Luật: một cho nghiệp đoàn, một cho dân?

05 Tháng Tư, 2017 | Bình Luận
Tân chủ tịch Tổng liên đoàn ACTU, Sally McManus. (Photo source: www.greenleft.org.au)

Tân chủ tịch Tổng liên đoàn ACTU, tổ chức nghiệp đoàn cao nhất nước vừa tuyên bố — nói theo kiểu tỉ phú Hoàng Kiều — một câu “xanh dờn” rằng  “Tôi tin vào pháp trị khi luật pháp công bằng và luật pháp đúng. Nhưng khi nó không công bằng tôi nghĩ không có vấn đề  khi không tuân theo nó”.

Chủ tịch Sally McManus còn tuyên bố những câu “xanh dờn” khác về phụ nữ và nữ quyền rằng tại sao có người đi dày cao gót, độn ngực được mà  lại chống mang khăn trùm đầu burka; tại sao phụ nữ phải nhổ lông cho sạch, độn ngực cho bự, cắt phần cơ thể, bơm da mặt cho bóng láng để hấp dẫn đàn ông; đấy là chấp  nhận tinh thần gia trưởng, chịu bị đàn áp.

Những điều vừa nói về phụ nữ, giới bảo vệ nữ quyền và chính trị làm dáng đã nói quá nhiều, chẳng có gì lạ. Nhưng lạ là xếp cao cấp nhất của nghiệp đoàn cho rằng khi luật pháp không làm vừa lòng bà hay bà cảm thấy không đúng thì bà cứ “vô tư” phạm luật (I don’t think there’s a problem with breaking it).

Tuần qua, sau khi được bầu vào chức Chủ tịch ACTU và được hỏi trên chương trình 7.30 của đài ABC    liệu bà có chống thái độ tai quái của Nghiệp đoàn Lâm sản, Khoáng sản và Năng lượng  không, bà xếp của  ACTU (secretary: có thể gọi là chủ tịch, bí thư) cho rằng bà sẽ không bao giờ làm như vậy, bởi khi thấy luật pháp không công bằng, không cần tuân theo.

Thủ tướng Malcolm Turnbull cho rằng những lời phát biểu của bà này rõ ràng đấy là một sự thừa nhận ngạo mạn, quá quắt. Ông thủ tướng nói những bù nhìn của đảng Lao động tự xem họ  trên luật pháp. Dĩ nhiên, Thủ lãnh Đối lập Bill Shorten — một cựu xếp nghiệp đoàn– vội lánh xa bà McManus, nói rằng ông  tin vào  việc “thay đổi những luật xấu chứ không vi phạm luật đó”.

Một số thủ lãnh nghiệp đoàn có thể đồng ý với bà xếp nghiệp đoàn cao nhất nước, nhưng đại đa số dân chúng và nhất là những người đang lãnh đạo các chính phủ tiểu bang cũng như liên bang, không thể chấp nhận khái niệm “tôi chỉ tuân thủ luật nếu tôi hài lòng với luật đó”.

Nếu ai cũng quan niệm giống bà xếp nghiệp đoàn thì luật pháp không còn được áp dụng bởi các tòa án nữa, mà bởi cá nhân và như vậy xã hội chỉ còn một thứ luật rừng, kẻ mạnh sẽ thắng. Loạn!

Trong số báo tuần trước, TiVi Tuần-san có nói về việc cựu Thủ tướng John Howard được bầu làm chủ tịch một tổ chức nhằm phát triển văn minh Tây phương, một nền văn minh với những giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng và thượng tôn pháp luật. Bà McManus tự coi mình trên pháp luật là đi ngược với giá trị của thời đại văn minh.

Không tránh khỏi có những luật  không làm một giới nào đó hài lòng nhưng chúng ta chỉ có thể thay đổi qua hình thức dân chủ, bởi các vị dân biểu do chúng ta bầu, chứ không thể tự ý nắm luật trong tay.

Bà McManus có tuyên bố với báo The Australian rằng trước nhất, thứ đến và thứ ba, bà là một đoàn viên nghiệp đoàn vì vậy dù bà là một thành viên của đảng Lao động, nhưng nếu phải chọn, bà chọn nghiệp đoàn trước. Vì vậy, nếu ông Bill Shorten làm thủ tướng vào năm 2019, không biết ông sẽ chọn quyền lợi của nước Úc hay quyền lợi nghiệp đoàn?

Chính trị làm dáng

Tuần qua khoảng 30 tổng giám đốc các ngân hàng, công ty bảo hiểm, viễn thông và luật pháp đã ký vào một bản kiến nghị yêu cầu Thủ tướng Malcolm Turnbull hãy có hành động ngay bằng cách dẹp kế hoạch trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính, thay vào đó dành cho quốc hội quyết định “để đất nước chúng ta có thể tiến lên với một xã hội bao dung hơn, để sống và làm việc.

Các xếp lớn của các đại công ty lãnh lương đống đúng là ăn no rửng mỡ, nên đã nhảy sang làm chính trị làm dáng (political correctness). Các vị hãy trở về với cương vị của mình là mang lợi nhuận cho các cổ đông và nhất là phục vụ khách hàng của quý vị tốt hơn, chứ không phải vì hợp thức hóa hôn nhân đồng tính mà công nhân sẽ hạnh phúc hơn, làm việc tốt hơn.

Các CEO! Nhiều công ty chưa phục vụ khách hàng đúng mức.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1617 phát hành ngày 22.03.2017)