Đêm AVEPA với giọng ca đẹp mang tên một loài hoa: Thủy Tiên

24 Tháng Ba, 2014 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Bài của Nguyễn Hồng Anh

 

 

Thủy Tiên trong ca khúc Để Gió Cuốn Đi. Hình: NHA

 

Một hôm Giáo sư Nguyễn Xuân Thu gởi điện thư hẹn gặp tôi tại tòa soạn có chuyện muốn nói với tôi. Tôi  nghe tên ông khoảng 30 năm trước nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau.  Tôi ngạc nhiên nhưng không hỏi ông muốn nói chuyện gì.

 

Ông trình bày với tôi về một dự án giúp giới trẻ Việt Nam ở Úc có cơ  hội thăng tiến để đóng góp cho cộng đồng Việt Nam tại Úc và xã hội nơi chúng ta đang sống qua việc thành lập quỹ học bổng có tên Australia Vietnam Education Promotion Association (AVEPA) cấp cho những sinh viên Úc gốc Việt xuất sắc.  Ông là một trong những người thành lập quỹ này, nhưng chủ tịch sẽ là Giáo sư David Beanland, người đã cùng với ông cách đây hơn một thập niên qua Việt Nam vận động mở trường đại học RMIT Quốc tế ở Sài Gòn và Hà Nội. Ông mong tôi với phương tiện truyền thông, góp bàn tay.

 

Giáo sư  Thu cũng cho biết ông sắp phát hành một cuốn hồi ký bằng tiếng Anh và tiếng Việt, và nói rồi tôi sẽ hiểu về con người của ông và tấm lòng của ông dành cho đất nước.  Tôi nói đây là công việc mang lại lợi ích cho cộng đồng, tôi sẽ hỗ trợ trong khả năng của mình.

 

Thủy Tiên hát và Hoàng Yến đệm đàn trong đêm ra mắt quỹ học bổng AVEPA. Hình: NHA

 

 

Cái duyên

 

Rồi một buổi trưa gặp nhau trên đường Victoria Street thuộc khu ngoại ô Richmond, Giáo sư Thu  nói trong buổi tiệc ra mắt quỹ AVEPA sắp tới, có ca sĩ Thủy Tiên nổi tiếng bên Việt Nam sang trình diễn và ông muốn mời tôi đến trình diễn nhạc của tôi. Tôi nói tôi chưa nghe tên ca sĩ Thủy Tiên và tôi sẽ suy nghĩ trả lời sau.

 

Rồi tôi nhận thêm điện thư cho biết ông đã nghe vài bản nhạc của tôi do tôi hát và những âm thanh lời ca đó làm ông nhớ lại những kỷ niệm buồn da diết của một quãng thời gian đã qua trong quá khứ do đó ông muốn mời tôi đến tham dự, góp tiếng hát và hy vọng tôi sẽ không thấy phí thời gian trong buổi họp mặt đó  bởi “phần lớn là những người có thể nghe nhạc của anh được”.

 

Chính câu cuối cùng đó làm cho tôi nổi hứng và nhận lời bởi đã từ lâu lắm tôi không đàn hát, nhất lại hát trước công chúng. Thì cứ hát thử cho đời thêm vui và xem cảm giác như thế nào. Tôi cho biết sẽ hát hai ca khúc– Thiền Sư Xuống Núi (trong bộ ba thiền ca của tôi: Thiền Sư Xuống Núi – Của Hồi Môn – Thiền Sư Lên Núi) và bài God Has To Know hát song ngữ.

 

Nhận được tờ chương trình vài ngày trước buổi tiệc, tôi lên mạng để tìm hiểu ca sĩ Thủy Tiên sẽ hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn trong đêm đó là người như thế nào. Thoạt đầu tôi thấy có ca sĩ Thủy Tiên vợ của cầu thủ bóng tròn nổi tiếng Công Vinh, nhưng cô này hát toàn nhạc mới tôi chưa bao giờ nghe. Tôi nghĩ đây không phải là Thủy Tiên nổi tiếng mà Giáo sư Nguyễn Xuân Thu nói.

 

Tôi tìm ca sĩ sẽ hát bài  Xin Cho Tôi mở đầu trong buổi tiệc và bắt gặp một ca sĩ Thủy Tiên có giọng hát hay, dáng đẹp thướt tha trong chiếc áo dài nhưng có cái gì đó gây sự chú ý của tôi ở miệng của cô. Tôi tò mò tìm nghe thêm bài hát Để Gió Cuốn Đi  hầu  nhìn rõ hơn và thấy người ca sĩ có khuyết tật ở miệng.

 

Bởi người ca sĩ có giọng hát hay này lại là người sẽ trình diễn với tôi đêm đó, nên tôi muốn tìm hiểu thêm để có thể viết bài sau này và qua một chương trình truyền hình có tên “Người đương thời: ca sĩ khuyết tật Thủy Tiên”, tôi đã bị cuốn hút với câu chuyện cảm động và nghị lực phi thường của cô gái này, đồng thời lại được biết thêm về một phụ nữ khác sẽ trình diễn trong đêm đó là cô Võ Thị Hoàng Yến, cũng là một nhân vật có khuyết tật và nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.

 

Tứ ca từ trái: Hoàng Yến, Thủy Tiên, Đinh Hương và Cao Hoàng trong một ca khúc của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Hình: NHA

 

 

Tập hát trong cái lu: Demosthenes thời nay

 

Thủy Tiên,  tên đầy đủ là Tô Thị Thanh Thủy Tiên,  sinh ra trong một gia đình nghèo có tám anh em. Mồ côi cha từ bé và bị mắc chứng bệnh lở loét miệng từ ba bốn tuổi làm thủng má, miệng và môi. Bệnh có tên gọi dân gian là “cam tẩu mã”, có nghĩa là bị tổn thương nhanh như ngựa chạy. Căn bệnh này phát sinh ở những vùng nông thôn nghèo, thiếu vệ sinh và ở những trẻ em sáu bảy tuổi.

 

Theo Tiến sĩ Phạm Dương Châu, bác sĩ giải phẫu tạo hình ở Việt Nam,  ngày nay bệnh này không còn nữa nhưng còn những di căn ở những người thuộc lớp tuổi khoảng ba mươi, bởi họ sinh ra trong “hoàn cảnh khó khăn của đất nước”. Ông cũng cho Thủy Tiên biết với khoa học kỹ thuật hiện nay, vẫn còn rất khó để làm cho Thủy Tiên có khuôn mặt như người bình thường. Cũng trong chương trình đó, khi được hỏi nếu được lựa chọn giữa có khuôn mặt đẹp và giọng hát hay, cô chọn cái nào, Thủy Tiên trả lời không đắn đo rằng cô sẽ chọn giọng hát hay, vì với giọng hát cô sẽ giúp ích cho đời.

 

Theo lời Thủy Tiên kể trong chương trình, vì ở nhà quê, khi thấy những vết thâm tím nổi lên ở môi con gái,  bà mẹ đã nghe thiên hạ chỉ bảo đi thầy lang, trị bệnh bằng đắp lá vào miệng và khi miệng bị lở loét tạo một khoảng trống thì bà mẹ mới hoảng hốt đưa vào bệnh viện.

 

Sau này, cô đã phải trải qua gần một chục cuộc giải phẫu, cắt vá rất đau đớn. Cuộc giải phẫu lớn nhất vào năm cô học lớp 9 đã giúp khuôn miệng đầy hơn như ngày hôm nay,  nhưng  hai cuộc giải phẫu cuối cùng cũng đã chẳng thay đổi được diện mạo.

 

Tuổi nhỏ Thủy Tiên sống bình thường như mọi đứa trẻ khác, tham gia các sinh hoạt trong nhà thờ, trường học. Cô là một học sinh giỏi. Chỉ khi lớn lên va chạm với cuộc sống thì mới thấy khuyết tật của mình là một nhược điểm, chạnh lòng với những câu nói khiếm nhã của người ta.

 

rên 200 quan khách tham dự buổi tiệc ra mắt quỹ học bổng AVEPA. Hình: NHA

 

Cô cũng kể tâm trạng của một người con gái tuổi đôi mươi trước những chàng thanh niên, khi chạy xe  ngoài đường có người con trai gọi thì với bản tính tự nhiên của người con gái, cô ngoái đầu lại và  sự thay đổi đột ngột trong ánh mắt của người thanh niên kia làm cho cô tủi lòng nhưng cô không trách họ vì đó là phản ứng bình thường. Sau này cô tránh không quay đầu lại khi có tiếng con trai chọc ghẹo sau lưng mình.

 

Từ bậc tiểu học Thủy Tiên đã đôn đáo phụ mẹ buôn bán vặt. Lên bậc cao đẳng,  cô đã bỏ học giữa chừng khi đang là sinh viên năm thứ hai vì gia đình khó khăn, ông bố dượng lại qua đời, do đó Thủy Tiên phải đi làm phụ mẹ giúp anh em ăn học để có tương lai khá hơn, nhất là lo cho đứa em gái út.

 

Lần đầu tiên đi làm ở một quán cà phê, cô đã nếm mùi kỳ thị vì chủ nhân đã trả lương thấp hơn lương hứa ban đầu bởi họ coi cô là người có khuyết tật dù cô làm việc cũng giống hay còn nhiều một nhân công bình thường.

 

Cô cũng đã phải làm nhiều việc khác nhau và những lúc thất nghiệp hàng tháng trời, đã trốn em gái mình cho đến khi kiếm được ít tiền mời dám về nhà thăm em. Với kinh nghiệm kỳ thị này, cô xin mọi người hãy đánh giá con người bằng khả năng của họ chứ không qua hình dáng bên ngoài.

 

Giáo sư  Lê Thảo và cô Đặng Thị Hương

 

Từ nhỏ Thủy Tiên đã tham gia sinh hoạt văn nghệ ở trường và nhà thờ. Cô phát hiện khả năng hát của mình  lúc 10 tuổi khi cúi đầu hát nghêu ngao trong cái lu và nghe tiếng vọng lại rất hay.  Cô đã bỏ nhiều năm để luyện giọng nói và tiếng hát của mình trong cái lu. Việc luyện giọng trong lu của Thủy Tiên có thể làm cho người ta nhớ câu chuyện nhà hùng biện Demosthenes vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên có tật nói lắp,  đã ra biển luyện giọng bằng cách ngậm sỏi  trong miệng để nói trước sóng biển và sau đó trở thành một nhà hùng biện lỗi  lạc của cổ Hy Lạp.

 

Thủy Tiên nói khó nhất là khi phát âm những chữ như “hoan, hô” bởi miệng phải tròn để giữ hơi. Một người bị khuyết tật miệng, nói cho nghe được đã là khó huống gì hát.  Uốn giọng và nhả chữ cho tròn quả là một chuyện cực kỳ khó. Nhưng với quyết tâm vươn lên, Thủy Tiên thành công qua việc chiếm được giải ba trong một cuộc thi karaoke của thành phố trong đó có nhiều ca sĩ đã tốt nghiệp ở các nhạc viện. Thủy Tiên cũng đã đoạt giải nhất “Hội quán những người yêu nhạc Trịnh 2004”.

 

Câu chuyện của Thủy Tiên đến tai cô Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển có tên Disability Research and Capability Development (viết tắt DRD) nên cô Hoàng Yến đã giới thiệu  Thủy Tiên lên một chương trình truyền hình. Năm 2010, Thủy Tiên được cô Hoàng Yến mời làm quản lý cho hội quán DRD được gọi bằng tiếng Việt là Đời Rất Đẹp, một nơi mà những người khuyết tập có dịp tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng, tham dự những hội thảo chuyên đề để người khuyết tật tự tin và hòa nhập với cộng đồng.

 

Hiện tại, ở Việt Nam Thủy Tiên là một trong những người hát nhạc Trịnh Công Sơn hay nhất. 

 

Trong đêm Thứ Sáu tuần qua, Thủy Tiên đã chứng tỏ cho thính giả ở Melbourne  thấy khả năng hát của cô với giọng ca đẹp, làn hơi mượt mà, phát âm chữ rất tròn, rõ dù miệng của cô bị khuyết tật.

 

Tác giả bài viết đang trình bày hai ca khúc của mình

 

Cô Hoàng Yến cũng là một người bị khuyết tật ở chân sau một cơn sốt bại tê liệt năm ba tuổi. Cô gái phải di chuyển đi bằng nạng, ngồi xe lăn nhưng đã vươn lên khỏi khuyết tật của mình để lấy bằng cử nhân ở Việt Nam, bằng cao học ở Mỹ rồi trở về nước mở ra trung tâm giúp đỡ những người bị khuyết tật để họ có cuộc sống như một người bình thường.

 

Cách đây hai tháng, Hoàng Yến sang Melbourne để theo học bậc tiến sĩ tại Đại học La Trobe với học bổng 4 năm. Thủy Tiên cùng đi theo với Hoàng Yến với tư cách là người chăm sóc (care giver). Nhờ vậy, họ có dịp làm quen với khán thính giả ở Melbourne.

 

Trong đêm ra mắt quỹ học bổng AVEPA tới Thứ Sáu tuần qua, Hoàng Yến đã cầm đàn đệm nhạc và hát song ca với Thủy Tiên trong một vài ca khúc, cũng như hát tốp ca với anh Cao Hoàng và cô Đinh Hương.  Hoàng Yến chơi guitar hay và có giọng hát ngọt, quả là một người có nhiều tài năng. Dù đôi chân của cô yếu ớt, không đứng được nhưng cô đã đi nhiều nơi trên thế giới, tham gia các hội nghị, thuyết trình và nhận được nhiều giải thưởng.

 

Các ca sĩ, quan khách và ban tổ chức trên sàn nhảy

 

Cũng hiện diện trong buổi tiệc có cô Đặng Thị Hương, một học sinh nghèo phải đi làm osin (người giúp việc) lúc 13 tuổi sau đó học các lớp bổ túc rồi được nhận vào làm việc cho KOTO năm 2006 và học những kỹ năng về dịch vụ nhà hàng của tổ chức này. Năm 2012 sang Melbourne học cao đẳng về Quản trị Kinh doanh tại Học viện Box Hill, cô Hương được giải thưởng của Thủ hiến Victoria năm 2013. Thành tựu này là ngoài ước mơ của một cô gái nhà nghèo, nuôi mẹ bệnh hoạn.

 

Ba người phụ nữ từ Việt Nam là khách đặc biệt của buổi ra mắt quỹ học bổng Úc-Việt AVEPA.

 

 

Cần sự hỗ trợ

 

Mở đầu buổi tiệc ra mắt quỹ học bổng AVEPA, Giáo sư David Beanland, AO,  cho biết học bổng AVEPA có mục đích ươm mầm những người Úc gốc Việt để họ trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc trong mọi lãnh vực. Quỹ học bổng AVEPA là một phần hoạt động của tổ chức AVEPA (có thể tìm hiểu thêm bằng viếng mạng www.avepa.org.au).

 

Giáo sư  David Beanland

 

Giáo sư Beanland còn cho hay AVEPA cũng có một tổ chức kết nghĩa ở Việt Nam có tên Quỹ Học Bổng Việt-Úc (Viet-Aus Fund), là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, cam kết cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc mang quốc tịch Việt Nam đến học tại các đại học Úc.

 

Ông cho biết mục tiêu đầy tham vọng của AVEPA là mỗi năm có được quỹ $500,000 đô la bằng cách vận động từ mọi nguồn và hy vọng sau buổi ra mắt này, quỹ sẽ tiếp tục nhận thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng Việt Nam. Mọi đóng góp trên $2 sẽ được trừ thuế.

 

Xơ Marie Kehoe (phải), giám đốc AVEPA,  đọc lời cám ơn với sự thông ngôn của một nữ tu Việt Nam

 
Một người có sự đóng góp tích cực cho quỹ học bổng này là nữ tu Marie Kehoe, AM, với tư cách là giám đốc của AVEPA. Xơ 
Marie nguyên là Giám đốc Học xá Mercy của Đại học Công giáo Úc (ACU).

 

 Giáo sư Nguyễn Xuân Thu cho biết có trên 200 khách tham dự trong đó khoảng 60 người Úc thuộc các tổ chức giáo dục,  y tế và của các công ty Úc. Cùng giúp vui trong buổi tiệc, có sự góp mặt của một số ca sĩ ở Melbourne, đặc biệt là phần nói chuyện bằng tiếng Anh về văn chương và thi phú  Việt Nam của Giáo sư  Lê Thảo, người đã có mấy chục năm dạy học ở Tasmania.

 

GS Nguyễn Xuân Thu (phải) lặng lẽ ở một góc bàn trong buổi ra mắt AVEPA

 

Buổi tiệc kéo dài đúng 3 tiếng đồng hồ, chính thức chấm dứt bằng lời cám ơn của Xơ Marie Kehoe đến quan khách tham dự tiệc và những người đã đóng góp cho buổi ra  mắt AVEPA.

 

Sau đó một số người ở lại tiếp tục nghe nhạc và khiêu vũ do ban nhạc một người của anh Đinh và ca sĩ thân hữu trình diễn, vui chơi trong đêm đầu cuối tuần của một ngày đẹp đầu thu.

 

(Trích báo in TiVi Tuần-san số 1460 phát hành ngày 19.3.2014)