Cái thú hưởng tuổi già: Lấy vợ để mát-xa và… cạo gió!

05 Tháng Năm, 2016 | Phiếm luận

Liên quan hai lá thư của độc giả góp ý kiến LNĐ chỉ xin đề cập tới khía cạnh bi hài của việc “lấy vợ trẻ” – một cách chung chung chứ không nhắm vào cá nhân người nọ.

 
Hình minh họa
 
 

Lá thư thứ nhất của “Bà già Sunshine” ở VIC, có vẻ vô thưởng vô phạt nên LNĐ cho đăng mấy đoạn chính như sau:

Lão Ngoan Đồng thân mến,

Nhân đọc Lão viết về PD, chúng tôi (tôi và ông chồng già) rất đồng ý với Lão…

Còn việc LNĐ viết có những người bạn bảo ông nọ đã trên bát tuần rồi mà còn về VN tìm được gì, hưởng cái chi, ăn cái giải gì, tôi có ý kiến như sau:

Thôi thì chúng ta cứ nhắm mắt để ông ấy hưởng tuổi già nơi quê nhà!

Lá thư thứ hai của ông Trần ở NSW thì bênh vực “quyền hưởng thụ của những ông già (và bà già thời đại) nếu như họ có đủ điều kiện vật chất và sức khỏe”.

Ông Trần đã đan cử hai “gương danh nhân” trong lịch sử VN khi về già vẫn lấy thêm vợ trẻ là cụ Nguyễn Trãi và cụ Nguyễn Công Trứ.

Ý kiến LNĐ:

Trước hết, nhân có lời phiền trách của “Bà già Sunshine”, LNĐ xin một lần nữa khẳng định lập trường trước việc về VN – về thăm thân nhân, về du lịch, về làm ăn hoặc về để sống nốt tuổi già: LNĐ luôn luôn tôn trọng suy nghĩ và hoàn cảnh của mỗi người, cho nên chưa bao giờ phản đối hoặc lên án việc về VN cả. Chỉ trừ những trường hợp về để ăn chơi hưởng lạc hoặc về để tiếp tay, để hợp tác với chế độ CSVN thì chẳng đặng đừng kẻ hèn này mới phải đưa lên bàn mổ. Ước mong tự hậu sẽ không còn độc giả nào hiểu lầm, cho rằng LNĐ chống đối việc về VN, bất luận về với mục đích gì.

Tiếp theo, xin bàn về ý kiến của “Bà già Sunshine”: về già, lấy vợ để có người bầu bạn, có người cạo gió lúc trở trời.

LNĐ đồng ý cả hai tay. Người ta thường nói: không có cái gì ghê gớm cho bằng nỗi cô đơn tuổi già, cho nên một khi vì đổ vỡ hay vì một trong hai người sớm khuất núi, nếu cảm thấy cô đơn, chúng ta nên tìm một người khác phái để “bầu bạn”. Mà hai chữ “bầu bạn” thì ai cũng hiểu là mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn xác thịt.

Theo LNĐ, trường hợp cụ Nguyễn Trãi lấy Nguyễn Thị Lộ là để “bầu bạn”. Sử sách ghi lại rằng sau khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) mất, Lê Thái Tôn lên nối ngôi cha lúc mới có 11 tuổi. Đã vốn chán cảnh tranh giành quyền chức trong triều, nay lại thấy Thái Tôn mới nứt mắt đã đam mê sắc dục, Nguyễn Trãi lúc đó đang giữ Nhập nội Hành khiển (cao cấp nhất trong triều) đã từ quan để về trí sĩ ở Côn Sơn (tỉnh Hải Dương ngày nay). Lúc đó cụ đã 60 tuổi.

Về hưu rồi, nhân một lần trở lại Thăng Long, cụ mới “tán” được cô bán chiếu Nguyễn Thị Lộ, lúc đó còn ở tuổi “vị thành niên” (teenager). Tuổi của Thị Lộ được xác định trong hai bài thơ hỏi đáp giữa hai người.

Cụ Nguyễn Trãi:

Ả ở đâu nay bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân thu nay độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa, được mấy con?

Nguyễn Thị Lộ:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,

Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ,

Chồng còn chưa có, nói chi con!

Theo sự hiểu biết của LNĐ, từ xưa tới nay hình như chưa có ai mổ xẻ cách biệt tuổi tác giữa cụ Nguyễn Trãi đã lục tuần và cô bé Thị Lộ mới trăng tròn lẻ (16, 17 tuổi), tức là chỉ đáng tuổi cháu của cụ! Có lẽ người ta tin rằng cụ Nguyễn Trãi lấy Thị Lộ làm thiếp chỉ để xướng họa thơ văn, tức là “bầu bạn” chứ không hề có… sex. Bởi nếu giữa hai người có tình ân ái mặn nồng, khi vua Lê Thái Tôn ghé nhà chơi, cụ Nguyễn Trãi đã phải dấu biệt người thiếp xinh đẹp trong phòng ngủ chứ đâu có cho ra hầu tiếp ông vua hiếu sắc này, khiến ngài Ngự mê mẩn để rồi… mượn đỡ!

Chú thích: Muốn “mượn” Thị Lộ một cách danh chánh ngôn thuận, Thái Tôn đã phong ngay cho nàng chức Lễ nghi Học sĩ để về kinh dạy học đám cung phi. Thế nhưng khi đoàn xa giá mới về tới Lệ Chi Viên, khu nghỉ mát của các vua ở tỉnh Bắc Ninh, Thái Tôn đã cho vời Thị Lộ vào trong màn để “hầu hạ”.

Lúc đó Thái Tôn đang bị cảm sốt, lại đóng trại ở ngoài trời sương gió, quan ngự y có ý can ngăn nhưng vua không nghe. Thế rồi suốt đêm hôm ấy “nhành hoa thược dược được thấm nhuần cơn mưa thụy vũ”, tới rạng sáng thì nhà vua bị… thượng mã phong. Thị Lộ tung màn chạy ra kêu cứu nhưng khi quan ngự y chạy tới nơi thì đã quá muộn; Lê Thái Tôn chết khi chưa đầy 20 tuổi.

Để tránh tiếng xấu cho vua, triều đình ra lệnh cho xa giá âm thầm đi một mạch về Thăng Long, đặt thiên tử nằm ngay ngắn trên long sàng rồi mới loan báo tin vua băng hà! Thị Lộ bị quy tội giết vua bằng… sex, đám gian thần nhân dịp này đã vu cho Nguyễn Trãi là kẻ chủ mưu, kết quả ông bị tru di tam tộc.

Trở lại với ý kiến của “Bà già Sunshine”, song song với mục đích có người để bầu bạn, việc lấy vợ vào tuổi già còn để có người… cạo gió lúc trở trời. LNĐ cũng hoàn toàn nhất trí!

Cạo gió – gồm ba tiến trình “đau”, “thốn” và “đã” – là một cái thú mà các cặp vợ chồng tây phương không hề biết tới, không hề được hưởng. Cùng lắm thì họ cũng chỉ biết mát-xa cho nhau, mà mát-xa không đúng phương pháp, không đúng vị trí, nhiều khi thay vì cảm thấy khỏe khoắn lại thêm… rã rời.

Xin kể hầu độc giả một chuyện có thật xảy ra cho TiVi Tuần San liên quan tới mát-xa. Ngày mới ra mắt độc giả, bổn báo có đăng một mục quảng cáo dịch vụ “mát-xa”, tức thì bị vị Linh mục Tuyên úy mần cho một trận: “Bộ báo ông đói lắm hay sao mà đi quảng cáo cho dịch vụ chị em ta?”. Giật mình, hỏi ra mới biết ở chỗ đó người ta mát-xa tới… “công đoạn ba” lận! Từ đó để chắc ăn, tòa soạn đã phải ra điều kiện cho các chủ nhân dịch vụ mát-xa: phải kèm theo chữ “no sex” thì TVTS mới chịu đăng quảng cáo!

Nhưng kể cả mát-xa “lành mạnh” cũng không thể so sánh với cạo gió. Nhiều người tin rằng không ít cuộc hôn nhân “hợp chủng” được bền lâu chỉ vì anh chồng hoặc chị vợ tây phương đã ghiền… cạo gió, chứ không phải vì mê chị vợ VN có tài nữ công gia chánh, hay anh chồng Mít biết nghệ thuật “phe-la-mua”!…

* * *

Nhưng riêng cụ Nguyễn Công Trứ thì khi lấy vợ trẻ là lấy để mát-xa có “công đoạn ba” chứ không phải chỉ để… cạo gió! Cuộc đời (81 năm) của cụ được chia ra làm 3 thời kỳ rõ rệt: 42 năm hàn vi, 28 xuất chính, và hơn 10 năm hưởng nhàn.

Cho tới ngày nay, Nguyễn Công Trứ vẫn còn được coi là một tu mi nam tử lý tưởng, điển hình trong một xã hội chịu ảnh hưởng của hai nguồn tư tưởng Lão Trang và Khổng Mạnh. Thời hàn vi thì cụ sống an bần lạc đạo, dù thi cử lận đận, dù bị đời bạc đãi cũng vẫn lạc quan, luôn nuôi hy vọng, quyết tâm vươn lên (Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông) chứ không bi quan, bất mãn, tiêu cực như Trần Tế Xương. Thời kỳ xuất chính thì cụ hết lòng giúp dân giúp nước, tích cực trổ tài kinh bang tế thế, đánh tan các giặc Phan Bá Vành, Nùng Văn Vân, v.v…; hoạn lộ thì từ chức quan nhỏ nhất (Hành Tẩu Sử Quan) leo lên tới chức lớn nhất (Thừa Thiên Phủ Doãn). Thời kỳ về hưu thì cụ tận lực… hưởng lạc!

Vào thời bấy giờ, đại đa số nho sĩ đều sống gò bó trong vòng lễ giáo, giữ khuôn khổ khắt khe vì sợ dư luận, cho nên khi thấy Nguyễn Công Trứ hưởng lạc một cách tận tình, thoải mái bèn bày đặt lên tiếng chê bai. Nhưng cụ – qua thơ văn – đã nói thẳng cho họ biết sống ở đời mà không biết hưởng lạc là… ngu (dẫu sống đến ngàn tuổi cũng như chết non). Hơn nữa, sau một đời vì dân vì nước, nợ tang bồng đã trả xong, bổn phận trung hiếu đã làm tròn, thì cụ có quyền hưởng lạc.

Mà muốn hưởng lạc tới mức tối đa thì phải biết… đủ thứ:

Thi, tửu, cầm, kỳ, phách

Phong vân tuyết nguyệt thiên…

Và đã chơi thì phải chơi cho đúng điệu:

Chơi cho lịch mới là chơi

Chơi cho đài các cho đời biết tay

(Khác xa Tú Xương: “Cao lâu thường ăn quỵt, thổ đĩ lại chơi lường”!)

Thậm chí lên chùa, Nguyễn Công Trứ cũng dắt theo mấy nàng hầu trẻ để cùng đăng sơn ngoạn cảnh, để rồi làm thơ tự diễu cợt:

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Thân thể cường tráng, sinh lực dồi dào, cụ Nguyễn Công Trứ lấy tổng cộng 14 thê thiếp mới “dừa đủ xài”, trong số đó, người sau cùng cụ lấy khi đã 73 tuổi. Trong đêm động phòng, giai nhân hỏi cụ bao nhiêu tuổi, cụ đã đáp tỉnh bơ: “Năm mươi năm về trước, tớ mới 23 tuổi”

(Giai nhân dục vấn lang niên kỷ

Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!)

* * *

Vào thuở mà một đực rựa dân dã được quyền “năm thê bảy thiếp” thì một cựu nhất phẩm triều đình như cụ Nguyễn Công Trứ có tới 14 bà lớn nhỏ cũng chẳng phải là chuyện ghê gớm. Điều quan trọng là cụ hưởng cả năm cái thú “thi, tửu, cầm, kỳ, phách” (phách là hát ả đào) một cách đồng đều (và điều độ) cho nên người đời sau đã không có ai liệt cụ vào hạng ham mê sắc dục.

Ngày nay, trừ một số nước Á Phi theo Hồi giáo, trên thế giới không còn quốc gia nào chấp nhận chế độ đa thê, song hôn bị luật pháp xem là một tội, ngoại tình bị xem là có lỗi, dĩ nhiên quý ông cũng không thể lấy con số 14 bà lớn nhỏ của cụ Nguyễn Công Trứ ra để làm “chỉ tiêu”, mà chỉ nên bắt chước cụ trong quan niệm (đúng đắn) và thái độ hưởng thụ (hết mình). Đúng đắn, theo cụ Nguyễn Cộng Trứ, là trong khi hưởng thụ không được quên dân quên nước, trốn nợ tang bồng, coi thường trung hiếu.

Vì thế, khi ông Trần viết rằng chúng ta nên tôn trọng “quyền hưởng thụ của những ông già (và bà già thời đại) nếu như họ có đủ điều kiện vật chất và sức khỏe”, LNĐ cho rằng ông viết chưa đủ. Hay nói cách khác, ông đã bỏ qua tính cách đúng đắn cần có nơi mỗi hành động của con người. Chẳng hạn, cùng từng làm chủ thân xác Thúy Kiều nhưng Từ Hải phải hơn Thúc Sinh, và Sở Khanh thì tệ hại không ai bằng.

Còn nhớ khoảng thập niên 60-70, có một chính khách tài hoa nổi tiếng quốc tế, được mọi người nể phục và LNĐ tôn làm thần tượng là ông Pierre Trudeau, người đã có công khôi phục vị trí chính trị và kinh tế cho Canada. Từ khi tham chính, ông luôn luôn xuất hiện bên cạnh những người đàn bà trẻ đẹp, và sau khi đắc cử Thủ-tướng vào tuổi ngũ tuần mới lấy một cô vợ trẻ măng và sexy tận mạng.

Thủ-tướng Bob Hawke của Úc cũng nổi tiếng là người tài hoa và biết hưởng thụ; ông không chỉ chiếm chức vô địch uống bia ngày còn là sinh viên luật ở Oxford; ông không chỉ dung dăng dung dẻ với đám nữ thư ký trẻ đẹp khi làm Chủ tịch Công Đoàn (ACTU), mà ông còn là một nhà lãnh đạo tài ba của Miệt Dưới, chỉ có điều hơi tiếc là sau khi về hưu, ông không chịu hưởng nhàn với bà vợ đã một đời tận tụy hy sinh cho chồng mà lại lấy một nàng văn sĩ trẻ đẹp để vui hưởng tuổi hồi xuân.

Nhưng dù sao thì ông Bob Hawke của chúng ta vẫn còn hơn ông Bill Clinton của Mỹ, bởi vì ông Hawke đã tự động thú nhận ngoại tình trên truyền hình (kèm theo hai dòng lệ… ăn năn?), trong khi ông Clinton phải đợi tới lúc Quốc Hội điều tra, mới chịu cung khai tội biến tòa Bạch Ốc thành tổ quỷ để hủ hóa với nàng Monica Lewinsky!

Với công sức phục vụ đất nước trong bao năm, ông Clinton có quyền tự đền bù bằng mười nàng Monica chứ đừng nói gì tới một – với điều kiện ông đừng đưa các nàng vào tòa Bạch Ốc!

Ở VN, trước năm 1975 có Trung-tướng Đỗ Cao Trí – một vị danh tướng xuất thân binh chủng Nhảy Dù, từng chỉ huy cuộc hành quân tiêu diệt VC ở Căm-bốt, sau bị tử nạn trực thăng ở Tây Ninh mà nhiều người nghi là có bàn tay lông lá của người Mỹ. Trong một lần cao hứng, tướng Đỗ Cao Trí đã tuyên bố với các phóng viên ở Sài Gòn:

“Đời tôi chỉ có hai cái thú: đánh giặc và đàn bà đẹp”!

Lý tưởng ra thì không thích đàn bà đẹp mà chỉ thích đánh giặc là tốt nhất, nhưng giữa thích cả hai thứ và không thích một thứ nào thì thà thích cả hai. Rất tiếc, miền Nam ngày ấy không có nhiều vị tướng thích cả hai thứ như ông Đỗ Cao Trí, hoặc chỉ thích một thứ: đàn bà đẹp!

Thành thử nếu ông Trần muốn đem trường hợp cụ Nguyễn Công Trứ ra để bênh đỡ cho mấy ông già hồi xuân, LNĐ cũng không phản đối, chỉ xin nhấn mạnh: phải “có danh gì với núi sông” thì khi “thi, tửu, cầm, kỳ, phách” mới không hổ thẹn với lương tâm, với người đời.

Và một khi đã chơi thì phải “chơi cho lịch mới là chơi, chơi cho đài các cho đời biết tay” chứ đừng… chơi bần, chơi chạy!

Lão Ngoan Đồng (TVTS)