Số phận 1,600 người tị nạn ở Nauru và Manus

07 Tháng Mười Hai, 2016 | Bình Luận
Những người đàn ông tị nạn trên đảo Papua New Guinea. Photo Courtesy: Kate Geraghty

Thủ tướng Malcolm Turnbull cuối tuần trước chính thức loan báo sự thỏa thuận giữa Canberra và Washington theo đó Mỹ sẽ nhận khoảng 1,600  trong số 1,800 thuyền nhân ở Cộng hòa Nauru và đảo Manus của nước Papua New Guinea.  Đấy là những người qua thanh lọc được  công nhận là những người tị nạn thật sự. Những người còn lại hoặc tự nguyện hồi hương hoặc sẽ được cấp cho visa ở lại đảo trong vòng 20 năm.

Thương thảo này nghe nói đã được chính phủ Turnbull bàn với chính phủ Obama từ tháng Giêng năm nay nhưng chỉ được công bố khi Tổng thống Obama chỉ còn 68 ngày là phải rời Tòa Bạch Ốc. Thủ tướng Turnbull đã có cơ hội chót vào cuối tuần qua gặp mặt Tổng thống Obama tại hội nghị APEC ở Peru để thảo luận việc  tiến hành đưa những người tị nạn sang Mỹ trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng  thống.

Khi công bố thỏa thuận đạt được giữa hai nước, ông Turnbull nhấn mạnh chuyện này chỉ xảy ra một lần mà thôi, những người tầm trú và con buôn chớ mơ tưởng để bắt đầu hoạt động trở lại, bởi chính phủ sẽ điều một lực lượng hải quân mạnh nhất, với máy bay trinh sát tối tân nhất để kéo tàu về điểm xuất phát. Ông cảnh cáo những người đến Úc bằng thuyền sẽ không được định cư ở Úc mà còn sẽ bị cấm đến Úc suốt đời họ (nếu Thượng viện thông qua dự luật đã  được Hạ viện thông qua).

Thủ tướng Turnbull cho biết tiến trình định cư 1,600 người đòi hỏi thời gian, không thể hối hả được. Khi bị báo chí đặt vấn đề liệu  ông Obama đồng ý nhưng tân Tổng thống Trump bác bỏ thì sao, thủ tướng Úc nói ông chỉ có thể thương lượng với một chính phủ hiện hành, với một đương kim tổng thống. Ông Turnbull nói đúng nhưng đã không trả lời câu hỏi.

Thật vậy, ông Mark Krikorian, giám đốc cơ quan Trung tâm Nghiên cứu Di dân uy tín đã dự đoán là sẽ có sự chống đối dữ dội của những người Mỹ chống di dân   đối với việc định cư 1,600 người tị nạn mà họ cho là thuộc trách nhiệm của Úc và vì thế kế hoạch sẽ thất bại ngay khi chính phủ Obama chính thức công bố. Đó là chưa kể việc ông Trump trong lúc vận động tranh cử đã chủ trương chống di dân từ Trung Đông và Bắc Phi cũng như những người Hồi giáo.

Và trong khi cựu Đại sứ Mỹ tại Úc  John Berry tin rằng với tình bạn lâu năm   Mỹ sẽ sẵn sàng giúp Úc một tay để giải quyết nốt khó khăn hiện nay, người ta được biết rằng thỏa thuận  này là một hình thức trao đổi: Mỹ nhận 1,600 người tầm trú muốn đến Úc thì Úc sẽ nhận những tầm trú nhân từ Nam Mỹ muốn đến Hoa Kỳ nhưng hiện đang ở các trại tị nạn tại Costa Rica.

Sự kiện này làm người ta nhớ lại cuộc trao đổi thuyền nhân với Mã Lai dưới thời Thủ tướng Lao động Julia Gillard đã bị thất bại vì Tối cao Pháp viện Úc cho rằng trao đổi 800 thuyền nhân bị giam trong các trung tâm để nhận 4,000 người tị nạn đang chờ đợi ở Mã Lai là bất hợp pháp.

Rút kinh nghiệm của chính phủ Gillard năm 2011, chính phủ Turnbull đã âm thầm thảo luận với   chính phủ Obama. Phía Úc không có lý do để những nhà đấu tranh cho người tị nạn kiện lên Tối cao Pháp viện nhưng rủi ro nằm ở phía Hoa Kỳ với một tân tổng thống chống di dân bất hợp pháp và di dân Hồi giáo. Thủ tướng Turnbull nói sẽ giao việc tiến hành định cư các thuyền nhân cho Cao ủy Liên hiệp quốc nhưng chính sách di trú của Mỹ rất nghiêm ngặt về vấn đề an ninh. Do đó rất khó đưa 1,600 người sang định cư ở Mỹ trong vòng hai tháng tới. Và nếu chính phủ  Turnbull không hối thúc chính phủ Obama cấp tốc tiến hành điều tra lý lịch người tầm trú để nhanh chóng định cư họ thì  chính sách bảo vệ biên cương sẽ không thành công trọn vẹn.

Ngăn chận người đến Úc nhưng các trại giam giữ người tầm trú vẫn còn  đó với biết bao hệ lụy sẽ khiến chính phủ bị chỉ trích, trả lời chất vấn. Cựu Thủ tướng Tony Abbott đã có công ngăn chận thuyền nhân thành công, Thủ tướng Turnbull phải có khả năng đưa số người ở các trung tâm giam giữ đi định cư hay hồi hương. Được vậy thì ông sẽ ngồi yên trên ghế thủ tướng đến kỳ bầu cử tới.

(Xã luận báo in TVTS số 1600 phát hành ngày 23.11.2016)