James Packer – David Gynwell: Phi ẩu đả bất thành nam tử!

29 Tháng Sáu, 2016 | Phiếm luận

Vụ ẩu đả giữa hai người bạn từ 35 năm qua là tỷ phú James Packer, 46 tuổi, chủ nhân đế quốc sòng bài Crown Casino, và triệu phú David Gyngell, 47 tuổi, Giám đốc đài truyền hình số 9, xảy ra vào ngày Chủ Nhật tuần qua, 4/5/2014, đã trở thành tin giật gân hàng đầu thế giới, và chỉ trong vòng hai ngày đầu, đã có hơn 50 triệu lượt người tham gia việc loan tải, bình luận, châm biếm trên Intenret.

Khỏi nói, độc giả TVTS cũng đoán biết đa số người đóng góp ý kiến đã bày tỏ sự bất đồng, thậm chí lên án, việc sử dụng vũ lực giữa hai người đàn ông “đã làm bố trẻ con” kiêm big boss; nghĩa là không chỉ làm gương xấu cho trẻ con mà còn cho biết bao nhân viên dưới quyền.

Vì cuộc ẩu đả xảy ra phía trước biệt thự của James Packer ở bãi biển Bondi, tức là nơi công cộng, được phóng viên quay phim, chụp hình, nhiều nhà lãnh đạo cộng đồng, luật gia, cựu chính khách và nạn nhân của bạo hành đã lên tiếng đòi hỏi cảnh sát phải làm tới nơi tới chốn vụ “đánh nhau ngoài đường phố” (street fight) mà đài ABC mô tả là “fighting like dogs”.

Và tới ngày Thứ Sáu vừa qua, các báo loan tin cảnh sát đã gửi giấy phạt tới hai người về vi phạm hình sự (criminal infringement notices) với tiền phạt là 500 Úc kim.

Mỗi chế độ chính trị có thể có luật lệ khác nhau, mỗi xã hội có thể có quan niệm khác nhau về ẩu đả ở nơi công cộng, LNĐ xin miễn bàn, nhưng cũng có quyền đưa ra nhận định của cá nhân: phi ẩu đả bất thành nam tử!
 
 
Đàn bà VN: chỉ thích lột quần. Photo courtesy: Baomoi.net
 
 

Từ tụt quần tới lột quần!

Ngày còn bé, LNĐ có hai cái thú mà các nhà đạo đức có thể cho là “nô gút”, là thú xem cháy nhà và thú xem đánh nhau.

Còn nhớ khi xảy ra trận hỏa hoạn vô tiền khoáng hậu ở Thủ Thiêm – Nhà Bè thời đệ nhất cộng hòa (mà những người ghét gia đình TT Ngô Đình Diệm phao tin đồn “Bà Ngô Đình Nhu sai đàn em đốt nhà để bán tôn”), dù nhà ở tận khu Trương Minh Giảng, LNĐ cũng cố đạp xe tới tận bờ sông Sài Gòn để xem cho… đã mắt! Nếu độc giả cho đây là một “thú tính”, LNĐ cũng đành chịu.

Nhưng cái thú thứ hai, thú xem đánh nhau, thì còn tùy người đánh nhau là đàn bà con gái hay đàn ông con trai mà sẽ bị xem là “thú tính” hay “nam tính”.

Xem đàn bà con gái đánh nhau có lẽ là “thú tính”, cho nên ngày ấy LNĐ mới bị bà ngoại cấm “dự khán”. Nguyên sau khi di cư vào Nam, bố mẹ đi làm ăn xa, LNĐ sống với bà ngoại ở Sài Gòn: hẻm số 6 đường Trương Minh Giảng. Tuy mang tiếng là “hẻm” nhưng trong những năm đầu, hẻm 6 phải được xem là một con hẻm của giai cấp trung lưu, giáo sư có, sĩ quan cấp Tá có, với những dãy nhà gạch khang trang, có cả nhà lầu (nhà bà ngoại LNĐ là hai căn đầu tiên), có nhà còn có xe hơi. Nhưng sau khi dân lao động tứ xứ tới cắm dùi trên khu đất đối diện (trên nguyên tắc là đất của Cư xá Kiến Thiết), thì hẻm 6 trở thành một con hẻm xôi đậu, bà ngoại của LNĐ phải cho xây tường rào bằng gạch, cổng sắt, để khỏi chung đụng cũng như để nhốt thằng cháu và người cậu út mỗi khi trong hẻm có đám đánh nhau.

Đánh nhau nói tới ở đây là người lớn đánh nhau. Nào là bà A xách dao rượt ông chồng vô tích sự, mẹ con bà B hỗn chiến với mẹ con bà C, cô D vợ nhỏ của ông E bị bà vợ lớn đưa người tới đánh ghen, v.v…

Sở dĩ LNĐ và người cậu út bị nhốt là vì cứ mỗi lần xảy ra đánh nhau, ngoài những câu chửi cực kỳ thô tục, các trận thư hùng giữa đám đàn bà con gái thường bao giờ cũng kết thúc bằng cảnh lột quần, hoặc tụt quần. Lột quần là lột quần địch thủ, nhất là trong các trận đánh ghen, với mục đích làm nhục. Còn tụt quần là tụt quần của chính mình!

Tới đây, trong số những độc giả sinh sau đẻ muộn thể nào cũng có người thắc mắc: lột quần địch thủ để làm nhục là điều dễ hiểu, nhưng tại sao lại tụt quần của mình?

Xin được viết rõ thêm: tụt quần và chổng mông!

Chẳng hạn, sau khi trận thư hùng kết thúc, mẹ con bà B bị đại bại phải bỏ chạy, chạy được quãng đủ bảo đảm cho sự an toàn của mình bèn đứng lại, tụt quần chổng mông về phía sau, hai tay vỗ lên mông, miệng chửi “tiên sư cha ba đời nhà con đĩ C liếm đ… cho bà!”

Trường hợp cô con gái bà B còn chút ý thức về nhân phẩm, thì sẽ vừa kéo quần của mẹ lên vừa lôi bà vào nhà; trường hợp cô không biết ý thức, cũng “nhất trí” tụt quần theo bà mẹ thì đám khán giả – trong số đó có LNĐ và người cậu út đứng trên ban-công xem lén – được một màn “bonus”, tuy hơi khó coi, nhưng rất đẹp mắt!

Mục đích của LNĐ khi kể lại những chuyện nhảm nhí ấy là muốn nêu ra khác biệt giữa đàn ông con trai và đàn bà con gái, mà thu hẹp trong phạm vi bài này là cái khác trong hành động “đánh nhau”.

Đàn ông con trai được gọi là “phái khỏe” cho nên khi đánh nhau họ cố gắng thi thố sức mạnh của mình; ngược lại, đàn bà con gái được gọi là “phái yếu” thành thử khi đánh nhau họ phải vận dụng óc sáng tạo để bù lấp sự thua thiệt về thể lực. Và đỉnh cao của cái gọi là “óc sáng tạo” ấy là lột quần nếu chiến thắng, và tụt quần nếu chiến bại.

Ngày nay, với người Việt hải ngoại, hành động lột quần, tụt quần chỉ còn là dư âm của quá khứ, nhưng ở trong nước thì xảy ra như cơm bữa. Điều thú vị (hay tai hại?) là xưa kia một người đẹp bị lột quần thì chỉ có vài chục người đứng vây quanh chứng kiến, nhưng ngày nay, do sự phổ cập của của máy quay phim và Internet, hàng triệu người đã được thưởng thức.

Cách đây 2 năm, video clip quay cảnh “người mẫu giang hồ” nọ và ca sĩ kia chỉ huy đàn em hành hung và lột quần áo địch thủ ngay tại quán rượu của nhà hàng nổi Hồ Tây ở Hà Nội, được phố biến rộng rãi trên Internet đã khiến nhiều người phải khiếp đảm.

Rồi sau vụ một nữ sinh ở Quảng Ninh bị bạn học thanh toán, bề hội đồng, lột trần, quay phim đưa lên Internet, đã có không ít nữ sinh khác trên phạm vi toàn quốc bắt chước. Gần đây nhất, cảnh đánh ghen lột trần truồng địch thủ ngay trên đường phố, thu hình để đưa lên Internet đã trở thành một “big hit”…

Boys will be boys!

Như đã viết ở trên, đàn ông con trai được gọi là “phái khỏe”. Từ yếu tố thể chất ấy sinh ra yếu tố tâm lý: nam tính. Vì “nam tính” ấy, các nam dân biểu của Quốc hội Đài-loan mới có “thông lệ” đánh nhau (tại quốc hội) để bảo vệ lập trường của mình. Quốc hội Thổ-nhĩ-kỳ, và gần đây Quốc hội Ukraine cũng thế!

Cũng xin được nhấn mạnh: với một người đàn ông đúng nghĩa đàn ông, “nam tính” không chỉ là thích đánh nhau mà còn là phải đánh nhau tay đôi theo đúng luật giang hồ, tương tự ngày xưa người ta thách nhau đấu kiếm, đấu súng vậy.

Một cách chi tiết, phải có sự thách thức, thỏa thuận về ngày giờ địa điểm, khác với đánh lén, hoặc đánh hội đồng.

 
 

James Packer và David Gyngell đọ sức. Photo courtesy: The CourierMail

 
 

LNĐ không muốn nói xấu người quá cố, mà chỉ nhắc lại chuyện xưa để đàn ông con trai thời đại suy gẫm. Đó là chuyện tình tay ba giữa nữ ca sĩ Thái Thanh, nhà văn Mai Thảo, và tài tử Lê Quỳnh.

Thái Thanh là vợ của Lê Quỳnh, hai người có với nhau 5 mặt con (trong số đó có ca sĩ Ý Lan). Theo các báo ở Sài Gòn ngày ấy, cuộc hôn nhân tan vỡ vì “đệ tam nhân” Mai Thảo, người đã kể lại chuyện tình vụng trộm giữa ông và Thái Thanh qua cuốn “Mười đêm ngà ngọc”. Cho dù hai chữ “ngà ngọc” ấy, theo suy diễn của nhà thơ Thái Thủy, trên thực tế chỉ mang ý nghĩa tinh thần, quan hệ tình cảm giữa hai người là chuyện có thật.

Vào một buổi tối Thứ Bảy không mấy đẹp trời nọ trong năm 1965, khi Mai Thảo đang cùng mấy người bạn ngồi uống rượu tại phòng trà Bồng Lai thì Lê Quỳnh xuất hiện, tiến tới tặng cho nhà văn một cú đấm như trời giáng nhưng trượt xuống vai; chàng tài tử bèn sử dụng cái nhẫn sắt đeo trên tay để tặng nhà văn một cái thẹo để đời trên má, rồi rút lui. Sau đó, Lê Quỳnh và Thái Thanh chính thức ly dị.

Theo suy nghĩ của LNĐ, mặc dù cả Mai Thảo lẫn Lê Quỳnh đều không hành xử như một chính nhân quân tử – Mai Thảo thì quan hệ với đàn bà đã có chồng, còn Lê Quỳnh thì tấn công mà không khai chiến – nhưng nếu nói về “luật giang hồ”, Lê Quỳnh bị chê cười nhiều hơn.

Trong khi cuộc ẩu đả giữa tỷ phú James Packer và triệu phú David Gyngell vào ngày Chủ Nhật tuần trước rõ ràng là một cuộc đọ sức có chuẩn bị, cả hai đều biết trước, tức là có một sự thỏa thuận gián tiếp, thì không cần biết ai thắng ai bại, cũng chỉ là thể hiện bản chất tự nhiên của đàn ông con trai, mà trong tiếng Anh người ta gọi là “Boys will be boys”!

Không phải bản thân LNĐ có thú xem đánh lộn nên bênh vực James Packer và David Gyngell, mà xét một cách công bằng, xét cho tới nơi tới chốn, quả thật chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ!

Thật vậy, nếu không có cái nhà ông phó nhòm rình rập trước biệt thự của James Packer để mong chụp được một tấm hình của siêu người mẫu Miranda Kerr để rồi may mắn “trúng số” chụp được toàn bộ cuộc đọ sức giữa James Packer và David Gyngell, vụ hai “naughty boys” uýnh lộn đã không nổ lớn như thế!

Vì thế, LNĐ cho rằng chúng ta không nên xét đoán, lên án James Packer và David Gyngell dưới cặp mắt của các nhà đạo đức – đạo đức thật cũng như đạo đức giả – mà chỉ nên xem đây là một vụ đọ sức để giải quyết những bất bình giữa hai người đàn ông “đầu đội trời chân đạp đất”.

Lão Ngoan Đồng

 
(Trích báo in TVTS số 1468  –   May 2014)