 20 độ C mới ngủ được.

 Đi 600 km để lại cũng… đứng ở cổng ngắm

 Thật ra, tôi đã không có dự tính đi Kyoto để tham quan Hoàng Cung của vua chúa Nhật thời xa xưa. Tôi đi Kyoto với mục đích duy nhất là viếng đền Kiyomizu, một ngôi đền suýt nữa được bình bầu là một trong Bảy Kỳ Quan Mới của Thế Giới như Nhà Hát Con Sò ở Sydney. Sau đó là để xem cố đô ra sao vì tôi nghe nói vẫn còn giữ những nét cổ và có rất nhiều đền chùa nằm san sát nhau.

Xuống ga Kyoto Station sau hành trình dài 2 giờ 20 phút bằng xe lửa siêu tốc mà tiếng Nhật gọi là  Shinkansen (như xe lửa Train à Grande Vitesse ở Pháp), tôi cầm tập hướng dẫn du lịch ENJOY JAPAN – Traveler’s Guide  để xem vị trí của ga xe lửa so với những thắng cảnh ở cố đô mà tìm đường đi. Tôi bước ra khỏi ga, tiến về phía đường trước mặt để lên tháp Kyoto Tower, cao 130 mét, được xem là cao nhất ở cố đô. Từ lầu vọng cảnh cao 100 mét, bạn có thể quan sát bằng mắt thường hay với ống dòm những thắng cảnh di tích lịch sử ở vị trí xa khoảng 4 cây số, bởi trời không trong sáng và hình như  cố đô được bao bọc bởi núi non, nên không thể nhìn xa hơn.

Tháp Kyoto ở cố đô với đế 10 tầng là khách sạn và khu mua sắm

Tuy là một kinh đô cũ và xưa, nhưng việc xây cất và kiến thiết có vẻ có kế hoạch, chứ không bạ đâu xây đấy. Nhìn bản đồ, tôi nghĩ là mình có thể đi bộ để tìm ra các địa điểm mình muốn đến một cách dễ dàng, với điều kiện tôi có thể chịu đựng cái nóng trên 36 độ giữa trưa hè hôm đó. Nhìn danh sách khoảng 20 đền chùa, viện bảo tàng và lâu đài nằm trong vòng tròn có đường kính chừng sáu bảy cây số, tôi nghĩ với thời gian khoảng 8-9 tiếng ở Kyoto, tôi chỉ có thể đi thăm chừng 4 địa điểm là tối đa, và dĩ nhiên phải đi xem Hoàng Cung cũ (vì hiện không có vua cư ngụ).

Từ Tháp Kyoto đến Kyoto Imperial Palace khoảng 4 cây số. Tôi đi đến đó sau khi đã tham quan đền Kiyomizu. Nhìn hình vẽ, tưởng đấy chỉ là một cái nhà một gian dài với cái mái đơn giản, ai dè tới gần mới thấy đấy là một khu đất rộng mênh mông mà phần lớn diện tích của Hoàng Cung ngày nay là công viên. Cái mà tôi tưởng là mái nhà một gian chẳng qua là bức tường thành có mái ngói. Càng đến gần mới thấy rằng bức tường này rất dài, thành vuông vức, mỗi chiều dài hơn nửa cây số. Đối diện với cái thành này, có một cái thành khác lớn cũng tương tự, chỉ nằm chếch nhau một chút.

Hôm nay đóng cửa: cổng vào Hoàng Cung ở cố đô Kyoto

Thấy có hai phụ nữ  đứng ở dưới một gốc cây gần thành, tôi đến hỏi thăm. Bà và tôi, mỗi  người nói ngôn ngữ riêng của mình với sự phụ họa của tay. Đại khái bà cho tôi biết rất tiếc là hôm nay Hoàng Cung đóng cửa. Bà chỉ cho tôi đồng hồ giờ này đã là 4 giờ chiều và đưa hai cánh tay để chéo lên nhau theo hình chữ  X.  Đây là cái lối mà phần lớn phụ nữ Nhật không nói tiếng Anh dùng để diễn tả cho người ngoại quốc như tôi hiểu rằng một sự việc không thể thực hiện được, tương đương với từ  No. 

Một bà khác nói bằng tiếng Nhật nhưng tôi hiểu rằng cái thành trước mặt tôi về hướng đông là nơi vua ở, còn cái thành về hướng tây có lẽ là nơi vợ vua và các con vua ở. Vì  cung này nằm về phía tây nên tôi đoán đó là Tây Cung.

Hai phương trời cách biệt, Đông Cung và Tây Cung (bên trái, phía xa) cách một con đường

Lúc này chúng tôi cũng đã khá thấm mệt vì đi bộ nhiều trong ngày, nhưng cũng ráng bước tới cái cổng lớn có nhân viên an ninh đang gác. Tôi thấy cửa thành đóng và có hàng rào cản với tấm bảng ghi bằng Nhật ngữ và Anh ngữ  cho biết Hoàng Cung chỉ chấp nhận cho du khách vào xem theo đoàn (group) và phải book trước. Cá nhân muốn vào tham quan thì phải xin phép trước với Tôn Nhân Phủ ở số điện thoại…

Tôi hỏi viên an ninh và ông ta cho biết Hoàng Cung chỉ mở cửa một số ngày trong tuần và tuy hôm nay có mở cửa nhưng đã hết giờ rồi. Ông ta cho biết nếu tôi muốn vào xem, hãy ra phía trước đường bên kia để xin phép.

Tôi cám ơn và đi qua phía Tây Cung, đứng trước cổng chính có những biểu tượng vua chúa, mũ nón màu vàng để chụp tấm hình, rồi trở ra đường cái đón taxi về khu vực ga Kyoto chuẩn bị cho chuyến tàu trở về Tokyo vào khoảng 8 giờ tối. Trên đường đi, tôi yêu cầu ông taxi ghé qua một ngôi chùa mà sáng nay đi bộ qua tôi thấy đẹp nhưng chưa vào bên trong xem, thì ông ta nói giờ này chùa đã đóng cửa.

Đứng mải  ở ga đợi cũng chán, lại còn cả ba tiếng nữa tàu mới chạy, tôi xem bản đồ và thấy cách ga xe lửa chừng một cây số có một ngôi chùa xây đã lâu, có cái tháp  5 tầng được xem là chùa có tháp bằng gỗ cao nhất nước Nhật, chùa To-ji. Chúng tôi đến gặp lúc chùa đang mở hội, có thuyết giảng và văn nghệ nên tôi đã được dịp thưởng thức một buổi lễ Vu Lan  của người Nhật (ngày 15 tháng 8 dương lịch), thật là thú vị mà tôi đã có dịp nói sơ qua trong bài viết cách đây hai tuần.

Trước đền To-ji, trời quá nóng tác giả phải phe phẩy quạt.

Rời Kyoto, tôi tiếc là đã không có dịp ở qua đêm hay thêm một ngày để có cơ hội quan sát sinh hoạt của các nàng Geisha, một sinh hoạt  văn hóa độc đáo nghe nói giống hát ả đào, còn  thịnh hành ở cố đô Nhật.

(Còn tiếp)