Cửa sau… rồi cửa trước: vậy mà không phải vậy

04 Tháng Tư, 2018 | Bình Luận
Thủ tướng Úc và Thủ tướng Việt Nam tại Sydney. Photo courtesy: Reuters

Một nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được chào đón bằng 19 phát đại bác, được đi duyệt hàng quân danh dự trước tiền đình quốc hội và dĩ nhiên được đi vào quốc hội bằng… cửa trước. Đó là một bước tiến đánh dấu 45 năm hai nước có quan hệ ngoại giao.

Khác với chuyện đã xảy ra mấy chục năm về trước còn đậm trong  trí nhớ của người Việt khi Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Tổng Bí Thư Đỗ Mười v.v… sang Canberra đã phải đi cửa sau (mà nhiều người kể cả người Úc ủng hộ người tị nạn miệt thị gọi bằng tiếng Việt là đi vào hậu môn) để vào bên trong tòa nhà quốc hội, hay đến nơi mà không thông báo giờ giấc để tránh đoàn biểu tình hàng ngàn người chận đường, đả đảo, ném cà chua.

Nhục nhã đi bằng cửa  sau là chuyện của quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chuyến đi Úc của Nguyễn Xuân Phúc không bị cộng đồng tị nạn cộng sản ở các nơi kéo về Sydney dàn chào như người ta có thể thấy qua bản tin đài truyền hình SBS lúc 6.30pm chiều Thứ Bảy 17/3).

Sau chuyến Úc du của Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2015, chuyến đi lần này của Nguyễn Xuân Phúc sở dĩ có tầm quan trọng và đã được tiếp đón “trọng thị” bởi vì nó nằm trong chiến lược an ninh kinh tế và quốc phòng của Úc mà Việt Nam, vì vị trí địa chính trị, có một vai trò đáng kể trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng.

Trong nhiều tháng qua, quan hệ giữa Úc và Trung Cộng có phần căng thẳng với những lời đe dọa từ Bắc Kinh rằng nếu Canberra cứ theo Mỹ chống Tàu thì sẽ bị trừng phạt bằng cách giảm nhập cảng và   giảm đưa du học sinh sang Úc. Trước viễn ảnh đó, các chiến lược gia Úc cho rằng phải tránh quá lệ thuộc với Trung Cộng bằng cách mở rộng mậu dịch với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi khối 10 nước này tuy dân số không bằng Trung Quốc nhưng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Úc với mậu dịch $100 tỉ năm ngoái (Úc là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam và VN là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Úc). 10 quốc gia này quan tâm về trao đổi mậu dịch hơn là  an ninh quốc phòng và nhiều lúc không thống nhất với nhau, đặc biệt là trong hồ sơ Biển Đông hai nước Cam Bốt và Lào không chịu lên án Trung Cộng vì nhận nhiều viện trợ của Bắc Kinh.

Bởi vậy lần đầu tiên Úc tổ chức cho các nhà lãnh đạo ASEAN họp tại Sydney với hy vọng tạo được một   sự liên hệ mật thiết với khối này để  đối trọng với Trung Quốc. Theo báo The Australian, các nhà bình luận cho rằng việc Úc và Việt Nam ký thỏa thuận để bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước gặp nhau mỗi năm một lần là do Hà Nội muốn tạo sự cân bằng với Trung Cộng bởi trong ngày đầu tiên đến Úc, Nguyễn Xuân Phúc nói ông lo ngại sự căng thẳng trong vùng đang  gia tăng vì “Á Châu Thái bình dương tuy không có xung đột nhưng bất ổn”.

Trước phiên họp của ASEAN, thủ tướng Úc và Việt Nam chính thức ký hiệp định đối tác chiến lược, mở đầu  cho một chương mới giữa hai nước. Nhưng điều này chưa hẳn Việt Nam sẽ là người bạn của Úc bởi vì thể chế chính trị quá khác biệt (độc tài đối chọi dân chủ) đôi khi sẽ tạo xung đột như đã từng xảy ra với Trung Cộng. Nguyễn Xuân Phúc chưa được tiếp đón “trọng thị” bằng Tập Cận Bình vì chủ tịch Trung Cộng được đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Úc vào năm 2014, là một vinh dự hiếm có dành cho các lãnh đạo ngoại quốc. Thế nhưng vì thể chế độc tài, những trò ma mánh của người cộng sản cũng đã làm tình hữu nghị Úc-Tàu lỏng lẻo.

Đó là cái gương cho Việt Cộng. Còn chuyện Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính phủ Úc “tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng người VN tại Australia ổn định cuộc sống, hòa nhập và đóng góp cho sở tại và quan hệ hai nước; phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh trong cộng đồng” chứng tỏ ông thủ tướng “cờ-mờ-lờ-vờ… ma-zê in Vietnam” chẳng biết mô tê về một cộng đồng chỉ muốn chế độ cộng sản tại VN bị sụp đổ như ở Đông Âu.

Sau hết, chuyện ông cựu chủ tịch CĐNVTD-Vic Trần Bá Phúc xum xoe “hứa với thủ tướng vận động kiều bào sát cánh với đất nước” và nổ như lựu đạn “một ngày không xa cả cộng đồng trên 300,000 người đến đón thủ tướng” là chuyện… Bá Láp! Hai ông Phúc: Rõ cá mè một lứa!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1669 phát hành ngày 21.03.2018)