Hỏi và giải đáp 351: Một kinh nghiệm đau lòng (5)

20 Tháng Hai, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Cách đây mấy tuần, TL đã đăng thư của hai độc giả, một nam một nữ về đề tài lấy vợ VN, và lá thư có phần gay gắt của nữ độc giả KG đã khiến ít nhất là một người cùng phái bất bình, đó là nữ độc giả NT ở NSW. Cũng trong tinh thần dân chủ và thể hiện sự vô tư, TL bắt buộc phải cho đăng nguyên văn lá thư này.

* * *

“Một kinh nghiệm đau lòng” (3)

(Thư cháu KG)

* * *

… Giống như cô KG, tôi cũng đọc mục ‘Hỏi và giải đáp’ với tựa đề “Một kinh nghiệm đau lòng”. Tôi cũng buồn, cũng giận nhưng không bức xúc như cô KG.

Buồn vì tình người, giận vì tình đời. Những điểm mà cô KG cho là vô lý trong lá thư của “nạn nhân” thực ra không vô lý, bởi vì mỗi con người là “một sinh vật khó hiểu”. Nếu tất cả mọi chàng trai đều chọn một cô gái môn đăng hộ đối, xứng đôi vừa lứa, trình độ thích hợp… thì đã không xảy ra bất đồng ý kiến, thậm chí chống đối, không nhìn mặt giữa cha mẹ và con trai.

Chính vì nạn nhân là một chàng trai mới 35 tuổi, trình độ đại học, job thơm, có cơ hội lấy vợ trẻ, đẹp, học thức ở Úc, mà lại về VN lấy một thiếu phụ đã qua một đời chồng, đã có mấy đứa con… con người của chàng ta mới đáng quý.

Việc cô KG nói rằng chỉ có những người “đã qua một đời vợ, hoặc có một khiếm khuyết gì đó…” mới về VN lấy một người vợ như vậy, vô tình đã cho tình yêu và hôn nhân chỉ là những sự mặc cả, trao  đổi giữa hai người nam nữ!

Có lẽ cô KG còn ít tuổi, nên mới “không tin trên đời lại có đàn bà quá quắt như vậy mà người chồng lại nhu nhược như vậy”. Những gì tôi sắp viết ra đây, xin các chị em, các cháu gái VN lấy chồng Việt kiều nên đọc cho kỹ, chứ đừng chỉ lướt qua để rồi lên án tôi có thành kiến.

Việc lấy chồng nước ngoài, cùng hay khác chủng tộc, tất cả chỉ do hoàn cảnh, thời thế. Trong mấy chục năm gần đây, có rất nhiều phụ nữ Á đông lấy chồng Úc (da trắng) thông qua các văn phòng giới thiệu hôn nhân, vì những nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan: quê hương của họ nghèo khổ, đàn ông con trai xứ họ chỉ lo ăn chơi hưởng thụ, đối xử với vợ như  đầy tớ, trong khi đám đàn ông Úc, đa số đã qua một lần đổ vỡ ê chề, hoặc có điều kiện tài chánh, muốn lấy một cô vợ Á đông còn trẻ, và có truyền thống phu xướng phụ tùy.

Dĩ nhiên, các cuộc hôn nhân thông qua văn phòng giới thiệu hôn nhân thì không thể thơ mộng như Love Story, Romeo & Juliet, nhưng không phải là không hạnh phúc; còn việc ông chồng già chết sớm, bà vợ còn xuân hưởng hết gia tài, bước thêm bước nữa, hoặc cặp với toyboy, là việc ông ta đã biết trước và chấp nhận.

Một số không ít – tôi không dám nói là đa số – các cô gái VN hiện nay cũng thế thôi. Tuy nhiên, nếu chỉ thu hẹp trong trường hợp đàn ông con trai Việt hải ngoại lấy gái trong nước, thì có nhiều điều kiện hơn trong việc tìm hiểu tính tình, thân thế của người vợ tương lai.

Nhưng nói gì thì nói, bên cạnh những cuộc hôn nhân của đám trẻ, thường do gia đình, bạn bè giới thiệu, có thì giờ tìm hiểu nhau, yêu nhau thơ mộng như bất cứ đôi uyên ương nào khác, đã có những cuộc hôn nhân mang tính cách trao đổi đôi bên đều có lợi. Các cô có cơ hội tới Miền đất hứa, các ông có đối tượng để chọn trong trường hợp vợ sớm khuất núi, hay bị vợ bỏ, hoặc bỏ vợ.

Nói theo ngôn ngữ của dân cờ bạc thì các ông có sẵn “đường binh”, vì thế bớt sợ việc bị vợ bỏ, hoặc dễ dàng bỏ vợ hơn. Đây là một thực tế phũ phàng nhưng có thật 100%.

Cô KG viết:

“…Tôi không phải nói “thách thức” chứ có bao nhiêu người phụ nữ ở nước ngoài lên án các ông về VN cưới vợ. Nhất là các bà bị chồng ly dị và về VN cưới vợ trẻ, đẹp hơn (ở đời đã không ăn được thì thường phá cho hôi) các bà thậm chí căm thù, ghen ghét, tô vẽ ra đủ chuyện để bôi nhọ thanh danh của các cô gái VN…”

Qua đoạn này, chính cô đã nhìn nhận thực tế đàn ông con trai về VN lấy vợ trẻ một cách khá dễ dàng. Tại sao lại dễ dàng, hỏi là đã trả lời!

Còn việc cô chứng kiến “rất nhiều cảnh các ông chồng sau khi ly dị về VN cưới vợ trẻ, vẫn sinh đẻ 2, 3 thậm chí 4 đứa con và cuộc sống gia đình nhìn chung là ổn, không xảy ra ly dị lần thứ hai” cũng có gì là khó hiểu đâu: các ông này lấy được vợ trẻ là cưng hết mình, cô vợ là người có lương tâm và tư cách, đã cố gắng yêu thương, đem lại hạnh phúc cho người đã đem mình sang Úc.

Riêng về những gì mà cô KG gọi là “kinh nghiệm bản thân”, tôi không dám có ý kiến. Nhưng nếu quả thực, cô có “những người bạn được chồng bảo lãnh qua Úc, đều phải nai lưng ra đi làm những công việc vô cùng vất vả, bị chủ sỉ nhục, bị gia đình chồng coi rẻ, nói xấu, để ý xoi mói vì họ luôn nghĩ rằng những người này dụ dỗ con cháu của họ để lợi dụng, bòn rút…” thì tôi thành thật khuyên họ như sau: nếu đã đủ thời gian chung sống theo luật định, ly dị phứt đi cho xong!

Cuối cùng, tôi thành thật xin lỗi tất cả độc giả vì những lời lẽ hơi thẳng thừng của tôi, không ngoài mục đích cân bằng những ý kiến của cô KG.

NT