Tranh cãi về tôn giáo, có nên không?

15 Tháng Ba, 2017 | Bình Luận
Yassin Abdel-Magied xuất hiện trên chương trình Hỏi & Đáp. (Photo courtesy: ABC)

Trong phép xã giao thường ngày, người Tây phương trước đây có lời khuyên cho những người mới gặp nhau lần đầu chớ nên đụng tới hai đề tài rất dễ gây mất lòng: chính trị và tôn giáo. Bởi lẽ hai lãnh vực này rất dễ gây tranh luận,  cãi cọ nhất là đối với những người có định kiến về chính trị hay quá sùng đạo. Trong hai tuần qua, đề tài được xem là nhạy cảm và dễ gây tranh luận bùng nổ khi hai  phụ nữ có  cái nhìn khác nhau đụng độ trên một diễn đàn có nhiều khán thính giả, đó là chương trình hỏi và đáp Q&A hàng tuần của đài ABC.

Hai phụ nữ được mời để nói chuyện là Thượng nghị sĩ (TNS) độc lập Jacqui Lambie và bà Yassmin Abdel-Magied, một người Hồi giáo gốc Sudan, 25 tuổi, đến định cư ở Úc khi mới hai tuổi, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ở Đại học Queensland. TNS Lambie là một người chủ trương phải lo cho người Úc trước tiên, những người sống dưới lằn mức nghèo đói. Abdel-Magied, làm việc cho đài ABC,  là một nhà hoạt động đa văn, quảng bá hội nhập với phương tây, được chọn là Người Trẻ Tiêu Biểu của Queensland.

Khi chủ xướng chương trình Tony Jones hỏi bà Lambie có ủng hộ chính sách di trú kiểu Tổng thống Donald Trump không, bà Lambie đồng ý ngay, cho rằng những ai ủng hộ luật Sharia Hồi giáo nên bị tống xuất ra khỏi nước Úc. Thế là buổi thảo luận trở thành một trận cãi vã khá ồn ào. Bà Abdel-Magied nói bà cầu nguyện ngày 5 lần là luật sharia đấy. Khi bà Lambie hỏi “còn quyền của phụ nữ thì sao?” bà Abdel-Magied đốp lại “điều này hoàn toàn khác biệt với luật sharia”. Bà Abdel-Magied bắt đầu lên lớp dạy cho bà Lambie bài học rằng nhiều người chẳng biết gì về đạo Hồi mà cứ phê phán này nọ, “phủ định quyền làm người của tôi như là một phụ nữ chỉ vì họ không hiểu tôn giáo của tôi là gì”.

Thượng nghị sĩ độc lập Jacqui Lambie xuất hiện trên chương trình Hỏi & Đáp. (Photo courtesy: ABC)

Nhà hoạt động đa văn và được chính phủ trả tiền đi chu du các nước Hồi giáo để mong người ta hiểu và hội nhập với văn hóa tây phương đã nói với TNS Lambie như thế này: “Theo tôi đạo Hồi là tôn giáo bảo vệ nữ quyền nhất. Chúng tôi có các quyền bình đẳng trước cả người Âu Châu. Chúng tôi không lấy họ chồng vì chúng tôi không là vật sở hữu của họ. Chúng tôi được quyền sở hữu đất đai. Văn hóa là điều khác với tín ngưỡng”.

Phụ nữ Âu Châu là vật sở hữu của người chồng? Phụ nữ Âu Châu không được quyền sở hữu đất đai? Xin lỗi bà kỹ sư kiêm chủ xướng một chương trình của đài ABC. Có đầu óc như vậy mà được chọn là Người Trẻ Tiêu Biểu của Tiểu Bang Queensland. Cựu Thủ tướng Tony Abbott đã rất đúng khi nói đại khái bà có mắt cũng như mù khi ra nước ngoài với tiền của người thọ thuế.

Đã đến lúc chính phủ không nên chi tiền cho những người như Abdel-Magied làm chuyện vô bổ với hy vọng bà quảng bá văn hóa khoan dung và nhân bản của tây phương. Đã đến lúc Thủ tướng Malcolm Turnbull phải tuyên bố khi đến sống ở đất nước này, phải tập sống theo phong tục Úc và nhất là phải tuân theo luật của Úc,  hãy bỏ luật sharia hay luật của tôn giáo mình lại sau lưng trước khi lên đường.

Nhập gia tùy tục. Bà thượng nghị sĩ Tasmania dám nói và nói đúng, không sợ mất lòng hay mất phiếu.

(Photo: TVTS)

Đổi mới (Innovation)

Chính phủ Liên bang Úc hiện nay thường hay dùng danh từ innovation như là một chính sách mũi nhọn của Liên đảng, có nghĩa là đổi mới, canh tân. TiVi Tuần-san sau 31 năm hiện diện đã có nhiều thay đổi. Từ một tờ báo giống như tờ chương trình truyền hình (TV guide, TV Week), đã nhanh chóng trở thành một tờ báo đúng nghĩa với nội dung phong phú trong đó chương trình truyền hình chỉ chiếm một không gian khiêm nhường nằm phía sau.

Ngày nay cùng việc thực thiện thêm báo mạng với tin tức bằng Việt ngữ và Anh ngữ, TiVi Tuần-san còn có thêm truyền hình trực tuyến. Chưa hết, từ tuần tới, với chủ trương đổi mới để phục vụ, chương trình truyền hình sẽ được rút ngắn với những tiết mục cần thiết, và thay vào đó là giới thiệu và điểm phim trên đài truyền hình và phim ở các rạp xi-nê và cuộc sống của nghệ sĩ. Thời đại mới, cần đổi mới. Xin cám ơn sự hỗ trợ của quý độc giả trong thời gian qua và trong tương lai.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1614 phát hành ngày 01.03.2017)