Tự do: từ chia rẽ đến tìm “căn cước” đảng

02 Tháng Tám, 2017 | Bình Luận
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Photo: Reuters)

Trong lịch sử nước Úc, hai vị  thủ tướng cầm quyền lâu nhất là Sir Robert Menzies và John Howard. Người trước làm 18 năm (1939-41 và 1949-66) và người sau 11 năm (1966-2007). Cả hai đều thuộc đảng Tự do. Không những ngồi ghế thủ tướng lâu, cả hai ông đều là những vị thủ tướng để lại dấu ấn trong lịch sử Úc qua vai trò của những  nhà lãnh đạo thành tựu.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Menzies là thủ lãnh đảng United Australia Party, một đảng bảo thủ đúng nghĩa. Đảng này bị giải tán vào năm 1945 sau khi ông Menzies thành lập đảng Liberal Party (Đảng Tự do) vào năm 1944 và được bầu làm thủ lãnh Đảng Tự do vào năm 1945 để rồi sau đó làm thủ tướng lần thứ hai trong vòng 16 năm liên tiếp. Ông Howard, coi ông Menzies là thần tượng nên đã nhiều lần nhắc đến người sáng lập đảng khi nói về đường lối cầm quyền và chính sách của mình.

Người Việt qua Úc tị nạn sau năm 1975 chắc đã nghe và nhận thấy ông Howard là một trong những vị thủ tướng bảo thủ nhất của Đảng Tự do kể từ ông Malcolm Fraser đến ông Malcolm Turnbull hiện nay. Ông Fraser chỉ trở thành cấp tiến, đi ngược lại chủ trương của đảng sau khi rời chính trường và sau đó rời bỏ  đảng.

Ông Tony Abbott, coi ông Howard như người thầy (mentor)  được xem là một thủ tướng bảo thủ nhưng cầm quyền không tới một nhiệm kỳ thì đã bị một người được xem là người cấp tiến, trung dung (l= Liberal viết thường, small l) lật đổ. Nhưng vì vẫn “hy sinh” ở lại chính trường nên hiện giờ là một cái gai nhọn bên hông ông Turnbull. Một số người đề nghị ông   Turnbull hãy cho ông Abbott một cái ghế bộ trưởng (như ông Abbott đã cho ông Turnbull sau khi ông Turnbull mất chức thủ lãnh) nhưng ông thủ tướng nhất định nói không.

Thủ tướng Úc được Nữ hoàng Elizabeth đón ở Cung điện Buckingham, London hôm 11.7.2017. Photo Courtesy: Reuters

Mặc dầu ngồi ghế sau với “nhiệm vụ” gật đầu, bỏ phiếu theo lệnh đảng nhưng gần đây ông Abbott đi đây đó thuyết trình, tuyên bố như một bộ trưởng nội các. Thay vì ủng hộ thủ lãnh, ông Abbott chỉ trích ông thủ tướng từ vấn đề di trú, biên giới, an ninh cho đến giáo dục, năng lượng, khí hậu. Sự  chia rẽ trong nội bộ Đảng Tự do ngày càng gia tăng nhất là sau khi Thượng nghị sĩ Cory Bernadi bỏ Đảng Tự do thành lập đảng mới, Australian Conservatives (Đảng Bảo thủ Úc). Phe bảo thủ trong đảng cho rằng ông Turnbull đã đi xa chủ trương của Tự do, một đảng bảo thủ.

Bản thân ông Turnbull là một đảng viên Tự do trung dung, nhưng tùy chủ kiến và chính sách mà bị gọi là trung tả hay tả. Để chống lại ông Abbott và những người bảo thủ trong đảng liên tục chỉ trích mình,  Thủ tướng Turnbull đã chọn diễn đàn chính trị Policy Exchange tại London nơi ông được trao giải thưởng Disraeli do duy trì được chính sách di trú không phân biệt đồng thời nhấn mạnh sự hội nhập, để tấn công phe Abbott.

Ông Turnbull nói Đảng Tự do không phải là một đảng bảo thủ như người ta nghĩ, mà là một đảng ở trung tâm. Thủ tướng nói ông Menzies đã phải khổ tâm suy nghĩ đắn đo khi thành lập đảng mới và đặt cho cái tên Tự do để duy trì cái phong cách ở giữa khi cầm quyền. Chính người sáng lập đảng đã giải thích rằng Liberal Party có nghĩa là một đảng cấp tiến (progressive), hoàn toàn không có nghĩa phản động (reactionary) tin tưởng vào thực nghiệm, chủ nghĩa cá nhân, quyền của họ và tự do kinh doanh và loại bỏ phương thuốc trị bá bệnh của chủ nghĩa  xã hội.

Phát biểu của ông Turnbull trong chuyến công du Anh quốc lần đầu tiên trong vai trò thủ tướng được những bộ trưởng nội các và các đồng chí cùng phe hoan nghênh nhưng phe bảo thủ trong đảng chỉ trích mạnh mẽ. Cựu Thủ hiến Tự do Jeff Kennett cho rằng ông Turnbull  chọn diễn đàn ngoại quốc để nói chuyện nội bộ nước mình là không thích hợp, nhất là khi đảng đã đi xa những giá trị cơ bản của Đảng Tự do như tăng thuế đối với các ngân hàng, loại bỏ những nhượng bộ đối với hệ thống hưu trí.

Người ta lo ngại rằng mai đây sẽ không còn hệ thống hai đảng cầm quyền như hiện nay nếu Tự do thật sự là đảng trung tâm vì sự lớn mạnh của hai đảng bảo thủ chính hiệu là Australian Conservatives và One Nation. Hai đảng này đang lấy dần phiếu của Tự do.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1634 phát hành ngày 19.07.2017)