Chiều mùa thu nghe nhạc cổ điển miễn phí với The Melbourne Classic Orchestra tại Melba Hall

07 Tháng Năm, 2016 | Nghệ sĩ Việt Nam

Hai mùa thu trước: Ann Anh-Thư Nguyễn trước cửa Melba Hall sau một buổi trình diễn vào năm 2014.
Hình: Báo TVTS


 

LTS: Anh-Thư Nguyễn là một khuôn mặt khá quen thuộc với bạn đọc TVTS qua những thành tích về âm nhạc trong thời gian trung học của cô. Mới đây, chỉ sau 2 năm học tại Nhạc viện Đại học Melbourne (Melbourne Conservatorium of Music), cô đã tốt nghiệp chương trình cử nhân 3 năm với kết quả xuất sắc cho tất cả các môn học (first-class honour for all subjects).  Hiện Anh-Thư đang học Degree of Honours tại Đại học Melbourne.

Vào 4 giờ chiều Chủ Nhật 22.5.2016 tới đây, sẽ có một buổi hòa nhạc trong đó Anh-Thư là người chơi dương cầm cho dàn nhạc cổ điển.

Địa điểm: Melba Hall, Faculty of Music, Gate 12 – The University of Melbourne, đường Royal Parade, Parkville Vic 3052, Melway map 2B, ref C7.

Vào cửa: tự do.

Buổi Hòa Nhạc (Master Concert) này do Nhạc viện Đại học Melbourne tổ chức và được chuẩn bị theo tiêu chuẩn Cao học, sẽ bao gồm 3 bản Symphonies và 1 bản Piano Concerto mà Anh-Thư đã được Professor Gary McPherson, Chủ tịch kiêm Giám đốc Nhạc viện (Ormond Chair of Music and Director of MCM (Melbourne Conservatorium of Music – The University of Melbourne) chọn – như một Cử nhân xuất sắc của Khoa Nhạc – để trình diễn cùng với dàn nhạc The Melbourne Classic Orchestra, trong đó có sự tham gia của nhạc sư vĩ cầm tên tuổi của Úc, Mark Mogilevski. Bài của Kim Trang.

 
Poster chương trình nhạc chiều Chủ Nhật 22.5.2016
 

Bước vào mùa thu, những hàng cây bên đường phố Melbourne đã bắt đầu đổi lá, từng cơn gió nhẹ đã thổi tung những chiếc lá đủ màu, xanh, vàng, đỏ chen lẫn nhau tạo nên một bức tranh tuyệt tác muôn màu, như đã góp phần tạo cảm hứng cho người nghệ sĩ dương cầm trẻ Nguyễn Trang Anh-Thư để cùng chia sẻ với những tâm hồn yêu âm nhạc, một buổi chiều thu thơ mộng qua chương trình Hòa Nhạc sẽ được tổ chức tại Hội Trường Melba Hall, Đại Học Melbourne vào lúc 4g chiều ngày Chủ Nhật 22/5/2016.

Chương trình Hòa Nhạc này do phần lớn các sinh viên Cao Học thực hiện, bao gồm 3 bản nhạc Giao Hưởng (Symphonies) và một bản Hợp Xướng Dương Cầm (Piano Concerto) do chính Anh-Thư độc tấu với dàn nhạc The Melbourne Classic Orchestra:

1. Mozart – Symphony No.31 (Spring Symphony)

2. Dvorak – Serenade for String Orchestra

3. Shostakovich – Piano Concerto No.1

4. Sibelius – Valse Triste

Sau đây, tôi xin cùng chia sẻ với quý độc giả TVTS những kiến thức sưu tầm được, và ý nghĩa của những bản nhạc cổ điển chọn lọc này để chúng ta cùng nhau thưởng thức một buổi chiều thu đầy ý vị.

1. Mozart – Symphony No. 31 (Paris Symphony)

Bản Giao Hưởng số 31 này còn được gọi là Paris Symphony được sáng tác năm 1778, khi Mozart 22 tuổi, trong thời kỳ ông tạm trú tại Paris để tìm việc. Đây là bản giao hưởng được soạn cho một dàn nhạc lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mozart và cũng là bản giao hưởng đầu tiên của Mozart sử dụng clarinet.

Bản giao hưởng Paris này mang tính cách mạnh mẽ, náo nhiệt, với một dòng nhạc sống động được soạn cho vĩ cầm và một đường nét linh hoạt cho bass, âm nhạc như được tạo thêm hoạt cảnh sinh động. Bản giao hưởng này đã mau chóng được đánh giá cao trong giới báo chí âm nhạc Âu Châu thời bấy giờ. Bản giao hưởng sau đó đã được trình diễn trong Burgtheater tại Vienna và nhiều nơi trên thế giới.

2. Dvorak – Serenade For String Orchestra

Bản dạ khúc dành cho dàn nhạc dây của Antonín Dvorák cung Mi Trưởng này đã được sáng tác chỉ trong hai tuần tháng năm 1875. Bản dạ khúc này đã được trình xuất vào năm 1877 và cho đến ngày nay vẫn là một tác phẩm phổ biến cho dàn nhạc.

Cũng trong năm đó, Dvorák đã viết bản giao hưởng (Symphony) số 4, Ngũ tấu Đàn Dây (String Quintet) số 2, Tam Tấu Dương Cầm (Piano Trio) số 1, Nhạc Kịch Opera Vanda, và những bản song tấu Moravian. Đây là thời gian hạnh phúc trong cuộc sống của mình: một hôn nhân còn trẻ, và đứa con trai đầu lòng ra đời. Ông đã nhận được một công quỹ hào phóng từ Vienna, cho phép ông tiếp tục soạn bản giao hưởng số 5 (Fifth Symphony), những bản dạ khúc (Serenades) và một số nhạc thính phòng khác.

Với hình thức sonata sửa đổi trong đoạn kết, Dvorák đã sáng tác thể loại dàn nhạc tuy nhỏ hơn những bản giao hưởng, nhưng vẫn sống động qua nét nhạc thăng trầm (thể hiện trong phần đầu tiên), một điệu valse chậm (được soạn cho phần thứ hai), thêm vào đó tinh thần hài hước (diễn tả trong phần thứ ba), vẻ đẹp trữ tình (phản cảm trong phần thứ tư) và sự phấn khởi (biểu lộ qua phần thứ năm). Tất cả đã tạo nên một cảm ứng thanh lịch nhưng gợi sống trong nét trang nghiêm quý tộc của thế kỷ.

Tiếp theo chương trình là bản Hợp Tấu Dương Cầm Số 1 của Shostakovich (Piano Concerto No.1), mà Anh Thư sẽ độc tấu với dàn nhạc (như đã đề cập trong bài viết về “Nhạc Hợp Tấu” đăng ở TVTS trước đây, Concerto này được soạn theo thể loại Ý, với mục đích làm nổi bật sự tương phản giữa nghệ sĩ độc tấu và dàn nhạc).

 
 Anh-Thư hoàn tất cử nhân âm nhạc chỉ trong 2 năm. Hình cung cấp
 
 

3. Dmitri Shostakovich – Piano Concerto No. 1, Op. 35 (1933)

Dmitri Shostakovich là một trong những nhà soạn nhạc có tiểu sử hấp dẫn nhất trong làng nghệ sĩ thế giới. Là một nhạc sĩ Nga thuần túy, sinh ra trong một bối cảnh lịch sử phức tạp của những cuộc chiến tranh, những ràng buộc chính trị, những hệ thống xã hội mới, những trào lưu nghệ thuật thời đại và sự vươn lên của tư tưởng con người, âm nhạc của Shostakovich đã khắc họa nên một phần lịch sử thế kỷ 20 với những mâu thuẫn nội tâm và cảm xúc sâu sắc của thời đại.

Giống như nhiều nhà soạn nhạc lừng danh của thế kỷ 20 – Béla Bartók, Sergei Rachmaninoff và Sergei Prokofiev – Dimitri Shostakovich cũng là một nghệ sĩ dương cầm hòa nhạc. Ông viết rất nhiều nhạc phẩm dành cho đàn dương cầm, bao gồm hai bản concertos, hai bản sonatas, hai bộ sưu tập lớn gồm các bản độc tấu (24 Preludes, Op. 34, và 24 Preludes và fugues, Op. 87), hai bản tam tấu dương cầm (piano trio), một bản ngũ tấu dương cầm (piano quintet), và nhiều tác phẩm phổ biến khác.

Shostakovich đã sáng tác 2 bản nhạc hợp tấu dương cầm. Bản Piano Concerto số 2 cung Fa trưởng , Op. 102, được viết vào năm 1957 trong dịp sinh nhật thứ 19 của con trai ông, Maximilian, cũng là nghệ sĩ dương cầm, vừa tốt nghiệp tại Nhạc viện Moscow và cũng để ăn mừng sự sụp đổ của chính phủ theo chủ nghĩa Stalin. Những háo hức, giai điệu rực rỡ và nhịp độ nhanh kết hợp với ghi chú lặp đi lặp lại tương tự như tiếng kèn gọi của phần đầu tiên và thứ ba, chính vì vậy mà đoạn trích từ bản concerto này đã được các nghệ sĩ Disney chọn để sử dụng trong phân khúc gần đây “Steadfast Tin Soldier” của phim Fantasia 2000.

Tuy nhiên, trong chương trình Hòa Nhạc dành cho sinh viên Cao Học này, bản nhạc hợp tấu dương cầm (Piano Concerto No.1) đầu tiên đã được chọn để trình diễn (thay vì bản số 2) vì nó kết hợp được những nét đặc trưng của bút pháp dương cầm và giao hưởng của Liszt: tính chất kỹ xảo tuyệt vời cộng với tính chất thơ ca giao hưởng, trên cơ sở của sự chuyển biến những trạng thái cảm xúc một cách tự nhiên, nhưng rất hợp lý.

Bản nhạc hợp tấu dương cầm (Piano Concerto No.1) đầu tiên này – được soạn cho Piano chơi cùng kèn Trumpet và dàn nhạc dây (string orchestra) – cho thấy một Shostakovich không những trẻ trung, đầy hóm hỉnh và năng lực mà còn hiển thị một dòng nhạc trữ tình, nóng bỏng. Đầu những năm 1930 là thời gian hạnh phúc của ông trên sân khấu nhạc kịch Leningrad. Âm nhạc của ông khi đó đã được trình diễn khắp mọi nơi: trong những buổi hòa nhạc, ở các nhà hát và trong nhiều phim ảnh. Đó cũng là lúc mà Shostakovich vừa hoàn thành tác phẩm tham vọng nhất của ông lúc bấy giờ: vở opera Lady Macbeth of the Mtsensk District (Quý bà Macbeth của quận Mtsensk).

Người nhạc sĩ trẻ Shostakovich sở hữu một năng khiếu hài hước, mỉa mai, châm biếm, được hoá trang một cách kỳ lạ trong lối sáng tác độc đáo của mình. Nhà soạn nhạc này đã chịu ảnh hưởng tư tưởng sâu sắc của các nhà văn đương thời như Nikolai Gogol, Vladimir Mayakovsky và Mikhail Zoshchenko – theo những phong cách khác nhau – thông qua các hình thức trào phúng trong nhiều dịch vụ của văn học phê phán xã hội thời bấy giờ.

Shostakovich đã tiếp nối truyền thống này, trong vở opera đầu tiên của mình, The Nose (1928), dựa trên câu chuyện Gogol, và qua âm nhạc ngẫu hứng của mình, trong vở nhạc kịch Mayakovskys Bedbug (1929). Trong các tác phẩm của Shostakovich, sự hài hước mang ý nghĩa đặc biệt, ông đã pha trộn những phong cách đa dạng nhất và biểu hiện nghệ thuật qua từng giai điệu của bản hợp tấu dương cầm.

Bản Hợp Tấu Dương Cầm số Một (Piano Concerto No. 1) của Shostakovich thật ra đã được soạn để diễn đạt tất cả những nét xung đột trong phong cách âm nhạc, và làm mờ đi ranh giới giữa sự đùa cợt và nghiêm túc – với mục đích tiêu khiển, tuy nhiên bên cạnh đó nó cũng đem đến cho người nghe một tâm trạng hoang mang xen lẫn chút hiếu kỳ khó tả.

Trong đoạn mở đầu, sau tiếng đàn dương cầm trổi dậy và tiếng kèn vang lên, là dòng nhạc trữ tình được biểu cảm trong một sự chuyển hướng bất ngờ. Chủ đề thứ hai, được diễn tả ở tốc độ nhanh hơn, là một đoạn nhại trào phúng, lướt nhanh trước khi chúng ta bước vào những gì được nhà phê bình Ian McDonald mô tả như là “một gánh xiếc hài hước được diễn xuất lần lượt, luân phiên bởi tiếng kèn trumpet vang trời”. Tuy nhiên, phần này lại kết thúc với một cảm xúc nội tâm, được diễn tả qua dư âm nhạt dần của phần mở đầu quyện trong dòng nhạc song tấu êm đềm của tiếng đàn dương cầm và tiếng kèn trumpet.

Phần thứ hai là một điệu valse tình cảm và u sầu, mà theo lời của một nhà bình luận âm nhạc Elizabeth Wilson, là sự “ám chỉ bóng gió đến thế giới của điện ảnh.” Giai điệu chính của phần này, được giới thiệu qua sự tắt tiếng của dàn nhạc dây, trong khi đó tiếng dương cầm vẫn tiếp tục trong truyền thống lãng mạn nhất. Sau khi xen vào một phút bão táp, chủ đề valse lại quay trở về, giờ đây trong tiếng kèn trumpet vang rền. Tuy nhiên, phần chuyển kết sẽ trở nên dịu lại với tiếng dương cầm thanh thoát đưa con người về cõi thần tiên.

Phần thứ ba, là một khúc dạo đầu cho đoạn kết của bản hợp tấu dương cầm, được mở đầu với tiếng đàn dương cầm không có phần đệm, phần này được trích từ một trong những bản dạo khúc dương cầm của Shostakovich, sau đó dàn nhạc dây sẽ phụ họa thêm một dòng giai điệu biểu cảm của riêng mình. Nó có thể được biến thành một giai đoạn hưng cảm kéo dài. Nhưng Shostakovich đã không cho phép nhiều thời gian cho tình cảm, và thay vào đó là một bước chuyển động mạnh mẽ bất ngờ trong phần thứ tư cũng là phần cuối của bản hợp tấu, đó là một giai điệu được soạn với tốc độ nhanh Allegro Con Brio rộn vang với nụ cười rạng ngời chiến thắng.

Qua bản hợp tấu dương cầm số 1 này, Shostakovich đã kết hợp được tất cả những yếu tố dị biệt trong nét nhạc thanh nhã, đặc sắc của mình. Ở đây, màn “xiếc thế giới” đã gợi lên trong phần đầu tiên, được trở lại với một mức độ cao hơn, mà theo nhà phê bình âm nhạc Elizabeth Wilson nhận xét, là cốt để Shostakovich thể hiện một tinh thần táo bạo và sinh động của tuổi trẻ” lần cuối cùng.

Sau đó, nhạc phẩm trữ tình của Jean Sibelius đã được chọn để kết thúc chương trình Hòa Nhạc trong buổi chiều thu này.

4. Sibelius – Valse Triste

Jean Sibelius là một nhà soạn nhạc Phần Lan nổi tiếng cuối thời kỳ lãng mạn, vào đầu thế kỷ 20. Ngoài bảy bản giao hưởng nổi tiếng ra, Sibelius còn được biết đến với các tác phẩm viết cho piano, violin, nhạc kịch và phổ thơ như Finlandia, Violin Concerto, Karelia Suite Swan of Tuonela và Valse Triste, là những tác phẩm tiêu biểu có chiều sâu nội tâm đã được cả thế giới say mê và yêu mến.

Tác phẩm của ông theo trường phái lãng mạn, thể hiện tình yêu xứ sở và tâm hồn Phần Lan, dựa trên nguồn cảm hứng thiên nhiên vô tận. Qua lăng kính âm nhạc của Sibelius, người ta như bay bổng qua bầu trời ngắm nhìn những dãy núi phủ tuyết, những đàn thiên nga lướt trên mặt hồ băng, nghe thấy tiếng suối chảy róc rách, thả hồn theo những sắc màu lung linh huyền ảo của cuộc sống. Âm nhạc của ông đã góp một phần quan trọng trong việc xác định Phần Lan trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Valse triste, cũng như nhiều bản nhạc hay từ sân khấu kịch nói thuở xưa, đã có một đời sống riêng trong các phòng hòa nhạc cổ điển cũng như trong lòng khán giả say mê kịch nghệ ngày nay.

Kim Trang