Kim Trang và Tình khúc Nguyễn Hồng Anh: Thiền Sư Xuống Núi

06 Tháng Tư, 2015 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

35 năm sau khi viết Thiền Sư Xuống Núi: Nguyễn Hồng Anh trước tượng Phật ở Vườn Lộc Uyển, Ấn Độ nơi Đức Phật thuyết giảng Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như

 

LTS: Viết nhạc để được công chúng đón nhận không dễ. Phê bình nhạc cũng chẳng dễ dàng gì, nếu hiểu nghĩa phê bình một cách đúng đắn. Vì vậy trong sinh hoạt âm nhạc của Việt Nam, ít thấy những nhà phê bình âm nhạc. Phê bình âm nhạc trên làng báo hải ngoại lại càng hiếm. Nhưng vừa qua, một độc giả của TVTS là cô Kim Trang đã viết  mấy bài bình luận về nhạc cổ điển tây phương, được cả tòa soạn lẫn một số độc giả hoan nghênh. 

 

Kim Trang là một người trong lãnh vực khoa học với bằng cử nhân toán, một chuyên gia về kỹ thuật vi tính với bằng cấp cao học và đã từng làm trong ngành thiết kế software.

 

Bên cạnh đó, Kim Trang là một tay dương cầm có nhiều kiến thức về hòa âm, xướng âm, phối khí và đam mê văn chương, kịch nghệ. Với một sự hiểu biết như vậy,  nhất là với tư duy lý luận của khoa học, “cây bút tài tử” như TVTS đã có lần gọi cô, sẽ là người có thể đủ khả năng để đánh giá một ca khúc, vì một tác phẩm nghệ thuật cũng là một công trình tư duy mang tính khoa học và sáng tạo.

 

Người viết nhạc Nguyễn Hồng Anh trong hơn một năm vừa qua đã cho ra mắt 3 cái CD với 36 ca khúc mà ông đã viết cách đây ba, bốn mươi năm. Kim Trang đã có dịp nghe và lúc này muốn phân tích các ca khúc Nguyễn Hồng Anh để người thưởng ngoạn có thể không những cùng cảm nhận mà còn cùng với Kim Trang, có thể phát hiện những điều gì mới mẻ trong các ca khúc đó, dưới cái nhìn của một nhà khoa học.

 

TVTS xin cám ơn Kim Trang và xin giới thiệu một “cây bút mới” trong làng báo Việt ngữ hải ngoại.

 

* * *

 

Bài ca trữ tình, lãng mạn này (ca khúc đầu tiên trong CD-1 Của Hồi Môn), tôi đã được nghe chính tác giả hát bằng giọng điệu Huế trầm ấm với tất cả tâm tình say sưa của mình và được biết rằng tác giả sáng tác bài này sau khi đọc tiểu thuyết “Câu Chuyện Dòng Sông” (Siddhartha) của Hermann Hesse. Là một nhà văn hào Đức, Hermann Hesse tiêu biểu cho khuynh hướng triết lý tâm linh-lãng mạn trong trào lưu hiện sinh đầu thế kỷ 20, người đã kết hợp khuynh hướng tâm linh phương Đông với vô thức của phân tâm học phương Tây.

 

“Câu Chuyện Dòng Sông” là một tiểu thuyết về tâm linh học, mang ảnh hưởng sâu sắc triết lý hiện sinh Nietsche và phân tâm học Jung, kể về cuộc hành trình đi đến giác ngộ của một chàng trai trẻ tên là Siddhartha (Tất Đạt). Câu chuyện nói lên nỗi đau thương, bi phẫn của kiếp con người, nhưng cũng cho thấy có sự yêu thương thiết tha cuộc đời và những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người.

 

Để tìm hiểu sự liên hệ giữa nhạc phẩm “Thiền Sư Xuống Núi” và “Câu Chuyện Dòng Sông”, tôi sẽ cùng độc giả đi ngược dòng thời gian trước mốc lịch sử 1975, khi trào lưu hiện sinh sôi nổi ở Châu Âu, với một lý thuyết triết học và văn hoá du nhập ngày càng lôi cuốn giới trí thức trẻ Miền Nam với những ngòi bút nổi tiếng như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Friedrich Nietzsche, F. Sagan, Soren Kierkegaard , Simone de Beauvoir, Martin Heidegger… trong quan điểm chú trọng vào những sự trải nghiệm chủ quan của con người hơn là những chân lý khách quan của khoa học, cuộc đấu tranh thầm lặng của mỗi cá nhân với sự vô nghĩa của cuộc sống và vai trò của sự lựa chọn tự do – đặc biệt là về những giá trị và niềm tin căn bản. 

 

Trong sự tiếp cận với bối cảnh bi đát và phức tạp của xã hội Miền Nam những năm 1954-1975, ảnh hưởng triết học hiện sinh Tây Âu một mặt đã dẫn đến thái độ phản loạn, chống tôn giáo, truyền thống, mặt khác đã gợi lên những suy tư, trăn trở về thân phận con người, ý thức trách nhiệm trước tình cảnh đất nước đã khiến những người trí thức trẻ, trong đó có Nguyễn Hồng Anh, (khi đó anh đang học Cao Học Quản Trị Kinh Doanh) không thể đứng bên dòng lịch sử.

 

Thiền Sư ở đây, mang hiện thân của Tất Đạt trong “Câu Chuyện Dòng Sông”, người tu khổ hạnh sau khi khám phá những giáo lý của đức Phật.

 

Ca khúc được mở đầu với âm điệu Huế êm dịu, nhẹ nhàng được dệt trong những vần thơ đối chữ theo từng vế của hình thức cấu trúc Hỏi – Đáp:

 

 “Có người từ non cao, vượt qua bao nhiêu đèo?”

 

 “Có người từ non cao, vượt qua bao hầm hố”

 

“Có người từ mây xanh về thăm nơi gian trần?”

 

“Có người từ mây xanh về vui với người đời.”

          

Ở đây, ta thấy có hình tượng, lên núi và xuống đèo lại trùng khớp với cao độ lên xuống của câu nhạc nghe rất thuận và dễ hát. Câu trả lời được kết thúc một cách trọn vẹn, vui tươi trong sự trở về chủ âm Rê Trưởng, bộc lộ môt tâm trạng rất phấn khởi của “người từ non cao, người từ  mây xanh” người là ai, là Tiên hay là Phật? 

 

Đức Phật qua kinh nghiệm tu tập và nhận biết nhân sinh vũ trụ đã chứng minh khả năng tiềm tàng trong mỗi người chúng ta cái gọi là “Phật tánh” hay khả năng thành Phật hay đúng hơn là sự trở về để nhận diện chính mình. 

 

Để đạt được cảnh giới, thường thì các Thiền Sư cần phải ở “non cao” để lánh xa dục vọng, nhưng sự thanh thản, bình yên trong ánh đạo từ bi đã chan hòa dưới ánh nắng ban mai rạng rỡ của một ngày, khi có một cành hoa vừa xuất hiện:

 

“Thấy được một cành hoa, thiền sư quên lần hạt

 

Thấy được một cành hoa, thiền sư quên gõ mõ”

 

Chàng chợt thấy lòng rung động, bàng hoàng, cảm nhận pháp giới này không phải thoáng qua, nhưng nó thật chập chùng biến hiện. Cơn gió nào đã phảng phất mùi hương đào:

 

“Ngửi được mùi đào thơm, miệng thôi A di đà

 

Ngửi được mùi đào thơm, câu kinh đổi lời  tình”

 

Có phải chăng, cành hoa ấy hay mùi thơm ấy đã hòa nhập với bản thể nhất như của vạn pháp? Chàng lắng nghe những xúc cảm của lòng mình, rồi với sự phản xạ tự nhiên của dư nghiệp còn đọng lại trong tâm, một thứ lãng mạn mang chất mộng ảo và không tưởng. Chàng vội vã xuống núi, theo dấu chân mùi hương diụ dàng ấy:

 

“Thiền Sư nay xuống núi bước chân đi vào đời”

 

 Dòng ca thật vui nhộn cho đến đây, bạn sẽ gặp những giải kết gián đọan từ âm Si Thứ sang Mi Thứ, hay La Trưởng sang Si Thứ, được xen kẽ bởi một câu kết không trọn:

 

“Gối hoa thay gối đá, nệm bông thay giường cây

 

Thiền sư nay xuống núi lún sâu nơi trần đời.

 

Áo tơ thay áo vải …”

 

Lời lẽ tỷ dụ “gối hoa” đối với “gối đá”, “nệm bông”đối với “giường cây”, cùng những kết câu không trọn, làm ta cảm được sự bất ngờ phải đối diện với quá nhiều thay đổi trong đời, khiến chàng phân vân tự hỏi lòng mình: “sự thay đổi này có phải là đúng không?” Trong cuộc xung đột giữa ái tình và tôn giáo, hồi hộp và đau đớn ấy, ái tình hẳn phải thắng.  Ái tình thắng vì ái tình là “bản ngã tự nhiên của con người”, chỉ có ái tình mới đem lại hạnh phúc – đây là một chủ đề hoàn toàn lãng mạn trong nhân sinh quan của triết học hiện sinh, phù hợp với tâm lý bất định của thanh niên thời hiện đại.

 

Chàng đã gặp gỡ, ngưỡng mộ và yêu mến Đức Phật, nhưng cảm thấy tri thức và sự nhất thể của thế giới lưu thông trong mình và chàng đã quyết định “hóa thân kẻ si tình” để tự đi trên con đường của riêng mình. Bởi chàng tin rằng không ai và không một giáo lý nào bên ngoài có thể giúp mình chứng ngộ được.

 

Tuy nhiên, hình ảnh của thiền sư ở trong bài này, đúng hơn là trong trí tưởng tượng phong phú của tác giả, lại là một chàng trai thật hiền lành, dễ thương và ngây thơ như “anh Bụt” được tả trong câu ca dao:

 

Gần chùa gọi Bụt bằng anh,

 

Thấy Bụt hiền lành, bế Bụt đi chơi.”

 

Qua đó, ta thấy đạo Phật đối với người dân Việt Nam trước đây thật gắn bó, gần gũi và có đặc điểm dân dã rõ rệt: Phật và người, thật ra chẳng có gì cách biệt nhau! Câu ca dao toát lên một tình cảm thương yêu chân thực mà lại rất hóm hỉnh:

 

“…thấy được một cành hoa, cõi u minh vừa hé

 

ngửi được mùi đào thơm, lòng sân si vừa mở…”

 

Một kết thúc rất thỏa mãn (perfect cadence) cho tiếng gọi của ái tình:

 

“thoát nợ làm thiền sư

 

Thiền sư vướng nợ tình”

 

Dường như thiền sư đã mơ hồ nhận ra những mối hệ lụy ràng buộc xung quanh trái táo ngọt ngào của ái tình… trong thâm tâm, có lẽ chàng đang tự hỏi đâu là bản ngã đích thực của chính mình?

 

 

Thiền Sư Lên Núi

 

 

Bản nhạc này (ca khúc thứ 10 trong CD-2 Như Người Việt Nam) được soạn như một câu chuyện nối tiếp của thiền sư sau khi đã hoàn tục. Ca khúc này có giai điệu nhẹ nhàng, có hơi lai âm hưởng ngũ cung với cấu trúc nhị phân, thoáng nghe qua thấy rất vui nhộn, nhưng ẩn đâu đây một chút vị nuối tiếc đắng cay.

 

Lên núi: Nguyễn Hồng Anh  tại bảo tháp Boudhanath, “kỳ quan thứ hai của thế giới Phật Giáo” tại thủ đô Kathmandu của đất nước “mái nhà thế giới”  Nepal

 

 

Thiền sư giờ đã dấn thân vào đời, một cuộc đời không giống như chàng đã tưởng khi còn ở “trên non”, chàng cứ ngỡ mình như người khách lạ đi lạc chốn nào:

 

“Xưa anh là mây lạc bước về đây

 

Xưa anh là gió, gió tạt vườn hoa

 

Xưa anh là đá, đá không có nhà”

 

Ở đoạn chuyển biến, trong hai câu đầu với sự chuyển tiếp từ Sol Thứ Rê Thứ  bất chợt mang âm điệu trầm buồn thoát ra như một tiếng nói yếu ớt nhẹ nhàng, mà  thỉnh thoảng chàng nghe trong tâm tư:

 

“Anh về gian trần về chốn si mê

 

Bốn mùa yêu ấy mấy kiếp tu hành”

 

nhắc nhở chàng một cách âm thầm, phàn nàn một cách lặng lẽ rất mơ hồ.

 

Thiền sư đã chiều theo bản ngã của mình trong nhất thời để đi tìm hạnh phúc qua bốn mùa yêu cuộc sống. Nhưng khi trở lại tự ngã của mình chàng lại băn khoăn, thắc mắc về số phận con người sẽ đi về đâu. Rồi đột nhiên chàng nhận ra rằng mình chỉ như đang chơi một ván bài, rằng chàng cũng vui vẻ đấy, đôi khi còn hưởng thụ khoái lạc nữa, nhưng cuộc sống chân thật đang trôi qua và hình ảnh đức Phật (thiện tính) vẫn luôn ở trong tâm trí chàng:

 

“Anh tìm về non u mê đã hết

 

Tu là cõi phúc, tình là dây oan”

 

Tư tưởng triết học và đạo lý ấy xác định rõ trách nhiệm cá nhân của con người đối với chính mình trong vai trò quyết định hạnh phúc hay khổ đau của đời mình:

 

“Sư rằng: phúc họa đạo trời

 

Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.

 

Có trời mà cũng có ta

 

Tu là cội phúc tình là dây oan”

 

Đây cũng chính là nội tâm của Thúy Kiều mà Nguyễn Du đã diễn tả qua sự kết hợp triết lý Nho giáo với Phật giáo trong việc lý giải cuộc sống. Trong Nho giáo, định mệnh do một lực lượng siêu nhiên bên ngoài con người chi phối (Trời) còn với Phật giáo thì định mệnh nằm ngay trong bản thân con người và chi phối con người bằng luật nhân quả.

 

Chàng (thiền sư) suy nghĩ về số phận của mình, và tìm xem đâu là nguyên nhân những sai lầm trong quá khứ. Chàng đã chiến đấu một cách vô vọng với tự ngã khi làm một người tu khổ hạnh.  Tiếng vọng mầu nhiệm của “Giác Ngộ” hay “Toàn Thiện” từ quá khứ của cuộc đời mệt mỏi, đã khiến chàng thức tỉnh:

 

“Nay anh là mây, tỉnh giấc ngủ say

 

Nay anh là lá, lá về cội cây

 

Nay anh là nguồn, trở lại tìm non

 

Nay anh thiền sư, thiền sư về chùa”

 

 Chàng đã ngộ được cái “vô thường” của cuộc đời, sau khi đã chán ngán với những thú vui tạm bợ trần gian và sáng suốt đi tìm cái giá trị chân thật, cái phật tính, cái hạnh phúc chân chính, từ những niềm vui chân thật phát xuất từ lòng từ bi sâu xa đối với tha nhân.

 

 Thiền Sư Xuống Núi” và “Thiền Sư Lên Núi” phản ảnh một quy luật âm dương hài hoà để tự cân bằng lại cuộc sống và xã hội hiện tại theo triết lý sống quân bình. “Thiền Sư Lên Núi” có cấu trúc âm điệu, câu nhạc và chuyển âm đơn giản hơn, điều này cũng trùng khớp với ý nhạc, vì khi xuống núi, thiền sư phải đối diện với những thay đổi nhiêu khê ở chốn gian trần phức tạp, nhưng khi trở lên núi, tâm hồn chàng lại thanh thoát, không vướng nợ trần để trở về cuộc sống rất đơn sơ, mộc mạc của một đứa trẻ. Chàng đã phải trải qua quá nhiều lầm lạc, vỡ mộng và tự mình chứng nghiệm sự tuyệt vọng để có một cách nhìn, một cách suy tưởng về giá trị nhân đạo sâu sắc của cuộc đời và thân phận con người.

 

Ba tình khúc “Thiền Sư Xuống Núi”, “Của Hồi Môn” và “Thiền Sư Lên Núi”, là ba chương tóm tắt của cuốn tiểu thuyết dài nhiều tập Tình Khúc Nguyễn Hồng Anh, bày tỏ tâm sự của một kẻ sĩ đã nhìn thấy bao đau thương, thăng trầm của cuộc sống mà chính ông là người đã từng trải nghiệm. Một tuổi thơ ấm áp, một thời thanh niên hăng hái, lạc quan, với những hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ (qua tâm sự của “thiền sư xuống núi”), lý tưởng, yêu đời và yêu người (qua tâm sự “của hồi môn”), nhưng rồi lại phải đương đầu với sự bế tắc của một thời đại biến loạn tang thương của đất nước mà ông phải tranh đấu để tự giải thoát (qua tâm sự của “thiền sư lên núi”).

 

Nỗi niềm u uất của ông và cũng là nỗi thống khổ của cả dân tộc đã được bộc lộ qua các nhạc phẩm với chủ đề Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận Con Người.

 

Cuối hết, thiền sư Nguyễn Hồng Anh đã chia sẻ những suy tư của mình về kiếp người, về cuộc đời với triết lý hư vô, có cũng như không và không cũng như có, phải chăng vẻ đẹp hư ảo đó cũng chính là ý nghĩa đích thực của cuộc đời?

 

Kim Trang

 

(Trích báo in TVTS số 1514  phát hành ngày 1.4.2015)