Hy Lạp đang trong thời kỳ đen tối vì sắp vỡ nợ

29 Tháng Sáu, 2015 | Tin thế giới

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

 

Người dân Hy Lạp xếp hàng đứng chờ để được rút tiền. Photo Courtesy: Reuters

 

Với việc không có khả năng chi trả khoản nợ 240 tỷ euro, Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, đồng thời chính phủ nước này đã phải ra sắc lệnh đóng cửa các ngân hàng.

 

Vào ngày hôm qua, 29.6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đưa ra thông báo đóng cửa các ngân hàng ít nhất đến hết ngày 6.7 đồng thời tạm thiết lập chế độ kiểm soát dòng vốn, tức đóng cửa “biên giới” tài chính.

 

Hành động này được đưa ra nhằm ngăn chặn hệ thống tài chính sụp đổ vì người dân Hy Lạp đang rút tiền của họ một cách ồ ạt. Hiện tại, người dân nước này chỉ được rút tối đa 60 euro/ngày tại các máy rút tiền tự động. Tuy nhiên, sắc lệnh này không áp dụng đối với du khách nước ngoài có thẻ tín dụng được phát hành tại quốc gia của mình.

 

Tuy nhiên, tờ Daily Mail dẫn nguồn tin trong giới ngân hàng Hy Lạp cho biết, hiện chỉ còn 40% số máy ATM tại Hy Lạp là còn hoạt động được. Do đó, những nơi nào ATM còn hoạt động được đều có một hàng dài người xếp hàng chờ rút tiền trong suốt những ngày qua

 

Thủ tướng Tsipras cho hay sắc lệnh nói trên được đưa ra “cực kỳ khẩn cấp” nhằm bảo vệ hệ thống kinh tế – tài chính Hy Lạp trước nguy cơ khủng hoảng thanh khoản. Chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, người dân nước này đã rút gần 1 tỉ euro.

 

Theo hãng Reuters đưa tin, việc đóng cửa các ngân hàng xảy ra sau khi ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) từ chối đề nghị cho nước này vay 6 tỷ euro như một khoản bổ sung khẩn cấp để đối phó với tình trạng rút tiền hàng loạt, dù ECB được kỳ vọng sẽ cho phép các ngân hàng Hy Lạp tiếp tục sử dụng ngân quỹ hiện thời cho tới khi trưng cầu dân ý diễn ra.

 

Cũng nên biết rằng Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu đồng thuận áp đảo, đồng ý cho chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày 5.7 về thỏa thuận cứu trợ với ba chủ nợ quốc tế. Bộ ba chủ nợ là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Liên minh Châu Âu (EU).

 

Cuộc trưng cầu dân ý được đưa ra sau khi Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh các điều kiện để nhận được cứu trợ mà những chủ nợ đặt ra là một “ tối hậu thư xúc phạm” đối với người dân Hy Lạp. Ông khẳng định việc bỏ phiếu “không đồng ý” trong đợt trưng cầu dân ý sắp tới sẽ làm gia tăng vị thế của nước này trên bàn đàm phán. Ông cũng nói rằng yêu cầu của các chủ nợ đặt ra là “ nỗi nhục nhã” và “ không thể chịu đựng được”.

 

Nếu cử tri Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ đề xuất cứu trợ vào ngày 5.7, nước này sẽ tiếp tục kỷ nguyên khắc khổ trong 5 năm qua để được tiếp tục sử dụng đồng euro và tận hưởng sự ổn định về tiền tệ mà nó mang lại.

 

Kết quả ngược lại đồng nghĩa Athens rời khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) và sử dụng đồng tiền của riêng mình (chắc chắn sẽ phá giá mạnh). Điều này có thể mang lại sự hỗn loạn tài chính trong ngắn hạn nhưng nhiều khả năng phục hồi về trung hạn khi sức cạnh tranh của đồng tiền riêng nói trên được cải thiện.

 

Tổng hợp