Ca khúc NGUYỄN HỒNG ANH: một thời để nhớ! (tt và hết) – Bài của Hoài Nam

02 Tháng Chín, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

“Của hồi môn và Thiền sư xuống núi có lẽ là hai tình khúc hay nhất của NHA…” (NHA trong chuyến du lịch Thái Lan, năm 1990. Hình cung cấp)  

 

Những ca khúc điển hình…

 

Nhận xét những sáng tác của NHA, trước hết nói về hình thức, bởi vì anh cho biết “không qua một lớp học hay được ai hướng dẫn cả, cứ mò mẫm làm”, và sáng tác hoàn toàn theo hứng, cho nên chúng tôi cũng không thể đem khuôn vàng thước ngọc (hòa âm, cân phương, đối điểm, nhạc ngữ…) ra để đánh giá. Còn nói về cái “hồn” trong các ca khúc ấy, chúng tôi cho rằng nên để người thưởng ngoạn tự cảm nhận.

 

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu 5 ca khúc điển hình. Đó là 4 bản đã được đưa lên trang mạng YouTube, là Của hồi môn, Thiền sư xuống núi, Đêm đại dương, Dòng máu Việt Nam, và một bản mới thu âm xong là Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương.

 

Của hồi môn Thiền sư xuống núi có lẽ là hai tình khúc hay nhất của NHA. Cả hai bản đều được sáng tác khi còn ở Việt Nam, nhưng trong khi Của hồi môn (viết năm 1976, lúc mới biết yêu ?) được viết theo thể điệu “new wave” sôi động (cũng có thể hát theo điệu “swing”) với lời hát thật dễ thương, ngây ngô (cố tình?) thì Thiền sư xuống núi, viết một năm sau đó theo thể điệu “slow” khoan thai, lại nói về cái hệ lụy tất yếu ở đời thường mà ai cũng muốn bị (hay được) vương vào: tình yêu!

 

Còn hai bản thân phận ca Đêm đại dương Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương tuy đều được viết ở Trại tỵ nạn Galang, nhưng từ hình thức tới nội dung, cũng có sự tương phản. Đêm đại dương (1981) được viết theo thể điệu rumba – một thể điệu có sức diễn tả lôi cuốn, để nhớ lại 7 ngày đêm lênh đênh trên biển cả cùng với hơn 150 mạng người liều chết tìm tự do.

 

Còn Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương (1980) là sáng tác đầu tiên của NHA sau khi đặt chân tới Trại tỵ nạn Galang, với mục đích đóng góp cho buổi hội thảo “Trông Về Quê Mẹ” tổ chức vào ngày1/9/1980. Mặc dù NHA khiêm nhượng cho biết ca khúc này “được viết theo đơn đặt hàng”, nhưng theo chúng tôi, về hình thức, đây là ca khúc công phu nhất (mỗi đoạn được viết theo một thể điệu khác nhau), là khúc hát nặng tình quê hương nhất.  Hai chữ “quê hương” ở đây là tất cả – làng thôn xưa, thành phố cũ; bạn bè còn ở lại, cha ông đã nằm xuống, tuổi trẻ sẽ lớn lên; là quá khứ, là hiện tại, là tương lai; là vinh nhục, lỗi lầm, là tin yêu, hy vọng…

 

Còn Dòng máu Việt Nam, viết theo thể điệu “fox”, có thể xem là một bản du ca đúng nghĩa. NHA cho biết anh sáng tác bài này trong thời gian ngắn ngủi làm việc cho hãng xe hơi Holden vào khoảng năm 1984.

 

Công việc của NHA trong hãng là đóng gói các bộ thắng xe, một công việc khá nặng nhọc nhưng lại có những lúc rảnh rỗi khi chờ người kiểm phẩm (inspector) kiểm soát các bộ thắng trước đóng gói. Nhờ làm công việc này, có sẵn tờ giấy lớn trước mặt, một ngày nọ NHA đã viết sơ ca khúc Dòng máu Việt Nam trong hãng, và về nhà hoàn tất vào buổi tối hôm đó. Ca khúc này tương đối ngắn vì chỉ có một tiểu khúc (phiên khúc) và một điệp khúc, nhưng hát lên nghe rất “bắt”. Còn nhớ mỗi lần NHA trình diễn Dòng máu Việt Nam, nhà báo Hồ Công Lộ, một khuôn mặt rất quen thuộc trong các sinh hoạt cộng đồng, đều tấm tắc khen ngợi.

 

Vào tháng 8/2012, NHA đã viết thêm phiên khúc thứ hai (khi xem bản vẽ cổng chào Victoria Street Gateway  ở Richmond và liên tưởng tới tình hình biển Đông) cho ca khúc này, và sau đó đã tự mình trình bày để thu vào CD.

 

Cái hứng cuối mùa…

 

Nhưng tại sao sau gần 30 năm quên đàn hát để “chỉ lo làm ăn”, vào tuổi hơn “sáu bó”, phong độ chẳng còn bao nhiêu, NHA lại ca hát trở lại và thực hiện CD? Câu trả lời của anh thật ngắn gọn, nguyên văn: “cái hứng cuối mùa”!

 

Trở lại với năm 1981, vài tháng sau khi định cư tại Adelaide, NHA được người thân ở Mỹ gửi cho cuốn băng cassette “Siêu Âm 1” do Thanh Thúy thực hiện, trong đó có bốn ca khúc của anh là các bản Chuyện của tôi (do Thanh Thúy hát), Biển vắng (Vân Thanh), Sao ta còn ngồi đây (Hải Lý), và Còn nỗi buồn (Jeannie Mai, bản này NHA viết chung với em trai là Nguyễn Văn Khâm).

 

“Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương (1980) là sáng tác đầu tiên của NHA sau khi đặt chân tới Trại tỵ nạn Galang… về hình thức, đây là ca khúc công phu nhất (mỗi đoạn được viết theo một thể điệu khác nhau), là khúc hát nặng tình quê hương nhất.  (Vài góc hình ảnh khán thính giả trong đêm nhạc Thân phận ca của NHA  tại trại tị nạn Galang. Hình cung cấp)

 

Mặc dù ngạc nhiên, thích thú trước việc nhạc của mình được các ca sĩ nổi tiếng hát, NHA cũng lấy làm tiếc khi hai bản anh thích nhất là Hòa bình lừa dối Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương lại bị bỏ sót. Rồi trong bối cảnh lúc ấy (khí thế và tâm trạng của người Việt tỵ nạn), thấy những bài nói về “thân phận” của mình lại được phát hành trong một cuốn băng nhạc khiêu vũ, NHA viết thư than phiền với Thanh Thúy, thì được người nữ danh ca này trả lời rằng việc chọn ca khúc là do nhạc sĩ Lê Văn Thiện – người trước kia ở Galang cùng thời với NHA và được anh tặng tập “Thân phận ca”. Đồng thời, Thanh Thúy cũng gửi tặng NHA mấy cuốn cassette.

 

Rồi ngày tháng qua đi, bận rộn với sinh kế, nhất là sau khi ra tờ TiVi Tuần-san, NHA đã hoàn toàn quên chuyện văn nghệ văn gừng của ngày trước, cả đến mấy cuốn cassette do Thanh Thúy gửi tặng cũng không còn giữ lại. Sau này khi rỗi rảnh, thỉnh thoảng nhớ lại ngày xưa mình cũng đã từng làm nhạc, có muốn cùng vợ nghe lại bốn bản trong băng cassette của Thanh Thúy cũng đành chịu. Mãi cho tới giữa năm 2012, khi lên Internet mới tìm và nghe được những bài hát của mình trên YouTube, được liệt vào thể loại nhạc “trước 1975”, có ghi tên ca sĩ, còn nhạc sĩ  thì không biết là ai.

 

Cũng vào giữa năm 2012, sau chuyến du lịch Ấn-độ, nhân viết bút ký về các di tích của Phật như  Bồ Đề Đạo Tràng, Vườn Lộc Uyển, NHA có “khoe” với độc giả rằng ngày xưa mình từng làm hai bản nhạc về thiền là Thiền sư xuống núi  (Thiền sư) Lên núi; sau đó một độc giả Phật tử đã điện thoại tới khen lời hát trong bài Lên núi, và hỏi tại sao không nhờ người thực hiện mấy bản đó. Từ đó, NHA bắt đầu có ý muốn phát hành nhạc của mình.

 

Tới một ngày nọ, một người đàn em ở Trường Chính Trị Kinh Doanh ngày xưa là Lê Phú đem tới tặng NHA cuốn CD anh vừa thực hiện và đã tổ chức ra mắt ở vùng Footscray. Qua câu chuyện trao đổi giữa hai người, Lê Phú rất ngạc nhiên khi biết ngày xưa NHA cũng viết nhạc, và nói NHA đưa cho anh một bản để nhờ người ta thực hiện thử xem sao. NHA trao bản Thiền sư xuống núi.

 

Khoảng một tháng sau, NHA nhận được bản đã thu âm. Nghe xong anh rất thích thú, đưa lên YouTube để thiên hạ nghe cho vui, và nhờ thực hiện thêm vài bài nữa. Càng nhận được các bài mới, anh càng thích thú và có ý định sẽ thực hiện một cuốn CD cùng với một cuốn hồi ký về nghề làm báo để ra mắt vào năm 2015, nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày mất Sài Gòn và kỷ niệm 30 năm ngày ra mắt TiVi Tuần-san.

 

Nhưng cứ mỗi bài được thu âm xong, NHA lại thêm hứng thú, mà anh gọi là “cái hứng cuối mùa”, nên anh đã chuyển ngữ mấy bản viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Việt, rồi cho thu âm cả hai thứ tiếng. “Thừa thắng xông lên”, NHA lần lượt cho thu tất cả những bài đã làm ngày xưa, quyết định sẽ thực hiện ba cuốn CD, mỗi năm ra mắt một cuốn, hoặc sớm hơn chứ không đợi tới năm 2015 như dự trù lúc ban đầu.

 

Bên cạnh “cái hứng cuối mùa” của NHA, không thể không nhắc tới sự khuyến khích, cổ vũ tinh thần của người bạn đời. NHA cho biết sau khi nhờ thu âm bản Thiền sư xuống núi, chính vợ anh đã gợi ý việc thực hiện CD, và sau đó đã “hộ tống” chồng tới studio để thu bản Dòng máu Việt Nam. Gần đây, khi không tìm được ca sĩ có giọng thích hợp để hát bản Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương, cũng chính bà vợ của NHA đã khuyến khích chồng “tới luôn”, dù anh tự cho rằng mình “không còn hơi nữa”!

 

“Bên cạnh ‘cái hứng cuối mùa’ của NHA, không thể không nhắc tới sự khuyến khích, cổ vũ tinh thần của người bạn đời…” (Vợ chồng NHA, Kew Studley Park, năm 2013. Hình cung cấp)

 

 

Thay lời kết:

 

Vẫn biết mỗi người trong chúng ta yêu âm nhạc theo cách cảm nhận của riêng mình, và yêu với một mức độ khác nhau, nhưng theo lẽ thường, những người viết nhạc, nhất là viết nhạc không vì cơm áo, phải có cảm nhận sâu sắc hơn, say mê hơn. Cho nên có thể kết luận, 30 năm không hát, không cầm đàn, không có nghĩa là tình yêu âm nhạc đã chết trong lòng NHA. Nó chỉ tạm vắng bóng, và nay đã trở lại.

 

Một trong những điều mâu thuẫn trong kiếp nhân sinh là khi còn ở tuổi thanh xuân, người ta luôn mơ ước, khát khao một tương lai huy hoàng rực rỡ, để rồi tới mùa thu của cuộc đời, lại có khuynh hướng hoài niệm tuổi thanh xuân đã qua, đã mất. Sự hoài niệm ấy đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc bâng khuâng hay nỗi hối tiếc muộn màng là tùy thuộc tuổi thanh xuân ấy là một thời để nhớ hay chỉ là một quá khứ đáng vùi quên.

 

NHA cho biết anh đã cảm nhận được niềm hạnh phúc khi nhớ về. Và, nguyên văn lời anh, “nếu hứng đến, tôi có thể sẽ viết thêm một hoặc hai bản chiêm nghiệm cuộc đời, như là ‘chung khúc’ của một kiếp nhân sinh trên cõi đời này”.

 

Hoài Nam

 

Melbourne – Đông Chí 2013

 

Các ca khúc của Nguyễn Hồng Anh

 

Tại Sài Gòn:

 

01. Em là hoa (1976)

02. Cứ yêu em (1976)

03. Nhớ những buổi chiều (1976)

04. Tình mê (1976)

05. Mưa đầu mùa (1976)

06. Dư hương  (1976)

07. Của hồi môn (1976)

08. Em đi về đâu (1976)

09. Xuân Ly (1977)

10. Thiền sư xuống núi (1977)

11. (Thiền sư) Lên Núi (1977)

12. Nhớ nhớ thương thương (1977)

13. Nghe về nỗi nhớ (1977)

14. Chuyện của tôi (1977)

15. Giấc mơ bên sông (1977)

16. Sao ta còn ngồi đây (1977)

17. Hòa bình lừa dối (1977)

18. Everybody wanna go away (1978)

19. Come to me baby for the last time (1978)

20. Round and round the world (1979)

21. The caged bird (1979)

22. Boat people dance (1979)

23. God has to know (1979)

24. Il est temps de partir (1979)

25. Kiếp sau xin chớ làm người (1979)

 

Tại trại tị nạn Galang:

 

26. Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương (1980)

27. Còn nỗi buồn (1980 với Nguyễn Văn Khâm)

28. Bao giờ cho quên (1981)

29. Biển vắng (1981)

30. Đêm đại dương (1981)

 

Tại Melbourne:

 

31. Đường về quê (1982)

32. Tôi hỏi tôi (1983)

33. Dòng máu Việt Nam (1984-2012)