PHẠM NGỌC: bềnh bồng sóng nhạc vần thơ

24 Tháng Tư, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Phạm Ngọc

 

 

 

Nếu cho rằng Phạm Ngọc là một người thường xuyên “đi mây về gió” theo cái nghĩa đen đích thực thì không còn gì đúng hơn.  Người làm thơ có đến trên 300 thi phẩm được phổ thành nhạc này thật sự là một người thường xuyên di chuyển bằng phương tiên hàng không do sự đòi hỏi của công việc nơi công ty Coherent Inc.  Đó là công ty anh làm về ngành quang học Laser từ rất nhiều năm nay ở miền bắc California. 

 

Ngoài những tiểu bang Hoa Kỳ, Phạm Ngọc hầu như đã từng đặt chân đến khắp các quốc gia Âu Châu cũng như Á Châu. Nay ở Ý, mai ở Pháp. Mới có mặt ở Singapore, vài ngày sau đã thấy anh xuất hiện ở Đức. Chẳng bao lâu sau đã thấy mặt anh ở Hong Kong, Nhật Bản, vv…Nhờ có điều kiện đi đây, đi đó nên Phạm Ngọc đã có dịp thấy được, nghe được những điều mới lạ.  Cũng như có cơ hội gặp gỡ với nhiều người trong giới văn nghệ mà trước đó chỉ quen biết qua mạng lưới internet.  Nhưng sự kiện này thật ra chỉ là một sự bổ túc cho năng khiếu về thi văn sẵn có trong tâm hồn anh để Phạm Ngọc cho ra đời những bài thơ đặc sắc, được một số đông những người viết nhạc phổ thành ca khúc.

 

Phạm Ngọc  tên thật là Phạm Ngọc Nghĩa, sinh năm 1954  tại Sài Gòn với song thân là người gốc Thái Bình, Bắc Việt.  Song thân anh có tất cả 9 người con, với Phạm Ngọc là người con cả.  Anh nhận mình là người không giống ai trong gia đình với một bản tính lông bông, buông thả…

 

Sau khi di cư vào Nam, gia đình Phạm Ngọc cư ngụ tại quận 4 bên Khánh hội, là nơi anh trưởng thành với một thời tuổi trẻ ham vui.  Ngày tháng lang thang nơi các quán cà phê cũng như phòng trà ca nhạc, trong thời gian theo học bậc trung học tại trường Nguyễn Trãi và Anh Văn tại Hội Việt Mỹ.  Phạm Ngọc cho đó là một trong những nguyên nhân đầu tiên đưa anh đến với văn chương, thơ phú

 

Với nếp sống phóng khoáng, tiêm nhiễm phần nào tư tưởng của phong trào Hippy vào cuối thập niên 60, Phạm Ngọc say mê đọc những sách về triết học, cùng một lúc thích thú với những vần thơ lãng mạn của Nguyễn Tất Nhiên được phổ thành nhạc cùng với nghe thuật chơi chữ nghĩa mới lạ của Du Tử Lê. Từ đó anh tự nhận là bị ám ảnh nặng nề của thi ca.

 

Thế là cậu học trò Phạm Ngọc Nghĩa, mang sẵn một tâm hồn lãng mạn cùng một đầu óc giầu tưởng tượng đã tập tễnh đến với những bài thơ đầu tiên đăng trên bích báo của nhà trường.  Bây giờ anh vẫn còn giữ làm kỷ niệm, nhưng mỗi khi đọc lại, anh không tránh khỏi buồn cười..

.

Hết bậc trung học, Phạm Ngọc gia nhập quân đội, phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu.  Nhưng sau đó anh được xuất ngũ vì lý do gia cảnh.  Anh ghi tên theo  học Luật Khoa được 2 năm cho đến khi xảy ra biến cố tháng 4 năm 75.

 

Phạm Ngọc sang Mỹ năm 1975, khi mới 21 tuổi và cư ngụ tại San Francisco. Trước những đổi thay của cuộc sống, Phạm Ngọc có được một ý thức rõ rệt về tương lai của mình trên đất khách nên tạm gác nếp sống lang bạt kỳ hồ lại một bên để dồn tâm trí vào việc học hành sau khi trải qua một thời gian ngắn la cà tại một vài nhà hàng ca nhạc, thời đó còn rất hiếm hoi, để cùng bạn bè quên đi nỗi buồn của những ngày đầu xa cách quê  hương. 

 

Cuối cùng, với một ý chí cương quyết, Phạm Ngọc cố quên nỗi ám ảnh của những vần thơ đã từng chiếm ngự tâm hồn nhậy cảm của anh trong thời kỳ trung học.  Anh cũng để lai sau lưng nếp sống buông thả, đàn đúm để chú tâm theo học ngành Quang Học để sau khi tốt nghiệp đã kiếm ngay được việc làm với công ty Coherent Inc cho đến nay để trở thành một nhân viên cao cấp, thường luôn di chuyển đến rất nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Sau khi học xong và nhận thấy tạm ổn định trong cuộc sống, Phạm Ngọc quay trở lại sáng tác thơ với số lượng càng ngày càng tăng một cách nhanh chóng. Cho đến năm 1997, Phạm Ngọc cho ấn hành tập thơ đều tiên của mình tại hải ngoại  với tựa đề “Nỗi Đam Mê Muộn Màng”.

 

Hai năm sau, anh cho ra đời tập thơ thứ nhì, mang tên “Tình Cờ”.  Đến thời điểm này, Phạm Ngọc bắt đầu được nhắc nhở tới trên một số diễn đàn văn thơ. Năm 2001, Phạm Ngọc ấn hành thêm một tập thơ nữa. Lần này tập thơ của anh được in ấn và phát hành ở Việt Nam. 

 

Đến năm 2004, tập thơ “Mùa Khát vọng” của Phạm Ngọc đã do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành trong nước. Tuy vậy, trong nước cũng như tại hải ngọai, theo Pham Ngọc,  không một người làm thơ nào có thể dựa vào thơ để làm thương mại.  Đối với Phạm Ngọc dù có in được tập thơ cũng chỉ để tặng bạn bè, thân hữu. 

 

Và làm thơ như anh chỉ là vấn đề thoa mãn niềm đam mê của mình, như anh đã nói thẳng: “Làm thơ bên này, hay cả viết truyện cũng vậy. Làm ra để tặng bạn bè thì có.  Chứ  để bán cho người mua thì  tôi thấy khó khăn lắm.  Ở bên này không phải môi trường để mình sống về thơ với văn được… Đó là cái đam mê của mình thì làm vậy thôi Sống về thơ văn hoàn toàn bên này thì tôi nghĩ là không có….”

 

Chính vậy, Phạm Ngọc và có lẽ cũng như hầu hết các bạn bè văn nghệ của anh trong thế giới “ảo” Internet là những người viết nhạc, làm thơ chẳng hề quan tâm đến vấn đề tác quyền như anh nói: “Ai thích mà hát là đã vui rồi… Nhiều người quan trọng về vấn đề tác quyền. Đối với tôi không thành vấn đề. Mình đâu có làm thương mại đâu. Thích thì trả tiền, không thích thì thôi, Tặng mình 1 cái CD là đã vui rồi. Văn nghệ cho vui ấy mà”.

 

Do đó Phạm Ngọc đã rất vui khi một số bài thơ phổ nhạc của mình được sử dụng bởi các trung tâm nhạc hay các nghệ sĩ tên tuổi.  Như trung tâm Asia đã từng đưa bài “Những Ngày Tháng Không Tên” do Trang Thanh Trúc phổ nhạc từ bài thơ mang cùng tên của anh vào một chương trình video và sau đó cũng dùng tên nhạc phẩm này làm tựa đề cho một CD do trung tâm này phát hành.

 

Ngoài ca khúc “Những Ngày Tháng Không Tên”, còn có ca khúc mang tựa đề
“Ta” do Quốc Dũng phổ nhạc từ một bài thơ của anh cũng đã được Trần Thái Hòa trình bầy trên một CD của anh. Cùng ca khúc này, cũng đã được Quang Dũng hát trên một CD mang cùng tên.

 

 Sự để ý của các nghệ sĩ và trung tâm tên tuổi đối với những sáng tác của mình đã mang lại một niềm vui lớn cho người làm thơ có tính tình rất nghệ sĩ, vui vẻ và cởi mở này.

 

Người đầu tiên phổ thành ca khúc thơ của Phạm Ngọc là Võ Tá Hân.  Đó là ca khúc “Thương Nhớ Cố Đô” do Phạm Ngọc viết vào năm 1975 trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông trước khi đặt chân đến Mỹ, khi nhớ về một thiếu nữ người Huế  anh có nhiều cảm tình trong thời trung học…

 

Ca khúc “Thương Nhớ Cố Đô” cũng được coi như sự đánh dấu ngày Võ Tá Hân trở lại với nhạc tình sau một thời gian dài sáng tác nhạc Phật Giáo với  nhiều CD về thể loại này đã được phát hành, không kể đến rất nhiều CD nhạc tình khác, phổ từ sáng tác của đông đảo những người làm thơ. 

 

Nhưng người phổ nhạc từ thơ của anh nhiều nhất phải là Phạm Anh Dũng, một người viết nhạc nay đã trở thành một tên tuổi quen thuộc trong sinh họat văn nghệ hải ngoại với khả năng phổ nhạc từ thơ rất khéo léo khi dùng âm thanh để diễn tả nội dung một thi phẩm.

 

Ngoài ra, phải kể đến Vũ Thư Nguyên, Quốc Dũng, Trang Thanh Trúc, Anh Việt Thanh, Vĩnh Điện, vv… Riêng Anh Việt Thanh ở Pháp đã thực hiện CD “Tương Tư” gồm những ca khúc phổ từ thơ Phạm Ngọc. Còn nhạc sĩ Vĩnh Điện đang trrong vòng hoàn tất 2 CD dành riêng cho những ca khúc phổ  nhạc từ những bài thơ sáng tác theo thể tự do của Phạm Ngọc là thể thơ anh rất thích vì “tha hồ vui đùa với chữ nghĩa” như anh nói.

 

Thật ra Phạm Ngọc làm thơ dưới nhiều thể loại. Anh khởi đầu với  thơ lục bát.  Sau đó là thể 8 chữ, 5 chữ rồi qua tới một thời gian làm thơ dưới dạng tân hình thức. Nhưng nhận thấy cần nhiều công phu với dạng thơ này, nên từ 5, 6 năm nay anh chuyển hẳn qua thể thơ tự do, thích hợp với bản tính phóng khoáng và thích bay nhẩy của anh.  Hơn nữa, anh nhận thấy trong đó còn mang rất nhiều nhạc tính.

 

Qua lần nói chuyện với Phạm Ngọc, có thể coi anh là một con người không thích sự gò bó.  Anh cũng, không thích một cuộc sống theo nề, theo nếp mà hoàn toàn gần như tránh xa những ràng buộc.  Phạm Ngọc đã lập gia đình vài năm sau khi đến Mỹ, tuy nhiên cuộc hôn nhân của anh đã đi đến đổ vỡ. 

 

Với trách nhiệm của một người cha, dù là mang nặng tâm hồn nghệ sĩ và từng có lối sống buông thả, anh đã chú tâm nhiều vào việc chăm sóc con cái, gồm một gái và 2 trai. Người con gái lớn của anh đã có gia đình, trong khi người com gái út đang học năm thứ 3 đại học và người con trai sẽ tốt nghiệp vào tháng 3 năm 2009.

 

Hiện Phạm Ngọc sống ở Sacramento từ năm 1982. Nhưng anh sáp sửa dời về San Jose một ngày gần đây cùng với công ty anh làm việc. Hiện anh đang trong vòng hoàn tất thêm một tập thơ, dự định phát hành trong nước vào đầu năm 2009…

 

Phạm Ngọc cho biết anh sẽ về hưu khi các con hoàn tất việc học hành. Lúc đó anh sẽ vẫn làm thơ. Lúc đó, Phạm Ngọc đã ngưng “đi mây về gió”, rong ruổi nhiều chặng đường như hiện nay. Nhưng lúc đó anh vẫn sẽ đi mây về gió với óc tưởng tượng dồi dào và với những cảm xúc thật của mình để mãi mãi bồng bềnh trong sóng nhạc và vần thơ. Và niềm ước ao sâu xa nhất của người làm thơ này là được về sống tại quê hương cho đến những ngày cuối đời…