Hỏi và giải đáp 344: Mùa cưới tới rồi!

04 Tháng Hai, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL nhận được thư của nữ độc giả V, viết về ‘mùa cưới’ và tiệc đính hôn. Thiết nghĩ đây cũng là tâm tư, suy nghĩ của nhiều độc giả khác đang trong tuổi dựng vợ gả chồng cho con, nên TL xin đăng nguyên văn, và nếu cần, các vị khác có thể góp thêm ý kiến.

* * *

Cô Thanh Lan quý mến,

Cách đây ít lâu, đọc bài “Người lớn ham vui” viết về việc tổ chức cưới hỏi, tôi đã muốn góp ý kiến, nhưng lại ngần ngại, nay việc ấy lại xảy ra trong gia quyến, trục trặc đủ thứ nhưng rồi cũng xong. Tôi xin viết ra để chúng ta cùng san sẻ kinh nghiệm.

Trước hết là việc bên đàng gái muốn làm đám hỏi rình rang. Cháu trai của tôi (A) và người yêu (B) không muốn một chút nào nhưng gia đình B đòi hỏi phải tổ chức, và tổ chức ở nhà hàng! Nghĩa là cũng đủ mục: book nhà hàng, chọn thực đơn, book ban nhạc, in thiệp mời, phúc đáp, sắp bàn… y như một tiệc cưới; và lẽ dĩ nhiên, một số khách được mời cảm thấy “nhột” sẽ tự động “đi” bì thư!

Ông anh của tôi (ba cháu A) dứt khoát không chịu. Ảnh nói muốn làm thì làm ở nhà, chi phí bao nhiêu ảnh trả hết, nhẫn mấy ly cũng mua, còn nếu gia đình B muốn làm nhà hàng, thì cứ việc tự nhiên, vợ chồng ảnh sẽ vui vẻ tới dự, NHƯNG sẽ không mời bất cứ một người khách nào, ngoài thân nhân ruột thịt. Bởi vì anh tôi không muốn dính dáng vào việc mà ảnh gọi là “trưởng giả học làm sang – phú quý sinh lễ nghĩa”.

Lúc đầu, gia đình B rất tức giận, cho rằng ông anh của tôi không coi trọng đàng gái, muốn “bắt” con gái người ta là bắt!

Nhưng anh tôi vẫn cương quyết giữ lập trường. Kết quả, bên gia đình B bỏ dự tính làm đám hỏi, không nhà hàng mà cũng không ở nhà (nghĩa là họ “dỗi” đấy). Nói thật, nếu chuyện này xảy ra ở VN trước đây, chắc chắn đã xảy ra việc chia uyên rẽ thúy, nhưng ở Úc này thì gia đình B không có khả năng làm việc ấy.

Suy ra, việc trai gái ở xã hội tây phương được tự do tìm hiểu nhau, yêu nhau cũng có cái lợi là không bị gia đình chi phối tới quyết định trăm năm của đôi lứa.

Trở lại với chuyện gia đình anh tôi, khi chuẩn bị đám cưới thì gia đình đàng gái lại đưa ra thật nhiều yêu sách. Ông anh của tôi lập luận: người ta có công sinh thành dưỡng dục con gái, tuy ngày nay  không còn cảnh làm dâu (vì đôi trẻ có nhà riêng) thì mình cũng phải có tình có lý. Vì thế, ảnh vui vẻ để cho đàng gái phối hợp với hai cháu quyết định hết mọi chuyện, từ A tới Z, muốn chọn ngày lành tháng tốt thì cứ việc, muốn mời ai, mời bao nhiêu cũng được, ảnh chỉ dành toàn quyền nắm chương trình tiệc cưới.

Kết quả là một đám cưới “đại yến” với gần 400 tân khách, nhưng tổ chức đâu ra đó: khai tiệc gần đúng giờ ghi trong thiệp (thời buổi này, “gần đúng giờ” là quý lắm rồi!), các nhân vật quan trọng, nếu muốn, đều được dịp “show off” một cách hợp tình hợp lý, khách đông mà không khí rất ấm cúng, thân mật…

Sau đó, gia đình B thay đổi thái độ hoàn toàn. Chính ba của B đã phải thú nhận với anh tôi là chưa thấy đám cưới nào đông mà được suông sẻ, tốt đẹp như thế.

Theo suy nghĩ của tôi, thiện chí của anh tôi, cũng như niềm vui của khách khứa chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều, nếu như trước kia đàng gái đã tổ chức đám hỏi linh đình ở nhà hàng.

Nhưng nhìn vào thực tế trong cộng đồng mình, tôi thấy hiện nay hình như phong trào tổ chức đính hôn ở nhà hàng này càng phổ biến. Việc tổ chức này đa số là do người lớn bày vẽ. Điều không ổn đáng nói nhất là làm phiền những người được mời – mà khổ chủ nói là “bị” mời.

Không nói tới chuyện quà cáp hoặc bì thư, mà chỉ nói tới chuyện thời giờ cũng đủ thấy mệt. Người ta có quý mình thì mới mời, chẳng lẽ từ chối, mà đi thì một năm tệ nhất cũng 4, 5 cái đám cưới, nay thêm đám hỏi nữa thì chắc chết!

Cho nên tôi xin nhắc lại ý kiến của một bà chị đã nêu ra trên trang báo này vào năm ngoái, là không nên tổ chức những “đại tiệc đính hôn” tại nhà hàng – nhiều khi linh đình gấp mấy lần tiệc cưới của nhà nghèo. Vừa tốn kém, vừa bị chê cười, và than phiền sau lưng nhiều hơn là được khen tụng.

Dĩ nhiên, sống trong một xã hội tự do, mọi người có quyền muốn làm gì thì làm, nhưng tôi tin rằng rất nhiều đồng hương Việt Nam – ít nhất cũng là những người tôi quen biết, đều đồng ý với tôi, nhưng không dám nói ra sợ mích lòng, cho nên những người tổ chức cứ tưởng mình “thành công đại thành công”!

Rất mong ý kiến của tôi không làm phật lòng những đồng hương đã, đang và sẽ tổ chức tiệc đính hôn linh đình. Bởi vì tôi không dám chỉ trích, mà chỉ nói những gì nên và không nên một cách chung chung.

V.