Hỏi và giải đáp 22: Hai mươi năm tình cũ

28 Tháng Ba, 2008 | Uncategorized

 

Melbourne ngày…

 

Cô Thanh Lan thân mến,

Khi đã đặt bút viết thư này tôi rất ngại ngùng, thứ nhất vì tôi là nam độc giả đầu tiên tâm sự về chuyện tình cảm trong gia đình, thứ hai vì tôi năm nay đã xuýt xoát 40 mà còn “bay bướm” thì cũng hơi kỳ, sợ làm gương xấu cho bọn trẻ! Nhưng suy đi tính lại, tôi thấy nên tâm sự với cô để cô có thể cho những ý kiến khách quan và biết đâu nhờ đó mà tôi giải quyết được hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

 

Cô Thanh Lan thân mến,

Câu chuyện của tôi khá dài, mong cô kiên nhẫn đọc cho hết nhé. Cách đây hơn 29 năm, ngày còn học lớp đệ nhị, tôi có quen biết người con gái, em của một cô bạn cùng lớp (tạm gọi là A.) A không đẹp nhưng có sức thu hút đặc biệt, sau này tôi mới biết là từ đôi mắt của nàng.

 

Ngoài ra chúng tôi rất hợp  nhau về tính tình, sở thích và mơ mộng. Tôi và A chưa bao giờ mở miệng nói tiếng yêu nhưng chắc chắn một điều là ngày đó chúng tôi yêu nhau và cả trường đều biết. Yếu tố duy nhất làm cho chúng tôi không được thoải mái là gia đình của A.

 

Chị của A (tức là người học cùng lớp với tôi) rất thương tôi và coi như em vì chị ấy hơn tôi 2 tuổi, ba của A có lẽ vì là một sĩ quan tác chiến nên rất vui vẻ, xuề xòa… nhưng ông anh cả là một dược sĩ và bà mẹ của A thì lạnh lùng ra mặt, chắc gì gia đình tôi nghèo, hèn chăng?

 

Một điều nữa là hồi tôi còn trẻ, tính lại rất cao ngạo nên tôi không bao giờ thèm lấy điểm ông anh và bà mẹ cả! Từ năm tôi lên đại học thì ít gặp gỡ nhau hơn, hầu như mọi tin tức về A tôi đều biết được qua chị của nàng (tôi học luật còn chị nàng bên Văn khoa nên thỉnh thoảng cũng gặp). Đến khi chị nàng bỏ học đi lấy chồng thì coi như tôi chấm dứt.

 

Riêng về phần A, mỗi khi gặp lại bạn bẽ cũ đều hỏi thăm về tôi cả. Nhưng tôi đã chán nên chẳng còn hứng thú gì để tìm gặp lại nữa. Rồi thời gian trôi qua, tôi đi lính, lập gia đình, có con cái và hình bóng A chỉ còn là một bóng mờ nhạt mà tôi chỉ nhớ tới mỗi khi gặp lại các bạn bè cùng lớp, cùng trường. Thậm chí A đi lấy chồng hồi nào cũng chẳng hay…

 

Đến năm 1982 khi tôi đi cải tạo về thì được một người bạn cũ báo cho biết A đang bán đồ mỹ nghệ ở gần một quán cà phê nổi tiếng và rủ tôi đi uống cà phê. Tôi đã dứt khoát vì thấy cũng chẳng có lợi ích gì!

 

Sau đó tôi cùng với vợ con vượt biên và khi đến đảo được vài tháng tôi lại gặp A. Nàng đi cùng với đứa con, còn chồng nàng thì đã di tản từ năm 1975, hiện đang ở Mỹ. Dĩ nhiên lần này tôi không thể tránh mặt và do hoàn cảnh khó khăn trên đảo, tôi thỉnh thoảng cũng đến thăm hỏi  cho nó có chút tình.

 

Dần dần chúng tôi trở lại tự nhiên như những ngày còn đi học, tuy nhiên tôi thấy mình cũng chẳng có làm gì sai quấy vì một vài tháng nữa khi nhận được  đơn bảo lãnh là A sẽ qua Mỹ xum họp lại với chồng, rồi lại đường ai nấy đi. Nhưng khi gia đình tôi rời khỏi đảo qua Úc thì A vẫn còn ở lại vì hồ sơ trục trặc sao đó.

 

Qua Úc này được hơn một năm, tôi gặp lại một chú em đi cùng ghe với A, chú này nói phái đoàn Mỹ đã chính thức bác đơn xin định cư của A, lý do: chồng của A đã chính thức sống với một người đàn bà khác nên đơn bảo lãnh không còn giá trị nữa, sau đó A được trưởng phái đoàn Úc hứa sẽ giúp đỡ nàng định cư tại Úc.

 

Lúc được biết tin đó, ngoài miệng thì tôi chỉ hỏi thăm vài câu xã giao cho xong chuyên, nhưng trong lòng rất lo ngại. Quả thật Trời Đất có chứng dám cho: ngày đó tôi chỉ cầu mong sao A đừng qua Úc! Nhưng có lẽ vì duyên nợ vẫn còn, A và con đã định cư tại Perth, vài tháng tôi nhận được thư nàng (qua chú em kia chuyển) bảo là sẽ chuyển qua Melbourne vì “ở Perth buồn lắm!” và nàng đã qua thật!

 

Đến đây Thanh Lan thử nghĩ xem có phải mọi thứ đều do định mệnh sặp đặt cả không nào? Trên đời này có ai ngời rằng 20 năm sau sẽ gặp lại người tình cũ trong một hoàn cảnh giống như của tôi hay không? Chắc chắn là không!

 

Thế rồi như cô có thể đoán trước, mọi sự rắc rối, khó khăn, lo sợ… đã lần lượt xảy đến cho tôi. Đầu tiên tôi cũng chỉ đến để thăm hỏi nhưng những ngày ở trên đảo., dần dần tôi nhận thấy một điều là A rất buồn, rất cô đơn: thân nhân thì tất cả còn kẹt ở VN, bên Úc chỉ có 2, 3 người đi cùng ghe, ngoài ra chẳng quen biết một ai. Song song tôi còn thấy nàng chán đời nàng nói nàng đâu có muốn vượt biên nhưng gia đình cứ thúc dục vì sợ chồng nàng không có vợ bên cạnh sẽ… hư, nào ngờ hư thật!

 

A không bao giờ mở miệng nhờ tôi giúp đỡ gì cả (tinh thần cũng như vật chất) có lẽ vì tự ái, nhưng tôi cũng phải lo lắng cho nàng… như một người bạn chân tình. Sau này khi mọi việc giấy tờ, nhà cửa đã tạm ổn định tôi vẫn thường xuyên đến chơi và lâu lâu ở lại ăn cơm, trong những bữa cơm đó, chúng tôi thường đem chuyện xưa, bạn cũ ra làm đề tài, tuy không người nào nói ra nhưng cả hai đều thấy đôi chút rung động của thuở ban đầu. Nhìn vào đôi mắt long lanh của nàng là tôi hiểu hết.

 

Cô Thanh Lan thân mến,

Đọc đến đây cô thấy A có gì đáng trách hay không? Nếu không trước sau gì nàng cũng không có gì đáng trách cả vì nàng đã giới hạn tại chỗ đó, có nghĩa là ăn cơm chung, nói chuyện ngày xưa, thế thôi. Người có lỗi chính là tôi, khi sự liên lạc đó kéo dài khoảng 7, 8 tháng tôi thấy lương tâm của mình áy náy thế nào ấy mặc dù vợ tôi không hề biết về mối tình đầu cũng như việc A đến Úc, nhưng mỗi khi trên đường đến nhà A, tôi lại có mặc cảm tội lỗi với vợ con, nhưng ngược lại mỗi khi an hưởng không khí đầm ấm gia đình, tôi lại chạnh nghĩ đến A đang sống cô quạnh mà ứa nước mắt.

 

Rồi sự việc cuối cùng, hay nói cho nó văn vẻ hơn, là “đỉnh cao của tội lỗi” đã đến thật tình cờ, tình cờ đến độ tôi không kịp phản ứng: một ngày kia A ngỏ ý muốn tôi đem nàng về giới thiệu với vợ con tôi với tư cách là bạn học cũ của tôi. Nhưng có tật thì hay giật mình, tôi khăng khăng từ chối, sau này tôi mới thấy sự từ chối của tôi là sai, là thất sách!

 

Khi nghe tôi từ chối A buồn tủi quá nên khóc, lần đầu tiên trong đời tôi thấy A khóc nên cầm lòng không đặng tôi tiến lại ôm lấy vai nàng, đây cũng là lần đầu tiên đụng chạm vào người của A.  Tức thì cả hai người đều rung lên như bị điện giật và tôi đã hôn lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nàng. Lúc đó tôi như trong cơn mơ cho nên đến giờ tôi cũng chẳng còn nhớ rõ chi tiết về cái lần đầu tiên tôi phạm tội ngoại tình đó! Chỉ biết sau đó A lại càng khóc nhiều hơn nữa nhưng không hiểu vì sung sướng hay vì tủi thân.

 

Lúc đó tôi đã tính nói vài câu để xin lỗi nhưng sau lại thôi vì thấy nó ngượng ngùng làm sao ấy. Sau đó bẵng đi vài tháng tôi không trở lại nhà A nữa. Ân hận vì sự phản bội vợ chỉ là phụ mà ân hận vì đã làm vẫn đục mối tình xưa mới là chính, tôi là đàn ông, dù muốn dù không tôi cũng đã nắm phần chủ động. Rồi tôi giữ im lặng đề chờ phản ứng của A, nhưng thú thật với cô, tôi đã đoán trước được rồi, điều đó chứng tỏ giữa tôi và A đã có một sự thông cảm tuyệt vời!

 

Trong lá thư gửi cho tôi (qua tay cậu em) nàng đã khéo léo để tôi vơi nhẹ đi cảm giác tội lỗi, khi bắt buộc phải nhắc lại chuyện đã xảy ra, nàng đã nhắc lại một kỷ niệm cũ để gián tiếp đề cập đến tình trạng hiện nay giữa hai chúng tôi: ngày xưa khi xa nhau tôi có tặng cho nàng một quyển truyện “Khung cửa hẹp – La Porte Étroite:” của André Gide, bây giờ nàng đã viết cho tôi: “Eliza và Jerome sống xa nhau nhưng tình cảm họ thật gần, có khác chăng là nàng ở vậy còn A lại đi lấy chồng. Cuộc đời làm sao giống tiểu thuyết được! Cũng thế bây giờ dù C đã hứa không giữ  được lời thề hứa như Jerome, đã phàm tục hóa tình cảm giữa chúng mình, A cũng không bao giờ dám oán trách! …”  Tóm lại A muốn chúng tôi duy trì đặc biệt của cái “tình bạn ấy!

 

Cô Thanh Lan thân mến,

Đến đây tôi phải đính chính với cô rằng: tôi thương yêu vợ tôi vô cùng, nàng là người vợ tuyệt nhất trần đời, tôi thương đến độ tôi có thể hy sinh mạng sống của mình vì nàng. Nhưng tôi không hiểu tại sao tình yêu thương vợ đó đã không đủ sức để ngăn cản tôi quen A.

 

Hai mươi năm qua tôi không hề biết một người đàn bà nào khác ngoài vợ mình thì tôi đâu phải là giống đa tình? Cho nên A đã không đáng trách đã đành mà bản thân tôi cũng đáng được tha thứ, nếu quả như hành động của tôi là tội lỗi! Đã hai tháng trôi qua kể từ khi tôi nhận được lá thư của A mà vẫn chưa dứt khoát xử trí như thế nào: tiếp tục qua lại (dù chỉ là trên tình thần thôi) thì tôi luôn nươm nớp lo sợ có ngày vợ tôi biết thì lúc đó oan ơi ông địa, nàng sẽ không bao giờ hiểu cho tôi và hạnh phúc gia đình sẽ có cơ tan vỡ!

 

Còn nói đến chấm dứt hẳn với A, tôi cũng thấy rất bất nhân vì tôi biết lúc này, nơi này A rất cần tình cảm của tôi, một thứ tình cảm mà “rất khó mà đặt tên” nhưng nó là nguồn sống của A. Ngày xưa một người bạn coi chỉ tay cho tôi có nói rằng cuộc sống tình cảm của tôi càng về sau càng rắc rối, lúc đó tôi chỉ cười vì nghĩ rằng lúc đó còn thanh niên mới hay bay nhảy vung vít, chứ khi già rồi thì lấy cơm nhà quà vợ làm niềm vui có gì mà rắc rối!

 

Bây giờ xét thấy cũng đúng: chữ rắc rối có lẽ chưa diễn tả hết mà phải nói là đau khổ. Thật vậy, hiện nay tôi đang đau khổ, không phải vì “thất tình” mà vì “đa tình”, tôi cứ bị dằn vặt bởi hai giải pháp: giữ nguyên tình trạng cũ thì được về phần A còn tôi thì lại sống phập phồng, chấm dứt thì được phần tôi, còn A chắc chắn sẽ buồn và lương tâm tôi cũng bị cắn rứt.

 

Cô Thanh Lan thân mến,

Nếu tôi muốn viết hết để cô hiểu được cuộc sống tình cảm hiện tại của tôi sợ mấy chục trang giấy cũng chưa đủ, nhưng thư dù dài hay ngắn cũng tập trung vào hai cách giải quyết mà tôi đã nêu ở trên. Mục đích của tôi là mong cô với cái nhìn khách quan của một trọng tài, cho tôi một chút “ánh sáng cuối đường hầm” để tôi có thể tìm ra một cách giải quyết nào tốt đẹp nhất và ít đau khổ nhất cho cả hai bên: Tôi và A.

 

Tôi nhấn mạnh đến sự khách quan là vì nếu cô đứng vào cương vị một người đàn bà bình thường thì chắc chắn cô đã lên án tôi và A. Trong khi đó chúng tôi không cần ai xét đoán vì tự chúng tôi xét đoán mình là quá đủ. Chúng tôi chỉ cầu xin sự thông cảm.

 

Cuối thư mong cô nhận nơi tôi lòng cảm mến và cảm phục, không biết cô hơn hay kém tuổi tôi nhưng cô là người đàn bà hiếm có đã làm cho tôi vừa nể vừa tin tưởng. Xin cảm ơn cô rất nhiều.

HMC

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

Như TL đã viết ở trên, lá thư dài của ông nếu không nằm trong mục Tâm Tình Bạn Đọc mà lại xuất hiện trên trang văn nghệ thì nó quả là một tác phẩm hay về một chuyện tình buồn và đẹp!

 

Và nếu ông cũng tay viết lách thì chắc ông đã chịu ảnh hưởng đôi chút của văn học lãng mạn cổ điển của Pháp, vừa có đôi chút thơ mộng, nhẹ nhàng của Alphonse Daudet, vừa có những đam mê cuồng nhiệt của Guy De Maupassant… gần gũi hơn hết là chuyện tình giữa ông và A đã gợi cho TL nhớ đến mối tình của Thức và Hằng trong cuốn “Yêu” của nhà văn VN Chu Tử:  Nó giống nhau ở cái điểm ông và Thức đều “sa ngã” ở vào cái tuổi xế chiều…

 

Tóm lại, trên một phương diện nào đó, TL rất thông cảm và mến phục ông, nhưng như chính ông đã viết: ông cần một cái nhìn khách quan của một trọng tài, do đó Thanh Lan sẽ không đứng về phía  ông mà cũng chẳng đứng về phía bà nhà để góp một vài ý kiến.

 

Trước hết, TL xin minh xác rằng TL tuyệt đối không dám lên án ông cũng như A. Nhưng không lên án không có nghĩa là không có lỗi! Cái lỗi đầu tiên của ông là không giữ được lòng trung thành với vợ, người mà ông đã ông yêu, đã cưới, đã chung sống trong gần 20 năm nay. Có lẽ chính ông cũng nhận ra cái lỗi đó nên trong lá thư ông đa đưa ra nhiều lý lẽ để tự bênh vực cho mình, nhưng ông đã thất bại!

 

Tình nghĩa vợ chồng được đúc kết bằng tình yêu thương, được bền vững do sự chung thủy cả về tâm hồn cũng như thể xác, ở đâ ông đã một lần phản bội vợ về thể xác, và cho tới giờ này nửa tâm hồn của ông vẫn còn đang hướng về một chốn nào đó không phải mái ấm gia đình…

 

Thực ra ông vẫn còn có quyền gặp lại A, có quyền tới lui thăm hỏi giúp đỡ mà vẫn giữ được lòng trung thành với vợ. Nhưng ở đây ông đã tự buông thả và mối tình xưa tưởng đã chết này trở nên mãnh liệt hơn bao giờ. Không phải đợi đến lúc ông và A đạ đến “đỉnh cao tội lỗi” nhưng theo nhật xét của TL, trước đó tâm hồn ông đã ít nhiều bị rung động rồi, cho nên ông mới dễ dàng buông xuôi như thế, vì ở vào cái tuổi của ông TL không tin rằng chỉ vì một cái đặt tay lên vai nàng mà ngọn lửa tình bỗng dưng bùng cháy…

 

Nếu như ông và A cách đây hơn 20 năm đã gắn bó thân thiết với nhau thì lại là chuyện khác, đàng này ông lại viết “…chưa một lần nói tiếng yêu”…

 

Cái lỗi tiếp theo là ông đã chủ động để lôi kéo A cùng có lỗi với ông. Tới đây TL xin mở dấu ngoặc: thư ông viết nhiều về bản thân mình mà lại ít đề cập đến A cho nên TL không hiểu A có chủ tâm rõ rệt trong việc nối lại tình xưa hay nàng chỉ thụ động buông xuôi theo sự dẫn dắt của ông?

 

Nếu A có chủ tâm thì phần lỗi của ông giảm đi một nửa, nhưng nếu nàng chỉ thụ động thì ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đã làm vẩn đục cái tình xưa trong trắng giữa hai người. Việc ông đổ lỗi cho số phận, theo ý TL là một hình thức “chạy tội” không mấy hiệu quả!

 

Những lỗi trên của ông đối với một người  có quan niệm sống lãng mạn phóng túng thì chẳng có gì đáng chê trách nếu không muốn nói là còn làm cho cuộc sống thêm thi vị nữa. Nhưng TL và có lẽ đại đa số đều nghĩ rằng ông có lỗi. Không cần phải lý luận nhiều, mà chỉ cần đặt ra một câu hỏi: khi nghĩ tới vợ con ông có áy náy không? Ông đã nói rằng ông nhận lỗi!

 

Tuy nhiên những cái lỗi của ông chưa đáng gọi là “Tội”, nếu là người theo Chúa, ông vẫn có thể thênh thang đi vào Thiên Đàng, nếu là người tin vào thuyết luân hồi của nhà Phật, ông cũng chẳng phải lo gì đến kiếp sau!

 

Trên đây là phần lỗi của ông, còn phần A thì như thế nào? Thứ thực, qua lá thư, TL không có đủ yếu tố để “lên án” hay “chạy tội” cho A. Nhưng xét cho cùng, trong trường hợp tệ hại nhất thì A cũng không thể bị lên án là “cướp chồng người” còn trong trường hợp nhẹ nhất thì nàng quả là một thiếu nữ đáng thương hơn đáng trách!

 

Không hiểu tại sao, TL vẫn tin chắc rằng A không có một ý xấu khi cố tình tìm gặp lại người yêu xưa, tình cảm cũ nếu còn vấn vương đâu đây thì A cũng đã giữ kín trong lòng. Khi ngỏ ý ông đưa về giới thiệu với gia đình, chắc chắn ý của A muốn ông biết rằng: giờ đây chúng ta chỉ còn là những đôi bạn thân tình, nhưng tiếc thay ông đã “có tật giật mình” để rốt cuộc sự việc xảy ra theo hướng khác!

 

Một số bạn đọc cũng có thể lập luận rằng: Nếu A không có ý nối lại tình xưa, tại sao nàng không có thái độ phản ứng lại hành động “tội lỗi” kia? Thú thực, nếu đặt mình vào hoàn cảnh của A, có nghĩa là một cuộc sống gia đình tan vỡ, sống cô đơn nới đất khác quê người, lại được người xưa lo lắng chăm sóc đủ điều… không hiểu trong giấy phút đó, TL có giữ được cho lý trí được sáng suốt để khỏi sa ngã hay không?  Vì yếu đuối vốn là đặc tính của người đàn bà.

 

Tóm lại về phần A, TL xin có một câu trả lời chung chung: chưa sống vào hoàn cảnh đó và nhất là chưa hiểu được nàng, ta chưa thể kết luận được, hơn nữa mục đích của TL cũng là để góp ý kiến với bản thân ông HMC mà thôi.

 

Ông HMC thân mến,

Cái khó khăn ở đây là: mối tình xưa giữa ông và A chưa chết, hay nói đúng hơn là sẽ không bao giờ chết! Đó là một điều chắc chắn, cho nên đòi hỏi một cách giải quyết lý tưởng chỉ là một giấc mơ hão huyền: Ông sẽ biến thành 2 con người, sống hai cuộc sống khác nhau, trở lại thực tế hiện tại, với ông và cuộc sống gia đình, với A và những tháng ngày cô đơn, TL xin thử đề nghị một vài ý kiến.

 

Tới đây các nhà đạo đức sẽ nói: cách giải quyết duy nhất là ông HMC phải chấm dứt mọi chuyện với A để trở lại cuộc sống gia đình như cũ là xong chuyện! Đúng, điều đó ai mà không biết, không mong muốn nhưng đưa ra giải pháp là một chuyện, còn ông HMC có thực hiện được hay không lại là một chuyện khác.

 

Ở đây TL nghĩ rằng con người ông HMC, với tâm trạng đã được phô bày trong lá thư, rõ ràng là sẽ không thực hiện được. Thanh Lan muốn dung hòa. Dĩ nhiên là ông không thể duy trì sự liên hệ với A như trước đây, nhưng ông cũng có thể không quên nàng được, nếu ông cứ cố quên ông chỉ tự dối lòng mình và tự tạo thêm đau khổ cho tâm hồn, điều này chẳng có lợi ích gì cho A, cho ông đã đành mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của ông, vì một khi tâm thần không được yên ổn, làm sao ông có thể hưởng và dùy trì hạnh phúc.

 

Thanh Lan sẽ không bắt buộc ông phải cố quên, nhưng như đã nói ở trên ông cũng phải thay đổi mọi quan hệ. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén (thực tế là đã bén rồi) cho nên ông không thể thường xuyên gặp lại A mà theo Thanh Lan, mỗi năm chỉ một hai lần cố định. Những lần gặp gỡ có chuẩn bị đó sẽ tránh được những sự việc bất ngờ đáng tiếc, sẽ giúp ông và A có  dần dần trở nên an phận chấp nhận số phận để chôn chặt mốt tình xưa vào tận đáy lòng.

 

Nếu ông là một con người cao thượng, ông sẽ thấy ông vì  vợ và vì A chứ không phải là vì bản thân ông! Ông sẽ không được lợi gì trong mối quan hệ với A, hơn nữa ông còn phải quy định ra một giới hạn và tôn trọng giới hạn đó. Làm sao được như thế lương tâm ông sẽ bớt áy náy: đối với vợ, ông chỉ “dấu” những gì cần phải dấu chữ không “lừa dối”, đối với A ông cũng đã hết lòng và nếu sau này cuộc đời có đưa đẩy nàng bước thêm bước nữa với một người nào đó thì mối quan hệ của ông trong quá khứ cũng sẽ không ảnh hưởng tai hại gì đến hạnh phúc của nàng trong tương lai.

Hiện nay ông và A đều đang ngượng ngùng, ông nên giả vờ quên chuyện đáng tiếc đã xảy ra để đôi bên có thể trở lại tự nhiên, kéo dài tình trạng chỉ làm nặng thêm cái mặc cảm tội lỗi, là cực hình cho ông cũng như A.

 

Ông HMC thân mến,

Giải quyết của Thanh Lan chỉ có thể thực hiện được nếu ông hoàn toàn dẹp bỏ được cái tham lam thường có nơi đàn ông. Thanh Lan không sợ về phần A, vì khi đã biết viết cho ông những dòng chữ chân thành đó, nàng đã chứng tỏ mình sáng suốt và sẽ giữ được tư cách nếu như ông đừng vượt quá giới hạn trước.

 

Viết đến đây Thanh Lan thấy giống như mình vừa đưa cho ông HMC một con dao hai lưỡi, nhưng biết làm sao hơn khi muốn kết hợp được cả lý trí lẫn tình! Thanh Lan chỉ còn biết hy vọng vào cái tư cách của A, vào tinh thần trách nhiệm của ông HMC vào sự chín chắn của cả hai người trong việc duy trì mối tình cao thượng đó.

 

Ở đời đôi khi chúng ta phải biết vượt qua những cái thường tình. Chúng ta ở đây là ông HMC, là A, là… Thanh Lan. Khi viết những hàng này TL đã phải quên mình là đàn bà và đã không dám đặt mình vào địa vị của người vợ yêu quý của ông HMC, thành thử bạn đọc nào đang sống trong hạnh phúc có thể chê trách thì Thanh Lan cũng đành chịu.

 

Hơn nữa trong khi có những mối tình đem lại hạnh phúc thật dễ dàng, trọn vẹn nhưng lại có những mối tình chị mang lại ngang trái, khổ đau. Tôn trọng được cái quyền để yêu, tôn trọng được cái đau khổ của người khác –ở đây là của ông HMC, của A–  cũng là đã vượt qua được những cái thường tình vậy.

Thanh Lan