Ca khúc NGUYỄN HỒNG ANH: một thời để nhớ! (kỳ 2)

26 Tháng Tám, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Hoài Nam

  

 

 Một thời nghệ sĩ với cây đàn: Từ Galang (NHA hát trong đêm Thân phận ca), trại chuyển tiếp Singapore (đứng giữa)…

 

… đến lễ hội đa văn Adelaide Festival (cầm đàn đứng giữa hát dân ca với hai em trai và hai người bạn trong tà áo dài), lễ hội đa văn trên đường Swanston Street giữa phố Melbourne (NHA đánh đàn tranh cho ban vũ Việt Nhi của CĐNVTD-Victoria trình diễn). Hình cung cấp

 

 

Tiếng hát tự con tim

 

 

Như chúng tôi đã viết kỳ trước, NHA bắt đầu sáng tác tình ca vào năm 1976, thời gian anh dạy thể dục thể thao ở trường Lê Bảo Tịnh.

 

Sáng tác đầu tay của anh là bản Em là hoa. NHA không cho biết “Em” ở đây là một nữ đồng nghiệp trẻ, một cô nữ sinh đang từ giã tuổi ô mai để bước vào tuổi dậy thì, hay chỉ là một người yêu trong trí tưởng. Chỉ biết sau khi viết bản này, anh đã hứng thú viết liên tiếp thêm bốn bản khác chỉ trong vòng một tháng, là Cứ yêu em, Nhớ những buổi chiều, Tình mê, Mưa đầu mùa.

 

Cũng trong năm 1976, NHA viết thêm các bản Dư hương, Của hồi môn, và vài bản khác nhưng sau này bản thảo bị thất lạc và anh cũng không còn nhớ để ghi lại.

 

Qua năm 1977, ngoài bản Xuân ly không hiểu vì đã có một bóng hồng khác trong tim, hay vì tư duy “thăng tiến”, hoặc chỉ đơn thuần vì tay nghề đã “đạt”, NHA viết tình khúc hay nhất của anh – ít nhất cũng là theo nhận xét của cá nhân chúng tôi – là Thiền sư xuống núi. Bản này cùng với (Thiền sư) Lên núi được anh cảm tác sau khi đọc cuốn Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse. Cũng trong năm 1977, NHA viết thêm các bản Nhớ nhớ thương thương, Nghe về nỗi nhớ.

 

 

Các phụ bản do các họa sĩ Nguyên Khai (bìa, hình trái) và Thượng Nhân (ruột, phải) thực hiện cho tập Thân phận ca. Hình cung cấp

 

Về thân phận ca, trong năm 1976, NHA chỉ sáng tác một bản duy nhất là Em đi về đâu. Phải đợi qua năm 1977, khi đã xin nghỉ dạy học vì bắt đầu chán chế độ và tìm cách vượt biên, anh mới sáng tác thêm các bản Hòa bình lừa dối, Sao ta còn ngồi đây, Chuyện của tôi, Giấc mơ bên sông, và sáng tác cuối cùng trước khi vượt biên là bản Kiếp sau xin chớ làm người (1979).

 

Về thân phận ca có lời hát bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, trong 2 năm 1978-1979, NHA đã sáng tác được 7 ca khúc, là các bản Everybody wanna go away, Come to me baby for the last time, Round and round the world, The caged bird, Boat people dance, God has to know, Il est temps de partir.

 

Mục đích của NHA khi viết 7 ca khúc này là để qua âm nhạc, trình bày cho người ngoại quốc biết thân phận và tâm trạng của người dân Việt nói chung, người vượt biên tỵ nạn nói riêng.

 

Trên đây là tất cả những ca khúc mà NHA hoặc mang theo khi vượt biên, hoặc nhớ được trong đầu và ghi xuống giấy sau khi tới trại tỵ nạn Galang, và trong thời gian vừa đặt chân tới Úc. Một vài bản mang theo khi vượt biên NHA chỉ ghi nốt nhạc chứ không ghi lời, vì sợ khi bị bắt lại mà có lời lẽ chống chế độ như thế sẽ ở tù mút mùa lệ thủy.

 

* * *

 

Sáng tác đầu tiên của NHA sau khi đặt chân tới Trại tỵ nạn Galang là bản Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương, viết để đóng góp cho buổi hội thảo “Trông Về Quê Mẹ”, tổ chức vào ngày 1/9/1980.

 

Ngoài ra, cũng trong năm 1980, NHA còn viết chung với người em trai Nguyễn Văn Khâm bản Còn nỗi buồn.

 

Bước qua năm 1981, NHA viết thêm các bản Đêm đại dương, Bao giờ cho quên, Biển vắng.

 

NHA đã tổ chức một đêm thân phận ca với các sáng tác của mình (lời Việt và Anh, Pháp) tại Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên. Người làm MC là nhạc sĩ (cựu Trung-úy Quân y TQLC) Trịnh Đắc Phúc, tác giả trường ca lịch sử Việt Nam Oai Linh Bất KhuấtTivi Tuần-san đã giới thiệu cách đây ít lâu.

 

Cũng trong đêm văn nghệ này, nhà văn Tưởng Năng Tiến, người cùng làm báo Tự Do với NHA, đã đọc truyện ngắn “Con chim sẻ” của anh.

 

Từ phải: Nguyễn Hồng Anh, Tưởng Năng Tiến (người thứ ba), Trịnh Đắc Phúc (thứ tư). Hình của Trịnh Đắc Phúc, chụp sau buổi trình diễn đêm Thân phận ca

 

 

Đầu tháng 4 năm 1981, chuẩn bị đánh dấu 6 năm ngày miền Nam VN đổi chủ, NHA thực hiện tập “Thân phận ca” gồm 20 ca khúc, trong đó có 6 bản có lời hát bằng tiếng Anh và 1 bản lời tiếng Pháp đã nhắc tới ở trên.

 

Trong việc thực hiện, NHA đã được Trung tâm Văn hóa và Huấn nghệ, Bán nguyệt san Tự Do (do Linh mục Gildo Dominici đỡ đầu) và tổ chức nhân đạo World Relief giúp đỡ phương tiện, hai họa sĩ Nguyên Khai và Thượng Nhân giúp vẽ bìa và phụ bản, mấy chú em giúp kẻ dòng nhạc và viết lời, quay roneo và đóng tập để hoàn thành vài trăm tập nhạc để tặng thân hữu và những người quen biết trong trại, trong số đó có nhạc sĩ Lê Văn Thiện, sau này định cư tại Hoa Kỳ.

 

Trong lời tựa của tập “Thân phận ca”, NHA viết:

 

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (N.D.)

 

Tất cả những người vượt biên hôm nay bằng đường bộ hay đường biển đều đã trải qua đoạn đường đắng cay đó. Đoạn trường của 5 năm đã làm thay đổi tất cả, đã biến con người thành giống không phải người. Bao nhiêu đắng cay tủi nhục đó đã khiến người dân Việt lần đầu tiên trong 4000 năm lịch sử vượt trùng dương đi tản mác khắp thế giới, bỏ quê cha đất tổ, bỏ lại vợ con anh em bạn bè, bỏ tất cả, ngay cả mạng sống của mình. Ước vọng tìm một cuộc sống cho đáng là người đã thể hiện trong câu nói đơn giản “nếu cột đèn biết đi, nó cũng đi”…

 

Tôi nghĩ rằng những gì tôi viết về cuộc sống của người Việt Nam sau năm 1975 cũng như cái thân phận bèo trôi của kẻ không nhà không cửa, của kẻ mất nước, mới chỉ mô tả được một phần nhỏ nào thôi.

 

Dù âm nhạc là một thứ ngôn ngữ quốc tế, tập 20 bản nhạc này vẫn có một số bài được viết bằng ngoại ngữ dành để hát cho người nước ngoài nghe với hy vọng họ sẽ dễ cảm nhận hơn.

 

Và tất cả chỉ là một ước mong, đúng hơn là một bổn phận  để cùng đóng góp với những đồng bào đang hướng về quê nhà, nơi mình còn để lại cả tấm lòng…

 

Còn trong tựa viết bằng tiếng Anh (Preface), NHA kết thúc như sau:

 

…For the time being, I want this 20-song  book titled “LET’S SING FOR OUR PLIGHT” published as a souvenir for my friends both Vietnamse and foreign in Galang Camp. For I have not had time and materials enough, I have not translated all Vietnamese songs into English.

 

I know I’d better ask someone to correct my English writings. But  it is the voice of my heart. So I let it speak and sing as it could.

 

Finally, please read this songbook and feel it by your heart.

 

Galang Refugee Camp, April 10, 1981.

 

NGUYEN HONG ANH

 

 

“Kiểm toán viên” kiêm “nhạc sĩ”

 

Tới đây, chúng tôi viết về công việc sáng tác của NHA và điểm qua một số ca khúc điển hình của anh. Thông thường, muốn sáng tác một ca khúc hay nhạc khúc, người ta bắt buộc phải có một căn bản nhạc lý tối thiểu, và riêng trong trường hợp viết ca khúc, cần có thêm chút trình độ ngôn ngữ để đặt lời.

 

Tuy nhiên trong trường hợp NHA, một người tốt nghiệp Chính trị Kinh doanh và ngày ấy hành nghề kiểm toán (auditor), thì nhà nhạc sĩ tài tử này không hề có một chút căn bản nào về sáng tác, mà, nguyên văn lời anh, “Tôi làm nhạc e cũng giống như tôi làm báo vậy, không qua một lớp học hay được ai hướng dẫn cả, cứ mò mẫm làm. Kinh nghiệm dạy và hướng dẫn mình”.

 

Một cách chi tiết, năm đang học lớp Ba trường làng và tập đàn mandoline, NHA được ông bố chỉ cho 7 nốt nhạc trong bản nhạc, rồi chỉ cho dấu giáng và thăng để đánh được những bài đơn giản.

 

Về ký âm, NHA cho rằng có lẽ anh đã học được ít nhiều trong năm lớp đệ Thất tại trường Thiên Hựu (Institute de la Providence de Hue), trong giờ dạy nhạc hàng tuần của nhạc sĩ Lê Quang Nhạc.

 

NHA và ban vũ Việt Nhi 10 em của Cộng Đồng NVTD-Vic do người bạn đời của anh hướng dẫn, trình diễn tại một lễ hội Moomba ở bờ nam sông Yarra (nay là khu thể thao). Hình cung cấp

 

 

Sau năm 1975, khi có ý định viết ca khúc, NHA chỉ dựa vào kinh nghiệm hát hò, nhìn mặt các bản nhạc, cách viết của các nhạc sĩ Việt Nam và tây phương, rồi theo đó mà bắt chước, để làm sao viết cho đúng một cách tương đối.

 

Vào thời gian bắt đầu sáng tác, NHA có dịp trao đổi với hai nhân vật tên tuổi trong làng nhạc: ông bác nhạc trưởng Trần Văn Lý và nhạc sĩ du ca Ngô Mạnh Thu.

 

Năm 1977, khi đã viết được một vài bản nhạc, trong một lần bàn về việc sáng tác với nhạc trưởng Trần Văn Lý, NHA nói rằng theo suy nghĩ của anh, viết nhạc đâu cần phải theo nguyên tắc, luật cân phương làm gì, tương tự ngày nay người ta làm thơ tự do, muốn viết sao thì viết theo hứng. Ông bác liền “lên lớp”: “Chú mi nghĩ sao, chứ đi xe đạp hai bánh chưa được mà đòi làm xiệc đi xe một bánh!”

 

Tiếp theo, trong một bữa cơm gia đình có mời nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu (đậu thủ khoa trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn), sau khi NHA hát cho Ngô Mạnh Thu nghe bản Mưa đầu mùa, nhà nhạc sĩ đã tỏ ra ngạc nhiên thích thú trước việc “một người học kinh doanh và dạy võ mà lại viết nhạc”.

 

Ngô Mạnh Thu nói đại khái: cảm hứng trong việc viết nhạc rất quan trọng, chỉ giỏi về nhạc lý mà không có cảm hứng chưa chắc đã làm nhạc hay, những người giỏi nhạc lý thường quá thận trọng và đấy là nguyên nhân cản trở họ sáng tác nhiều. Rồi nhà nhạc sĩ khuyên NHA khi nào có cảm hứng hãy ghi ngay xuống, rồi nếu cần, sẽ nhờ người giỏi nhạc xem, hay sửa lại (tuy nhiên, sau này NHA không bao giờ nhờ người khác kiểm lại những sáng tác của mình).

 

Nhờ nghe lời Ngô Mạnh Thu thay vì nghe lời ông bác nhạc trưởng khó tính của mình, sau đó NHA mới có được mấy chục ca khúc để “làm của”!

 

Tại các trường học Úc, NHA không những giới thiệu âm nhạc bằng đàn ca mà còn giải thích cho học sinh và thầy cô biết rằng ngôn ngữ Việt Nam tự nó là nhạc và mỗi âm thanh (với các dấu) làm cho một chữ có nghĩa khác nhau. Hình cung cấp

 

 

Cũng vào khoảng thời gian này, cuối thập niên 1970, NHA thỉnh thoảng đi nghe loại nhạc “phòng trà” ở bên Dakao, một nơi rất hiếm vào thời buổi ấy, có lẽ được ai đó đỡ đầu. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đàn piano cho quán nhạc. Có lần một người bạn của NHA nhờ ông đàn bản Thiền sư xuống núi để NHA hát cho anh ta nghe. Nguyễn Ánh 9 đàn rồi gật gù khen, và nói “tiếc rằng bây giờ không còn như ngày xưa”.

 

Lúc đó là thời gian NHA đang có hứng sáng tác mạnh nhất, và ôm mộng sau này trở thành người viết nhạc và đi hát.

 

Nhưng, tương tự trường hợp của đại đa số văn nghệ sĩ – dù đã thành danh hay mới tập tễnh vào nghề – sau khi được định cư tại đệ tam quốc gia, hoàn cảnh nơi xứ người và thực tế của cuộc sống mới không cho phép lấy văn chương nghệ thuật làm kế sinh nhai, cuối cùng, NHA cũng phải bỏ mộng theo đuổi nghiệp cầm ca.

 

Tất cả mọi hoạt động về ca nhạc của anh trong những năm đầu ở Úc chỉ mang tích cách thiện nguyện, phục vụ cộng đồng.

 

Khi mới tới thành phố Adelaide, Nam Úc, anh tham gia các đêm văn nghệ cuối tuần ở hostel dưới sự bảo trợ của Linh mục Nguyễn Đức Thụ; đi hát cho đồng bào ở vùng Whyalla và trong những lễ hội của người Úc ở Adelaide bằng nhạc của mình và dân ca bằng song ngữ.

 

Từ khi định cư tại Melbourne, NHA tham gia hầu hết mọi sinh hoạt của cộng đồng từ cuối năm 1981 cho tới cuối năm 1985; như  trình diễn trong các cuộc biểu tình, tham gia các chương trình văn nghệ đa văn, ở đường Swanston St (City), Bridge Rd (Richmond), ngày hội Moomba…, trình diễn dân ca với ban vũ Việt Nhi, giới thiệu ngôn ngữ và dân ca Việt Nam tại một số trường học Úc, v.v…

 

Những ca khúc như Rước Đèn Tháng Tám và Việt Nam Việt Nam được NHA ký âm bằng trí nhớ rồi chuyển lời để có thể hát bằng Anh ngữ. Hình cung cấp

 

Đặc biệt, trong thời gian làm việc tại trung tâm giữ trẻ ACACIA và làm phối trí viên cho chương trình nhân dụng của Cộng Đồng Người Việt Tự Do – Victoria, NHA đã soạn cho mỗi nơi một tập nhạc “Thiếu Nhi Ca” bằng cách sử dụng trí nhớ ký âm và ghi lời một số bài hát của thiếu nhi (vì thời đó chưa có phương tiện liên lạc với trong nước hay bên Mỹ); NHA đã chuyển lời một số ca khúc sang Anh ngữ, trong đó có bản Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy để có thể hát bằng tiếng Anh, và bài Rước đèn Tháng Tám bằng tiếng Anh mà các trường hiện nay đang sử dụng để hát cũng do công chuyển ngữ của NHA.

 

(còn một kỳ)