QUỲNH HƯƠNG: tâm hồn đa cảm trong thế giới ảo và thật

26 Tháng Hai, 2014 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

 

 

Quỳnh Hương

 

 

Lưu Trần Quỳnh Hương là một người sống hết mình với văn thơ trong cả hai thế giới: ảo và thật. Trong thế giới thật, Lưu Trần Quỳnh Hương được biết đến khá nhiều trong những sinh họat thơ văn tại miền nam California là nơi cô cư ngụ từ lâu.  Nhất là từ khi cô chiếm được một hạng cao cuộc thi viết về nước Mỹ do tờ Việt Báo tổ chức vào năm 2006. 

 

Ngoài ra là những sinh họat thường xuyên của cô trong những dịp ra mắt sách hay họp mặt giữa những người yêu chuông văn chương, thi phú.  Nhưng trong cái thế giới ảo rộng lớn của mạng lưới Internet vài năm trở lại đây, cái tên Quỳnh Hương ngắn gọn của cô đã trở nên rất quen thuộc trên những diễn đàn văn thơ và âm nhạc. 

 

Và chính sự kết nối với âm nhạc, những thi phẩm của Quỳnh Hương đã trở thành những ca khúc tình cảm nhẹ nhàng và mượt mà được phổ biến rất nhiều trên Internet, một thế giới ảo nhưng thật như Quỳnh Hương nhân định: “Ảo chỉ là phương tiện để quen nhau trên internet cho được gần gũi hơn. Rồi sau đó gặp nhau ở ngoài thì  thành thật… Em nghĩ ảo với thật không có khác biệt gì cả.  Chỉ là phương tiện để trao đổi e-mail hoặc trao đổi thơ, văn, nhạc trên đó mà thôi”.

 

Mang họ Lưu của bố, tên đệm theo họ mẹ là Trần, Quỳnh Hương đã tỏ ra say mê chữ nghĩa và văn nghệ từ thời trung học khi theo học trường Thánh Mẫu, sau khi xong bậc tiểu học tại các trường Saint Paul và Thiên Phước.  Trong suốt những năm trung học, Quỳnh Hương đều tích cực tham gia vào những họat động về báo chí và văn nghệ trong trường. Đến khi xẩy ra biến cố tháng 4/75, cô đã cùng mẹ và người em gái rời Việt Nam rất sớm, ngay từ ngày 22 tháng 4 từ tòa Đại Sứ Mỹ.

 

Năng khiếu về văn thơ và nhất là bản tính lãng mạn của Quỳnh Hương được nhận thấy từ khi cô mới khoảng 13, 14 tuổi, khi truyện ngắn đầu tay  của cô viết về cuộc gặp gỡ đầu tiên trong mối tình học trò của mình được đăng trên tờ Tuổi Hoa, một tờ báo dành cho lứa tuổi được gọi là lứa tuổi thích ô mai vào thời đó. 

 

Thật sự  Quỳnh Hương muốn làm thơ, nhưng cảm thấy khó khăn hơn nên đã bước vào lãnh vực văn trước. Nhưng bây giờ làm thơ đối với cô đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh họat thường ngày.  Thơ đi theo từng tâm trạng vui buồn của cô, thơ đi theo những quan sát và ghi nhận của cô đến từ những câu chuyện được nghe, được thấy…

 

Tóm lại, những gì khiến tâm hồn cô rung động sẽ khiến những vần thơ bộc phát ra một cách rất tự nhiên và thành thật. Quỳnh Hương coi đó là một sự giải bầy những cảm nghĩ của cô, một cách tự nhiên và không bị gò bó…

 

Nhưng đặc biệt là cô hướng về những biến chuyển tâm tình hiện tại hơn là những gì đã thuộc về quá khứ.

 

Điển hình như có lần cô nhìn qua cửa sổ ở sở làm khi nghe tin bão sắp tới Houston, nên đã xúc cảm viết thành bài thơ Một Ngày Nhìn Qua Cửa Sổ. Và bài thơ này, đã được một nhạc sĩ ở Paris là Nguyễn Minh Châu phổ nhạc dưới cùng đề tựa và do Hương Giang trình bầy.

 

Tâm hồn nhậy cảm, đúng hơn là đa cảm của Quỳnh Hương vì thế đã khiến số lượng sáng tác của cô trở nên dồi dào và phong phú.  Điểm đặc biệt nơi những bài thơ ký tên Quỳnh Hương hình như có một sự kết nối sẵn với âm nhạc qua những vần điệu và ngôn từ nên từ vài năm nay rất nhiều thi phẩm của cô đã được không ít nhạc sĩ sọan thành ca khúc.  Nói một cách khác, họ đã âm nhạc hóa những thi phẩm của Quỳnh Hương.

 

Quỳnh Hương: tâm hồn đa cảm trong thế giới ảo và thật

 

Cho đến nay có gần  200 bài thơ của Lưu Trần Quỳnh Hương đã trở nên những nhạc phẩm đặc sắc, được phổ biến rộng rãi trong thế giới ảo trên các nhóm sinh họat về văn, thơ và nhạc được nhiều người biết tới như Hồn Quê, Đặc Trưng, Bến Sông Mây, Việt Nhạc, Gạch Nối, Gia Đình M, vv… Chưa kể nhiều bài thơ của cô được phổ biến rất rộng rãi trên những “websites” về thi văn và nghệ thuật.

 

Những nhạc sĩ âm nhạc hóa thơ của Quỳnh Hương cư ngụ ở kháp nơi. Từ Singapore đến nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, từ Canada qua đến những quốc gia Âu Châu như Pháp, Đức, vv… Họ gặp nhau trên thế giới ảo và sau đó đã gặp gỡ nhau, sinh họat với nhau trong thế giới thật. Sự khác biệt giữa hai thế giới ảo và thật có chăng chỉ là việc thường xuyên tiếp xúc trao đổi trên mạng và việc ít gặp gỡ nhau ngoài thế giới thật do khoảng cách không gian, mỗi người ở mỗi nơi như Quỳnh Hương nhận xét…

 

Niềm đam mê thơ văn của Quỳnh Hương đã bị lắng lại một thời gian dài từ khi cô đến Hoa Kỳ và cư ngụ tại San Francisco vì vướng mắc công ăn việc làm trong những năm đầu lưu vong. Cho đến khi dời xuống Orange County, nam California trong thời gian thân phụ và một người anh của cô sang đến Mỹ đoàn tụ vào năm 1983, Quỳnh Hương mới cầm bút lại.  Nhưng vào thời kỳ này cô chỉ viết cầm chừng, như một thú tiêu khiển của một người có tâm hồn nhiều rung động.

 

Một thời gian sau, cảm xúc đến với cô càng ngày càng dạt dào khi Quỳnh Hương phải đương đầu trước kết quả đáng buồn trong lãnh vực tình cảm để cô cho ra đời nhiều bài thơ, đại đa số là những bài buồn day dứt mà cô đưa ra nhận xét thường là hay hơn những tác phẩm có nội dung khác…

 

Từ những năm đầu thập niên 90, để giải tỏa nỗi buồn của mình, Lưu Trần Quỳnh Hương theo lời kêu gọi của bạn bè thích thơ văn và nhạc, gia nhập vào những nhóm, những diễn đàn có chủ trương theo đuổi những nội dung trên…

 

Và cũng từ đó việc giao tiếp của cô càng ngày càng rộng lớn hơn trong cái thế giới ảo, với những cư dân say mê chữ nghĩa và âm nhạc như cô.  Ngoài ra Quỳnh Hương còn đóng góp thơ văn của mình cho một số đặc san và thi tập như Phụ Nữ Việt, Văn Đàn Đồng Tâm, Thi Tập Tình Thơ Áo Trắng, Thi Tập Hoa Nắng, Thi Tập Những Đóa Quỳnh Hương, Đặc San Bến Sông Mây, vv…

 

Bến Sông Mây là một nhóm được thành lập trên Internet gồm nhiều người yêu thơ văn và âm nhạc. Vào tháng 6 năm 2008 vừa qua, nhóm này mà Quỳnh Hương là thủ quỹ, đã tổ chức một buổi họp mặt trong thế giới thật tại Orange County với sự tham dự của hàng chục người từ nhiều nơi kéo về, đa số trước đó chỉ quen biết nhau qua thế giới ảo! 

 

Cái vui trong những sinh họat của thế giới ảo là như vậy vì thường tìm dịp thuận tiện để tổ chức những buổi gặp gỡ, họp mặt ở ngòai đời thật. Lúc đó thế giới ảo đã trở nên thế giới thật để tạo nên những niềm giao cảm thân tình.  Không gian rộng lớn của thế giới ảo thật sự đã khiến mọi người trở nên gần gũi mặc dù không ít người chưa từng gặp mặt nhau bao giờ.  Nhưng một khi có dịp gặp nhau sinh họat trong thế giới thật, tình cảm đó lại trở nên thân thiết dễ dàng hơn vì cảm thấy đã quen nhau từ lâu.  

 

Quỳnh Hương đã ở trong nhiều trường hợp như vậy.  Như cô có lần sang Paris tham dự những buổi sinh họat của một nhóm mang tên Gia Đình M, gồm nhiều người yêu nhơ văn và nhạc mà cô đã được giới thiệu qua mạng internet.  Cô đến với Gia Đình M trong thế giới thật ở Paris và đã được đón tiếp như một người thân quen từ lâu. Trưởng nhóm này là nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu và trong số nhóm viên, người ta nhận thấy có vài tên tuổi quen thuộc trong giới ca nhạc như  Jazzy Dạ Lam (ca sĩ ở Đức), Thụy Mi (ca nhạc sĩ ở San Diego), vv…

 

Ngoài ra còn có một số người khác rất hăng say trong lãnh vực nghệ thuật như Mỹ Ngọc, Tuyết Dung, Mộng Trang, Ngọc Hân, Bảo Trân, Thái vũ, vv… Trưởng nhóm Gia Đình M là nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu cũng là người đã từng phổ khá nhiều bài thơ của Quỳnh Hương thành ca khúc.  Ngoài ra Quỳnh Hương còn là người viết lời cho một số nhạc phẩm của anh, trong số có Mơ Hoang là bài đầu tiên. Mơ Hoang đã được Jazzy Dạ Lam hòa âm, đàn piano và hát ngay tại nhà Nguyễn Minh Châu ở Paris trong một buổi họp mặt của nhóm Gia Đình M có Quỳnh Hương tham dự.

 

Là một người  không có căn bản nhạc lý, nhưng từ khi được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của mình, Quỳnh Hương đã chịu khó học nhạc “on line” qua sự hướng dẫn của một số nhạc sĩ quen biết trên mạng. Sau một thời gian, cô đã tạo cho mình được một số vốn liếng căn bản để có thể đọc được những nhạc phẩm phổ thơ cần đến ý kiến của cô trước khi hoàn chỉnh.

Quỳnh Hương cho biết cô đã rất bất ngờ khi một bài thơ của cô được nhạc sĩ Võ Tá Hân ở Singapore là người đầu tiên phổ thành ca khúc. Đó là bài thơ  Rồi Chiều Nay do Quỳnh Lan trình bầy trên một CD của Võ Tá Hân.

 

Sau khi nhạc phẩm này được phổ biến, nhiều nhạc sĩ khác đã tìm đến với những thi phẩm của Quỳnh Hương để phổ thành ca khúc.  Trong số có nhạc sĩ Thanh Trang – tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Duyên Thề-  đã cảm tác từ bài thơ Tôi Muốn Hỏi của Quỳnh Hương để sáng tác thành Bài Tình Ca Trong Chiều. Và nhạc phẩm này đã được trình bầy qua giọng hát của nữ danh ca Mai Hương.

 

Một lần nữa, Quỳnh Hương cũng rất nhạc nhiên khi được biết nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng đã phổ nhạc từ một bài thơ của cô mang tựa đề Mơ Trên Phím Đàn mặc dù cô chưa từng quen biết người nhạc sĩ này là tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Gọi Người Yêu Dấu.  Cô chỉ gửi bài thơ cho một diễn đàn trên internet, nhưng không ngờ đã được nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm để ý để phổ nhạc để sau đó cô mới được người em của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm là Vũ Trung Hiền cho biết vào tháng 3 năm 2008 vừa qua.  Và cũng chính Vũ Trung Hiền là người trình bầy nhạc phẩm này, do nhạc sĩ Thanh Trang hòa âm.

 

Ngoài những bài thơ được phổ nhạc của mình, Quỳnh Hương với lối hành văn nhẹ nhàng, nhiều lôi cuốn và một nội dung sâu sắc nên đã được nhiều nhạc sĩ sáng tác đề nghị viết lời cho những nhạc phẩm của mình, như giáo sư piano Hồng Anh ở Paris hay Thái Vũ ở  Dallas là người cô viết chung lời cho gần 20 bản nhạc. 

 

Thêm vào những bài thơ được phổ nhậc và những lời ca là những đoản văn, những tùy bút với cách hành văn cũng như những tư tưởng lúc thì thơ mộng, nhẹ nhàng; khi thì dí dỏm, duyên dáng và đôi khi tinh nghịch rất “Bắc Kỳ” cùng với nhiều thi phẩm của cô cũng gây được nhiều chú ý trên  một số diễn đàn về thơ văn cũng như trên một số tờ báo như: Chí Linh, Phụ Nữ Diễn Đàn, Người Việt Utah.

 

Như đa số những nghệ sĩ sinh họat trong thế giới ảo là những người có công ăn việc làm ổn định ngoài đời thường, Quỳnh Hương cũng rất bận bịu vối công việc là một CPA của cô.  Nhưng cũng như mọi người khác, Quỳnh Hương luôn coi những gì mình thực hiện được trong lãnh vực nghệ thuật là một  “hobby” lành mạnh, mang lại cho tâm hồn những khoảng khắc thoải mái, nhẹ nhàng.

 

Mặc dù nhận được đề nghị bảo trợ từ nhiều người, nhưng Quỳnh Hương chưa hề nghĩ đến việc thực hiện những CD gồm những bài thơ của cô được phổ thành nhạc.  Cô ngại chen chân vào lãnh vực thương mại vì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn nghệ sĩ nhiều cảm xúc như cô.

 

Ngoài những sinh họat trong phạm vi nghệ thuật, Quỳnh Hương còn cùng với một số nhóm cô cộng tác như Gạch Nối, Bến Sông Mây, Phụ Nữ Việt, vv… thực hiện một số công tác từ thiện bằng phương tiện internet trên thế giới ảo như bảo trợ các trẻ em mồ côi bên Việt Nam, xây cầu khỉ ở miền Tây, giúp đỡ những người thiếu may mắn, vv…

 

Và như thế tâm hồn đa cảm của Lưu Trần Quỳnh Hương không những chỉ hương về sự rung động với các vần thơ, áng văn trong thế giới ảo.  Mà còn hướng về một thế giới thật, luôn cần sự chia sẻ và cảm thông…

 

Trường Kỳ (TVTS – số 1177)