Hỏi và giải đáp 17: Buồn vui trong tình bạn

03 Tháng Ba, 2008 | Uncategorized

Ngày 8.7.87

Chị Thanh Lan thân mến,

Đầu thư em gởi đến chị những lời chúc mà loài người thường chúc. Em không chắc chị sẽ trả lời thư của em không, bởi vì trang Tâm Tình Bạn Đọc hầu như nói về mục của “Love”. Còn chuyện của em là friend, nhưng em mong chị sẽ trả lời thắc mắc của em nhé! Như chị đã nói trang Tâm Tình Bạn Đọc có hạn, nên em sẽ không muốn đi vòng quanh thế giới đâu.

 

Năm nay em 18 tuổi, đã sang Úc được 2 năm. Có thể nói em là người hạnh phúc nhất, từ nhỏ đến lớn chỉ có biết ôm sách vở đến trường. Rất may là em sang đây theo diện bảo lãnh đoàn tụ gia đình, và nay em đã đoàn tụ được với gia đình, và gia quyến như nội, ngoại, cô dượng, chú thím… Nhưng mặc dù đông đảo vậy em vẫn có thêm bạn bè. Đặc biệt tụi em toàn là Trưng Trắc hay Trưng Nhị không à.

 

Một năm đầu tụi em rất thân, đi đâu cũng cả đoàn cả, ai thấy cũng phát ngán. Nhưng khoảng năm gần đây, em mới nhận ra là mình sống trong một sự giả tạo. Em tự tạo cho mình như một nhân vật trên màn ảnh để hòa đồng vào bạn bè, để cố gắng giữ tình bạn. Nhưng em cố gắng bao nhiêu, em lại thất vọng bấy nhiêu. Những lúc gặp mặt họ em thấy chán và sợ (em không biết họ có cảm giác như em không?).

 

Chán vì những câu chuyện đó hầu như cùng một nội dung, còn sợ vì có lúc họ rủ em đi Mimosa ở Footscray hay Richmond gì đó. Nhưng khi em xin gia đình cho đi, thì dì Út nói là: “chỗ đó không phải là nơi cho tụi cháu tới, sao không đi barbecue hay pinic gì đi”.

 

Nói tóm lại em không có giấy phép để đi Momisa, nên em sợ tụi bạn buồn. Mặt khác, họ thường giới thiệu mấy “anh hùng” cho em, nhưng em không thích vì em thiết tưởng mình chưa thích hợp để nghĩ đến chuyện ấy, và một phần cũng vị gia đình.

 

Mặc dù em cũng không nạt ngang mà chỉ lắc đầu, thái độ của mình có thể họ hiểu mà không đề cập tới. Nhưng, không nói này thì cũng cái kia, họ coi em như là một cuốn nhật ký không bằng, ai ai cũng đến và nói cho em nghe và hỏi ý kiến thế nào. Nhưng em đâu phải là chị dâu đâu mà trả lời chứ, phải không? Mà những chuyện em nghe đều là nói xấu nhau không, chán quá chị nhỉ?

 

Nhưng em nói vậy không phải đổ lỗi cho họ và giận họ đâu, thật ra em đâu muốn nghỉ chơi với họ, nhưng em chỉ muốn tình trạng này đừng xảy ra nữa mà thôi… Như chị biết, ở nơi đất lạ quê người, đâu có bao nhiêu là người của mình, nên em cũng đâu có kén chọn bạn bè gì đâu.

 

Em không muốn bạn bè chơi với nhau mà không vui, người này “kể” người kia, người nọi lại kể người này, thì sao còn gọi là bạn được. Có lúc em muốn hét lớn lên: “Các người có biết là các người đang “kênh” nhau, làm ơn trút bỏ lớp giả tạo đó đi, và cười nói thân mật với nhau coi!”.

 

Bây giờ em không biết làm thế nào, nên tiếp tục chơi với nhau hay một câu nói sorry rồi kông bắt tay nhau. Em hy vọng chị sẽ góp ý với em nhé!

Rất mong sự trả lời của chị, chúc chị luôn vui và thành công nhiều trên trang Tâm Tình Bạn Đọc và các mặt trong xã hội.

Mến chào chị.

T. Vi

TB: Mong chị đừng cười khi đọc xong thư này nhé (vì em đã đắn đo hai ngày rồi mới dám đem đến post-office).

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

T. Vi thân mến,

Đúng như tên gọi mà Lão Ngoan Đồng đã đề nghị từ đầu, mục Tâm Tình Bạn Đọc được mở ra với mục đích đón nhận tâm tình từ phía bạn đọc, do đó không nhất thiết phải nói đến hai chữ “tình yêu”.

 

Trong thời gian qua Vi đã được đọc những lá thư nói về việc giáo dục con cái, về việc mua nhà mua cửa cũng như về nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Và hôm nay, qua lá thư của Thục Vi, Thanh  Lan lại được chuyển đề tài qua tình bạn.

 

Vi thân mến,

Đọc thư Vi, chị thấy Vi là một con người rất tình cảm, và qua tuồng chữ chị lại đoán mò (qua kinh nghiệm của thầy Rùa) em rất độ lượng, nhưng hay ưu tư nên Vi đã quan trọng một vấn đề mà “không một người con gái nào tránh khỏi” khi giao du với các bạn đồng lứa! Ngày xưa chị cũng như thế mà thôi.

 

Nhưng riêng trong trường hợp của Vi, đúng như em đã viết, có lẽvì được rảnh rỗi nên bạn bè mới biến em thành một cái “Trung tâm liên lạc, truyền tin”. Đó là một cái thú nhưng cũng có thể trở thành một nỗi bực mình. Cũng như tốt và xấu là hai mặt của một nhóm, băng bạn bè, mà chị sẽ điểm qua những cái hại của sự tụ tập nhiều người.

 

Trước hết nói về đàn ông con trai thì nào là cờ bạc, rượu chè, phá phách hoặc lang thng “đèn xanh đèn đỏ”. Về phía đàn bà con gái chúng ta thì đố mà tránh khỏi chuyện ngồi lê đôi mách, nói xấu người này, chê bai người khác.

 

Chị nói Vi và các bà đừng có nổi giận nhé: hình như đó là một cái thú của đa số phái yếu chúng mình, có khác nhau chăng là tùy theo mức độ ít nhiều và lương tâm khi xử dụng cái thú đó của mọi người. Từ đó Vi thấy cái “sinh hoạt” của băng Trưng Trắc, Trưng Nhị của Vi cũng bình thường mà thôi, Vi khỏi cần hét lớn lên kẻo người ta lại bảo em gái của chị “mát”, hoặc đạo đức giả!

 

Trở lại với lá thư của Vi, chi khuyên Vi một mặt nên duy trì tình bạn, một mặt phải biết phán đoán, nhận xét về từng người bạn của mình. Đồng ý là ở đời ai cũng có cái tốt, cái xấu, mình chơi với bạn bè là vì những cái tốt xấu không thể nào chấp nhận được, như trong trường hợp của Vi, tuổi còn nhỏ, còn thơ ngây thì những người bạn gái nào bê bối trong vấn đề tình cảm hoặc ăn chơi quá, em nên chấm dứt hay ít ra cũng hạnh chế quan hệ, bởi vì “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, chân lý đó ngàn đời vẫn đứng.

 

Tuy nhiên nói thì dễ nhưng thực hiện mới là khó, bạn bè xưa nay đang vui vẻ với nhau (ít ra thì cũng ở bề ngoài) mà nay lại tự nhiên… nghỉ người này, thôi người nọ thì cũng mất vui, trở nên ngượng ngùng. Nếu có những người bạn như thế, Vi nên khéo léo từ chối những cuộc đi chơi có sự hiện diện của họ, khi họ đến nhà chơi nên lộ vẻ lơ là hoặc tránh mặt vài lần, nếu họ không hiểu ý của Vi thì họ cũng chán mà không thèm đến nữa. Một điểm tế nhị chị thấy cần phải nêu ra ở đây là Vi đối xử với những người đó là một cách thiếu không ngoan thì sẽ bị họ lên án là “kiêu kỳ”, coi bạn bè không ra gì…

 

Còn về việc các cô bạn của Vi nói xấu nhau thì Vi có thể giảm bớt cái thú đó bằng cách lảng qua chuyện khác hoặc nếu không có kết quả, Vi có thể đề cập đến một điểm tốt nào đó của người bạn bị nói xấu, tức là gián tiếp cho người đang nói xấu kia hiểu rằng: Vi chơi với bạn vì những mặt tốt của họ mà thôi!

 

Nếu Vi sử dụng phương pháp này một cách kiên trì thì mặc dù số bạn thân của Vi có thể giảm đi, nhưng cái mức độ nói xấu giữa bạn bè với nhau chắc chắn cũng sẽ giảm đi. Đây là cách tốt nhất để duy trì tình bạn tốt đẹp và lâu bền! Tiếp đến là trong thư, Vi có nói là Vi sợ đi Mimosa. Theo ý chị thì thực ra Mimosa cũng chẳng có gì để em phải sợ, đó chỉ là chỗ dành cho những người thích khiêu vũ hoặc nhìn người khác khiêu vũ.

 

Tuy nhiên Thanh Lan cũng đồng ý với dì Út của Vi ở điểm: chưa trưởng thành, chưa tự lập , nhất là còn đang học hành… thì chưa nên lui tới những chỗ đó. Nếu thực sư Vi thích bộ môn khiêu vũ thì có thể xin phép mẹ, dì để tham dự các party sinh nhật đám cưới v.v.. Giới hạn của Vi chỉ là được “nhảy nhót” ở những nơi chốn thân mật và mang một bầu không khí gia đình mà thôi.

 

Sau cùng Vi hay bị bạn bè giới thiệu cho các “người hùng”. Vi nói mình chưa nghĩ đến chuyện yêu đương, điều đó cũng tốt, nhưng Vi lại nói thêm: Một phần cũng vì gia đình! Nhân tiện đây Thanh Lan cũng xin có ý kiến với Vi và cả gia đình của Vi nữa về vấn đề này.

 

Trước hết không phải cứ hễ quen biết một người con trai là có nghĩa là yêu đương. Ở tuổi 18 nếu Vi quen biết một số bạn trai thì không sớm mà cũng chẳng muộn. Nếu chỉ chơi với bạn gái không thôi thì không thể có đầy đủ nhận thức về cuộc đời, trong đó có nam, có nữ.

 

Nếu Vi nói rằng bị gia đình ngăn cản thì Thanh Lan cũng xin thưa: ngăn cấm (nếu có) phải luôn luôn đi với giáo dục và hướng dẫn… thì mới có ích cho con em. Nếu Vi được gia đình cho phép thì trong lúc đầu phải để ý đến 2 yếu tố quan trọng: trước hết là người con trai đó do cô bạn nào giới thiệu, hãy nhớ nguyên tắc toán học (“bạn của một người xấu tức là một người xấu”), tiếp đến là thời gian tìm hiểu: không bao giờ đi chơi chung với sự hiện diện của người con trai đó nếu anh ta chưa chứng tỏ mình là người đứng đắn và để gia đình Vi có dịp tiếp xúc và đánh giá!

 

Đến đây Vi có thể chê Thanh Lan là khó tính, có thể gia đình Vi lại lên án Thanh Lan là dễ dãi… Thực ra Thanh Lan không khó  cũng không dễ dãi mà chỉ quan niệm một cách thực tế rằng: việc gì tới phải để cho nó tới, hay dở là ở chỗ mình biết sửa soạn  để đón chờ ngày đó hay không!

 

Thục Vi và bạn đọc thân mến,

Hình như hôm nay Thanh Lan viết có vẻ “lẩn thẩn” thế nào ấy. Có lẽ cũng chỉ vì đã qua lớp tuổi ô mai, lo cho gia đình, cho con cái nên cũng chẳng còn nhiều thì giờ dành cho bạn bè. Đôi khi chợt nhớ lại tuổi thanh xuân mà lòng bâng khuâng tiếc nhớ. Đó cũng là lý do Thanh Lan khuyên Vi nên cố gắng duy trì tình bạn trong những tháng ngày vô giá, những tháng ngày chỉ đến có một lần, nhưng tháng ngày không bao giờ trở lại.

Mến nhiều,

Thanh Lan