THÁNG TƯ ĐEN nghe CD Hòa Bình Lừa Dối

04 Tháng Tư, 2014 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

Muộn còn hơn không: Nguyễn Hồng Anh phát hành 36 ca khúc viết cách đây trên 30 năm. Hình: cung cấp

 

39 năm trôi qua kể từ ngày Miền Nam rơi vào tay chế độ cộng sản Miền Bắc. Sự kiện đó đã bắt đầu cho một thời kỳ lầm than của người dân Việt Nam nói chung và người dân Miền Nam nói riêng. Nó mở ra một con đường đầy chông gai mà hầu như ai sống giai đoạn đó cũng đều phải kinh qua.

 

Miền Nam bị cưỡng chiếm là một nỗi đau không nguôi. Nó như là một vết thương sẽ không bao giờ được chữa lành nhưng cho dù có lành lại thì vết sẹo vẫn còn đó.

 

Quả thật, đã có biết bao nhiêu người đã phải đắng cay khi phải chứng kiến cảnh đổi đời này. Quê hương Miền Nam giờ đã trở thành sở hữu của chế độ cộng sản Miền Bắc,  một chế độ luôn tự cho mình là hết lòng vì dân. Nhưng hỡi ôi! Dân đã được những gì?

 

Còn nhớ ngày 30 tháng Tư năm 1975, vào thời khắc Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh chính thức lên tiếng đầu hàng vô điều kiện, hàng triệu trái tim tan nát. Họ đau thương vì phải chấp nhận sự thất bại mà đáng lẽ chưa hay không thể xảy ra nếu… và nếu…

 

Nhiều năm trôi qua và lúc này, 39 năm sau, người ta vẫn không thể quên cái ngày định mệnh đó, một ngày mà giai cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa đất nước và dân tộc Việt Nam vào một thời kỳ bi thảm và đen tối nhất trong lịch sử.

 

Ăn năn  âu lo

 

Có lẽ vì xuất phát từ tâm sự của một người chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, rồi bản thân trở thành một trong những người sống lưu vong ở nơi đất khách, cho nên Nguyễn Hồng Anh (NHA) đã viết ra nhiều bản bi thương hận ca vào thời gian đó. Và nhân dịp này ông gởi đến người nghe thêm một CD mới.

 

CD-3 với chủ đề “Hòa Bình Lừa Dối” cùng với hai CD đã được phát hành trong mấy tháng qua của Nguyễn Hồng Anh không phải là câu chuyện đời thường của người viết nhạc mà nó mang một dấu ấn lịch sử của đất nước, dân tộc.

 

Những ca khúc của Nguyễn Hồng Anh sẽ đưa người nghe trở về những nỗi buồn da diết, khổ nạn bi ai của đất nước do nhà cầm quyền cộng sản gây nên: ngục tù, cải tạo, lao động, bồi dưỡng, thu hoạch, họp tổ dân phố phường khóm, kinh tế mới, thủy lợi, hộ khẩu, sổ lương thực, giấy phép đi đường, đăng ký tạm trú, tịch biên tài sản, đe dọa, bệnh tật, chết chóc, đói kém… 

 

Thính giả sẽ lại được mường tượng hay nhớ lại cảnh hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, vượt biên bằng đường biển hay đường bộ. Hàng trăm ngàn người vùi thây dưới lòng đại dương thăm thẳm hay phải bỏ mạng trong rừng sâu, trở thành nạn nhân của bọn cướp…

 

Chỉ cần nghe lần lượt qua các ca khúc như Hòa bình lừa dối, Em đi về đâu, Il est temps de partir, Everybody wanna go away… thì chúng ta sẽ cảm nhận được thời khắc ấy.

 

Việc NHA chọn Tháng Tư để xuất bản CD-3 lần này được ông cho biết với mục đích đánh dấu 39 năm ngày Miền Nam rơi vào tay chế độ cộng sản Miền Bắc.

 

Bài Hòa bình lừa dối (1977) như một bản cáo trạng chế độ mới, mở đầu CD với những ngậm ngùi chua cay:

 

“Hòa bình đây rồi, triệu người đổi đời

Hòa bình đây rồi, tình người đổi thay

Hòa bình cho tôi bao là gian khổ

Hòa bình cho tôi muôn ngàn đắng cay”

 

Hòa bình là giấc mơ của người dân Việt Nam nói chung và của dân Miền Nam nói riêng, nhưng đây là thứ hòa bình lừa dối  của… người lưu manh, lường gạt cả dân tộc bởi vì:

 

“Hòa bình đây rồi, ngục tù cất đầy

Hòa bình đây rồi, ruộng đồng bỏ hoang

Hòa bình cho tôi, đêm  dài không ngủ

Hòa bình cho tôi, ngày ngày âu lo”.

 

Với một thứ hòa bình như thế thì những ai đã từng một lần ước mơ thấy được cảnh đất nước hòa bình –như tác giả ca khúc này—sẽ phải  hối hận, phải thú nhận “Hòa bình cho tôi từng giờ ăn năn”.

 

 

Tình yêu bấp bênh

 

Chính vì thấy rằng mình không thể tiếp tục ở lại để sống trên mảnh đất quê hương, cho dù nơi đó đã chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm đối với bản thân,  gia đình và bạn bè nên NHA mới viết lên ca khúc Il est temps de partir (1979).

 

Il est temps de partir (Giờ đã tới để ra đi) được ông viết dưới dạng ngoại ngữ.

 

Những ca từ trong bài hát được coi như những tâm tư của riêng mình nhưng cũng phản ánh tâm trạng của nhiều người khác:

 

Giờ đã tới để ra đi

Giờ đã tới để thoát đi

Tôi sẽ ra đi

Giờ này lòng buồn vời vợi người ơi”

 

Việc ra đi bỏ lại người thân yêu là một nỗi niềm đau xót hoàn toàn ngoài ý muốn, nên mới có câu hát:

 

“Nhưng tôi ra đi chắc chi lỗi của tôi

Vâng tôi xa em không hẳn lỗi của tôi

Lựa chọn đắng cay

Nghe chăng trong tôi lời mời ra đi

Vâng lời mời đi xa”

 

Ai đã phải giũ áo ra đi thì ắt hẳn phải bỏ lại sau lưng những gì mình thương yêu nhất. Họ phải chấp nhận bỏ lại gia đình và bạn bè. Ngoài ra cũng không ít người phải bỏ lại một nửa tâm hồn của mình.

 

Tất cả những lời tâm sự này lại một lần nữa được NHA đưa vào bài hát viết bằng ngoại ngữ Everyone wanna go away. Bài hát này được ông sáng tác vào năm 1978 với những ca từ làm cho người nghe nặng trĩu tâm sự:

 

“Nhưng! Nhưng xin chia tay dù đã yêu em

Dẫu khi yêu em anh trót thề cùng trời mây

Anh thề thề yêu em ngày qua ngày mai

Yêu mãi không thôi”.

 

Quyết chí rời bỏ quê hương đã đổi thay của mình (mà trong lời tiếng Anh tác giả gọi là địa ngục – No! nobody wanna live in hell) để tìm đến một nơi có tự do (Everybody wanna live in heaven)  để lại đằng sau biết bao kỷ niệm, thương nhớ, và rồi tác giả đành ngậm ngùi:

 

“Hỡi em! dù cách xa đại dương mù khơi

Lòng vẫn mãi yêu em”.

 

Cũng giống như những bài hát trong CD-1 và CD-2, những ca khúc trong CD-3 lần này cũng được NHA sáng tác vào những thập niên 1970 và 1980 (duy chỉ có bài Dòng máu Việt Nam, được ông viết thêm một phiên khúc cuối vào năm 2012).

 

Tác giả tại bến tàu Galang: đến 10 năm sau vẫn còn những đêm ngủ mơ chuyện vượt biên thất bại!  Hình cung cấp

 

 

Muông thú cây cỏ

 

Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, cuộc sống người dân Việt Nam đầy đắng cay tủi nhục.  Ngay chính bản thân NHA, một người thanh niên tràn đầy sức sống với tương lai trước mặt nay với sự đổi đời, chỉ muốn có cuộc sống bình thường, chấp nhận rời thành phố đi làm rẫy, nhưng dường như trời xanh cũng tỏ ra trêu ngươi,  thành quả lao động của ông cũng bị tước đoạt.

 

NHA từng tâm sự rằng lúc ấy những hoa màu do ông làm ra bị tịch thu, cuộc sống của ông rơi vào bế tắc vì không kiếm được việc gì để làm, bởi làm việc gì cũng bị cấm đoán, đe dọa. Không việc làm, đời sống trở nên túng quẫn, ông đã phải lót dạ bằng những bữa ăn độn, và có lúc cũng không có khoai hay bo bo để mà độn. Ông thầm thấy mình thua cả con heo, con gà của hàng xóm bởi chúng vẫn còn có gì để ăn.

 

  thế NHA đã đắng cay viết ra bài hát Kiếp sau xin chớ làm người, trong đó ông đã mượn ý một câu thơ của Nguyễn Công Trứ để viết ca từ mở đầu bài hát thơ lục bát trong đó có điệp khúc:

 

“Thà làm muông thú sướng hơn

Thà làm cây cỏ sướng hơn làm người

Làm người sống đến mấy mươi

Mà sao chẳng thấy nụ cười trên môi”.

 

Có thể nói rằng lời nhạc trong bài hát của NHA đã cho chúng ta thấy ông đã phải trải qua những ngày tháng đau thương và căm hận chế độ lắm nên mới phải thốt lên rằng cuộc sống con người không bằng cành cây, ngọn cỏ.

 

 

Đốt lên niềm tin

 

Mỗi khi nghe nhạc, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ cảm nhận ra rằng âm nhạc là một món ăn tinh thần mà thượng đế đã trao tặng cho loài người. Đây là một món quà vô giá để có thể định lượng bằng cách cân đo đong đếm. Đã có biết bao nhiêu người đã chọn con đường làm nhạc để coi như một nghề để gắn bó suốt cả cuộc đời. Trong đó chắc hẳn họ đã cho ra đời những đứa con tinh thần mang dấu ấn để đời của họ.

 

Tuy nhiên, cũng không ít người chọn âm nhạc như là một lời gởi gắm tâm tư tình cảm của mình. NHA cũng vậy, ông đã mượn ca từ để nói lên nỗi niềm tâm sự trong từng ca khúc mà ông đã viết. Ai Ra Xứ Người là một trong những bài hát lột trần được tâm sự của ông muốn nói.

 

Bài hát này được ông sáng tác đúng vào dịp Tháng Tư Đen (chính xác là ngày 24.4.1984) để nói lên tâm trạng bi thương của một người xa quê hương đã mấy năm nhưng thấy con đường trở lại xa vời vợi:

 

“Đường đến Sydney, Paris, Cali vẫn còn gần

Đường về quê tôi sao còn xa, quá xa

Đường vòng địa cầu chục ngàn dặm chẳng là bao

Đường trở lại còn đó giấc chiêm bao”.

 

Thời đó, quang phục quê hương là ước mơ của bao nhiêu người nặng lòng với đất nước. Tuy nhiên, phải chăng ước mơ phục hưng để hòa bình và tự do đến với  dân tộc Việt Nam mãi chỉ là giấc mơ thôi?

 

Với điệu nhạc từ nhẹ nhàng (slow) chuyển sang hùng mạnh thôi thúc (marche), NHA đã mượn lời của người trong nước gởi những lời nhắn nhủ chân tình đến với đồng bào của họ ở hải ngoại:

 

“Ai ra xứ người cho tôi nhắn lời sau

Nhắn thật nhiều và muốn nhắn cho mau

Muốn gởi triệu cây nến làm niềm tin

Đốt đầy đường xem ai mất ai còn…”

 

Hay tự hỏi lòng mình:

 

“Lời thề nguyền năm xưa tôi còn giữ

Lời dặn dò còn đó trong tâm tư”

 

NHA là một người có đầu óc quan sát và đa cảm nên nhạc của ông không những chỉ viết về tình yêu quê hương, cảm nhận thân phận của người dân trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, mà ông cũng là người nhạy cảm, lãng mạn để viết nên những bản tình ca với lời hát mượt mà, lãng đãng mà sâu lắng…

 

 

Nỗi buồn cung trưởng

 

Nhạc tình của NHA không chú trọng vào những ca từ quá sướt mướt. Tình yêu đôi lứa trong âm nhạc của NHA cũng không có cảnh quá thiết tha, ủy mị, chân chất như kiểu  “một túp lều tranh hai quả tim vàng”. Tuy nhiên, người nghe nhạc chắc hẳn sẽ cảm được những cung điệu da diết trong mọi bản tình ca, tuy rất nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa bên trong là những nỗi buồn sâu xa và thầm lặng.

 

Những khúc tình ca trong CD-3 như  Còn nỗi buồn, Nhớ những buổi chiều, Tình mê, Dư hương, Em là hoa  hay  Mưa đầu mùa…, là những bản tình ca với nỗi buồn cung trưởng tuyệt vời khi nó hướng người nghe nhạc đến những ngữ cảnh rất nên thơ của đôi lứa yêu nhau, nhưng đồng thời phải cũng phải gánh chịu bao nhiêu trắc trở.

 

Chẳng hạn Còn nỗi buồn là một bài hát được NHA sáng tác cùng với Nguyễn Văn Khâm vào năm 1980. Câu chuyện kể về chuyện tình buồn giữa hai người yêu nhau. Tuy yêu nhau nhưng cuối cùng đành xa nhau. Tất cả được tác giả gởi gắm qua những lời tâm sự như:

 

“Còn gì mai đây

Cách xa nhau rồi

Lòng vẫn yêu em biết bao ngày tháng

Nay khi sống nơi phương trời

Ngồi nhìn bâng khuâng tưởng đến

Những phút xa xưa bên nhau

Chỉ có nỗi sầu này thôi”

 

Thử hỏi trên thế gian có ai muốn phải chia lìa với người yêu, có chăng cũng chỉ vì hoàn cảnh đã đưa đẩy con người ta đến những bước đường mà họ không thể lựa chọn. Ở đây, tác giả đã tự đặt bản thân mình vào trong hoàn cảnh đó, hoặc đó cũng chính là tâm sự của tác giả, và rồi lời chia tay lại phải thốt ra. Quả thực, yêu sao được khi nước không còn, người dân bị theo dõi trong mọi hành động,  ngay cả sự suy nghĩ cũng bị kiểm soát, phải báo cáo “thu hoạch” thì còn  tâm trí đâu để có thể nghĩ đến chữ “tình”.

 

Hay trong một tác phẩm khác với tựa đề Tình mê, người nghe lại được thưởng thức câu chuyện tình rất nhẹ nhàng nhưng cũng không kém chất lãng mạn với những câu hát như:

 

“Tình yêu sao mong manh như tà áo em xanh

Tình yêu qua hôn mê nên tình về quên lối

Tình cho nhau đêm nay

Dìu bước chân tay trong tay

Tình ngủ say đưa nhau vào mộng mơ”

 

 

Đẹp nhạc đẹp lời

 

 

Trong mấy chục ca khúc được viết trong quãng thời gian chưa tới mười năm, Dòng Máu Việt Nam có lẽ là bài ca xuất sắc nhất của NHA viết về quê hương, xét về mặt ca từ lẫn giai điệu.

 

“Dòng máu chảy từ trong người” có phải là dòng máu của… “người Việt Nam máu đỏ da vàng”  đã trở thành sáo ngữ và không chính xác mà nhiều người quen dùng để diễn  tả sắc thái đặc trưng của người Việt Nam?

 

Thật ra,con người dù thuộc sắc dân nào cũng chỉ có duy nhất một loại máu màu đỏ (và chỉ có máu đỏ mà thôi), trong khi đó có gần hai tỉ người có da màu vànggiống Việt Nam như người Tàu, Nhật, Hàn v.v…

 

Chính bài hát  Dòng máu Việt Nam  đã cho người ta thấy tác giả Nguyễn Hồng Anh đã khéo léo sử dụng ngôn từ bình dân và rất chân thật, để diễn tả sắc thái rất đặc biệt của người Việt Nam:

 

Dòng máu chảy từ trong mẹ

Dòng máu chảy từ trong anh

Và trong chị là từng giọt máu, giọt máu anh em.

Dòng máu này hai tiếng quê tôi

Việt Nam ơi! tim quá bồi hồi

Máu dân mình vẫn còn tuôn rơi

Khúc ruột này mình còn chia đôi

Dòng máu chảy đất nước xanh xao

Chừng nghe ra hai tiếng đồng bào

Ôi lạ lùng đất nước tôi ơi…”

 

Đất nước Việt Nam quả là lạ lùng! Không lạ lùng sao được bởi có dân tộc nào trên thế giới gọi người cùng một nước là đồng bào?

 

Có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam chúng ta!

 

Vì thế ca khúc Dòng máu Việt Nam đã đưa người nghe trở về huyền sử lập quốc với chuyện Mẹ Âu Cơ và bào thai trăm trứng (đồng bào) qua thăng trầm lịch sử; con đứa lên non đứa xuống biển hay đi khắp bốn phương trời nhưng cuối cùng bầy chim (Lạc) vỗ cánh  bay về đất tổ cùng với tiếng trống đồng (Ngọc Lũ) vang lừng trong ngày hạnh ngộ của quê hương:

 

“Dòng máu chảy kìa sông dài

Từ biển rộng đồi non cao

Bầy chim Lạc từng đàn vỗ cánh

Trống đồng vang rền

Dòng máu chảy này phố thị

Rộn tiếng cười làng thôn ơi

Làm tim mình bừng bừng dòng máu

Dòng máu Việt Nam…”

 

Và ban hợp ca sẽ kết thúc bài hát bằng điệu nhạc rộn ràng hòa cùng tiếng sáo cao vút giục giã chúng ta nắm tay nhau trong ngày vui của đất nước, một đất nước thống nhất và toàn vẹn:

 

“Cùng ba miền mừng ngày hội lớn của nước Việt Nam”

 

Quả thực nếu Nguyễn Hồng Anh sinh ra trong một hoàn cảnh khác, dân tộc khác hoặc một thế hệ khác thì nhạc của ông sẽ không chất chứa nhiều bi hận đến vậy. CD 3- Hòa bình lừa dối  cùng với CD-2 Như người Việt Nam và CD-1 Của hồi môn, sẽ là vật chứng sống mà NHA sẽ để lại cho thế hệ sau, về một giai đoạn lịch sử thống hận của đất nước được viết bằng nhạc.

 

Để chúng ta chiêm nghiệm.

 

Để rồi chúng ta cùng nhau hướng đến tương lai.

 

Một bài viết thôi sẽ không thể tóm lược 36 ca khúc của Nguyễn Hồng Anh, vì không thể nào diễn tả hết được tâm sự của một người đầy nỗi niềm chất chứa. Tuy nhiên, tôi hy vọng đây là những lời cảm nhận của một người với tư cách được nghe tác giả kể lại, để từ đó có thể giúp người thưởng thức nhạc hình dung ra được những tâm sự sâu lắng của tác giả trong từng bài hát của ông, và rồi chúng ta sẽ nhìn lại dân tộc mình, tìm lại mình và nuôi một tia hy vọng là người Việt Nam sẽ có được một tương lai sáng lạn trên chính quê hương mình.

 

Tháng Tư  2014

HNL

 

 

Bìa CD-3. Trình bày: Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

 

* Danh sách ca  khúc, năm sáng tác và ca sĩ trình bày của CD-3, sẽ phát hành trong tháng này:

 

01. Hòa bình lừa dối (1977) – Nguyễn Hồng Anh

02. Il est temps de partir (1979) – Kim Ngân

03. Còn nỗi buồn (1980 với N.V.Khâm) – Tuấn Minh

04. Em đi về đâu (1976)- Diệu Hiền

05. Everybody wanna go away (1978) – Duy Tâm

06. Kiếp sau xin chớ làm người (1979) – Hạ Vân

07. Nhớ những buổi chiều (1976)- Nhật Huy

08. Tình mê (1976)-  song ca Triệu Lộc & Ngọc Khánh

09. Dư hương (1976)- Quang Minh

10. Của hồi môn (1976)- Thu Trang (riêng bài này thu âm lần thứ hai với giọng nữ và điệu nhạc khác)

11. Em là hoa (1976)-  Duy Tâm

12. Mưa đầu mùa (1976)- Hòa Mi

13. Ai ra xứ người (1984)-  Tuấn Minh

14. Dòng máu Việt Nam (1984-2012)-  Hợp ca

 

 

(Trích: báo in TiVi Tuần-san số 1462 phát hành ngày 2.4.2014)

 

 

 

—————————————————————————————————————-

* Mời nghe trước một đoạn ngắn (preview) 14 ca khúc của CD Hòa Bình Lừa Dối tại:

   Bấm > http://cdbaby.com/cd/hoabinhluadoi