Hỏi và giải đáp 19: Vì hiếu quên tình

18 Tháng Ba, 2008 | Uncategorized

Melbourne ngày…

 

Chị Thanh Lan và Lão Ngoan Đồng thân mến,

 

“… năm nay em được 21 tuổi, hồi 4 năm về trước em có quên biết một người bạn trai, lúc đầu em chẳnng biết gì (vì lúc đó em mới 17 tuổi) nhưng sau 2 năm làm bạn em đã mến tình tính của người bạn trai, em đã được bạn ấy giúp đỡ rất nhiều về Anh Văn cũng như các sinh hoạt trong xã hội, em đã được bạn ấy dẫn đi chơi xung quanh. Người bạn ấy lớn hơn em hai tuổi, sau hai năm làm bạn anh ấy cũng mến em và đã tỏ ý thật với nhau, từ đó chúng em thân nhau hơn và tình yêu nay đã được hai năm…

 

… Riêng em đã thưa thật với gia đình là yêu anh ấy, tức thì bị gia đình phản đối ngay, gia đình em bảo: T (tên người bạn trai) là người rất tốt được cả về tính tình lẫn học thức, có tương lai sáng sủa, lại là con người đạo đức… Nhưng có điều gia đình không thể quên được là T bị bệnh tim! Từ hồi lúc 5 tuổi T bị phong thấp, cho đến lúc lớn lên mới chữa trị thì vì tim đập quá nhanh hơn bình thường nên to hơn do đó phải mổ…

 

… Gia đình lo cho em sợ sau này T bị bệnh và chết sớm. Em rất hiểu lời khuyên và sự lo lắng cho con cái của cha mẹ, và em nhiều lần bỏ T, nhưng mỗi lần quyết định xa T là em phải mất ăn, mất ngủ. Có lần em đã gạt bỏ rất nhiều về T và lúc nào cũng ngẫm lại lời khuyên của gia đình, nhưng rồi chỉ được một tháng em gặp lại T và đã nói tất cả những gì lo ngại của gia đình. T có ý buốn và đã đi khám bác sĩ về sức khỏe của mình (T có bác sĩ riêng để theo dõi sức khỏe); bác sĩ cho biết sau 7 năm chữa trị T đã trở lại thành một người bình thường, và gần như bác sĩ không còn để ý đến bệnh của T nữa…

 

Tuy thế gia đình vẫn ngăn cấm và ngăn cản không cho em mến T nữa và gia đình bắt đầu khó khăn hơn. Nhưng thú thất với chị và Lão Ngoan Đồng là em không thể bỏ T được, nhưng cũng không muốn làm gia đình buồn. Theo chị thì em phải làm thế nào cho vẹn toàn?

 

Trong khi đó T vẫn khuyên em phải luôn luôn ngoan ngoãn với gia đình không nên vì chuyện chúng mình mà làm cho gia đình không vui, và hãy siêng năng giúp đỡ gia đình. Từ từ cha mẹ sẽ hiểu cho hai đứa và thương mà chấp nhận. Em và T đã tạm xa nhau một năm rưỡi rồi, T hiện đang theo học đại học ở ngoại quốc.

 

Theo chị và Lão Ngoan Đồng em làm như vậy có uổng phí và có hy vọng hay không? Đến bao giờ gia đình sẽ chấp thuận? Riêng T rất tin tưởng ở sức khỏe của mình T làm việc như một người bình thường và hiện nay rất khỏe mạnh. Riêng em cũng rất tin tưởng ở y học hiện giờ, bệnh T sẽ không còn đáng lo sợ nữa.

 

Lời cuối em kính chúc chị và Lão Ngoan Đồng được mạnh khỏe để giúp đỡ nhiều độc giả. Em thành thật cám ơn chị và Lão Ngoan Đồng rất nhiều.

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

M thân mến,

Trước hết Thanh Lan và Lão Ngoan Đồng xin cám ơn em về những lời “ca tụng” quá đáng của em, thực ra từ ngày phụ trách Tâm Tình Bạn Đọc đến nay TL và LND mới chỉ cảm thấy vui thôi chứ chưa bao giờ dám hãnh diện về những gì mà em gọi là “giúp đỡ, dẫn dắt”, lần sau đừng có “bốc thơm” quá như thế nhé!

 

Về trường hợp của M ve T, Thanh Lan thấy cần phải dè dặt và thận trọng, vì tuy nó không ngang trái nhưng với căn bệnh của T mà chị được hiểu địch xác, với sự ngăn cản quyết liệt của gia đình và nhất là vì hạnh phúc trăm năm của em, Thanh Lan nghĩ rằng những ý kiến của mình nếu hay thì không nói làm gì, còn nếu dở thì Thanh Lan cũng sẽ có phần nào trách nhiệm.

 

Trước hết hãy nói về cái mà em gọi là bệnh tim của T. Chị đã hỏi một vị bác sĩ quen biết về việc này thì ông ta nói một cách rất là tổng quát: bệnh to tim nếu được giải phẫu kịp thời, trị liệu đúng cách thì không có gì đáng lo ngại. Sau một thời gian (vài năm) nếu có thể trở lại bình thường thì coi như an toàn 85%. Mười lăm phần trăm còn lại, ông ta gọi là những cái bất trắc mà không ai có thể đoán trước được. Tuy nhiên điểm quan trọng nhất theo vị bác sĩ này là “T bị một cái tật ở tim chứ không phải bị đau tim” như em biết ai bị đau tim nặng thì thường bị lên những cơn đau (heart attact) và nếu không được cấp cứu kịp thời thì…!

 

Cũng có những người đau tim sống đến 6, 7 chục tuổi nhưng các sinh hoạt trong cuộc sống cũng bị hạn chế rất nhiều. Vậy nếu T không bị đau tim thì không có gì phải lo ngại về những điều trên.

 

Tiếp theo Thanh Lan xin đề cập đến tình cảm giữa em và T. Em và T đã quen biết nhau mấy năm trường rồi tình yêu mới đến, như thế tình yêu của em và T không phải là mối tình bồng bột, không do “tiếng sét ái tình”. Em đã thử xa T nhưng không được, vậy là tình yêu bền chặt. Theo thư em viết, Thanh Lan lại thấy T là người rất là đàng hoàng và cao thượng. Vấn đề còn lại là gia đình của em.

 

Trước hết em cũng như Thanh Lan và tất cả bạn đọc cũng đều đồng ý ở một điểm: cha mẹ ngăn cấm em yêu T chỉ vì thương em, lo cho tương lai của em. Đối với một đứa con, sự lo lắng của cha mẹ được thể hiện nhiều nhất qua hai thời điểm, trước hết là lúc con ra chào đời, cha mẹ chỉ mong sao đứa bé được bình thường khỏe mạnh. Sau bao nhiêu năm tháng nuôi nấng dạy dỗ, tới lúc người con bước xuống đời là cha mẹ lại thêm một lần âu lo: chọn nơi đàng hoàng tử tế để đảm bảo hạnh phúc trăm năm của con!

 

Có lẽ chỉ những ai đã làm cha mẹ mới thấy được những cái lo âu đó nó đã chiếm hết nửa đời người… cha mẹ của em cũng thế, các người không muốn con gái mình góa bụa sớm, không muốn các cháu ngoại bơ vơ không cha, bởi vì người chồng bao giờ cũng được coi như cột trụ của gia đình. Và chính vì sự âu lo cho em mà có thể cha mẹ em đã kết luận một cách dứt khoát là T bị một chứng nan y và quyết định ngăn cản em.

 

Trước khi trả lời em hai câu hỏi: có uổng phí những năm tháng đợi chờ không, không biết đến bao giờ mới chấp thuận? Chị muốn em bình tâm để suy nghĩ chín chắn một số điểm liên quan đến bản thân em, bởi vì vấn đề chính là hạnh phúc của em, chứ không phải của gia đình!

 

Trước hết, em có thấy là mình yêu T tha thiết, nồng nàn như yêu một người tình chứ không phải một người anh đã thương yêu, dìu dắt mình? tiếp theo em có đủ can đảm để chịu đựng nếu trong tương lai, bất trắc sớm xảy đến với T hay không? Ý chị muốn nói một khi em đã yêu là và lập gia đình với T thì điều kiện then chốt là em phải sẵn sàng chấp nhận tất cả, từ chỗ sẵn sàng đó em mới có thể an tâm hưởng hạnh phúc và phó mặc cho số mệnh được. 

 

Bằng không lúc nào em cũng lo âu, không hiểu sáng hôm sau thức dậy có còn chàng bên cạnh mình hay không? Như thế thì thà đừng sống bên nhau còn tốt hơn. Nêu em yêu thương T đến mức độ sống bên nhau bằng mọi giá thì khi được toại nguyện coi như em “huề vốn” – Nói theo kiểu dân “cờ bạc” thì em “từ huề đến lời chứ không bị lỗ”…

 

Bây giờ trả lời câu hỏi của em: đợi chờ liệu có uổng phí hay không? Theo chị hiểu ý em muốn nói nếu đợi chờ lâu quá để rồi gia đình không chấp thuận thì uổng phí đi những tháng ngày đẹp của thanh xuân? Nếu quả thực em nghĩ như thế thì em chưa yêu thương T đến mức dám vượt qua tất cả, dám hy sinh tất cả để sống bên chàng.

 

Em nên tìm đọc cuốn tiểu thuyết (đã quay thành phim) Love story (chuyện tình) của nhà văn Eric. Segal, trong đó có một câu nói giản dị, nhưng bất hủ: “Love means Never say i am sorry – khi đã yêu đừng bao giờ nói tiếng ân hận”… nếu em vượt qua được thì hãy nói đến việc bao giờ thì gia đình chấp thuận!

 

Nếu em cương quyết giữ vững lập trường, em có thể cho gia đình biết em chỉ có hạnh phúc khi sống chung với T mà thôi, nếu gia đình không chấp thuận thì em cũng đành chịu, nhưng khó mà yêu thương người nào khác được, đành ở vậy để thành gái… già mà thôi! Điều quan trọng là em phải mềm dẻo, khôn ngoan đừng để cha mẹ hiểu lầm em là đứa con “khó dạy” mà phải cho cha mẹ hiểu rằng đối với em hiếu, tình bên nào cũng nặng cả, từ đó cha mẹ em sẽ nghĩ lại mà không nỡ để em vì hiếu mà quên tình.

 

M thân mến,

Khi viết những hàng này cho em, Thanh Lan không dựa vào sự lạc quan của vị bác sĩ riêng của T cũng không tin tưởng tuyệt đối vào ý kiến của vị bác sĩ bạn chị… mà chị dựa vào một yếu tố duy nhất: tình yêu!

 

Hơn nữa Thanh Lan luôn tin vào số mệnh của con người, có những người đang khỏe mạnh bỗn ngã gục vì hàng chục chứng bệnh khác nhau: ung thư gan, phổi, hoại huyết v.v.. lại có những người ốm yếu quanh năm mà thọ hơn người… cho nên trong cuộc sống tương lai T có thể bị hạn chế trong một vài sinh hoạt nào đó ( lao động tay chân, sinh lý) nhưng chưa chắc những người bình thường đã thọ hơn chàng!

 

Tóm lại giải quyết vấn đề hoàn toàn tùy thuộc nơi em: còn lo âu, phân vân thì nên dứt khoát, đừng để chàng nuôi hy vọng, ngược lại nếu nhất định tiến tới thì phải dẹp bỏ tất cả để tin vào tình yêu, vào sự an bài của Thượng Đế.

 

Thân mến,

Thanh Lan

P.S Lão Ngoan Đồng có đề nghị là em và gia đình nên hỏi ý kiến bác sĩ riêng của T để được an tâm hơn, nhưng Thanh Lan nghĩ điều này rất khó thực hiện bởi vì các bác sĩ thường phải giữ kín về bệnh nhân của mình!