Tự do báo chí chỉ là giấc mơ của người VN

07 Tháng Sáu, 2017 | Bình Luận
(Image: Reuters/Kham/File Photo)

Một nhân vật cao cấp hàng đầu của  một đảng độc tài và đứng đầu thành phố lớn nhất của một nước bị cách chức qua một phiên họp của trung ương đảng. Đinh La Thăng bị tước tư cách Ủy viên Bộ chính trị (cơ cấu điều khiển đảng CSVN và điều hành cả nước) và ngay sau đó bị tước luôn chức Bí thư Thành ủy Thành phố HCM. Lý do: sai phạm nghiêm trọng trong thời gian lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào cuối thập niên 2000.

Cho đến khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị cho về vườn, bảy trăm tờ báo trong nước đã chẳng có bài nào viết về sự lạm quyền và tham nhũng của Đinh La Thăng và Nguyễn Tấn Dũng. Phải chăng vì truyền thông Việt Nam sợ Nguyễn Tấn Dũng, hay  tham nhũng là điều tự nhiên trong một đất nước được lãnh đạo bởi một đảng duy nhất và độc tài? Có lẽ đúng cả hai.

Nhưng khi Nguyễn Tấn Dũng đã mất gần hết quyền lực, thì phe Nguyễn Phú Trọng mới bắt đầu ra tay, cho một vài tờ báo bắt đầu kê ra những   cái gọi là  sai  phạm của Đinh La Thăng. Nhưng báo chí ở Việt Nam, vốn làm theo chỉ thị của đảng CSVN, cũng đã chẳng đào sâu vào   đường dây tham nhũng ở công ty dầu khí, trưng bày ra  số  tiền bạc tham nhũng và những người liên hệ của một hệ thống tham nhũng chằng chịt. Bởi nếu không tham nhũng thì làm sao các quan chức cao cấp trong đảng và chính phủ có thể sống phè phỡn, xa hoa, con cái du học ngoại quốc trong khi lương của chủ tịch nước hay thủ tướng chỉ gần bằng tiền trợ cấp cho một người thất nghiệp ở Úc?

Với thông tin ít ỏi của những vụ tham nhũng kinh khủng kể từ ngày đảng CSVN mở cửa làm ăn với nước ngoài, người dân trong nước ắt hẳn mơ ước làm sao Việt Nam có được  một chút tự do báo chí và ngôn luận như các nước tây phương khi hàng ngày họ đọc tin trên mạng về những gì đang xảy ra ở bên ngoài nước Việt Nam.

Chẳng hạn, vụ Đức Hồng Y George Pell, một bộ trưởng của Tòa  thánh Vatican bị cáo buộc về những chuyện quấy nhiễu hay lạm dụng tình dục xảy ra cách đây hơn bốn mươi năm.

Đức Hồng y George Pell. (Photo courtesy: Reuters)

Trước khi sang La Mã để nắm bộ tài chánh của Vatican, Đức Hồng y Pell là chức sắc cao cấp nhất của Giáo hội Công  giáo Úc, một người  rất được sự kính trọng của công chúng Úc bởi vì những đóng góp của hồng y cho giáo hội và xã hội trong đó có việc tiên phong lập ra một cơ quan để hàn gắn vết thương của những nạn nhân bị các tu sĩ Công giáo lạm dụng tình dục.

Nhưng rồi Đức Hồng y Pell lại trở thành “nạn nhân” khi bị tố cáo đã không làm đúng bổn phận hay bao che các tu sĩ lạm dụng tình dục trong thời gian làm giám mục Giáo phận Ballarat. Một vài năm gần đây, Hồng y Pell bị tố cáo lạm dụng tình dục mấy thiếu niên khi tắm trong hồ bơi thời còn làm linh mục. Chuyện xảy ra quá lâu, cáo buộc khó chứng minh và vị hồng y trước sau đều bác bỏ những cáo buộc của những người đàn ông này.  Song song với việc điều tra của cảnh sát, báo chí tiếp tục đưa tin và bình luận  rất bất lợi cho vị hồng y này.

Bởi vậy người ta mới nói Đức Hồng y Bell đang bị xử án bởi truyền thông. Khai thác sự kiện và bình luận có thể ảnh hưởng đến phiên xử chính thức trước tòa, nếu có. Tuy  nhiên, chính sự tự do của báo chí đã làm cho xã hội được trong sạch hơn, giới lãnh đạo tôn giáo, những người  cầm quyền trong chính phủ phải hành xử trong sáng, bằng không thì sẽ lãnh hậu quả.

Mấy ai nghĩ rằng một vị tổng thống tài ba và quyền uy của Hoa Kỳ có thể  bị đàn hặc? Vậy mà Tổng thống Richard Nixon đã phải từ chức vì vụ nghe lén do hai nhà báo Mỹ phanh phui. Tổng thống trẻ trung đẹp trai Bill Clinton cũng suýt bị đàn hặc vì vụ nói dối khi có quan  hệ bất chánh với cô tập sự viên tại Tòa Bạch Ốc. Và biết đâu, như một số người “mơ ước”, Tổng thống Donald Trump cũng có thể bị quốc hội đàn hặc vì những thông tin do báo chí xì ra liên quan đến Nga và vụ sa thải giám đốc FBI?

Tại Úc, cũng không thiếu các bộ trưởng phải đi tù do báo chí khui ra những vụ tham nhũng của họ. Ở Việt Nam, chưa có ủy viên Trung ương hay Bộ Chính trị đi tù vì tham nhũng nhưng đã có nhà báo đi tù vì viết về tham nhũng. Phải có tự do báo chí thì mới có dân chủ.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1626 phát hành ngày 24.05.2017)