Những điều chưa tốt: Xé sách thư viện – Bắt khách lột giày

05 Tháng Năm, 2016 | Phiếm luận

  

Hình: internet

Tuần qua, vô tình trùng hợp với bài xã luận “Sau 30 năm định cư, những điều còn phải học”(*) của bổn báo, một độc giả đã viết thư nói về “một điều còn phải học” khác, tuy nhỏ bé hơn nhưng cũng cần phải học. Đó là tôn trọng tài sản công cộng.

Người viết thư là một độc giả quen thuộc: Bà Già Sunshine (“già” nhưng có lẽ chưa “lão” vì nét chữ ra vẻ còn cứng cáp lắm). Xin trích nguyên văn đoạn chính:

“…Nói tới sách mượn ở thư viện thì già có một chút bất bình như sau: ông chồng của già thường mượn sách ở thư viện về nhà xem, nếu thích cuốn nào thì sau đó tìm mua về nhà làm của. Khi mượn sách ở thư viện thường bị tình trạng đang xem tới đoạn tình tiết hấp dẫn, mở sang trang kế bỗng thấy lãng xẹt; thì ra đang trang 20 nhảy tới trang 30, không biết ai đã xé mất mấy trang rồi! Cũng có khi viết lời bàn lên trang sách, mà thường là thiếu văn hóa. Tình trạng này xảy ra rất thường, Lão Ngoan Đồng có ý kiến gì để thay đổi thói quen không tốt này hay không?…”

Kèm theo thư, Bà Già Sunshine gửi phococopy một thí dụ điển hình, đó là trang sách có hình ca sĩ… bị gạch xéo (X) lên mặt, với hàng chữ nguệch ngoạc “… làm phách. Hát buồn ngủ thấy mẹ”.

Ý kiến LNĐ:

Trước hết, LNĐ đề nghị nữ độc giả “Bà Già Sunshine” nên sửa lại biệt hiệu, bởi vì hai chữ “Bà Già” không mấy êm tai, lịch sự (nghe chẳng khác nào “bà già giết giặc”). Trường hợp nhất định phải cho người khác biết mình là một “bà già” cư ngụ tại vùng Sunshine, LNĐ cho rằng mấy chữ “Sunshine Bà Bà” ra vẻ có tình có lý nhất, vừa văn chương vừa trịnh trọng, cũng giống như nhân vật “Kim Hoa Bà Bà” trong truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Bây giờ nói về thói quen không tốt của một số người mà Sunshine Bà Bà nêu ra: xé trang, viết bậy trên sách mượn của thư viện. Theo sự hiểu biết và kinh nghiệm bản thân, LNĐ cho rằng tệ nạn này bắt đầu có từ khi ở miền Nam, dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nảy sinh ra một dịch vụ bất hợp pháp: cho mướn truyện. Thói quen không tốt ấy được đem theo ra nước ngoài và áp dụng cho đối tượng mới: sách mượn của thư viện.

Cũng theo LNĐ, có hai nguyên nhân – một chủ quan, một khách quan – đưa tới thói quen xấu ấy. Chủ quan: suy nghĩ thiếu đúng đắn, hoặc tư cách kém cỏi của người mượn sách; khách quan: sách thư viện là sách “chùa”.

Nói về nguyên nhân chủ quan thì viết “lời bình” lên sách hay xé mất một số trang, dù do động lực nào thúc đẩy cũng đều được hỗ trợ bởi một yếu tố cực kỳ quan trọng: không ai biết mình là thủ phạm!

Một trong những cái khác nhau giữa con người và con vật là con người có thể cực tốt và cũng có thể cực xấu. Con vật dù tốt lành tới mức nào cũng không thể trở thành thánh nhân, và con vật xấu xa nhất thì cũng chẳng đến nỗi bán con gái cho xì-thẩu phá trinh (“hùm dữ không nỡ ăn thịt con” là thế!).

Thành thử cùng một việc làm mờ ám, người tư cách, biết tự trọng thì không dám làm vì sợ xấu hổ với lương tâm của chính mình, người không tư cách, thiếu tự trọng lại làm một cách thoải mái, đôi khi còn lấy làm hả hê, khoái chí cùng cực. Đó cũng là tâm trạng “tiểu nhân đắc chí” của những kẻ chuyên viết thư nặc danh để đả kích người khác. Trong nhũng năm qua, ngoài những lá thư đăng trên một vài tờ báo khác, mục NBGR đã nhận được khá nhiều thư loại này, thậm chí có “tác giả” còn chọc tức LNĐ bằng cách viết thẳng thừng, đại khái “Tôi gặp ông thường xuyên, biết ông rất rõ trong khi ông không biết tôi là ai thì dù có tài giỏi tới đâu cũng chỉ như hiệp sĩ mù nghe gió kiếm mà thôi. Liệu hồn nhé”! Than ôi, người có trình độ để cầm bút mà còn viết ra những lời lẽ như thế thì trách gì những kẻ thất học!

Trở lại với việc xé trang, viết “lời bình” lên sách mượn thư viện, thì nguyên nhân khách quan là vì người ta cho rằng sách mượn của thư viện là sách “chùa”.

Từ “chùa” nguyên là tiếng lóng trước năm 1975, có nghĩa là miễn phí (free): thuốc lá “chĩa” của người khác gọi là “thuốc chùa”, ăn ké người khác gọi là “ăn chùa”, cặp chị em ta gọi là “chơi chùa”, tiền thâm thủng từ công quỹ gọi là “tiền chùa”, v.v…

Trước khi trở thành tiếng lóng, từ “chùa” mang ý nghĩa vô cùng tốt đẹp, phát xuất từ quan niệm từ bi của nhà Phật. Ngày xưa, khi dân gian sống trong thanh bình, an lạc, chùa chỉ có cổng tam quan chứ chưa có hàng rào sắt, cửa cuốn an toàn hoặc gắn “à-lam”, thì cửa chùa luôn luôn rộng mở, để viễn khách lỡ đường vào tá túc qua đêm – tức “ngủ chùa”, để kẻ đói khát tới xin bữa cơm tương rau sống qua ngày – tức “ăn chùa” (sau này, khi xã hội đã rối loạn, xô bồ, cuộc sống khó khăn, các chùa vẫn duy trì tục lệ thí thực trong một số dịp đặc biệt).

Nhưng từ khi trở thành tiếng lóng, “chùa” mang ý nghĩa mỉa mai, châm biếm: hút “thuốc chùa” là chơi không đẹp, “ăn chùa” là chơi cha, “chơi chùa” là thiếu tư cách, và xài “tiền chùa” là tham ô (những người lợi dụng địa vị, chức vụ), là phe đảng (lấy “phân” của chính phủ ban phát cho gà nhà), là gian lận (những người khai man để lãnh trợ cấp xã hội), v.v…

Từ đó suy ra, sách mượn thư viện không phải “sách chùa” mà là sách của mọi người, vì thế tất cả phải có bổn phận gìn giữ. Việc xé mất một số trang để người mượn sau không còn đầy đủ mà đọc là hành động không thể chấp nhận. Việc viết lời bình lên trang sách cũng không thể chấp nhận, tuy nhiên tùy theo mức độ còn có thể thông cảm, tha thứ. Viết những lời thô tục, bậy bạ, hoặc gạch mặt một người mình không ưa (chẳng hạn ca sĩ…) thì không thể tha thứ, tuy nhiên nếu viết những lời bình luận đứng đắn, hoặc sửa sai một vài chữ thì có thể thông cảm – mặc dù vẫn biết đó là việc không nên làm.

LNĐ từng đọc một vài cuốn sách mượn của thư viện không thuộc loại nhảm nhí, rẻ tiền – tức là người đọc cũng là thành phần tương đối có trình độ – nhưng vẫn bắt gặp những lời bình ghi lại trên đó, có khi ngang nhiên viết bằng bút mực, có khi chỉ dè dặt ghi bằng bút chì. Tác giả những cuốn sách này có thể là người của Việt Cộng, cũng có thể chỉ là người bất đồng chính kiến, bất đồng tư tưởng, hoặc bất đồng tôn giáo với người đọc; và những gì người đọc ghi ra đều có ý tốt: để cho người đọc sau mình thấy được cái sai, cái bậy của tác giả. Tuy nhiên, dù thông cảm, LNĐ vẫn cho đó là việc không nên làm. Vì thế xin đề nghị giải pháp sau đây:

– Trường hợp gặp một vài chữ, hoặc chi tiết sai không thể chấp nhận, chẳng hạn khi tác giả viết rằng câu đối “Da trắng vỗ bì bạch” là của Hồ Xuân Hương thay vì Đoàn Thị Điểm thì ta có thể dùng bút chì ghi chú bên lề, vừa để giải tỏa nỗi bực bội vừa để người đọc sau thấy được điểm sai đó – trong trường hợp họ không nhận ra.

– Trường hợp gặp cả một đoạn sai bét, chẳng hạn có tác giả cựu sĩ quan nọ viết về Quân Lực VNCH đã tỉnh bơ kể lại rằng Trung-tá phi công Phạm Phú Quốc khi bị phòng không của Cộng Sản Bắc Việt bắn hạ, đã bị trọng thương cụt cả hai tay hai chân, bị giam cầm, và sau năm 1975 đã được sang định cư tại Hoa Kỳ trong đợt H.O. đầu tiên, thì nếu có thiện chí chúng ta nên đính chính bằng cách trên một trang giấy rời, kẹp vào cuốn sách để những độc giả không am tường sự việc được biết Trung-tá Quốc đã chết khi phi cơ bị bắn hạ, và sau năm 1975, thân nhân đã tìm được hài cốt đem về an táng trong Nam.

* * *

Nói chung, người Á đông hay người Tây phương cũng đều có những cái tốt và cái không tốt. Vì thế, khi hòa nhập vào xã hội tây phương chúng ta không nên xem thường họ mà cũng không nên mặc cảm. Thái độ đúng đắn nhất là học hỏi cái tốt của họ và duy trì cái tốt của mình. Một trong những cái tốt của người tây phương là tinh thần tự giác trong việc tôn trọng công ích, tuy không thể gọi là tuyệt đối nhưng xét chung chắc chắn phải cao hơn dân Mít nhà mình.

Xin đan cử một thí dụ nho nhỏ: trước kia ông Jeff Kennett hạn chế xài điện vì công nhân đình công, hoặc hiện nay ông Steve Bracks hạn chế xài nước vì “Our water – Our future”, nếu LNĐ lén lút vi phạm chắc chắn sẽ bị xấp nhỏ trong nhà “lên lớp” ngay, chứ chẳng cần đợi hàng xóm tố giác!

Rõ ràng là thế hệ trẻ lớn lên ở Úc đã học được cái hay của xứ người, và ít nhiều đã góp phần “giáo dục” thế hệ đi trước. Dĩ nhiên, các cháu không thể biết được việc ông bố khả kính, hay ông anh yêu quý của mình đã xé trang, biết bậy lên sách mượn của thư viện để “sửa sai”, nhưng dù sao chăng nữa, tinh thần tự giác của các cháu chắc chắn sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới suy nghĩ của người lớn, và người lớn sẽ dần dần thay đổi, một sự thay đổi tự động mà chính bản họ cũng không nhận ra.

Cũng giống như những thay đổi về cung cách ngoài đường phố, so với 10 năm trước đây, tỷ lệ mặc jacket mà chân mang dép, khạc nhổ nơi công cộng, nói chuyện um sùm trên xe điện xe bus… đã giảm bớt rất nhiều.

* * *

Đó là ngoài đường phố, còn trong nhà thì “cái nhà là nhà của ta…”, ta có toàn quyền làm chủ. Tuy nhiên, khi có khách tới nhà thì chủ cũng phải chứng tỏ mình là người văn minh tối thiểu.

LNĐ muốn nói tới việc bắt khách… cởi giày trước khi bước vào nhà, hoặc bỏ lại ở “tiền sảnh” (foyer) trước khi bước vào phòng khách. Nếu có độc giả nào thắc mắc “giờ này mà còn cái vụ bắt cởi giày nữa sao?”, LNĐ xin kể lại những gì vừa xảy ra cho mấy người bạn để chứng minh:

Ông A từ xứ Cờ Huê sang thăm Miệt Dưới, được bạn học cũ là ông B mời mọc bằng mọi giá, phải tới nhà chơi. Khi ông A cùng với mấy người bạn khác tới, được ông B tiếp đón niềm nở… ngoài cửa với lời yêu cầu “Xin mấy anh vui lòng cởi giày vì vợ tôi nó không muốn cho ai mang giày vô nhà!”. Đã lỡ vượt ngàn dặm, ông A cũng ráng cởi giày vào nhà thăm bạn cho trọn tình, nhưng những người còn lại (dân Miệt Dưới) thì không vào, lấy cớ muốn đứng ngoài vườn để… ngắm hoa!

Đối với người tây phương (và những người đã hòa nhập) thì giày dép là một phần trong trang phục của con người. Người ta chỉ cởi giày dép khi lên giường ngủ. Xin kể lại một câu chuyện có thật đã được nữ đồng nghiệp Vương Tiểu Tuyết kể lại trong mục Điện Ảnh Hương Cảng cách đây mấy năm:

Ông đạo diễn kia là người thích nâng đỡ các “mầm non” và nàng tiểu minh tinh nọ là người muốn tiến thân bằng mọi giá. Thế rồi việc gì phải tới đã tới. Xui cho ông đạo diễn là bà vợ có máu Hoạn Thư của ông biết được, bèn cùng với thừa phát lại tìm tới phòng khách sạn để bắt quả tang. Tuy nhiên, từ lúc bà vợ đập cửa cho tới khi ông chồng mở cửa thì ông ta và nàng tiểu minh tinh đã có đủ thời giờ để mặc lại quần áo. Cửa mở, ông chồng giải thích với vợ rằng mình cùng nàng tiểu minh tinh vào phòng khách sạn chỉ để… thảo luận về cuốn phim sắp thực hiện. Thế nhưng một chi tiết rất nhỏ đã phản bội ông: nàng tiểu minh tinh xiêm y chỉnh tề nhưng chân thì không mang giày. Nói cách khác, nàng đã lên giường với ông đạo diễn! Ra tòa ly dị, ông đạo diễn bị quy tội ngoại tình, bồi thường cho vợ mệt nghỉ!

Như vậy, trừ trường hợp khách là người thân thuộc, tự giác cởi giày, còn đối với khách “formal” mà bắt họ cởi giày thì chẳng khác nào bắt họ thoát y… đôi chân. Ngày xưa ở VN, đường xá dơ dáy thì mới sợ giày dép làm bẩn nhà, đế giày lại thường đóng mấy miếng sắt (cho lâu mòn) thì mới sợ làm trầy gạch bông, chứ còn ngày nay ở Úc, đường xá sạch sẽ, lại một bước cũng lên xe xuống ngựa, đế giày thì làm bằng nhựa mềm, lo gì thảm bị dơ, sàn gỗ bị trầy trụa? Muốn cẩn thận chỉ cần mua bốn, năm tấm chùi chân, một đặt phía bên ngoài, một phía trong cửa, một trước khi bước vào phòng khách, một trước khi bước vào phòng ăn, một ở chân cầu thang đi lên lầu, thì khách có tối dạ tới đâu cũng phải hiểu thủ tục đầu tiên là… chùi giày!

Mà nói cho cùng thì “một đời ta, ba đời nó”, nhà cửa, xe cộ, máy móc sắm để xài chứ đâu phải sắm để thờ (ở đời chỉ có một thứ duy nhất vừa để “thờ” vừa để “xài” mà thôi!)

Nhưng dù sao, những gì LNĐ trình bày trên đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân dựa trên quan sát thực tế, chắc chắn còn có những trường hợp cá biệt, tương tự như ông B nói trên, và chúng ta buộc lòng phải tôn trọng ý muốn của chủ nhà – vui thì hẹn tái ngộ, không vui thì đừng bao giờ bén mảng tới nữa là xong.

Lại nữa, cũng có những người trong khi rất tốt bụng nhưng vẫn thờ nhà, thờ ghế sa-lông, thờ xe, thờ rượu… Nhiều người gọi đó là cái “bệnh” nhưng riêng LNĐ thì dè dặt cho đó là cái “thú” riêng tư; người khác có thể chê cười nhưng không nên lên án – như đối với cái “thú” xé trang, viết bậy lên sách mượn của thư viện.

Lão Ngoan Đồng (TVTS)

(*): Bài nay viết cách đây gần 11 năm trên báo giấy TVTS