TRỊNH ĐẮC PHÚC và trường ca “Việt Nam Oai Linh Bất Khuất”

02 Tháng Bảy, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

MC Trịnh Đắc Phúc (góc trái) và Nguyễn Hồng Anh (góc mặt) tại Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên sau đêm nhạc “thân phận ca” – trại tị nạn Galang, Nam Dương (1980)

 

Như một sự vô tình trùng hợp, tuần qua LNĐ đang viết bài về việc “An Nam Quốc Vương” Trương Tấn Sang đi chầu “Thiên tử” Tập Cận Bình, thì được me-xừ  Chủ bút Nguyễn Hồng Anh “khoe” có người bạn vừa ra một CD chống Tàu Cộng, và gửi cho nghe thử, không quên kèm theo DVD của buổi ra mắt CD tại California hồi đầu năm nay.

 

CD ấy có tựa Trường Ca Lịch Sử VIỆT NAM OAI LINH BẤT KHUẤT, và tác giả là cựu Trung-úy Thủy Quân Lục Chiến TRỊNH ĐẮC PHÚC.

 

Điều đáng nói đầu tiên, đây không phải là một sáng tác mới trong khí thế “Hội Nghị Diên Hồng” sôi sục hiện nay, mà là một sáng tác viết trong lao tù cộng sản cách đây đã 37 năm.

 

Nhớ lại sau cuộc đổi đời tháng 4 năm 1975, LNĐ cũng chung một số phận với tác giả trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất và hàng trăm ngàn cựu quân nhân QLVNCH khác, bị đưa đi “học tập cải tạo” trong các trại tù lao động khổ sai của CSVN. Và trong khoảng thời gian 6 năm nói trên, LNĐ đã được sống chung với không ít bạn tù “nhạc sĩ” – chuyên nghiệp cũng như tài tử – những người đã ghi lại những thống khổ tuyệt vọng, gửi gấm những thương nhớ khôn nguôi, lên án những tàn độc của chế độ qua dòng nhạc lời hát. Trong số đó nổi bật nhất phải là nhạc sĩ Xuân Điềm, người sau này ra hải ngoại đã thành lập một ban “Tù Ca” để phổ biến những “tù khúc” của mình và nhiều tác giả khác.

 

Trịnh Đắc Phúc cũng sáng tác trong thời gian bị “học tập cải tạo”  nhưng tác phẩm của anh mang một chủ đề khác: lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt.

 

Trước khi viết về tác phẩm, xin có đôi dòng về tác giả.

 

Trịnh Đắc Phúc (TĐP) sinh năm 1946 tại Hà Đông; năm 1954 di cư vào Nam và lớn lên ở Sài Gòn. Có khiếu về âm nhạc từ nhỏ, nhưng mãi tới khi lên bậc trung học (trường Nguyễn Trãi) mới được học nhạc với nhạc sĩ Chung Quân.

 

[Chung Quân (1936-1988) là tác giả của ca khúc Làng Tôi nổi tiếng, là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này, như Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Đức Huy, Nam Lộc…]

 

Năm 12 tuổi, cậu học trò lớp Đệ Lục TĐP đã viết nhạc phẩm đầu tay tựa đề Hương Mới, và đã được thày Chung Quân sử dụng cho học sinh của trường tập hát.

 

Trong những năm kế tiếp ở bậc trung học, TĐP đã sáng tác thêm một số ca khúc, đem tới “tặng không” cho đài phát thanh Sài Gòn; trong số này, đài đã chọn bản Bướm Trắng cho ban Tuổi Xanh múa, hát. Một bản khác có tựa đề Vọng Về Miền Trung, viết nhân một vụ bão lụt tàn phá vùng này, đã được nữ danh ca  Kim Tước trình bày.

 

Năm 1970, đang theo học Đại học Luật và Văn Khoa, TĐP nhập ngũ theo lệnh động viên. Mãn khóa Thủ Đức, anh được đưa qua Tiểu đoàn Quân Y của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến; và sau khi  tốt nghiệp khóa Sĩ quan Trợ Y, về phục vụ tại Bệnh viện Lê Hữu Sanh. Năm 1972, TĐP được ra phục vụ một đơn vị tác chiến ở thung lung Ba Lòng, tỉnh Quảng Trị. Thời gian này, mặc dù luôn kề cận với bom đạn và tử thần, TĐP vẫn còn đủ đam mê để phổ nhạc bài thơ Kiếp trước ở Đà Lạt của Trần Dạ Từ, nhưng chỉ phổ biến trong vòng bạn bè thân quen…

 

Sau khi Sài Gòn thất thủ, TĐP bị đưa đi “học tập cải tạo”. Phần tiểu sử của anh kèm theo CD viết:

 

“Thời gian ở Trảng Lớn (Tây Ninh) có tin Mao Trạch Đông chết, người tù Trịnh Đắc Phúc chợt nảy ra hy vọng rằng sau khi tên lãnh tụ khát máu của Tàu qua đời, biết đâu phương Bắc chẳng rối loạn, nhờ đó Việt Nam thoát được áp lực nặng nề vốn là mối lo trong suốt chiều dài lịch sử của ta. Cộng thêm với thực tế đau xót là rất nhiều anh em đồng cảnh thiếu ăn, bệnh hoạn không thuốc chữa mà hàng ngày vẫn phải vào rừng lao động khổ sai, anh giúp bạn tù tránh né lao động bằng cách soạn hòa âm cho hai bản Sông Lô (của Văn Cao), Du kích sông Thao (của Đỗ Nhuận), tiếp theo là viết bản trường ca lịch sử Việt Nam Oai Linh Bất Khuất trình cai tù duyệt xét rồi đồng ý cho phép tập dợt. Nhờ vậy khoảng 60 sĩ quan yếu đuối bệnh hoạn đã được miễn lao động để tập hát.

 

Khi bị chuyển trại đến Bù Gia Mập, tù nhân Trịnh Đắc Phúc bị sốt rét ngã nước cộng với bệnh kiết ly. Trong tình trạng gần kề cửa tử, Cộng Sản thả anh về để chết ở nhà vào cuối năm 1978. Anh may mắn được chữa lành rồi vượt biển thoát và định cư tại Hoa Kỳ vào dịp Giáng Sinh năm 1980.

 

Lập gia đình năm 1982, Trịnh Đắc Phúc chôn luôn bản trường ca và quá khứ đau buồn, khi ước mơ có một mái ấm gia đình trong những năm lao tù của anh đã thành sự thật.

 

Mãi cho tới khi có những bạn sĩ quan đồng tù ngày xưa đến thăm anh trong tình trạng sức khỏe cùng cực suy nhược, cùng với Linh mục nhạc sĩ Vũ Hùng Tôn, tha thiết thúc đẩy anh phải cho trình làng bản trường ca giá trị này. Lý do rất thuyết phục là trong tình trạng Việt Nam hiện nay sắp bị xâm lăng và đô hộ bởi Bắc phương, cần phải khơi lại tinh thần anh dũng bất khuất chống giặc Tàu của dân tộc ta, vốn đã thể hiện qua hành động phi thường của những bậc tiền nhân anh hùng như Nhị Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ. Tinh thần đó đã được gói ghém trong nội dung bản trường ca.

 

Ngoài ra, đây cũng là dịp để giúp các thế hệ trẻ người Việt lớn lên ở hải ngoại được biết những trang sử oai hùng và tinh thần bất khuất của dân tộc.

 

Đó là lý do bản trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất này được hân hạnh đến với quý vị.”

 

 

 Bìa trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất 

 

 

Dấu ấn để lại

 

Theo bản năng hiếu kỳ của con người, dĩ nhiên LNĐ xem DVD của buổi ra mắt trước khi nghe CD Việt Nam Oai Linh Bất Khuất. Buổi ra mắt tổ chức tại một ngôi thánh đường nho nhỏ, trong bầu không khí rất ấm cúng. Trong số khoảng 200 người hiện diện có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới cầm bút cũng như nghệ sĩ người Việt hải ngoại, như nhà văn Toàn Phong (tức Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh), nhà văn nhà báo Trần Phong Vũ, nhà văn nhà giáo Kiều Vĩnh Phúc, nhạc sĩ Anh Bằng, danh thủ tây ban cầm Đỗ Đình Phương, nghệ sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt…, đồng thời có cả những vị khách tới từ Âu châu. MC của buổi ra mắt không ai khác hơn là cô Trịnh Kim Dung, người bạn đời của tác giả trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất (LNĐ gọi là “Cô” vì cô là… cô giáo, hay một cách chính xác hơn là “cố vấn giáo dục).

 

Tác giả – tức cựu Trung-úy Thủy Quân Lục Chiến Trịnh Đắc Phúc – không nói nhiều, bởi sau khi bị stroke vào năm 2004, anh phải ngồi xe lăn, và nói tương đối khó khăn.

 

Linh mục nhạc sĩ Vũ Hùng Tôn là người phát biểu trước tiên. Một cách ngắn gọn, ông kể lại cơ duyên quen biết anh chị Trịnh Đắc Phúc – Trịnh Kim Dung 2 năm về trước, từ đó “khám phá” ra việc TĐP đã sáng tác và hiện đang cất dấu trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất. Với khả năng thuyết phục của một “counsellor” (“nghề” của ông), linh mục đã “dụ” được TĐP cho ông xem qua, và ông nhận ra ngay đây là một “masterpiece”, rất nên phổ biến!

 

Cho tới lúc ấy, “masterpiece” mà Linh mục nhạc sĩ Vũ Hùng Tôn nhắc tới chỉ là những gì TĐP ghi ra trong một cuốn vở học trò 100 trang mà anh đã cất giữ từ năm 1976.

 

Theo lời khuyên của vị linh mục nhạc sĩ và sự thúc đẩy của bạn bè (dĩ nhiên, không thể thiếu sự “động viên” của người bạn đời – mặc dù cô Kim Dung không kể công), TĐP đã nhờ người thiện nguyện giúp thực hiện trường ca này thành bản in. Nhưng tới gian đoạn thực hiện thành CD thì, theo kể của cô Kim Dung, không một nhạc trưởng & nhà soạn hòa âm nào dám nhận lãnh vì nó đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức.

 

Cuối cùng, phải nhờ tới “nhà thờ” và “cây nhà lá vườn” – như trên CD đã ghi, phối khí: Tiến Linh, trình bày: Ban Hợp Xướng Pio X, người giới thiệu: Trịnh Kim Dung.

Riêng trong buổi ra mắt, nghệ sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt và cô con gái 4 tuổi Yến Linh, cùng ca đoàn Vui Mừng Hy Vọng đã trình bày  (live) Phiên khúc 3 của bản trường ca, tựa đề Quê Hương Thanh Bình, và đã được tán thưởng nhiệt liệt…

* * *

Sau khi xem DVD buổi ra mắt, LNĐ mới dám nghe tới CD. Trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất của TĐP gồm 7 phiên khúc, được đặt tựa theo thứ tự: Hiệu triệu – Quê hương ta thời dựng nước – Quê hương thanh bình – Nhị Trưng khởi nghĩa – Quân Nguyên xâm lược / Sóng Bạch Đằng Giang – Vua Quang Trung đại phá quân Thanh – Việt Nam oai linh bất khuất.

CD 1 gồm 5 phiên khúc đầu.

 

Tại sao ở trên LNĐ lại viết “mới dám nghe”? Bởi vì sợ. Sợ mình không đủ trình độ để thưởng thức những gì mà Linh mục nhạc sĩ Vũ Hùng Tôn đã gọi là một “masterpiece” – tác phẩm để đời; sợ mình thiếu trân trọng đối với đứa con tinh thần của một người đáng quý phục như TĐP; sợ mình không đủ tâm hồn để cảm thông với những gì anh muốn gửi gấm, truyền đạt.

 

Sợ là phải, bởi vì nghe đi nghe lại, dù không đến nỗi “đàn gảy tai trâu”, LNĐ tin rằng mình cũng mới chỉ thưởng thức và cảm nhận được một phần rất nhỏ nghệ thuật (hình thức) và ý nghĩa (tinh thần) của 5 phiên khúc đầu, chẳng hạn sự tương phản giữa sự êm đềm của phiên khúc 3 (Quê hương thanh bình) với khí thế sôi sục trong hai phiên khúc 4, 5 (Nhị Trưng khởi nghĩa – Quân Nguyên xâm lược / Sóng Bạch Đằng Giang).

 

Từ ngày bắt đầu có trí khôn, LNĐ đã yêu thích âm nhạc. Yêu thích nhưng không có khả năng sáng tác, không biết đàn cũng chẳng biết hát, đành an phận làm một kẻ thưởng ngoạn. Nhưng làm một kẻ thưởng ngoạn – thưởng ngoạn với ý nghĩa đúng đắn nhất của nó – cũng không phải là dễ. Ước mong Trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất của TĐP sẽ tới được những người thưởng ngoạn đúng nghĩa ấy.

 

Và riêng với tác giả TĐP, người sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến mà LNĐ chưa một phần gặp gỡ, mặc dù không dám tự tiện xưng tụng trường ca lịch sử Việt Nam Oai Linh Bất Khuất của anh  là một tác phẩm “để đời”, nhưng ít ra cũng có thể viết đây là dấu ấn của một đời người xứng đáng, và xứng đáng cho chúng ta trân trọng.

 

* * *

 

Cuối cùng, LNĐ cũng xin tiết lộ một chi tiết và cũng là sự trùng hợp thú vị: tác giả Trường ca Việt Nam Oai Linh Bất Khuất và bổn báo Chủ bút Nguyễn Hồng Anh là người vượt biên cùng tàu, và sau khi tới trại tỵ nạn Galang, TĐP đã làm MC cho đêm nhạc “thân phận ca” của Nguyễn Hồng Anh.

 

Ba mươi năm sau, một người ở Mỹ ra mắt CD trường ca lịch sử, một người ở Úc chuẩn bị trình làng CD  tình ca – thân phận ca. Và hình như trong cả hai trường hợp, sau lưng hai đấng nam nhi đều có “lực đẩy” của người bạn đời!

 

Lão Ngoan Đồng

 

Quý độc giả muốn tìm hiểu về tác giả Trịnh Đắc Phúc và Trường ca lịch sử Việt Nam Oai Linh Bất Khuất, có thể mở Google với từ khóa “Truong Ca Viet Nam Oai Linh Bat Khuat”, hoặc liên lạc:

Trịnh Kim Dung, Tel: (714) 489-7163, Email: [email protected]

 

(Trích báo in  TVTS số 1422 phát hành ngày 26.6.2013 tại Úc Châu)