Kim Trang và Tình khúc Nguyễn Hồng Anh: Em Là Hoa…

19 Tháng Năm, 2015 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

 

Em là… Lan?

 

Nhạc Sĩ tài tử Nguyễn Hồng Anh, kiêm Chủ Bút TiVi Tuần-san, tốt nghiệp Cử Nhân Chính Trị Kinh Doanh, nguyên Chủ tịch Ban Đại Diện Sinh Viên Trường CTKD Đà Lạt, sinh trưởng trong một gia đình Thiên Chúa giáo, gốc Huế, nơi đã từng là kinh đô của tinh hoa văn hoá Việt Nam với nhiều di sản tinh thần quý giá trong các lĩnh vực thơ ca, âm nhạc, kiến trúc và nghệ thuật, dung hợp với quang cảnh tự nhiên êm đềm và phong phú. Nét hài hòa, kỳ diệu của sơn thủy hữu tình đó đã thâm nhập vào tâm tư trầm mặc, sâu lắng của tác giả và đã được thể hiện qua những dòng nhạc lãng mạn và trữ tình xuyên suốt gần 40 năm gắn liền với vận mệnh của đất nước.

Âm nhạc Nguyễn Hồng Anh mang ảnh hưởng của văn hoá âm nhạc kinh thành Huế, dân ca, bình ca, âm nhạc dân tộc, nhạc tiền chiến, thánh ca (liên hệ với nhạc giáo đường Tây Âu), nhạc cổ điển Tây phương và nhạc Anh, Pháp, Mỹ mà tác giả đã từng tiếp cận qua từng giai đoạn biến chuyển của đất nước trong đời mình. Từ những ngày đầu Miền Nam bị xâm chiếm, cuộc đời trôi nổi, bấp bênh của một chàng trai trẻ trước ngưỡng cửa sự nghiệp cho đến những tìm đường tự do, rồi những bôn ba nơi hải ngoại… tất cả những cảm xúc, suy tư, hoài niệm, trăn trở, thổn thức đều thấm đượm trong làn sóng nhạc Nguyễn Hồng Anh hòa điệu vào những vần thơ bằng sự rung cảm nghệ thuật sâu xa về những thời khắc không thể nào quên.

 

Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận là 3 chủ đề tư tưởng chính trong tuyển tập sáng tác của Nguyễn Hồng Anh, một trong những nghệ sĩ yêu nước, mang xu hướng lãng mạn trong dòng nhạc hải ngoại. Thật ra, trong nhiều ca khúc của ông, cả ba chủ đề Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận đều xuất hiện cùng một lúc, để hát chung  một nỗi niềm đau thương trong đại nhạc khúc bi hài của đất nước và thân phận con người Việt Nam.

 

Tuyển tập 3 CD của ông gồm 36 nhạc phẩm, đã được soạn thêm lời Anh, Pháp bên cạnh lời Việt như Giờ Đã Tới Để Ra Đi (Il Est Temps De Partir), Tình có Lúc Xa (Everybody wanna go away), Chúa Thấu Dùm Cho (God Has To Know), Sao Ta Còn Ngồi Đây (Why Do I Stay Here), Hãy Đến với Anh Lần Cuối (Come to me Baby For the Last Time), Điệu Vũ Thuyền Nhân (Boat People Dance)….

 

Đa số Ca Khúc Nguyễn Hồng Anh có giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát được viết với tiết tấu chậm và lời thơ tuy đơn giản, dễ hát nhưng thâm trầm sâu sắc được hòa quyện trong ý nhạc với sự kết hợp những nét âm nhạc dân tộc và cổ điển để tạo nên một nét đặc sắc riêng mang âm hưởng dân tộc.

Các sáng tác của ông mang đến cho người nghe sự trải nghiệm sâu lắng về tình yêu quê hương, tình yêu dân tộc tha thiết và những tâm sự đầy ý nhị của tình yêu đôi lứa. Mỗi bài hát gắn liền với những kỷ niệm, là những cảm xúc chân thật của chính tác giả trong từng bước ngoặt của cuộc đời, và cũng là điều mà ông cho là quan trọng nhất khi sáng tác.

 

Trong buổi giao thời biến loạn từ sau năm 1975, đất nước lâm cảnh lầm than, những ước vọng về tương lai của tuổi trẻ theo đó đã trở thành viễn ảnh xa xôi, và những hoài niệm, qua những cánh cửa mở vào thế giới nghệ thuật, thay vào đó đã đem lại cho chúng ta một điều gì đó để mong đợi ở ngày mai. Phải chăng đó là lý do mà những sáng tác đầu tiên của tác giả đã được cảm hứng từ những hoài niệm về tình yêu nhẹ nhàng của tuổi học trò?

 

Những bản tình ca đầu tiên của Nguyễn Hồng Anh được soạn với những nhạc điệu đơn giản trong sáng của âm giai Trưởng như  “Em Là Hoa”, “Cứ Yêu Em”, “Nhớ Những Buổi Chiều”, “Mưa Đầu Mùa”, “Dư Hương”, “Tình Mê”, “Em Đi Về Đâu”, “Của Hồi Môn”,  “Thiền Sư Xuống Núi”, “Thiền Sư Lên Núi”, “Nghe Về Nỗi Nhớ”, “Xuân Ly”, “Tình Có Lúc Xa”, “Hãy Đến Với Anh Lần Cuối”, và nhạc điệu êm đềm của âm giai Thứ như “Giấc Mơ Bên Sông”, “Sao Ta Còn Ngồi Đây”…,  rất nhẹ nhàng và dễ hát, được soạn với tiết tấu chậm của điệu Slow, Slow Rock hay Boston.

 

Nhạc tình của Nguyễn Hồng Anh chứa chan những hoài niệm của một thời “mơ hoa”, với những sắc thái đam mê và day dứt (“Thiền Sư Xuống Núi”, “Tình Mê”, “Nghe Về Nỗi Nhớ”, “Dư Hương”, “Mưa Đầu Mùa”), hạnh phúc và khổ đau (“Em Là  Hoa”, “Của Hồi Môn”, “Thiền Sư Lên Núi”, “Xuân Ly”) của thân phận xen lẫn tâm thức ưu tư xa vắng (“Giấc Mơ Bên Sông”, “Hãy Đến Với Anh Lần Cuối”, “Sao Ta Còn Ngồi Đây”, “Giờ Đã Tới Để Ra Đi”, “Kiếp Sau Xin Chớ Làm Người”)…

 

Sau đây, tôi sẽ cùng quí độc giả TiVi Tuần-san bàn luận về một số tác phẩm trong thế giới nghệ thuật ca khúc Nguyễn Hồng Anh.

 

 

Em là… Hồng?

 

 

Em Là Hoa

 

 

Tác phẩm đầu tay “Em Là Hoa” được mở đầu qua âm điệu ngũ cung với lời ca mượt mà, âu yếm và êm đềm như ru người tình vào một giấc mơ đẹp của tình yêu thần tiên – giấc mơ hoa:

 

Xin mây cao ngủ trên mái tóc em,

 

Xin mưa rơi đọng trên cánh môi em,

 

Để ta đưa em vào cuộc đời,

 

Tình yêu như là giấc mơ hoa…”

 

Sự xuất hiện nhiều lần của chữ “hoa”, cũng là chủ đề chính của bài thơ, đã được khéo léo lồng vào những ý nhạc khác nhau trong mỗi đoạn, khiến người nghe không thấy chán. Trong phiên khúc đầu A kết thúc với chữ “hoa”, sự chuyển tiếp từ át âm (dominant key) Sol Trưởng tới Rê Thứ nghe như lời thổn thức “Tình yêu như là giấc mơ hoa”, nhưng ở phiên khúc hai A trong bước chuyển tiếp từ át âm trở về chủ âm, chữ “hoa” lần này lại nghe như một câu trả lời khẳng định thật thích đáng: “vì em cũng là một loài hoa”.

 

Cũng chính Giấc mơ hoa  ấy đã đặt những dấu ấn đầu tiên của chàng nghệ sĩ trên con đường âm nhạc, nơi để gửi gấm tâm sự lòng mình.

 

Hoa và tình yêu lãng mạn chia sẻ một lịch sử lâu dài và đam mê. Từ thời xa xưa, hoa chính là những thông điệp không lời nhưng mạnh mẽ thay cho tâm tư và tình cảm!

 

Tương truyền rằng hoa hồng được cho là loài hoa yêu thích của cả thần Venus (nữ thần của Tình Yêu trong truyền thuyết La Mã) và Aphrodite (nữ thần Sắc Đẹp trong Cổ Tích Hy Lạp) và màu đỏ tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt. Truyện kể rằng Nữ thần Tình yêu được sinh ra với một đóa hồng màu trắng. Vì đau khổ trước cái chết của người chồng yêu thương, nữ thần đã vô tình để gai của hoa hồng đâm vào tay. Máu của người đã làm hoa hồng trắng trở thành hoa hồng đỏ. Từ đó hoa hồng đỏ được xem biểu tượng của tình yêu tha thiết.

 

Ở nơi em, “ta trao trọn cuộc đời, vì em cũng là một loài hoa…”

 

Em là… Mai?

 

Hình ảnh ẩn dụ “em là một loài hoa”, khiến ta liên tưởng đến một người thiếu nữ xinh đẹp, mang tên của một loài hoa (theo phong tục Việt, đó cũng là ước mơ của cha mẹ khi đặt tên cho con gái của mình). Tên nàng là gì đây, bạn thử đoán xem? Có phải là Hoa (như tựa đề “Em là Hoa”), hay là Mai, Lan, Cúc, Đào, Hồng, Phượng,… nói chung là một loài hoa biết nói.

 

Mỗi loài hoa đều mang một vẻ đẹp toàn vẹn và một ý nghĩa riêng. Hoa Lan tượng trưng tình yêu tha thiết, hoa Cúc là biểu tượng của tình yêu thành thật, hoa Lài: Tình bạn ngát hương, hoa Huệ: Tình yêu trong sạch, hoa Mai, hoa Đào: tràn trề ước mơ và hy vọng, hoa Phượng: tình học trò, hoa Quỳnh: sự thanh khiết, hoa Thuỷ Tiên bày tỏ lòng yêu mến và động viên, hoa Sen hồng: biểu lộ sự hân hoan, tươi vui…

 

Trong tiểu phẩm “Hoa Xuyên Tuyết” (Snowdrop) viết cho Tháng Tư của bản giao hưởng “Bốn Mùa” (Four Seasons), Tchaikovsky đã diễn tả  những cảm xúc thần tiên, mơ  mộng của một tình yêu thầm kín với hình ảnh lung linh của hoa xuyên tuyết mong manh trên đồng nội sau những cơn lạnh tê tái của mùa đông. Đó cũng là vẻ đẹp mong manh của một mối tình đã đi vào trong giấc mơ, ẩn hiện với bóng dáng người yêu:

 

“Hoa nào đã làm ta ước mơ,

 

Hoa nào để sầu trên phím tơ?”

 

Trong phần điệp khúc, sự chuyển biến từ chủ âm Đô Trưởng tới La Thứ, diễn tả một nỗi buồn phảng phất đằng sau giấc mơ đẹp đó, dường như là một mối tình đầu đầy mơ mộng của chàng lãng tử, nhưng tới câu thứ ba và câu cuối những chuyển biến đều trở về chủ âm với một kết thúc tốt đẹp:

 

“Dịu êm như dòng sữa ngọt ngào,

 

Tình yêu ban đầu, tình yêu hoa”

 

Hay em là loài hoa… biết nói? Hình: google

 

Phải chăng đó là tình yêu của tuổi học trò, tình cảm đẹp nhất, trong sáng nhất, và lãng mạn nhất với những “rung cảm đầu đời” trong những buổi chiều mong ngóng “đến giờ tan trường”, để được ngắm nhìn:

 

“em tươi cười trong đám nữ sinh

 

mắt em lung linh ánh trăng…”

 

 

 

 

 

Nhớ Những Buổi Chiều

 

Chủ đề lãng mạn này đã mở đầu cho ca khúc kế tiếp “Nhớ Những Buổi Chiều”, trong đó tác giả đã vẽ lên một khung trời học trò thật thơ mộng và đáng yêu với những thoáng rung động mỏng manh, tha thiết đầu đời ấy:

 

“Âu yếm nhìn ai bên hành lang,

 

Có phải rằng tôi đã yêu nàng?”

 

Tâm hồn chàng ngất ngây với niềm hạnh  phúc dâng trào:

 

“Thơm ngát đời tôi là từ đây!”

 

Thế giới tươi đẹp và nhiệm mầu làm sao! Tuy chưa có dịp bày tỏ lòng mình, nhưng dường như chàng đã trao trọn trái tim cho người tình:

 

“Em ngồi bên tôi xa bao nhiêu tầm tay,

 

Nhưng tình đã trót trao nhau người ơi…”

 

 

Cứ mỗi lần đến giờ tan trường…

 

Mối tình đầu đã trở  nên thiêng liêng và kỳ diệu với khung cảnh được tái hiện trong tâm tưởng chàng nghệ sĩ, giờ đã thuộc về “miền quá khứ”- miền của những điều đã mất, vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được. Không gian, thời gian cõi ngày xưa ấy đã được cách ly khỏi thực tại bằng sương khói của cõi mơ:

 

“Ta ôm giấc mơ thuở xưa

 

Đê mê như trong men say

 

Vương vấn tình em bao giờ quên…”

 

Có lẽ tác giả đã viết bài này trong thời gian làm thầy giáo ở trường trung học, gần gũi học trò đã là nguồn cảm hứng khiến thầy nhớ đến những kỷ niệm đầy thơ mộng, trong sáng và đẹp nhất trong lứa tuổi hồn nhiên thời trung học của chính mình chăng?

 

Kim Trang

(TVTS số 1516  – 15.4.2015)