Các ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ mắc chứng cận thị nặng: Không một ai trong họ chịu thừa nhận đang có tiến bộ ở Iraq

07 Tháng Hai, 2008 | Người Việt đó đây

Nhà báo Nguyễn Tú  tại tư gia chủ bút TVTS ở Melbourne cuối năm 2002 

 

Tại sao vậy?

Hãy chịu khó theo dõi cuộc tranh luận giữa họ với nhau ở New Hampshire hôm Thứ Bảy mồng 5 tháng Giêng được trực tiếp truyền hình. Lần đó tất cả đã phải đương đầu với câu hỏi mà họ đã cố tránh né trả lời từ lâu: Liệu họ có thể thừa nhận sự tăng thêm quân số ở Iraq đã có hiệu quả? Tất cả các ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ đều đã lớn tiếng mạnh mẽ chống việc tăng quân mà cách đây một năm, Tổng Thống Bush đã đề nghị đưa qua Quốc Hội yêu cầu phê chuẩn. Liền ngay lúc đó, bà Nghị Sĩ Hillary Rodham Clinton và Nghị Sĩ Barack Obama đã cùng đưa ra dự luật bác khước bản đề nghị tăng quân của ông Bush.

 

Nhưng bây giờ thì khó lòng mà cãi một sự thật đã hiển nhiên: việc tăng quân số đã quyết liệt đẩy lùi được bạo lực. Các cuộc tấn công của quân phiến loạn đã sút giảm hơn 60 phần trăm, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã bị một đòn chí tử và mối đe dọa xẩy ra nội chiến giữa các phe phái tưởng đâu có thể bùng nổ bất cứ lúc nào cách đây một năm thì bây giờ đã trở nên mờ nhạt. Tổng số thương vong hàng tháng trong tháng 12 vừa qua là thấp nhất lần thứ nhì trong cuộc chiến ở Iraq.

 

Một giải thích có lý cho các sự kiện vừa nêu là phải viện ra sự tiến bộ về quân sự rất đáng kể, đi đôi với lời nhắc nhở rằng mục đích tối hậu do Tổng Thống Bush đặt ra là sự thỏa hiệp chính trị giữa các phe phái đã chưa đạt được. Cũng còn phải tính đến chuyện các ứng cử viên có ý muốn xét lại các kế hoạch mà họ đã có từ lâu, rồi căn cứ vào đó thực hiện rút mau các lực lượng Hoa Kỳ còn tồn đọng ở Iraq một khi có người trong họ thắng cử tổng thống. Toan tính như vậy rõ ràng là một bước tiến hầu như chắc chắn đến sự  đảo ngược mọi tiến bộ đã khổ công mới đoạt được.

Điều mà các nghị sĩ Clinton, Obama, John Edwards và Bill Richardson đưa ra thay thế là sự chú mục đặc biệt vào các thất bại chính trị của Iraq – được gắn liền vào vô vàn khẳng định về cuộc chiến, xét ra thì không có cơ sở, và trong một số trường hợp hoàn toàn không đúng sự thật.

 

Nghị sĩ Obama xung phong đi trước. Theo ông, sở dĩ các bộ lạc thuộc phái Sunni ở tỉnh Anbar cùng với các lực lượng vũ trang của họ tới nhập hàng ngũ các chiến binh Hoa Kỳ chống tổ chức khủng bố al-Qaeda là để tỏ sự hưởng ứng của họ trước sự thắng lợi của Đảng Dân Chủ trong cuộc tuyển cử năm 2006. Đây là một khẳng định gượng gạo, không tự nhiên mà ông Obama không đưa ra được bằng cứ hiển nhiên và cụ thể.

 

Ông Obama có công nhận rằng bạo lực đã đôi phần giảm sút nhưng lại nói rằng ông đã tiên đoán sự thêm quân số sẽ đem lại tác dụng đó. Sự thật là ngày 8 tháng Giêng năm 2007, ông tuyên bố vì không có tiến bộ về chính trị  thì “Tôi nghĩ, thêm 15 hay 20 ngàn quân cũng chẳng đem lại được sự khác biệt nào cho Iraq và Baghdad. Ông cũng nói ông không thấy có bằng cớ cụ thể nào chứng tỏ sự thêm quân Mỹ sẽ thay đổi được thái độ của các nhà chính trị có óc bè phái và làm họ khỏi sự kiềm chế không để các thành viên trong giáo phái của họ xử dụng bạo lực.”

 

Về phần Nghị Sĩ Hillary Rodham Clinton, bà từ khước không rút lại lời bà đã nói hồi tháng 9 rằng phải “đình chỉ sự không được tin” thì mới tin được rằng sự tăng quân số đã có hiệu quả.

 

Đáng lo ngại hơn nữa là các đảng viên Dân Chủ từ chối không điều chỉnh lại đường lối, chính sách của họ trước sự thay đổi của tình thế.

 

Nghị Sĩ Clinton nói bà thấy không có lý do nào phải giữ các binh sĩ Hoa Kỳ lâu hơn ngày hôm nay. Rồi bà phác thảo kế hoạch rút quân với tiền đề là một sự thất trận giống như ở Việt Nam trước kia.

 

Theo bà, chúng ta phải tính xem sẽ làm gì với hơn 100 ngàn thường dân Mỹ và tất cả những người Iraq đang sát bên với chúng ta. Liệu chúng ta sẽ bỏ rơi họ không?

Ông Obama thì bám chặt vào kế hoạch tái phối trí từng phần, theo ông, nếu kế hoạch của ông được đem thi hành cách đây một năm thì hầu hết các chiến binh Mỹ sẽ rời khỏi Iraq vào tháng Ba.

 

Bà Clinton còn đưa ra một điểm mạnh. Bà tuyên bố “xanh rờn”: cho dù tương đối thấp, con số 23 chiến binh Mỹ chết vào tháng 12 năm ngoái là không thể chấp nhận được nếu không có triển vọng thành công rõ rệt.

 

Cho tới nay, chính phủ Bush vẫn chậm chạp và yếu trong việc thúc đẩy để có được những thỏa hiệp chính trị cần thiết cho sự thắng lợi. Nếu mục tiêu không đạt được, chính phủ Bush có bổn phận đối với đất nước phải duyệt xét lại chiến lược.

Bất kể một chính sách nào của Hoa Kỳ phải nhằm vào sự củng cố những thắng lợi của năm trước và phải bảo đảm không để tổ chức al-Qaeda hay cuộc chiến giữa các phe phái tái xuất hiện.

 

Cho tới nay các ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ đã không chịu chú trọng đến thách thức này. Vì mắc chứng cận thị? Loạn Thị? Loạn Ngôn? Loạn Hình? Loạn đả nhau? Vì mối hận đối với đảng Cộng Hòa, và riêng với Tổng Thống Bush?

Chưa bao giờ Đảng Dân Chủ của Tổng Thống FDR lại tự hạ thấp mình đến thế!

Nguyễn Tú   10.01.08