Tìm hiểu về việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ

21 Tháng Một, 2008 | Người Việt đó đây

Sau khi mua đất

 

Triển hạn xây cất Như đã trình bày trong phần trước (Phần 1: Mua Đất, đăng trên báo TiVi Tuần-san số 1135, 26/12/2007), công việc mua đất, có thể gọi là hoàn tất khi chủ quyền của Hội Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria (HCĐ) đối với các lô đất đã mua được đăng ký với Sở Địa Chính từ ngày 28/6/2002. 
 

Chuồng ngựa sát phía sau ĐTQT hình của Nguyên Đại

 

Ngày 8/9/2002, khoảng hai tháng sau ngày hoàn tất thủ tục mua đất, ông Phong tổ chức một cuộc họp với các thành viên của HCĐ. Trong cuộc họp này, ông Phong tuyên bố nâng cấp kế hoạch xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ (ĐTQT) thành một kế hoạch lớn hơn nhiều gọi là xây dựng Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá (TTVH) của người Việt.

 

Ông nói rằng Trung Tâm này sẽ bao gồm ĐTQT. Muốn xây dựng TTVH này, theo ước tính của ông, cần số tiền là  A$3,200,000 (3 triệu 2 trăm ngàn Úc kim). Ông nói nếu cộng đồng quyên góp được 1.2 triệu thì chính phủ sẽ cho HCĐ 2 triệu. Tôi không tìm thấy những bằng chứng nào trên văn bản về việc chính phủ, ít nhất, hứa hẹn tài trợ số tiền 2 triệu cho kế hoạch này.

 

Trong việc này, theo tôi, có những vấn đề sau đây:

 

1) Không trung thực:

 

Vì khi gây quỹ thì nói là để xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ mà thôi, ở thời điểm đó (Tháng 9/2002), khi biết rằng không thể xây dựng ngay trên khu đất đã mua, và không biết chừng nào mới được phép xây dựng, ông Phong lại nói cần gây qũy thêm để thực hiện một kế hoạch lớn hơn là TTVH, và cần ít nhất 5 năm thời gian.[1]

 

Tôi hiểu tại sao ông cụ, “người bạn”[2] của tôi (như đã trình bày trong phần 1: Mua Đất) đã 6 năm trôi qua vẫn cứ bực bội về chuyện này. Ông cảm thấy bị dụ dỗ và lừa dối. Giống như người lớn, khi tập cho con mình biết đi, cầm cục kẹo bảo nó chạy tới nói “giỏi, giỏi, ngoan, ngoan…”, khi nó chạy tới, thì mình lùi lại, để tập cho nó đi thêm mấy bước nữa. Nhưng đó là cho một đứa bé chập chững biết đi; đằng này ông cụ đã trên 80 rồi, bạn bè ông cụ cũng chừng ấy tuổi, đi đâu được bao nhiêu bước nữa, “chơi kiểu này” tội nghiệp cho họ quá!

 

Cảnh vật cạnh Đền Thờ Quốc Tổ

 

2) Nhiều rủi ro

 

Tháng 9/2002, khi công bố kế hoạch xây dựng TTVH, ông Phong đã chọn cho mình một con đường với khá nhiều rủi ro.

 

Thứ nhất, ông Phong đã được biết về tình trạng của khu đất đã mua là không thể có giấy phép xây dựng trong vòng 5 đến 10 năm tới (xin xem chi tiết ở phần 1: Mua Đất, đã đăng trong số báo trước), nhưng ông vẫn “nâng cấp” kế hoạch này lên, trong khi, ở thời điểm đó, tháng 9/2002, ông chưa biết Council có qua được việc tranh tụng ở VCAT hay không?[3] Và Council có xin được tài trợ của chính phủ tiểu bang hay không? và ngay cả khi Council vượt qua được hai (2) cái “ải” này, nếu Council quy hoạch vùng này là vùng dân cư (residential), thì việc xin một giấy phép để xây dựng một TTVH sẽ gặp sự chống đối từ phía các chủ đất “hàng xóm”, chưa kể tới việc một số điều kiện phải được thoả mãn trước khi Council xét đơn để cấp giấy phép xây dựng, ví dụ như vấn đề đậu xe cho hàng trăm chiếc xe, v.v… vì TTVH sẽ trở thành một nơi tập trung nhiều người.

 

Thứ hai, là việc gây quỹ không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Thực tế chứng minh là HCĐ chỉ có thể gây qũy quy mô cho việc xây dựng này một lần duy nhất từ năm 2002 cho đến nay. Mỗi năm, HCĐ thu nhập từ hội chợ Tết cộng đồng, tôi tính lạc quan nhất là 50 ngàn Úc kim cho mỗi năm sau khi trừ chi phí, như vậy ngoại trừ có một hiện tượng “đột biến” nào đó, chẳng lẽ phải cần đến 20 năm mới góp đủ số tiền 1 triệu 2 trăm ngàn Úc kim để xây dựng Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá của người Việt tỵ nạn hay sao, chưa kể đến việc chính phủ có cho 2 triệu nữa hay là không?

 

Khi bị đối diện với những rủi ro này, không lẽ lại  tuyên bố “nâng cấp” kế hoạch một lần nữa để trở thành kế hoạch xây dựng Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá của cả Á Châu (bao gồm tất cả các dân tộc Việt, Miên, Lào, và… Trung Quốc!). Hay là: “vì anh linh của chiến sĩ (QLVNCH) và đồng bào (tử nạn trên đường vượt biển)”[4], dù gặp bao “khó khăn”, chúng ta phải… gây quỹ tiếp, để tiếp tục… đợi và chờ.[5]

 

Quả thật, tôi viết bài này tháng 12/2007, nếu tính từ lúc bắt đầu gây quỹ (đầu năm 2002) thì 6 năm đã trôi qua: mảnh đất vẫn còn đó, con đường trước mặt vẫn còn đây, lầy lội khi mưa; chuồng đang nuôi ngựa của một chủ đất khác nằm liền phía sau “Đền Thờ”, cách khu vực “bếp” của Đền Thờ “tiền chế” (tạm) không đầy 10 thước[6], xung quanh vẫn như cũ là các “nghĩa địa” xe. Đền Thờ “tiền chế” này lại vừa bị “trộm” nữa, trộm hai lần, nhưng nghe đâu cửa vào không bị phá, và mái lợp tôn không bị khoan. Vụ này đang được cảnh sát điều tra.

 

Tôi không tin là ông cụ, “người bạn” đã 85 tuổi của tôi, có thể chờ để kịp thấy Đền Thờ Quốc Tổ thật, một mái nhà rêu phong “coi cho được”, đừng nói chi là Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá của người Việt Tỵ Nạn.

 

Sửa đổi nội quy

 

Sau khi hoàn tất thủ tục mua đất, ông Phong kêu gọi sửa đổi nội quy sinh hoạt hội,[7] trong đó điều 17 được đưa vào. Điều này ghi rằng Ủy Ban Xây Dựng Đền Thờ Quốc Tổ (và Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá) (UBĐT) là một tổ chức “trực thuộc Cộng Đồng người Việt  Tự Do Victoria (HCĐ), nhưng lại có cơ cấu tổ chức, nội quy, quản trị tài sản và sinh hoạt hành chánh độc lập với Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria”.

 

Tôi cho rằng việc thành lập UBĐT, ông Phong (và một nhóm người khác) đã nhắm đến việc quản lý một cách lâu dài tài sản của HCĐ bao gồm các lô đất mới mua. Tuy nhiên, việc đưa điều 17 vào nội quy sinh hoạt của HCĐ có những vấn đề sau đây:

 

1) Không thực thi được

 

Về mặt pháp lý, khi tiền bạc và tài sản, bao gồm các khu đất mới mua, thì thuộc chủ quyền của HCĐ, các cuộc gây quỹ đều dưới danh nghĩa của HCĐ, các sinh hoạt cộng đồng đều dưới danh nghĩa của HCĐ như hội chợ Tết (cộng đồng); UBĐT không có tài sản thì UBĐT làm sao mà sinh hoạt tài chính độc lập được với HCĐ được?

 

Ngược lại, nếu HCĐ giao tài sản (bao gồm tiền bạc và đất đai) cho UBĐT, thế thì tại sao UBĐT lại tuyên bố “độc lập” với HCĐ về “mặt quản trị tài sản và sinh hoạt hành chính”?

 

Có ai trong số quý vị độc giả đồng ý giao tiền cho một nhóm người/ ủy ban/ công ty vì họ nói là họ “trực thuộc” quý vị. Và, khi nhận tiền xong hoặc khi mà “nhà” (hy vọng!) xây xong thì họ quản lý căn nhà đó và tuyên bố “độc lập” với quý vị không?

 

Điều 17 về sự “độc lập/và trực thuộc” của UBĐT đối với HCĐ quá “khó hiểu” đối với nhiều thành viên của HCĐ, nên ông Phong đã gặp phải sự chống đối từ phía các thành viên đó.

 

2) Trái với luật lệ sinh hoạt Hội

 

Khi đăng ký với chính phủ để trở nên một hội có đăng ký (incorporated association), hội đó phải cam kết là sinh hoạt theo quy cách sinh hoạt hội do chính phủ đề ra (model rules).[8] Nếu sau khi đăng ký rồi, mà hội muốn sửa đổi nội quy sinh hoạt, những sửa đổi này chỉ có hiệu lực nếu như được sự chấp thuận của cơ quan chức năng của chính phủ.[9] Những sửa đổi về nội quy sinh hoạt của hội không có hiệu lực nếu không hợp nhất với luật lệ của chính phủ.[10]

 

HCĐ đã đăng ký với chính phủ là một hội có đăng ký dưới đạo luật Association Incorporation Act 1981 vào ngày 31/3/1987; và vì vậy phải sinh hoạt theo quy định sinh hoạt hội do chính phủ đề ra.

 

Điều 17 đi ngược lại quy định sinh hoạt hội của chính phủ và trái với các nguyên tắc luật pháp nên không có hiệu lực.

Nếu điều 17 trở thành nội quy sinh hoạt của HCĐ, thì tội nghiệp cho ông cụ, “người bạn” của tôi, ông không có chân trong uỷ ban xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ (UBĐT) nên không thể có ý kiến, ý cò, gì về việc quản trị cũng như chi thu tiền bạc của UBĐT, và nếu ông “bất tuân” hay UBĐT tìm thấy ông có điều gì “gây chia rẻ” “mất đoàn kết”, ông có thể bị đuổi khỏi Đền Thờ cho dẫu ông có đóng góp bao nhiêu cũng mặc, vì điều 17 đã được ghi rõ trong nội quy của HCĐ là ngay cả Ban chấp hành HCĐ cũng không can thiệp gì được vì UBĐT độc lập với HCĐ mà, huống hồ chi ông cụ chỉ là một thành viên của HCĐ!

 

Thành lập công ty

 

Ngày 11/7/2003, công ty có tên là Vietnamese Cultural Heritage Centre (Australia) ACN. 105 494 693 ( xin gọi tắt là: “VCHC”) đã đăng ký với cơ quan giám sát hoạt động công ty của chính phủ Liên Bang Úc, Australian Securities & Investments Commission (ASIC)[11]. Theo tài liệu mà ASIC đang lưu giữ, ông Phong là Giám Đốc (Director), và bà Hà giữ chức vụ Bí Thư (Secretary) của công ty này từ ngày 11/7/2003 cho đến hiện nay.[12]

 

Địa chỉ của công ty VCHC, đầu tiên ở 90 Knight Ave, Sunshine (tức là khu vực 4 lô đất mua vào năm 2002), sau đó chuyển về 214 Nicholson St, Footscray (Văn Phòng HCĐ), và kể từ 18/4/2005 cho đến hiện nay, địa chỉ của VCHC là 9 Hillcrest Grove, Springvale (cũng là địa chỉ đăng ký với chính phủ của hội SIGMA).

 

Kể từ ngày thành lập công ty này, không nghe nói gì đến UBĐT độc lập/và trực thuộc với HCĐ gì nữa; và cũng không nghe bàn cải gì về điều 17 trong nội quy sinh hoạt hội của HCĐ. Trong phạm vi sinh hoạt của HCĐ, tư cách pháp lý của Ủy Ban Xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ (UBĐT) (“trực thuộc cộng đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria”) có “khai sinh” (Điều 17, Nội Quy HCĐ); nhưng “đã chết” mà không có “giấy báo tử”. Có lẽ nó không cần thiết phải “trình” “giấy báo tử” với các thành viên của HCĐ và công chúng, vì nó đã tiến hoá để trở thành Công Ty Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá Người Việt (Úc Châu) (“Vietnamese Cultural Heritage Centre (Australia)”) (VCHC).

Xin lưu ý là vì là một công ty, nên VCHC sẽ không bị ràng buộc bởi đạo luật Incorporated Associations Act 1981 của chính phủ tiểu bang, và bị “cản trở” bởi “model rules” của đạo luật này, như đã trình bày ở trên (trong phần Sửa Đổi Nội Quy).[13]

 

Về mặt luật pháp, tư cách pháp nhân VCHC và HCĐ là hai (2) tổ chức khác nhau: VCHC là một công ty, sinh hoạt theo luật liên bang,[14] và dưới sự giám sát của tổ chức chính phủ liên bang ASIC. Trong khi HCĐ là một hội, sinh hoạt theo luật lệ tiểu bang[15] (Victoria), và được giám sát bởi một tổ chức của chính phủ tiểu bang: Consumer Affairs Victoria.

 

Tôi cho rằng cho ra đời công ty này, ông Phong nhắm đến việc quản trị toàn bộ và lâu dài tài sản của HCĐ (bao gồm đất đai, tiền gây qũy, tiền thu được từ các sinh hoạt cộng đồng dưới danh nghĩa của HCĐ), một cách độc lập với Ban Chấp Hành HCĐ, vì chủ tịch HCĐ phải qua bầu cử, và chỉ có thể làm được hai (hay 3?) nhiệm kỳ; nhưng với hình thức công ty, ngoại trừ tự ý giải tán hay bị toà án giải tán, ông Phong có thể làm Giám Đốc cho đến khi nào… ông mệt, và không muốn làm nữa (xin xem chi tiết ở phần sau).

 

Tội nghiệp cho ông cụ, “người bạn” của tôi, CÔNG TY Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá Người Việt (Úc Châu) (VCHC) đã được thành lập và có tư cách pháp lý độc lập với HỘI Cộng Đồng (HCĐ) cách đây gần 5 năm mà ông không biết gì cả, cứ nghĩ rằng Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hoá và Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria là MỘT. Xin thưa với cụ, hai tổ chức này “có vẻ” như một, nhưng thực chất đã là HAI từ ngày 11/7/2003.

 

(Xin xem tiếp Phần 3: Sử dụng đất)

 

[email protected]

 

Chú thích:

 

[1] Đem 240 ngàn (số tiền HCĐ gây quỹ được trong 6 tháng đầu năm 2002) nhân 5 vừa đúng y 1 triệu 2. Bài toán “một phép” này “đơn giản” quá!

[2] Tôi xin phép được gọi ông cụ là “người bạn” cho có vẻ nhẹ nhàng và thân tình, xin độc giả đừng hiểu lầm là tôi có ý trịch thượng.

[3] Như đã trình bày trong phần 1: Mua Đất, các vụ tranh tụng ở VCAT liên quan đến kế hoạch phát triển của Council cho khu vực đất đai này chỉ mới kết thúc vào ngày 3/6/2004.

[4] Lược trích, bài phỏng vấn ông Nguyễn Thế Phong trên báo Việt Luận, số 2222, thứ Sáu, 30/11/2007.

[5] Xin phép quý độc giả cho tôi 1 phút để “lãng mạn” hay “ngoài đề” một chút, khi viết đến đây tôi chợt nhớ đến một chuyện gần đây: Khi xây cầu Cần Thơ, do cố ý hay bất cẩn để xảy ra việc đấu/giao thầu bừa bãi, các nguyên tắc an toàn lao động bị vi phạm, làm giàn cầu bị sập, chết bao nhiêu người, ông Chủ Tịch nhà nước Việt Cộng, Nguyễn Minh Triết cũng có nói là vì anh linh của những người đã chết (các công nhân xây cầu và đồng bào vô tội), chúng ta cần phải …hoàn tất công trình đúng theo kế hoạch. Tôi muốn nói với Ngài Chủ Tịch Triết như thế này: Thưa Ngài, trước hết Ngài phải cho gia đình của những người vô tội (và vong hồn người đã chết) một lý do rõ ràng vì sao họ chết cái đã, sau đó là việc đền bù thoả đáng cho gia đình vợ con cha mẹ của những người công nhân vất vả này, trước khi sử dụng cái chết của họ để hoàn thành kế hoạch để cho Ngài lập công với Đảng.

[6] Trái với quy định về an toàn thực phẩm do chính phủ đề ra.

[7] Có người còn gọi là “Constitution”, tôi thì cho rằng chữ “Rules” có lẽ chính xác hơn.

[8] s.5, Associations Incorporation Act 1981

[9]s.22, Associations Incorporation Act 1981

[10] s.21, Associations Incorporation Act 1981

[11] ASIC là một tổ chức của chính phủ do chính phủ liên bang Úc lập ra để giám sát hoạt động của tất cả các công ty đăng ký tại Úc.

[12] Theo tài liệu của ASIC hiện lưu (update) đến ngày 15/12/2007

[13] VCHC vì là công ty nên sẽ chịu sự giám sát của ASIC và dưới đạo luật liên bang Corporation Act 2001.

[14] dưới đạo luật Corporation Act 2001.

[15] dưới đạo luật Incorporated Associations Act 1981.