Hỏi và giải đáp 6: Giáo dục con cái trong hoàn cảnh xã hội Úc

30 Tháng Một, 2008 | Uncategorized

Một bạn đọc của TVTS, chị Hoài Hương. Ngoài việc đóng góp một số ý kiến cho Tâm tình bạn đọc, chị còn đưa ra một vấn đề “nhức đầu” nhất của các bà mẹ có con em độ tuổi 14, 15. Sau đây Thanh Lan xin đưa lá thư chị đã gửi:

 

Chị Thanh Lan thân mến, tôi là độc giả của Tivi Tuần san từ những số đầu, từ đó tôi đã mong Tivi Tuần san có được một tay viết phái yếu để phụ trách trang Phụ nữ & Gia đình cho tờ báo thêm tươi mát và bổ ích hơn nữa. Tôi đợi mòn cả mắt mới thấy cô Thùy Dương xuất hiện trên vài số rồi biến mất, không biết có phải cô ấy đi lấy chồng không?

 

Nay được đọc mục Tâm tình bạn đọc cũng thấy hay hay! Tuy chị đã tự nhận chị là một thân hữu của Tivi Tuần san nhưng theo tôi chị dư sức để phụ trách trang Phụ nữ, trong đó gồm nhiều tiết mục liên quan đến phụ nữ chúng ta, liên quan đến đời sống trong gia đình như: Tâm tình, nữ công gia chánh, làm đẹp… và văn nghệ (bạn gái viết) nữa… vậy ý kiến của chị cũng như tòa soạn như thế nào?

 

Ngoài việc đưa ra đề nghị trên, nhân tiện đây tôi cũng có một vấn đề nhờ chị chỉ dẫn cho. Dĩ nhiên không phải là vấn đề về cá nhân tôi, tôi năm nay cũng đã “già” rồi, nếu lấy chồng sớm như người ta chắc giờ cũng có cháu ngoại bồng rồi thì thử hỏi chị còn gì để mà “gỡ rối tơ lòng” nữa. Vấn đề tôi đưa ra là những khó khăn trong việc giáo dục các cháu gái.

 

Chị Thanh Lan thân mến,

Không biết hoàn cảnh của chị như thế nào, chứ riêng tôi với 3 đứa con gái mà cháu lớn năm nay đã 15 tuổi thì việc giáo dục các cháu trong một xã hội văn minh như xã hội

 

Úc này quả thực đã làm tôi nhức đầu và khổ tâm không ít.

Như chị thấy,  con cái bên xứ này nếu còn đang trong tuổi đi học thì chúng sẽ sống với bạn bè, với thầy cô giáo nhiều hơn là sống với cha mẹ. Và theo lẽ tự nhiên chúng cũng có cách sống giống bạn bè, mà dù không giống đi chăng nữa thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng nhiều từ cách sống của những bạn bè Úc đồng lứa tuổi kia!

 

Việc đầu tiên là các cháu nhà tôi đua đòi theo thời trang quá mứa. Nếu không chiều con thì sợ chúng tủi thân với bạn bè, mà mua sắm đầy đủ để theo kịp thời trang thì tốn kém quá, có thể người Úc họ ăn sài quen nên không thấy gì chứ tôi nghĩ người Việt nam ta ai cũng “xót ruột” khi phải mua những bộ quần áo fashion cả trăm bạc, mà chỉ lại mặc được mỗi mùa đông hay mùa hè gì đó rồi bỏ xó. Đã vậy đôi lúc tôi còn thấy nó chẳng đẹp đẽ gì, nếu không muốn nói là lố lăng quá sức. Khổ một nỗi là mỗi lần đòi này đòi kia cháu lớn nhà tôi cứ so bì với bạn bè Việt Nam đồng lứa nên tôi khó lòng mà từ chối.

 

Kế đến tôi muốn đề cập đến, một vấn đề tuy không tốn kém tiền bạc nhưng lại làm minh lo nghĩ nhiều hơn, đó là ảnh hưởng xấu của xã hội Úc đối với các cháu. Tuy rằng cũng được ăn học nhưng sao tôi thấy mình “lạc hậu” tại xứ Úc này. Trước hết là về phim ảnh, sách báo, như các phim có chữ thích PGR có nghĩa là trẻ em trên 12 tuổi được phép coi với sự hiện diện của cha mẹ, mà vẫn đầy rẫy những cảnh trụy lạc hay những cảnh ái ân trong phòng ngủ… nhiều lần tôi cấm thì cháu lớn cãi lại là: PGR chứ có phải AO đâu, tụi bạn con phim AO chúng nó cũng được ba má cho coi tự do!

 

Mà cháu nó nói thật chị Lan ạ, có vài lần tôi ghé chơi nhà mấy người bạn, tôi thấy không những họ để con cái coi phim AO mà lại còn cho mướn video về coi tự do nữa, như chị biết phim video nó bậy bạ hơn là những phim trên ti vi nhiều, tôi không biết các cháu của những gia đình đó có bị ảnh hưởng gì không? Tôi có nhắc khéo các chị bạn thì họ nói: “Ối dào, những cái đó ở Úc này thường lắm, đâu có gì bậy bạ, đi học người ta còn dạy chúng nó nữa kìa!”

 

Đến đây thì tôi lại xin nói qua về ảnh hưởng của nhà trường, có nghĩa là bạn bè cũng như thầy cô. Một ngày kia tôi đứng đợi xe Tram, bên cạnh là một đám học trò trung học lứa tuổi từ 12 đến 15, 16 giữa ban ngày ban mặt như thế mà tôi thấy mấy cặp ôm nhau hôn tỉnh bơ và còn làm những hành động khác khiến tôi cũng phải đỏ mặt.

 

Từ ngày đó tôi đâm ra lo cho cháu lớn, tuy rằng tôi biết cháu chưa nghĩ gì đến yêu đương cả nhưng biết đâu ra khỏi nhà rồi thì cũng bắt trước chúng bạn! Đã thế tôi lại còn nghe ngóng trên Trung học bắt đầu từ lớp 10 hay 11 gì đó người ta còn dạy cả vấn đề sinh lý nam nữ nữa, có cả chiếu phim cho coi, thật không thể tưởng tượng được.

 

Ngày xưa ở bên Việt Nam mình được học về luân lý thì ngày nay ở đây con cái lại được học về sinh lý thì thật là ngược đời phải không chị Thanh Lan. Rồi còn party này, party nọ, không lẽ canh chừng chúng từng phút… thật là khổ tâm cho những người mẹ như tôi.

 

Tôi biết rằng không phải con gái Úc là hư hết vì tôi thấy nhiều gia đình vẫn sống nề nếp nhưng nếu nói theo các thống kê của các nhà xã hội học thì mười phần phải hư hết sáu, bảy phần. Vậy nếu cứ để con cái tự do để rồi chúng sẽ không được ở trong 3, 4 phần đàng hoàng mà nằm trong 6, 7 phần hư hỏng kia thì lỗi về ai đây? Cha mẹ hay xã hội? Mà cho dù các cháu không hư đi thì riêng tôi, vì luân lý và phong tục người Á Đông, tôi cũng không thể để các cháu sống tự do phóng túng như các bạn bè Úc được.

 

Chị Thanh Lan thân mến,

Trên đây nhà những nỗi khổ tâm và bối cảnh của một người mẹ trong việc giáo dục con cái tại một xã hội quá cấp tiến này. Mong rằng chị sẽ có ý kiến hay để ngăn ngừa sự hư hỏng của các cháu chăng? Hay nói một cách khác, là làm sao để dạy dỗ con cái mà không bị mang tiếng là cổ hủ, làm nghiêm khắc quá.

 

Cuối thư xin chúc chị an mạnh, mỗi sự như ý và mong rằng toàn soạn sẽ có ngày dành thêm ít trang cho chị em bạn gái chúng mình.

 

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

Chị Hoài Hương thân mến, cám ơn chị rất nhiều về những ý kiến đóng góp để Tivi Tuần san ngày càng xứng đáng với tờ báo của cả gia đình. Tuy nhiên Thanh Lan không dám nhận những lời “bốc thơm” của chị, Thanh Lan cũng nghĩ rằng một mình

 

Thanh Lan thì không đủ sức để “bao” tất cả những tiết mục mà chị đã đề nghị, do đó phải tìm nhân tài trước đã thì mới “lấn đất thành dân” được!

 

Về phần Thùy Dương cô ấy vừa đi làm vừa học part time nên giúp toàn sạn được ngày nào hay ngày ấy, chứ không dám ép vì ai cũng có cuộc sống riêng, cũng xin bật mí với chị là Thùy Dương vẫn “chổng chừa”, nhiều tay độc thân trong ban biên tập Tivi Tuần san cũng có ý nhưng cô nàng không chịu ai cả.

 

Riêng đề tài giáo dục con cái trong hoàn cảnh xã hội Úc do chị nêu ra, Thanh Lan xin được góp ý trong TVTS số tới. Thanh Lan cũng ước mong được các chị giàu kinh nghiệm nhất là các chị em đang phục vụ trong ngành Giáo dục và Xã hội giúp ý kiến về vấn đề phức tạp trên.