Hỏi và giải đáp 14: Mẹ chồng nàng Dâu

27 Tháng Hai, 2008 | Uncategorized

Marrickville 22.4.87

Chị Thanh Lan thân mến,

 

… Qua phần trình bày ở trên, chị đã thấy em yêu chồng đến độ hy sinh mọi sở thích cá nhân để chồng vui lòng. Ngoài ra em còn chu toàn mọi việc trong nhà để không ai có thể bắt lỗi mình được.

 

Thế nhưng đã gần một năm trôi qua mà mẹ chồng em vẫn lạnh lùng xa cách, hình như càng ngày càng gia tăng. Hồi còn ở Việt Nam, mẹ em có kể cho em những vễ những ngày làm dâu cho ông bà nội, hồi đó mẹ em khổ lắm nhưng em nghĩ rằng đó là thời xa xưa chứ thời nay mọi sự đã thay đổi. Ai dè bây giờ em lại lâm vào hoàn cảnh của mẹ ngày xưa.

 

Trước đây em có đọc một cuốn sách tiểu thuyết trong đó tác giả nói sự việc các bà mẹ chồng đầy ải nàng dâu là vì ngày xưa các bà đã khổ khi làm dâu nên nay có con dâu thì làm khổ lại cho đỡ tức, em không hiểu có đúng như thế hay không nhưng nhìn vào hoàn cảnh một số chị em bạn gái khác thì thấy họ sống sung sướng, hạnh phúc được cả gia đình chồng yêu thương!

 

Đôi lúc em tự hỏi có phải vì em không đi làm cho nên bị kết tội ăn bám hoặc vì cha mẹ em không có bên này nên bị hiếp đáp hay không? Hoặc bởi vì vợ chồng em chưa có con nên chưa chiếm được lòng thương của mẹ chồng?

 

Em thật không biết làm sao bây giờ vì đã cố gắng hết sức, chị có thể giúp cho em một vài ý kiến được không? Ví dụ như đòi chồng đi ở riêng hoặc bắt buộc anh ấy để cho em đi làm v.v.. hy vọng sẽ thay đổi được tình trạnh hiện nay chăng!

 

Cuối thư kính chúc chị vui mạnh để phục vụ độc giả của Tivi Tuần San lâu dài.

Ngọc D.

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

Em Ngọc thân mến,

Vấn đề xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu là một vấn đề xưa như trái đất vậy, tuy càng ngày càng giảm bớt đi nhưng chắc chắn không thể mất hẳn được. Do đó trường hợp của em không phải là hiếm hoi lắm, em không nên ưu tư, lo lắng quá đáng. Nếu em là một người vợ hiền, một nàng dâu thảo thì trước sau mẹ chồng cũng thay đổi thái độ mà thôi, lâu hay mau hoàn toàn tùy thuộc vào em cả.

 

Trước khi góp ý kiến với em, Thanh Lan xin đưa ra một vài nguyên nhân chính của sự xung đột (hoặc nhẹ hơn là lạnh lùng) giữa mẹ chồng và nàng dâu xưa nay để từ đó em dễ dàng tìm một phương cách giải quyết của riêng mình.

 

Nguyên nhân thứ nhất, đúng như em nghĩ, là do phong tục tập quán của người Á Đông chúng ta: trước hết một số bà mẹ chồng thường nhớ lại cái ngày mình bị làm dâu để bây giờ được làm mẹ chồng thì hành hạ con dâu lại. Tuy nhiên không phải là ai cũng có thế, có bà thì lại nghĩ đến việc mình tốn công tốn của cưới vợ cho con thì nay phải “lấy lại vốn”, có nghĩa là bắt con dâu phải gánh vác mọi chuyện. Cũng có bà vì không ưa con gái đó nhưng chỉ vì con trai mình nhất định lấy nên đành phải chịu, như thế thì làm sao có sự hòa hợp được.

 

Nguyên nhân thứ hai mà người Tây phương hay đề cập đến hơn là về tình cảm: Người mẹ sinh con ra, ôm ấp dưỡng dục từ thuở bé thơ, bao nhiêu tình cảm dành hết cho đứa con trai yêu quý. Nhiều bà mẹ yêu con đến nỗi muốn giữ độc quyền, không muốn ai yêu con mình hơn mình. Đến khi con lấy vợ, bà cảm thấy rằng hình như con mình không cần đến sự thương yêu của mình nữa đồng thời trái tim của nó đã dành cho một người đàn bà khác, đó là người vợ! Trong trường hợp này người Tây phương gọi là “ghen tuông” của mẹ chồng đối với nàng dâu.

 

Đến đây Thanh Lan xin mở một dấu ngoặc để thưa với quý bà mẹ chồng hiền lành đức độ (thương con dâu hơn thương con cái) rằng: trên đây Thanh Lan chỉ xin nói tới một số nhỏ nào đó mà thôi chứ không bao giờ dám vơ đũa cả nắm, và mục đích chỉ là nhắm vào trường hợp của cá nhân em Ngọc D mà thôi.

 

Ngọc D thân mến,

Ở trên chị vừa nói đến sự xung đột, nhưng nên nhớ đó chỉ là về phần của các bà mẹ chồng còn nhiều khi lại do các nàng “dâu quý” nữa: lười biếng, hoang phí, hỗn xược… thì làm sao mà chiếm được cảm tình của mẹ chồng được!

 

Trở lại trường hợp của em, em đã trình bày là mẹ chồng đã vui vẻ chấp nhận để em về làm dâu, rằng em là người có đủ tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh… vậy mà vẫn bị đối xử lạnh nhạt! Em không nói đến sự đầy ải, hà khắc của mẹ chồng có nghĩa bà không phải là hạng người thích hành hạ con dâu.

Vậy nguyên nhân đưa đến thái độ của mẹ chồng có thể thu gọn vao những giả thuyết sau:

– Em không đi làm.

– Em và chồng không chịu có con.

– Em đã chiếm mất người con trai út của bà mẹ chồng.

 

Hai giả thuyết đầu, Thanh Lan thấy không đáng để bà mẹ chồng quan tâm lắm, có nghĩa là không phải nguyên nhân chính. Bởi vì ngày chưa về làm dâu em vẫn còn đi học thì nay về nhà chồng lại khá giả thì em ở nhà lo việc nội trợ cũng không có gì đáng trách cả, hơn nữa đó lại là ý muốn của chồng em.

 

Về việc vợ chồng em chưa có con thì bà mẹ chồng nào mà không muốn có cháu để bồng, nhưng Thanh Lan nghĩ nếu đúng vào trường hợp của em thì đó cũng chỉ là một nguyên nhân phụ. Tóm lại Thanh Lan tập trung vào vấn đề tình cảm giữa em – chồng em và bà mẹ chồng.

 

Trước hết, bởi vì chồng em là con trai út cho nên khi lấy vợ chắc chắn đã làm cho bà mẹ góa bụa cảm thấy cô đơn hơn, từ chỗ cô đơn đó đâm ra “không thích” người con gái xa lạ kia mà nay đã trở thành người đàn bà quan trọng trong cuộc đời con mình.

 

Tiếp theo, có thể vì chồng em trong những ngày mới lấy vợ, quá miệt mài trong hạnh phúc mà hầu như quên đi sự hiện diện của mẹ mình, điều đó đã làm tổn thương tự ái của bà. Cuối cùng cũng có thể vì em cũng vì hạnh phúc “quá tràn trề” mà bày tỏ thái độ thái độ yêu thương chồng một cách quá lộ liễu trước mặt mẹ chồng để khiến bà “gai mắt”.

 

Ngọc D thân mến,

Hoàn cảnh của em chưa đáng gọi là sự xung đột mà mới chỉ là sự lạnh nhạt giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nhưng nếu không sớm tìm cách giải quyết thì một ngày nào đó khi cả hai bên không chịu đựng được nữa xung đột sẽ bùng nổ! Theo chị, em nên lưu ý đến những điểm sau đây:

 

Trước hết tự nhận xét lại con người mình xem có thiếu xót điểm gì không. Em nên nhớ rằng khi cố gắng trở thành vợ hiền, dâu thảo, giữ được công, dung, ngôn, hạnh cho đàng hoàng thì không phải là quỵ lụy nhà chồng đâu, mà chính là tỏ ra cái tư cách của mình cũng như giữ danh dự cho gia đình, dòng tộc của nhà mình vậy.

 

Tiếp theo em nên khuyên chồng lưu ý, chăm sóc đến mẹ một chút chứ đừng có lúc nào cũng quấn lấy vợ, đành rằng bổn phận chính vẫn là của em nhưng về tâm lý, bà mẹ nào mà không muốn được con lo lắng, chăm sóc… dù chỉ bằng một vài câu nói.

 

Đồng thời em cũng phải là một nhà “ngoại giao” đi đêm bằng cách cho mẹ chồng biết một cách gián tiếp rằng anh ấy lúc nào cũng nhớ tới những ngày được mẹ chiều chuộng, nâng niu… rằng anh ấy muốn mẹ làm món này, món kia.

 

Đây là một điểm tâm lý rất quan trọng, kể cả khi em nấu nướng cũng nên (giả vờ hay thành thật) hỏi bà mẹ chồng xem “con chẳng biết anh ấy thích món gì nữa, mẹ biết tính anh ấy, mẹ nói con nghe với”… chỉ đại khái như thế thôi, tự ái của bà cũng được vuốt ve rất nhiều, riêng về phần em, cũng nên tìm mọi cáhc, mọi cơ hội để “lấy điểm” bà mẹ chồng: do chính tay em nấu nướng món ăn bà ưa thích, sẽ góp một phần quan trọng trong việc chinh phục mẹ chồng!

 

Cuối cùng vợ chồng em nên kín đáo và tế nhị trong những lúc âu yếm. Đành rằng bà mẹ chồng cũng biết thừa rằng vợ chồng mới cưới thì lúc nào mà không quấn quít lấy nhau. Nhưng em nên hạn chế tối đa trước mặt mẹ chồng. Dĩ nhiên trên đời này chẳng có bà mẹ chồng nào lại mở miệng trách con dâu là “cô thương yêu con trai tôi quá” nhưng trên thực tế không một ai muốn nhìn thấy những hành động yêu thương lộ liễu đó! Sự kín đáo còn biểu lộ sự kính trọng mẹ chồng, chồng em có thể vô tâm nhưng em không được phép sơ suất về điểm đó.

 

Về việc em tính ra ở riêng thì không nên, dù chồng em có ý định đó hay không. Vì chồng em là con trai út mà mẹ góa con côi đã sống với nhau từ xưa đến nay thì em nên tiếp tục duy trì tình trạng đó, trừ trường hợp sau này bà mẹ tự ý đi ở với gia đình người anh chồng hoặc có sự xung đột dữ dội mà em không chịu đựng được nữa thì mới đành ở riêng.

 

Còn việc vợ chồng em chưa có “bé-bi” thì Thanh Lan không thể hiểu, đó là kế hoạch chung của cả vợ chồng hay chỉ một trong hai người chưa muốn? Thời nay người ta thường lựa chọn dứt khoát một trong hai kế hoạch: hoặc có con sớm để sau đó thoải mái làm ăn hoặc gây dựng đầy đủ xong mới nghỉ đến việc “sản xuất” nhi đồng!

 

Thanh Lan không muốn đi sâu vào cuộc sống riêng của vợ chồng em, nhưng trong thời điểm này thì một đứa “cháu nội” kháu khỉnh chắc chắn không những sẽ là niềm vui cho bà nội mà còn là một gạch nối tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu đấy!

 

Chúc em được hạnh phúc trọn vẹn!

Thanh Lan.