Hỏi và giải đáp 347: Một kinh nghiệm đau lòng! (2)

11 Tháng Hai, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Số trước, TL đã đăng nguyên văn lá thư của cháu X, một người từng về VN lấy vợ và hiện đang đau khổ về những hệ lụy của việc ấy, hôm nay TL xin được góp ý kiến với cháu.

* * *

Cháu X thân mến,

Nói về mức độ, có lẽ trên đời này khó có người nào đau khổ hơn cháu hiện nay: vợ phản bội, gia đình xua đuổi… Tuy nhiên, bởi vì không ai trong chúng ta có thể sống lại thời gian đã sống qua (turn back time) thì tốt hơn hết là đừng nhớ tới những việc đã qua; trong trường hợp không thể nào quên được thì đừng tự dày vò mình, đừng than thân trách phận, và cũng đừng hận thù người đàn bà đã gây ra tan nát cho cuộc đời mình. Bởi vì mình càng cố nhớ, càng hận thù thì càng đau khổ.

Trước hết, nói về sai lầm của cháu trong việc tiến tới với cô gái ấy (tạm gọi là A). Gia đình cháu và người ngoài có thể cho là không xứng hợp, thậm chí ngay lúc ấy họ có thể đã nhận ra bản chất và ý đồ của A. Gia đình và những người này có thể chê cháu mù quáng, nhưng trên thực tế, khi đang yêu, không ai trong chúng ta nghĩ rằng mình mù quáng.

Thành thử, hai chữ mù quáng nghe không mấy êm tai ấy lại chính là cái ‘đẹp’ trong tình yêu: yêu không tính toán, so đo, ngần ngại.

Trên đời, luôn luôn có những mối tình mà mọi người nhìn vào sẽ cho là lý tưởng, hoặc bình thường (tạm được) và những mối tình không bình thường một chút nào cả. Tuy nhiên, không phải cứ lý tưởng thì sẽ vĩnh viễn, và không bình thường thì sẽ tan vỡ, mà còn tùy từng trường hợp.

Vì lý do ấy, cho dù hiện nay cháu đã biết mình lầm, tức là sự phản đối của gia đình cháu trước đây là đúng, thì cháu cũng không nên mang mặc cảm tội lỗi (nhất là cho rằng vì buồn mà Mẹ mất sớm).

Nhưng cũng đừng oán trách trời đất, mà trong trường hợp cháu là người Công giáo, là than thở ‘sao Chúa phạt con vác Thánh giá nặng quá…’.

Dù là người có tín ngưỡng hay người vô thần, không ai trong chúng ta có thể giải thích: tại sao người này ở hiền mà không gặp lành, người kia ở ác mà phú quý giàu sang, còn trong tình cảm thì người này hạnh phúc trọn vẹn, người kia trăm nghìn đắng cay?!

Mà một khi đã không thể giải thích được thì càng tìm hiểu càng đi vào ngõ bí, càng oán trách trời đất thì càng thấy mình bất hạnh! Cho nên, thực tế và gần đây cả các nhà khoa học đã chứng minh, khi bị đau khổ những người có tín ngưỡng dê tìm được nguồn an ủi hơn là những người không tin vào một đấng thiêng liêng nào cả. Một đệ tử Phật, một khi tin vào luân hồi, hiểu được ‘sắc sắc không không’, nhận ra đời là bể khổ thì sẽ thấy cuộc sống của mình ‘từ huề tới lời’; và một con chiên Chúa nếu hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ thì sẽ trao phó cuộc đời mình cho sự quan phòng của Chúa, và chấp nhận mọi thử thách.

Cô không triết lý vụn, mà kinh nghiệm sống hơn nửa đời người đã đem lại cho cô nhận thức ấy.

Kế tới là việc chia gia tài. Đây là lĩnh vực luật pháp, cô hoàn toàn mù tịt. Tuy nhiên, cho dù luật gia đình ở Úc có bênh vực người vợ tới mức nào, thiết nghĩ cũng phải dựa trên một căn bản hợp lý nào đó. Cô không nghĩ cháu sẽ phải chia gia tài cho một người vợ như A, và phải cấp dưỡng cho những đứa con không phải của mình, cho dù cháu có chấp nhận cho chúng mang surmane của cháu.

Cháu nên dò hỏi người quen, Úc cũng như Việt, để tìm một vị luật sư chuyên về luật gia đình để nhờ đại diện trong vụ ly dị với A.

Cuối cùng, về thái độ của gia đình cháu, cô cầu mong tới một ngày nào đó, Ba cháu sẽ bớt giận, và các anh chị em sẽ nghĩ lại. Nếu Ba cháu và anh chị em cháu là người Công giáo thật sự tin vào những lời dạy của Chúa, thì phải biết dụ ngôn ‘Người con hoang đàng’ để tha thứ cho cháu.

Nếu sau khi ly dị A xong xuôi, cháu tìm được một người bạn gái khác để làm lại cuộc đời, xây dựng một gia đình hạnh phúc, thì chắc chắn tới lúc ấy, Ba cháu và anh chị em sẽ quên chuyện cũ.

Chúc cháu sáng suốt và can đảm. Nên nhớ, đường đời của cháu còn tới 2/3 lận!

Thanh Lan