Kim Trang: 40 năm Việt Nam sống trong “Hòa Bình Lừa Dối”

30 Tháng Bảy, 2015 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Hòa bình cho tôi những lần thống hối/ Hòa bình cho tôi từng giờ ăn năn (Hòa Bình Lừa Dối viết năm 1977)

 

Để tưởng niệm 40 năm ngày đánh dấu biến cố đau thương của dân tộc 30/4/1975, cùng với cộng đồng người Việt khắp nơi trên toàn thế giới, tòa soạn TiVi Tuần San, cũng nhân dịp sinh nhật 30 năm, đã tổ chức buổi ra mắt “CD-4 Boat People Dance” và tuyển tập “Ca Khúc Nguyễn Hồng Anh” của chính chủ bút TiVi Tuần San sáng tác với những dòng nhạc tâm tình của một thuyền nhân tỵ nạn trên bước đường lưu vong để tìm tự do. Buổi ra mắt CD-4 được kể là thành công với sự tham dự của các nhân vật chức sắc trong chính quyền Úc cùng một số nhân vật quan trọng và có tiếng tăm trong cộng đồng người Việt, đài SBS và VNTV.

 

Một ưu điểm nổi bật của người Việt mà các chính khách Úc đã đề cập đến trong bài nói chuyện của mình là sự đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt sau 40 năm định cư tại Úc, về mọi lãnh vực như  khoa học, kỹ thuật, văn hóa, âm nhạc, báo chí, trong đó TiVi Tuần San đã thể  hiện được sự đóng góp tích cực qua 30 năm trong vai trò truyền thông văn hóa và tư tưởng Úc-Việt. Để chia sẻ cùng quí khách trong tinh thần tưởng niệm ngày 30 tháng Tư Đen, tác giả Nguyễn Hồng Anh đã chọn hai ca khúc để gói ghém tâm sự của mình, đó là: “Sao Ta Còn Ngồi Đây?” và “Hòa Bình Lừa Dối”, nhưng vì thời giờ hạn hẹp, nên ông chỉ trình bày một bài “Hòa Bình Lừa Dối” bằng tiếng Anh và Việt, với cả tâm hồn và giọng hát truyền cảm, làm rung động lòng người để chia sẻ cùng quí  khách người Úc và Việt đến tham dự.

 

Cả hai ca khúc “Sao Ta Còn Ngồi Đây?” (xem TVTS số 1517) và “Hòa Bình Lừa Dối” (TVTS số 1515) đều phản ánh tâm tình của tác giả, cũng là của người tỵ nạn Việt Nam nói chung, trước những nỗi mất mát và niềm đau xót của dân tộc mà tôi sẽ cùng bạn đọc ôn lại, một sự kiện lịch sử không phải của riêng Việt Nam, mà là của thế giới, trong đó chính chúng ta vừa là tác nhân, vừa là nhân chứng.

 

Trước hết, “Sao Ta Còn Ngồi Đây?”, diễn tả một tâm sự buồn vời vợi được viết với giai điệu xa vắng của cung Đô Thứ, trong CD đầu tiên “Của Hồi Môn” nói lên nỗi niềm khắc khoải, u uất của chàng trai trẻ miền nam, sau biến cố lịch sử 30/4/1975, với những ước vọng thầm kín về chân trời xa xôi của thế giới tự do:

 

“Đêm đêm thầm ước mơ, 

 

Mơ chân trời xa xăm.

 

Nhìn những cánh thư về,

 

Lòng ta biết bao buồn.”

 

Hai câu cuối trong đoạn đầu này, lập lại cùng một ý nhạc, có lẽ tác giả muốn nhấn mạnh sự mãnh liệt của niềm khao khát về thế giới tự do của chàng trai, vì đó cũng chính là nỗi niềm thao thức của cả một thế hệ trẻ miền nam trong những ngày đen tối nhất của dân tộc, những ngày mà tác giả đã gọi là “đêm”, bởi vì cuộc sống lầm than, không lối thoát, đã không còn ánh sáng cho tương lai nữa:

 

“Đêm đêm ngồi chờ ngóng,

 

Nghe những lời ai oán.

 

Ngày tháng cứ mong chờ,

 

Cuộc đời đầy tối đen.”

 

Sau 21 năm (1954-1975) nội chiến khốc liệt, 30 tháng tư năm 1975 không phải là ngày “hòa bình, thống nhất đất nước” cho người Việt Nam, mà là ngày chế độ cộng sản đặt ách thống trị độc tài của họ trên toàn cõi Việt Nam. Một trang sử mới bi thảm bắt đầu cho mọi thành phần trong xã hội miền Nam: hàng triệu người bỏ mình trên đường vượt biên, hàng trăm ngàn quân nhân và viên chức chính quyền VNCH bị lùa vào các trại cải tạo tập trung, người dân bị đánh tư sản, mất nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, bị lùa đi các vùng kinh tế mới… Chúng ta phải gọi ngày đó là ngày gì cho đúng với ý nghĩa của nó? Ngày mất nước, ngày quốc hận hay ngày bắt đầu cuộc Hành Trình Tìm Tự Do?

 

“Hòa bình đây rồi, triệu người đổi đời.

 

Hòa bình đây rồi, tình người đổi thay.

 

Hòa bình cho tôi, bao là gian khổ.

 

Hòa bình cho tôi, muôn ngàn đắng cay.”

 

Khúc ca bi hùng tráng “Hòa Bình Lừa Dối” là một bản án tố cáo chế độ cộng sản đã gây bao đau khổ cho dân tộc. Tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nhân loại về “Thiên Đường Cộng Sản” lừa bịp này được mở đầu với cung Mi Trưởng, thay vì  là khúc nhạc vui mừng cho quê  hương “hòa bình”, những âm sắc mang nét nhạc Jazz được pha trộn rải rác trong bản nhạc như ở cung Mi Trưởng 6,  7 và Si 11, đã tô thêm vào nét bi thương, hùng tráng đó, một màu xám u buồn, tang tóc để diễn tả một thực tại phũ phàng, bi đát trái ngược hẳn với những kỳ vọng bấy lâu của người dân về một đất nước hòa bình, ấm no:

 

“Hòa bình đây rồi, người người xa người.

 

Hòa bình đây rồi, bạn bè mất nhau.

 

Hòa bình cho tôi, gia đình ly biệt.

 

Hòa bình cho tôi, tay còn trắng tay.”

 

Đoạn chuyển biến được soạn với cung Mi Thứ trong tâm tình tuyệt vọng cùng những lời thơ chân thành mà sâu sắc, lai đượm đầy một vẻ ai oán đau thương:

 

“Hòa bình giấc mơ của dân tộc tôi,

 

Của người dân Nam, mấy mươi năm rồi.

 

Hòa bình nay tới, Hòa bình lừa dối.”

 

Hòa bình lừa dối” đã trở thành một niềm đau tâm linh bất biến trong lòng mọi người, không những đối với người dân miền Nam mà còn đối với đồng bào cả nước, bất cứ ai yêu tổ quốc, biết thao thức và lo lắng cho sự mất còn của dân tộc và đất nước Việt Nam.

 

Hợp âm Si sus4 được dùng ở cuối câu để nói lên một cảm giác căm phẫn và uất ức đến cùng cực trong nỗi thất vọng não nề vì đã quá mong đợi:

 

“Hòa bình cho tôi, bao nhiêu lừa dối,

 

Hòa bình cho tôi, ước mơ không còn.

 

Hòa bình cho tôi, những lần thống hối,

 

Hòa bình cho tôi, từng giờ ăn năn.”

 

Những đau thương, mất mát chồng chất đã được nhấn mạnh với điệp khúc lập đi lập lại “hòa bình cho tôi” để bộc lộ niềm ân hận tràn trề của người dân Việt với những ước vọng hòa bình từ bao lâu nay, giờ đây chỉ còn là những ảo vọng trong ngục tù tăm tối:

 

“Hòa bình đây rồi, ngục tù cất đầy,

 

Hòa bình đây rồi, ruộng đồng bỏ hoang.”

 

Ở một đất nước hòa bình, sao lại có quá nhiều ngục tù được gọi là “trại cải tạo”? ruộng đồng bỏ hoang để đày đoạ con người với những cơn đói khổ và bệnh hoạn, trong vùng đất cằn cỗi được gọi là “kinh tế mới”?

 

Hơn bao giờ hết, người dân Việt đã thức tỉnh và nhất định “không ngủ”, không bỏ cuộc, để cùng tranh đấu cho một nền hòa bình thật sự:

 

“Hòa bình cho tôi, đêm dài không ngủ,

 

Hòa bình cho tôi, ngày ngày âu lo.”

 

Cuộc di tản đẫm đầy máu và nước mắt vào tháng tư 1975, đã không dừng lại, mà còn tiếp nối với những chuyến vượt biên ào ạt, bất chấp mạng sống đã làm rung động lương tâm nhân loại và đã là một bản án muôn đời với chính sách vô nhân đạo của Cộng Sản Việt Nam (CSVN) trước công luận thế giới. Hiện tượng thuyền nhân đã phản ảnh được cái đau khổ của những người phải rời bỏ quê hương, họ phải đang tâm cắt bỏ những ràng buộc với những người thân yêu, để ra đi mà không hề biết trước mình sẽ đến đâu, bất chấp mọi hiểm nguy. Sau khi bức tường Bá linh sụp đổ, ông Ronald Reagan, cố Tổng Thống Hoa Kỳ đã tuyên bố: Lịch sử nhân loại có nhiều trang sử đau thương và đẫm máu; nhưng chưa có trang sử nào đau thương và đẫm máu bằng trang sử cộng sản. Cộng Sản là trang sử đẫm máu nhất và là một sự  lừa đảo lớn nhất của lịch sử nhân loại”.

 

Thân phận lưu vong của dân tộc Việt trong hành trình đi tìm tự do, khiến ta liên tưởng đến một tác phẩm bi hùng sử  “Exodus” của Ernest Gold, được xuất bản vào năm 1958, với tựa đề là tên một con tàu mà vào năm 1947, đã thực thi sứ mệnh lịch sử đưa dân tộc Do Thái về Miền Tự Do!

 

Exodus nguyên thủy là tên của quyển “Xuất Hành” trong Kinh Thánh, mô tả cuộc hành trình mà cách đây ba ngàn năm, Moses đã đưa dân Do Thái rời khỏi Ai Cập, băng qua Biển Đỏ và đi trong sa mạc 40 năm để về Miền Đất Hứa.

 

Ngày nay, Exodus là biểu tượng của hành trình tìm Tự Do và Lẽ Sống của gần hai triệu người Việt Nam, băng qua Thái Bình Dương để lưu vong khắp thế giới trong 40 năm:

 

“Nghe bên kia là giấc mộng,

 

Vang câu ca êm đềm.

 

Nghe bên kia là giấc mộng,

 

Vang những tiếng ân cần.”

 

Chính đội ngũ “Boat People” này đã làm rung chuyển lương tâm của thế giới vào cuối thế kỷ 20 – đó cũng là chủ đề của CD-4  Boat People Dance.

 

Những cuộc hành trình tìm tự do trong suốt gần ba ngàn năm lịch sử nhân loại đã thể hiện một cách sâu sắc niềm khao khát chân chính nhất của con người và nhân loại, đó là khát vọng Tự Do, và ý nghĩa sâu thẳm của hai chữ Tự Do đã được chứng minh qua lịch sử văn minh nhân loại. Bởi vì, không có tự do thì sẽ không bao giờ có sự phát triển con người và đất nước được! Cũng như khát vọng tự do của dân Do Thái đã vang lên trong sa mạc 40 năm, khát vọng tự do của thuyền nhân Việt Nam đã vang lên khắp năm châu trong 40 năm qua, để cất lên tiếng nói của tự do, dân chủ và nhân quyền, đó là tất cả quyền thiêng liêng của con người trong luật Tạo Hoá mà không một lãnh đạo quốc gia nào được phép tước đoạt, như đã được xác định trong điều một của tuyên ngôn toàn thế giới  về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu.”

 

Cùng với tấm lòng bao dung, thể hiện tình người của các quốc gia trong thế giới tự do, những thuyền nhân đó đã được định cư và thành công trong nhiều lãnh vực. Cũng theo đó, sau 30 năm cố gắng không ngừng, TiVi Tuần San đã thành công vững mạnh để trở thành một trong những tờ báo chính, đại diện cho tiếng nói cộng đồng người Việt tại Úc Châu. Chủ Bút Nguyễn Hồng Anh, giờ đã thư thái để trở lại với những dòng nhạc mà ông đã dang dở vì chiến cuộc, hầu gởi gấm tâm sự thầm kín nhất của người tỵ nạn lưu vong, sau 40 năm sự kiện lịch sử 30 tháng tư, vẫn là những trăn trở khôn nguôi:

 

“Sao Ta Còn Ngồi Đây?

 

Sao chưa dậy mà đi,

 

Chợt nghe tiếng reo hò,

 

Giật mình là giấc mơ.”

 

phải chăng đó cũng là nỗi ước mơ chung đến một ngày trở về quê hương Việt Nam hòa bình thực sự trong một chính thể Tự Do và Dân Chủ, chứ không phải là “Hòa Bình Lừa Dối” nữa?

 

Kim Trang

 

(Trích TiVi Tuần-san số 1519 phát hành ngày 6.5.2015)