Đồng Tâm: cả nước theo dõi và noi gương?

10 Tháng Năm, 2017 | Bình Luận
Đoạn video clip được cho là ghi lại buổi gặp đầu tiên giữa đại diện Viettel với đại diện dân xã Đồng Tâm về chuyện bàn giao đất dự án, hồi đầu năm 2017. Photo Courtesy: Youtube

Đồng Tâm, cái tên của một xã có khoảng 7,000 người dân của một huyện ngoại thành Hà Nội bỗng chốc được cả nước biết tới và theo dõi đoạn phim đấu tranh của họ kéo dài trong 7 ngày. Sự tranh chấp đất đai diễn ra  đột ngột bằng một cuộc nổi loạn.

Lâu nay, công an cảnh sát bắt dân. Bây giờ dân bắt công an cảnh sát. Mười ngày trước đây, nhà nước bắt 4 người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức với cáo buộc gây rối khi chính quyền thi hành lệnh tịch thu ruộng đất, người dân quá phẫn uất nên đã phản ứng bằng cách bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, giam giữ trong nhà văn hóa  của xã.

Những video clip đưa lên mạng xã hội quay hình ảnh cảnh sát cơ động đàn áp dân và sau đó dân bắt giữ, hạch hỏi, mạt sát  hay bức hình cảnh sát cơ động ngồi im trong căn nhà văn hóa đã được hàng lượt triệu người xem trong khi  báo chí trong nước trong ngày đầu không đả động gì đến sự cố “gậy ông đập lưng ông” mấy ông cảnh sát cơ động và cán bộ. Tại sao có chuyện hy hữu như vậy?

Trong thời gian gần đây khi Việt Nam mở rộng giao thương với thế giới bên ngoài, đất đai đã trở thành miếng mồi ngon của giới cầm quyền. Lấy cớ đất là tài sản quốc gia, cán bộ các cấp từ xã, huyện đến tỉnh đã tịch thu một số đất của dân để thực hiện các công trình xây cất hay bán cho các nhà thầu quốc doanh hay tư nhân, làm giàu  cho nhiều tầng lớp cán bộ và những nhóm lợi ích có quan hệ với cán bộ đảng viên cao cấp. Cũng từ đó đã sản xuất những triệu phú hay tỉ phú đô la nhờ địa ốc.

Hình ảnh ‘con tin’ công an được cho là bị người dân Đồng Tâm giam giữ. Photo Courtesy: Luan Le/Facebook/VOA

Cưỡng bách “thu hồi” đất của dân nhưng nhà nước không đền bù một cách công bằng. Họ mua của dân một nhưng bán lại cho nhà thầu và cho người tiêu thụ lời gấp mấy chục lần họ trả cho dân. Do đó dân xuống đường khiếu kiện. Danh từ “dân oan” ra đời để nói lên việc  những người dân kéo nhau tới cửa quan khiếu kiện hay đứng ngoài đường biểu tình đòi trả lại đất đai bị tịch thu. Nhưng không hẳn mọi “dân oan” đều đấu tranh trong hòa bình. Tức nước vỡ bờ, anh em Đoàn Văn Vươn vũ trang bằng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả lực lượng   công an và quân đội, một lực lượng hơn 100 người đến thu hồi đất canh tác của họ. Sự việc xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, làm vài cán bộ bị thương. Hai anh em họ Đoàn lãnh mỗi người án 5 năm tù.

5 năm sau, người dân xã Đồng Tâm bắt giữ cảnh sát và cán bộ thi hành lệnh cưỡng bách, giam giữ họ như con tin để  thương lượng. Cuộc “trao trả tù binh” từng phần diễn ra từ từ và cuối cùng dân đòi ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phải về tận xã để nói chuyện. Sau nhiều giờ làm việc, ông chủ tịch ký một văn bản cam kết điều tra lại toàn bộ vụ đất đai, hứa không truy cứu hình sự dân xã Đồng Tâm thì 19 con tin đã được thả ra vào chiều Thứ Bảy tuần trước.

Việc bắt giữ cảnh sát và cán bộ cho thấy người dân ngày nay không còn sợ hãi. Vụ Đồng Tâm dù muốn dù không sẽ là kinh nghiệm cho người dân và nhà nước. Cả xã Đồng Tâm cùng đứng  lên thì bắt được 38 quan chức nhà nước. Cả nước đồng tâm đứng lên thì chế độ sẽ ra sao?

Quy trình xin quốc tịch Úc sẽ trở nên khó khăn hơn. Photo Courtesy: SBS

“Úc trên hết”: Turnbull đi con đường của Trump

Đầu tuần qua, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã có hai quyết định quan trọng sẽ ảnh hưởng đến đường lối của Chính phủ Liên đảng trong nhiệm kỳ này và cuộc bầu cử vào năm 2019. Hủy bỏ chiếu khán 457 và siết chặt việc nhập quốc tịch Úc.

Từ nay, muốn xin visa đến Úc làm việc khó hơn với tiêu chuẩn đòi hỏi cao hơn. Phải đợi tối thiểu 4 năm mới được xin thi vào quốc tịch.   Thi hỏng 3 lần thì phải đợi 2 năm mới được thi lại. Sẽ có những câu hỏi để trắc nghiệm ứng viên có thực sự hiểu biết những giá trị của Úc, rất nhiều khi khác với giá trị của nguyên quán ứng viên. Rồi nào là trắc nghiệm khả năng Anh ngữ, kiểm tra lý lịch, an ninh v.v…

Hết rồi cái thời công nhân ngoại quốc đến Úc làm việc và xin thường trú. Không còn nữa cái thời các chính phủ của hai đảng quảng cáo mời gọi người thường trú vào quốc tịch Úc. Đến lúc “thời thế phải thế thôi” vì quyền lợi của Úc trên hết.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1622 phát hành ngày 26.04.2017)