Sau một tuần lễ công du bảy nước vùng Trung Đông, TT Bush đã về Hoa Thịnh Đốn. Kết quả ra sao?

07 Tháng Hai, 2008 | Người Việt đó đây

Có hai loại vấn đề lớn.

Vấn đề lớn thứ nhất ông Tổng Thống Bush không là người cha của nó. Người đẻ ra nó là một người Ả Rập, công dân nước Ả Rập Xê Út mang tên Osama bin Laden, tự thân là một nhà kinh doanh lỗi lạc, rất giàu tiền, lắm của đã biến thân thành một tên trùm khủng bố có tầm vóc toàn cầu được cả thế giới sợ hãi vì kết hợp để loại trừ. Vấn đề lớn thứ nhất này mang số hiệu 11 tháng 9 tức là ngày 11 tháng 9 năm 2001 là thời điểm mà hai tòa cao ốc của trung tâm Mậu Dịch Thế Giới ở Nữu Ước bị bọn quyết tử của tổ chức Al-Qaeda cướp hai phản lực cơ thương mại dân sự rồi bay lao vào phá sập, gây ba ngàn thương vong. Một phản lực cơ khác cũng đã lao vào Ngũ Giác Đài ở Hoa

 

Thịnh Đốn phá sập một phần phía Tây của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Phản lực cơ của bọn khủng bố Al-Qaeda đã bị hành khách nổi dậy chống đối và phản lực cơ đã bị hành khách gây tai nạn đâm đầu xuống một nơi hẻo lánh ở tiểu bang Pensylvania. Không một ai sống sót.

Về vấn đề này, Tổng Thống Bush trước hết chỉ phải lo ngăn chặn mọi mưu toan phá hoại trong nước Hoa Kỳ,  đồng thời cộng tác với các chính phủ trên thế giới trong công cuộc truy lùng, bắt giữ bọn khủng bố.

 

Vấn đề lớn thứ hai mới thực là “của sở hữu chủ” danh hiệu Tổng Thống George W.Bush. Đích danh của vấn đề là “Cuộc chiến ở Iraq”, nó gắn liền với tên của ông Bush.

 

Cuộc chiến Iraq là vấn đề lớn trung tâm, có thể gọi là “Vấn Đề Mẹ” từ đó, cùng với thời gian “Vấn Đề Mẹ” sinh ra không biết bao nhiêu “Vấn Đề Con” chúng có sức tăng trưởng rất mau, rất… lớn như  “Mẹ” của chúng. Hai nhân vật đỡ đầu cho giờ phút lâm bồn của “Iraq Mẹ” là Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumsfeld và Phó Bộ Trưởng Paul Wolfowitz, cả hai đều là những người lỗi lạc và kiêu ngạo như nhau. Đối với hai người này, Tổng Thống Bush như bị bùa mê. Họ nói cái gì ông tổng thống cũng nghe, bảo cái gì ông tổng thống cũng theo. Tại Bộ Quốc Phòng quyền uy của hai nhân vật này là tuyệt đối.

 

Nhưng rồi cùng với thời gian, những chiến lược và chiến thuật của Bộ Quốc Phòng dần dần tỏ ra thiếu hiệu lực, nhất là việc trước hết là vụ nhà tù ở Iraq đã trở thành một “mẫu mực” của “Tội Ác Mỹ”, sau khi những phong cách đối xử với tù nhân “được” công khai đưa ra trước giới truyền thông. Và nước Mỹ, lần đầu tiên sau chiến thắng lẫy lừng bắt được tên đồ tể Saddam Hussein, nhà độc tài sắt máu của Iraq, đã là một trung tâm lớn nhất thế giới chịu nhận biết bao hành động xỉa xói của công luận toàn cầu.

 

Cuộc chiến được kết thúc rất nhanh chóng chưa đầy hai tuần lễ giao tranh, dần dần đi mau vào lối bí với vấn đề “vũ khí giết người hàng loạt” được tung ra để chứng thực sự cần thiết của cuộc chiến, rốt cuộc bị chứng minh là “nói dối”, “lừa gạt”. Quốc Hội, do cả tin những lý lẽ do Hành Pháp đưa ra đã bỏ phiếu thuận sự khởi chiến với Iraq đi đôi với sự cấp nhiều ngân khoản cần thiết cho cuộc chiến, bắt đầu bực bội rồi tiến hành một công trình hạch hỏi Hành Pháp về mọi khía cạnh của cuộc chiến. Uy tín Tổng Thống Bush suy sụp đến nỗi bị đối chất không còn lối cãi, đành phải nhận “Tôi đã phạm sai lầm.” Tưởng đâu thế là xong!

Nhưng, chưa đâu!

 

Sau khi nhận lỗi, tổng thống tuyên bố ngay, mới cách đây khoảng hai năm và trước cả cuộc tuyển cử giữa kỳ, ngày 7 tháng 11 năm 2006: “Vần đề Iraq sẽ do các vị kế nhiệm tôi giải quyết!”.

Nên đặc biệt chú ý đến mấy chữ “Các vị kế nhiệm tôi” (nguyên văn: My successors)

Rõ ràng là ông Tổng Thống Bush “lần đầu tiên” trong triều đại của ông đã nhận định đúng về cái “Thế cờ của cuộc chiến” sau khi ông vĩnh biệt Dinh Bạch Ốc.

 

Và đó cũng là lời cảnh giác rất sớm của ông tổng thống cho đảng Dân Chủ vẫn chưa hả nỗi uất hận là đã theo đảng Cộng Hòa trong suốt 12 năm trong đó với 8 năm đảng

 

Dân Chủ đã bị gạt sang bên lề của cả hai viện Hạ và Thượng của Quốc Hội.

Riêng người viết nghĩ rằng sau khi… Nhận tội “Tôi đã phạm sai lầm” trước đảng Dân Chủ vênh váo, có vẻ như Tổng Thống Bush cảm thấy trong người… nhẹ nhõm hơn bao giờ hết!

 

 

Ắt phải như thế thì mới có thể giải thích được cái “Sức Bật Lại” của Tổng Thống Bush. Để cho đảng Dân Chủ huyênh hoang mặc sức hạ nhục mình, ông Tổng Thống Bush dần dần đã… lùa được đảng Dân Chủ đi vào con đường mà ông muốn: ngưng, không còn gay gắt đòi đưa quân Mỹ ở Iraq về nước ngay; tăng quân số thêm 5 lữ đoàn (nguyên văn: surge); xuất thêm chiến phí theo đúng yêu cầu của ông tổng thống. Và hiện nay đảng Dân Chủ đã phải đồng ý theo phong cách lưỡng đảng (bipartisan) cùng giải quyết với đảng Cộng Hòa cuộc khủng hoảng kinh tế đang đe dọa nước Mỹ.

* * *

 

Năm chót của nhiệm kỳ II và cuối cùng của Tổng Thống Bush, đối với riêng người viết, quả là một dịp tốt để có một cái nhìn bao quát và tổng thể về triều đại của ông Bush.

 

Khi mới vào Dinh Bạch Ốc năm 2000, Tổng Thống Bush đã “tuyên ngôn” Ông “không thích thiên hạ sự”. Theo ông, những cảnh nhiễu nhương trên thế giới không phải là những “đối tượng” mà ông ưa thích. Thế ông “được” làm “chủ nhân ông” Dinh Bạch Ốc để làm gì? Thế rồi ông còn tuyên bố sự “bảo thủ” của ông thuộc loại “Bảo thủ có lòng trắc ẩn” (Compassionate conservative). Thì ra ông Chánh Án Tối Cao Pháp Viện đã uổng công ra phán quyết cho ông Bush Con “được” thắng cử trước ông Al Gore đã đứng phó với ông Bill Clinton.

 

Nhưng tên trùm khủng bố Osama binLaden, người đầu đàn Tổ Chức Al Queda, đã thay đổi hoàn toàn phong cách tư duy và hành động của ông Bush, khi Tòa tháp đôi của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới bị Al-Qaeda phá sập tại Nữu Ước ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ông Bush đã trở thành một con người khác.

 

Cho tới bây giờ, cuối Tháng Giêng năm 2008, ông Bush lại “thoát xác” thêm.

 

Đảng Dân Chủ, một tập thể chính trị lớn có vẻ như không bị ngày 11 tháng 9 ảnh hưởng gì nhiều và nặng. Cái thế vững vàng đó xét ra không đem lại lợi lộc gì cho đảng Dân Chủ. Cái cằn cỗi đã xâm nhập khá sâu vào  căn bản tư duy của đảng Dân Chủ.

 

Theo dõi cung cách các ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ cho thấy chiến thuật, chiến lược của các ứng cử viên thiếu cái đặc sắc của mỗi cá nhân. Họ, không ai bảo ai, đều lôi ông Bush và chính phủ của ông ra làm đề tài… tranh cãi với nhau: họ đua nhau nặng lời chỉ trích một cá nhân và một tập thể đang chuẩn bị rời sân khấu, chẳng buồn để ý đến đảng Dân Chủ nữa.

 

Nhiều người, khi thấy một số nhân viên nòng cốt và thân cận của ông Bush lần lượt theo nhau “rũ áo từ quan” đã cười khẩy nhạo báng. Riêng người viết cho sự ra đi của họ là phải. Sẽ và đã có những người khác tới trám vào chỗ trống, những người mới sẽ ham việc, hăm hở học hỏi dù biết sẽ phải ra về cùng ngày với ông Bush, nhưng ít ra họ cũng sẽ học được đôi điều hữu ích ngay tại trung tâm của quyền lực.

 

Rõ ràng là các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ chưa “thoát được xác cũ”. Họ cận thị nặng. Họ không nhận rõ trong năm cuối cùng còn tại quyền, chính phủ Bush có thể nhận diện đã đáp ứng được một số thách thức từ bên ngoài. Bên Châu Âu đã có chiều hướng chống chủ thuyết cấp tiến Hồi Giáo. Hoa Kỳ đã khuyến khích người dân ở Châu Âu nên khước từ hòa dịu với đạo Hồi. Hãy để ý tới nước Đức và nước Pháp: Các nhà lãnh đạo của hai nước này trước kia thường trao đổi với nhau về chính sách chống Mỹ nay không còn cầm quyền nữa. Một thế hệ nam, nữ nay đã thay thế họ và có một cách nhìn thấu đáo về vấn đề trật tự và chủ nghĩa cấp tiến.

 

Ở Đức trước kia có Gerhard Schroder, một người tính chất ma cô, làm thủ tướng thì nay có Angela Merkel đã từng được nuôi dưỡng ở Đông Đức, thay thế. Bà thủ tướng này có quan niệm về tự do chống chuyên chế gần với chính phủ Bush hơn. Ở Pháp, thay vì còn {Tổng Thống} Jacques Chirac ở Paris thì bây giờ có tổng thống mới là Nicolas Sarkozy. Tháng 11 năm ngoái (2007), trong chuyến công du chính thức Hoa Kỳ, ông Nicholas Sarkozy đã có dịp đọc trước Lưỡng Viện Quốc Hội một diễn văn gây xúc động lớn khi ông nói nhờ có sự hy sinh cao cả của nhân dân Mỹ đã gục ngã trên các bãi biển ở Normany thời Thế Chiến Thứ  II mà nhân dân Pháp đã được tự do chứ không bị nô lệ.

 

Những thay đổi này đã diễn ra ngay trong triều đại Geoge W.Bush.

* * *

 

Như đã ghi trong phần đầu của bài viết, Tổng Thống Bush chính thức công du bẩy nước ở Trung Đông với mục đích là rao món hàng ông đã nhập tâm từ lâu, một món hàng đối với các nhà lãnh đạo Ả Rập ở Trung Đông quả là… khó nuốt được ngay: món hàng Tự Do và Dân Chủ cho nhân dân Ả Rập.

 

Tổng Thống Bush biết rất rõ điều đó nhưng ông cứ đi tới Trung Đông, lo tìm một kết thúc cho sự nghiệp của chính ông, một sự nghiệp, theo nhận định riêng của người viết, chỉ “chuyên” gây ra những vấn đề lớn không có sẵn giải đáp.

 

Ông Tổng Thống Bush chỉ thực hiện được một kết thúc:

Đó là kết thúc sự có mặt của ông ở bẩy nước Trung Đông.

Còn lại những gì để “kết thúc” thì, theo lời ông tổng thống đã nói rõ:

“Sẽ do các vị kế nhiệm tôi giải quyết”

 

Ít nhất thì đây cũng đã có thể coi là “Di sản của George W.Bush”

Nguyễn Tú  25.1.2008