Ngày 2 tháng Mười Một của 53 năm về trước

02 Tháng Mười Hai, 2016 | Bình Luận
Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower bắt tay tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa ở sân bay tại Washington, 1957. (Photo courtesy of National Archives)

Hôm nay, nhiều nơi ở trên thế, cộng đồng người Việt Nam có tổ chức lễ giỗ ông Ngô Đình Diệm, vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, bị giết qua một cuộc đảo chính. Tại Melbourne, có ít nhất 2 buổi lễ tưởng niệm được thông báo trên các phương tiện truyền thông:  tại thánh được St John the Baptist Clifton Hill và tại Đền Thờ Quốc Tổ Sunshine North.

Nói đến cổ Tổng thống Diệm, người ta thường nói đến công và tội. Ông là một nhân vật lịch sử cận đại bị nhiều người ghét, chê bai, nguyền rủa  nhưng cũng có rất nhiều người ca ngợi, ngưỡng mộ và biết ơn.  Ông đã bị tố cáo  làm nhiều chuyện xấu xa, sai trái từ đời tư cho đến hoạt động chính trị. Như người ta thường nói, người chết không thể  biện hộ, nhưng đã hơn nửa thế kỷ, những cáo buộc đó không chứng minh được.

Trái lại chỉ một thời gian ngắn sau sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa, Miền Nam chứng kiến hết cuộc đảo chánh này đến cuộc chỉnh lý, biểu dương lực lượng nọ cho đến lúc thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa   với một vị tổng thống độc tài không có tài. Để rồi cả Miền Nam rơi vào tay cộng sản. 41 năm sau, nhìn lại lịch sử những biến động gây nên cái ngày 30.4.1975 đã có nhiều người tin rằng nếu ông Ngô Đình Diệm còn sống, có lẽ đất nước Việt Nam sẽ đi một khúc quanh khác, dĩ nhiên là sẽ không tệ hại như hiện nay.

Lý do? Ông là người thích hợp để có thể lãnh đạo đất nước trong thời  đại đó, chống lại Miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo và đủ bản lĩnh để đối phó với đồng minh Hoa Kỳ.

Trước hết ông là một con người liêm khiết. Nói chung, dưới con mắt của người Việt, đây là đức tính rất cần thiết cho một người lãnh đạo. Lối sống thanh đạm và có phần khổ hạnh của ông như một tu sĩ là một thực tế chứ không phải làm dáng, giả tạo để gạt quần chúng. Không tham ô và đạo đức là bản tính của một con người có cốt tu như ông.

Một số người cho rằng ông không có tài và chỉ có thể lãnh đạo nhờ được ông em Ngô Đình Nhu làm cố vấn.   Nhưng nhà lãnh đạo quốc gia nào mà chẳng nhờ  cố vấn. Các nhà lãnh đạo cường quốc có cả khối cố vấn, có điều ông Diệm chỉ tin tưởng vào một vị cố vấn là người em ruột của ông. Là điều đúng với ông và cũng là nguyên nhân đưa đến cái chết của ông.

Nhưng trên hết là tinh thần ái quốc và lòng tự trọng. Ông Diệm muốn người Mỹ viện trợ nhưng không chấp nhận để người Mỹ áp đặt chính sách, chỉ  đạo cuộc chiến.  Bởi vậy ông đã từ chối không cho Mỹ đưa quân vào Miền Nam vì làm như vậy, sẽ mất chính nghĩa. Chúng ta biết ơn binh sĩ Mỹ và đồng minh hy sinh bảo vệ Miền Nam nhưng chính sách của Hoa Kỳ không hẳn đúng, nhiều phần là sai, thế mới có ngày 30 tháng Tư.

Hơn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Diệm có tài. Gọi chế độ Ngô Đình Diệm là độc tài cũng đúng, nhưng có nước nào trong vùng Á châu thời đó mà không độc tài? Như độc tài “sáng suốt” của Lý Quang Diệu, nhờ không phải đối đầu với cộng sản?

Làm “tiền đồn chống cộng” cho Hoa Kỳ đã khiến số mạng Việt Nam phải như thế. Ông Ngô Đình Diệm trong bối cảnh đó không thể làm gì hơn. Chết lúc 62 tuổi, còn rất trẻ. Một nén hương và một  lời cầu nhân ngày lễ giỗ của ông.

Nước Úc có tự do ngôn luận không?

Sống tại một đất nước dân chủ hàng đầu thế giới mà đưa ra câu hỏi này thì thật là vớ vẩn. Không chỉ người ở Phi châu, Á châu, Mỹ châu mà cả Âu châu cũng đua nhau tới Miệt Dưới để sống.

Nhưng có những lúc, luật lệ cũng  có thể bị coi là thiếu dân chủ hay cản trở tự do ngôn luận như trường hợp điều khoản 18C của Đạo luật Chống kỳ thị Chủng tộc quy định “chọc giận, lăng mạ, làm nhục hăm dọa” vì lý do chủng tộc, màu da,  quốc tịch hay sắc tộc gốc của một người khác là phi pháp.

Vụ tranh biếm của họa sĩ Bill Leak đăng trên báo The Australian bị khiếu nại và bị điều tra có lẽ là giọt nước tràn ly để chính phủ đưa ra thảo luận để tu sửa hay loại bỏ điều khoản này như một số người đã vận động trong mấy năm qua.

(Xã luận  báo in số 1597  phát hành ngày 2.11.2016)